CHƯƠNG 2: ĐÔNG NAM Á TRONG CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA
2.2. Tầm quan trọng của Đông Nam Á đối với Trung Quốc và Ấn Độ
Với diện tích lớn, dân số đông, vị trí trung tâm, tiềm lực kinh tế mạnh, Trung Quốc đang trỗi dậy và trở thành quốc gia có vai trò bản lề trong các công việc ở châu Á. Trung Quốc là quốc gia láng giềng gần gũi, thân cận và lâu đời nhất đối với khu vực Đông Nam Á.
Trung Quốc luôn tìm cách phát huy ảnh hưởng của mình xuống khu vực này vì đây là lối đi dễ nhất để vươn ra Thái Bình Dương. Có thể nói, với vị thế một láng giềng sát kề Trung Quốc, giàu có về tài nguyên cũng như nắm vị trí địa chiến lược trên tuyến đường hàng hải trọng yếu của quốc tế, Đông Nam Á trở thành “cửa ngõ” phương Nam của Trung Quốc.
Tiến về phía Tây và phía Nam dường như đã trở thành mục tiêu lịch sử của “thiên triều”.
Ngày nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục công việc “lịch sử giao phó” vì những nhu cầu của một cường quốc đang lên và bởi quốc gia này luôn “cảm thấy bị bao vây”. Phía Đông của Trung Quốc đang tồn tại khối đồng minh chiến lược Mỹ - Nhật - Hàn khá vững chắc. Khối liên minh này không ngừng được củng cố. Những vật cản này làm cho Trung Quốc gặp khó khăn lớn thông qua phía Đông để vươn ra vùng nước sâu của Thái Bình Dương, trở thành cường quốc biển. Phía Tây Nam của Trung Quốc giáp Ấn Độ và Myanmar. Trong khi Ấn Độ đang trỗi dậy, cố gắng vươn lên thành cường quốc biển, và Mỹ đang tìm cách cải thiện, mở rộng quan hệ với hai nước này, nên con đường đi qua phía Tây Nam, mở rộng quyền lực biển ở Ấn Độ Dương của Trung Quốc là khá hẹp. Còn phía Đông Nam của Trung Quốc có thể là nơi thuận lợi nhất cho nước này thực hiện mục tiêu tiến ra các đại dương vì các nước Đông Nam Á có yêu sách đòi chủ quyền lãnh hải ở biển Đông đều là nước nhỏ với tiềm lực hải quân hạn chế và những “nước lớn” cũng đã phần nào giảm bớt ảnh hưởng đối với khu vực này. Như vậy, ở chừng mực nhất định, Đông Nam Á nói chung, khu vực biển Đông nói riêng trong hai thập niên qua dường như có một “khoảng trống quyền lực”. Điều này có thể tạo điều kiện dễ dàng hơn cho Trung Quốc triển khai lực lượng hải quân xuống khu vực biển Đông đang tranh chấp, nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược của họ. “Đối với Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á/ASEAN cả trong lịch sử cũng như hiện tại là khu vực có ý nghĩa chiến lược cao đối với an ninh và phát triển của mình, là nhịp cầu lý tưởng để nước này tham dự vào hoạt động chính trị quốc tế ở Đông Á, trong đó có việc tạo dựng vị thế nổi trội ở khu vực này” [27, tr. 15]. Để thực hiện mục tiêu to lớn đó, tham vọng của Trung Quốc là kiểm soát, khống chế biển Đông, xâm nhập sâu vào Đông Nam Á, thách thức vai trò của các cường quốc ở châu Á.
Như vậy, trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc luôn nhắm tới việc “chiếm đoạt”
cho được vùng biển Đông. Mọi động thái của Trung Quốc đối với vùng biển Đông như một cơn sóng mạnh không chỉ ảnh hưởng đến bản thân Trung Quốc, các nước có chủ quyền ở biển Đông mà còn khiến các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ đều tập trung chú ý vào khu vực này và tìm biện pháp đối phó, ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc.
Tầm quan trọng của biển Đông là hết sức to lớn đối với Trung Quốc, nhất là khi nước này đã trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới, đang trên đà phát triển mạnh. Không phải ngẫu nhiên mà các học giả Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng, biển Đông là “trục hai đại dương, là hòn đá tảng về sức mạnh biển, là đồng tiền sinh mệnh trên biển của Trung Quốc”. Trong lịch sử, người Trung Quốc từng cho rằng, Đông Nam Á, trong đó có biển Đông là khu vực ảnh hưởng truyền thống của họ và cũng là hướng thuận, làm ăn phát đạt.
Đối với Trung Quốc, biển Đông có tầm quan trọng sống còn bởi vì 80% dầu lửa nhập khẩu cùng phần lớn hàng hóa thông thương giữa Trung Quốc với châu Âu và Trung Đông đi qua đây. Người ta cũng dự tính trong tương lai, tuyến đường này sẽ đón nhận ngày càng tăng về số lượng những chuyến chuyên chở dầu lửa, trong đó, Trung Quốc sẽ chiếm hơn một nửa tổng số. Có thể nói, đây là con đường “huyết mạch chủ” của kinh tế khu vực nói chung và của Trung Quốc nói riêng.
Trung Quốc hiện đang là quốc gia có nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ chiếm 1/3 nhu cầu toàn thế giới. “Năm 2010, số lượng dầu thô quốc gia tỷ dân này tiêu thụ thực tế là 439 triệu tấn, tăng 13,1%. 55% trong số đó, tương đương 260 triệu tấn là Trung Quốc phải nhập khẩu”
[167]. Nhu cầu luôn tăng lên không ngừng song nguồn dự trữ xăng dầu chiến lược của nước này lại ở mức rất thấp lại còn bị phụ thuộc vào nguồn cung. Hiện nay, Trung Đông cung ứng khoảng 2,9 triệu thùng mỗi ngày, chiếm hơn một nửa lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc, trong đó, nguồn dầu Ả Rập chiếm xấp xỉ 1,1 triệu thùng mỗi ngày. Năm 2008, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành quốc gia nhập khẩu dầu mỏ Ả Rập lớn nhất thế giới. Đến năm 2007, Trung Quốc cũng bắt đầu nhập khẩu khí đốt sau hai thập kỉ tự túc. Vì thế, nếu Bắc Phi và Trung Đông có bất ổn sẽ khiến việc cung ứng dầu mỏ cho Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Trước nhu cầu trong nước tăng cao cùng những xung đột ở các nước xuất khẩu dầu mỏ là động lực mạnh mẽ khiến Trung Quốc sốt sắng đi tìm những nguồn cung ứng dầu mỏ khác. Cơn khát dầu khí phục vụ cho phát triển kinh tế đang trỗi dậy đã thúc đẩy quốc gia tỷ dân gây ảnh hưởng ra bên ngoài, nhắm đến những nơi có nguồn tài nguyên này. Biển Đông đáp ứng đầy đủ nhu cầu đó của Trung Quốc, lại có lợi thế “láng giềng”, vì vậy, việc
gia tăng ảnh hưởng lên biển Đông là yêu cầu tất yếu đối với người Trung Hoa. Cuối năm 2010, quốc gia này bắt đầu đưa ra kết quả thăm dò dầu khí ở biển Đông và rất lạc quan về kết quả ban đầu ấy. “Zhou Dadi, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu năng lượng thuộc Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc, cho biết: biển Hoa Đông và biển Đông là hai khu vực có tiềm năng về khai thác dầu khí biển sâu và sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc cung cấp và đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước” [175]. Điều đó thúc đẩy Trung Quốc “chiếm đoạt” biển Đông càng nhanh càng tốt.
Ngoài ra, chỉ cần kiểm soát các đường giao thông biển là Trung Quốc đã giáng một đòn chí tử đối với Nhật, Đài Loan và Nam Triều Tiên mà không cần có một hành động quân sự trực tiếp nào. Nếu Trung Quốc chiếm đóng vùng này, họ có thể tạo ảnh hưởng lớn đối với các nước chung quanh, và có thể tiến công xa hơn vào các biển thuộc Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương trong tương lai.
Đối với Trung Quốc, Đông Nam Á càng trở nên quan trọng và không thể thiếu cho việc thực hiện hàng loạt các chiến lược cả trước mắt là lâu dài. Đặc biệt, Chính phủ Trung Quốc coi đây là một mắt xích quan trọng cho chiến lược tiến xuống châu Đại Dương, nhằm đẩy lùi an ninh và vai trò của Mỹ sang phía bên kia bờ Thái Bình Dương, đồng thời là khu vực có ý nghĩa sống còn đối với chiến lược tăng cường vai trò quốc tế, gia tăng ảnh hưởng, phá vỡ thế bao vây, cô lập của Mỹ.
2.2.2. Tầm quan trọng của Đông Nam Á đối với Ấn Độ
Tương tự như Trung Quốc, Ấn Độ cũng là quốc gia có quan hệ lịch sử lâu đời với khu vực Đông Nam Á. Thời gian chính xác mà người Ấn Độ đặt chân đến Đông Nam Á cho đến nay vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Tuy nhiên, dựa vào những cứ liệu khoa học, các sử gia đã đưa ra những giả thiết về những chuyến đi đầu tiên của người Ấn Độ tới khu vực này. Sử gia Nicholas Tarling đã viết “các sử gia không biết chính xác là vào lúc nào những con thuyền Ấn Độ đầu tiên tới Đông Nam Á, nhưng nhiều người đã tin là vào khoảng thế kỷ thứ hai trước công nguyên”. Bước sang giai đoạn người phương Tây xâm nhập Ấn Độ và Đông Nam Á, một lượng lớn người Ấn Độ đã di cư sang Đông Nam Á. Trong số các nước Đông Nam Á, Myanmar, Malaysia và Singapore là những quốc gia có người Ấn chiếm số đông.
Những cuộc di cư lớn của người Ấn bắt đầu diễn ra từ đầu thế kỷ XIX. Từ khi Ấn Độ giành được độc lập, quan hệ giữa Ấn Độ và các nước Đông Nam Á diễn ra tương đối tốt đẹp trên các lĩnh vực, tuy nhiên, do thực hiện chủ trương không liên kết về chính trị và đóng của về
kinh tế nên quan hệ giữa Ấn Độ và Đông Nam Á vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của hai bên.
Bước vào thập niên 90, những diễn biến chính trị trên thế giới đã ảnh hưởng sâu sắc đến đất nước Ấn Độ. Cùng với đó, hậu quả của việc thực hiện nền kinh tế đóng của một thời gian dài đã khiến Ấn Độ bộc lộ những mặt yếu kém và có xu hướng tụt hậu so với các nền kinh tế của các nước đang phát triển khác. Từ tháng 6/1991, khi lên cầm quyền, Thủ tướng N. Rao đã tiến hành một cuộc cải cách và mở cửa kinh tế mạnh mẽ, sâu rộng và triệt để chưa từng thấy từ trước đến thời điểm đó. Để phục vụ cho công cuộc cải cách kinh tế thì ngoài việc đưa ra những chính sách ưu tiên để thu hút vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến của nước ngoài, Ấn Độ còn phải mau chóng hòa nhập vào nền kinh tế toàn cầu mà trước hết là phải tham gia vào các tổ chức kinh tế của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong khi đó, các nước ASEAN cũ, sau gần ba thập kỷ, đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhiều năm liền, vào đầu thập kỷ 90, đã nổi lên thành một tổ chức khu vực năng động và thành công nhất trong các nước thuộc khối thế giới thứ ba. Từ đầu thập kỷ 90, ASEAN đã kết nạp thêm các thành viên và có mối quan hệ đối thoại với nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới, trong khi Ấn Độ, một nước lớn ở châu Á vẫn bị đứng ngoài cuộc. ASEAN cũng có chân trong các tổ chức kinh tế khu vực quan trọng của châu Á – Thái Bình Dương như Diễn đàn kinh tế châu Á – Thái Bình Dương và có vai trò quan trọng trong Diễn đàn hợp tác kinh tế Á – Âu (ASEM). Vì vậy, muốn tham gia vào các tổ chức kinh tế trên, Ấn Độ phải tranh thủ được các nước thuộc khối ASEAN và tăng cường hợp tác với tổ chức này[33, tr. 242].
Ngoài ra, với dân số đông, nguồn tài nguyên phong phú đa dạng, vị trí địa lý thuận lợi, Đông Nam Á là một khu vực đầy tiềm năng mà Ấn Độ có thể khai thác để phục vụ cho công cuộc cải cách kinh tế. Một số nước phát triển như Singapore, Malaysia… có thể cung cấp nguồn vốn đầu tư và những kinh nghiệm quản lý cho Ấn Độ. Còn các nước thuộc khối Đông Dương, nhóm nước mà Ấn Độ đã có những mối quan hệ tốt đẹp từ thời Chiến tranh lạnh lại là một thị trường đầy tiềm năng để Ấn Độ có thể đầu tư và hợp tác.
Cùng với hai nhân tố trên, sự nổi lên của Trung Quốc cũng là một nhân tố được tính đến khiến cho Ấn Độ xích lại gần hơn với các nước Đông Nam Á.
Trong những năm gần đây, vấn đề biển Đông cũng là vấn đề quan trọng thu hút sự chú ý của Ấn Độ đối với khu vực Đông Nam Á. Các quan chức Ấn Độ nhấn mạnh, biển
Đông có vai trò quan trọng đối với ngoại thương, lợi ích năng lượng và an ninh quốc gia Ấn Độ. Việc Trung Quốc nuôi tham vọng biến “biển Đông thành ao nhà” khiến Ấn Độ hết sức lo ngại. Hơn 55% quá cảnh thương mại Ấn Độ đều phải đi qua biển Đông, hơn nữa, nước này cũng có nhiều tài sản kinh tế đặt tại Việt Nam, cụ thể là hai lô dầu 127 và 128 nằm trong bể Phú Khánh ở biển Đông, nằm hoàn toàn trong vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam, nên tự do hàng hải trong vùng biển này lại càng quan trọng hơn bao giờ hết đối với Ấn Độ. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã từng tuyên bố: “Ấn Độ và ASEAN cần tăng cường hợp tác an ninh, an toàn và tự do hàng hải, giải quyết bằng hòa bình các tranh chấp hàng hải theo luật pháp quốc tế” [133]. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony nhấn mạnh sự cần thiết của việc tuân thủ luật pháp quốc tế như sau: “Quyền tự do hàng hải cũng giống như quyền tự do cá nhân. Quyền này chỉ được thực hiện đầy đủ khi tất cả các nước lớn, nhỏ đều tuân thủ luật pháp và các nguyên tắc đã được thống nhất và thừa nhận” [133].
Tuy nhiên, chỉ cần một nước đi ngược lại nguyên tắc thì mọi cố gắng của các nước khác cũng sẽ bị “ngả nghiêng”. Theo ông A.K Antony, việc Trung Quốc đòi chủ quyền đối với toàn bộ khu vực biển Đông là điều không thể chấp nhận được. Ông cũng khẳng định, tranh chấp lãnh hải ở biển Đông cần được giải quyết triệt để theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 UNCLOS [103].
Cùng với những lợi ích về kinh tế, vấn đề an ninh năng lượng cũng là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các chính trị gia Ấn Độ. Ấn Độ là quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn thứ tư trên thế giới sau Mỹ, Trung Quốc và Nga. Nền kinh tế của Ấn Độ đang tăng trưởng nhanh và cần thiết phải duy trì liên tục nguồn cung cấp năng lượng. Ủy ban Kế hoạch Ấn Độ trong kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ 12 (2012 – 2017) đã nhấn mạnh rằng, than đá chiếm đến 52% tổng năng lượng tiêu thụ, theo sau đó là dầu với mức 30%, khí đốt chiếm 10%. Các nguồn năng lượng tiêu thụ khác bao gồm 2% thủy điện và chưa đến 1%
năng lượng hạt nhân. Dầu tiêu thụ phải nhập khẩu hiện vào khoảng 75%, dự kiến có thể tăng lên tới 80% trong giai đoạn 2016 – 2017. Theo thông tin của Cục thông tin Quản lý năng lượng Mỹ (EIA), Ấn Độ nhập khẩu xấp xỉ 64% dầu từ các nước Trung Đông trong năm 2012. Tuy nhiên, do những bất ổn chính trị trong khu vực và “áp bức chính trị” (Mỹ yêu cầu Ấn Độ ngừng nhập khẩu năng lượng từ Iran), Ấn Độ đã khôn ngoan đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng và hướng ánh nhìn về phía Đông. Mặc dù dầu và khí đốt sẵn có ở biển Đông chỉ phần nào đáp ứng được vấn đề năng lượng của Ấn Độ so với khu vực Tây Á, nhưng nó vẫn là một lựa chọn hấp dẫn cho an ninh năng lượng Ấn Độ và các vấn đề
chính trị có liên quan. Đáng kể đến ở đây, ngày 23/11/2012 trong một bài phát biểu về khía cạnh an ninh của hội thảo về Chính sách đối ngoại của Ấn Độ tại Đại học Quốc Phòng (NDC), Ngoại trưởng Ấn Độ Ranjan Mathai nhấn mạnh rằng: “Biển Đông vẫn còn rất quan trọng đối với ngoại thương của chúng ta, lợi ích năng lượng và an ninh quốc gia” [134].
Bên cạnh các lợi ích về kinh tế, an ninh năng lượng, việc thắt chặt quan hệ với ASEAN và các nước thành viên, trong đó Việt Nam là một trong những đối tác được ưu tiên, nhằm giúp Ấn Độ tăng cường quan hệ với Australia, các nước Đông Bắc Á, và xa hơn là Mỹ và đặc biệt nó giúp Ấn Độ giảm áp lực cạnh tranh với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và Nam Á. Thêm vào đó, Ấn Độ cũng đang cố gắng trở thành cường quốc biển, và trên thực tế đã có thực lực khá mạnh về hải quân. Điều này cho phép Ấn Độ có khả năng trở thành đối tác tin cậy trong việc xây dựng các cơ chế hợp tác an ninh trên biển với nhiều nước khác. Chính vì vậy, Ấn Độ, ngoài việc tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với Australia, Mỹ, Nhật Bản, đã và đang mở rộng quan hệ toàn diện với ASEAN và các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.