CHƯƠNG 1: TRUNG QUỐC, ẤN ĐỘ HAI CƯỜNG QUỐC MỚI CỦA THẾ GIỚI
1.3. Những dự báo phát triển của Trung Quốc và Ấn Độ
Các nhà nghiên cứu quốc tế đều thống nhất chung quan điểm thế kỷ 21 sẽ là “thế kỷ của châu Á”. Với vị trí là người khổng lồ trong khu vực và với những tiềm lực sẵn có về địa lý, tài nguyên, con người và các sức mạnh tổng hợp khác, có thể nói, trong tương lai sắp tới, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tiếp tục duy trì và khẳng định vai trò then chốt trong khu vực và trên trường quốc tế.
1.3.1. Kinh tế
Hiện nay, dưới sức ép của cuộc khủng hoảng kinh tế, có thể nói rằng khó có thể đưa ra một dự báo về sự phát triển của bất cứ một quốc gia nào. Trong vòng xoáy chung của cuộc đại suy thoái, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều gặp phải khó khăn trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế.
Theo số liệu của Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc, từ năm 2008 đến năm 2012, tăng trưởng GDP lần lượt là 9,6%; 9,2%; 10,3%, 9,3% và 7,8%, đặc biệt là từ đầu năm 2011 đến quý II - 2013, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã liên tục giảm trong 10 quý liền, trong đó 5 quý liên tục có mức tăng trưởng GDP nằm trong khoảng 7,4 - 7,9%. Dự báo của Ngân hàng thế giới cũng nhấn mạnh, kinh tế Trung Quốc hiện nay và sắp tới đang đối mặt với rất nhiều rủi ro. Tuy nhiên, trái ngược với những quan ngại của quốc tế, người Trung Quốc vẫn khá lạc quan và tin tưởng vào nền kinh tế của đất nước mình. Ông Li Jian – Học viện Thương mại Quốc tế và Hợp tác Kinh tế Trung Quốc cho biết trong vài thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ vẫn là động lực chính của tăng trưởng toàn cầu nhưng sẽ không tập trung vào chế biến nguyên liệu thô nhập khẩu cũng như phụ kiện để tái xuất khẩu nữa: “Trung Quốc đã nhận ra rằng không thể phụ thuộc một cách mù quáng vào đầu tư và xuất khẩu để làm động lực cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, nhu cầu của Trung Quốc sẽ trở nên cân bằng hơn” [115]. Cùng với đó, các chuyên gia vẫn đánh giá nền kinh tế Trung Quốc là một trong những nền kinh tế mạnh của khu vực và thế giới.
Về phía Ấn Độ, sau những năm khó khăn do khủng hoảng, kinh tế Ấn Độ đang được cải thiện đáng kể. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nước đã có sự phục hồi trong quý 3/2013.
Hoạt động xuất khẩu tăng mạnh và đồng rupee yếu là những yếu tố thúc đẩy đà phục hồi kinh tế Ấn Độ. Theo EIU -Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro thuộc Tập đoàn Nhà kinh tế (Anh), GDP của Ấn Độ dự kiến tăng 6% năm 2014. Theo báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Ấn Độ sẽ đạt mức tăng trưởng hơn 6% trong tài khóa 2014 - 2015 và 7,1% trong năm 2015 - 2016, nhờ kinh tế toàn cầu phục hồi và đầu tư trong nước tăng.
1.3.2. Chính trị - Xã hội
Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực chính trị và xã hội, có thể dự báo trong tương lai, Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục thực hiện “chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc” và tiếp tục thực hiện chiến lược ngoại giao mềm nhằm nâng cao vai trò của Trung Quốc ở các khu vực trọng yếu trên thế giới. Tuy nhiên, chính sách ngoại giao của Trung Quốc hiện đang có nhiều bất cập cần sự điều chỉnh. Theo các nhà phân tích quốc tế, hiện nay, có một tư duy ngoại giao mới đang dần hình thành và được Chính phủ mới của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa theo đuổi đó là thay đổi tư tưởng trước kia là “không có bạn thù trong chính sách ngoại giao thời đại toàn cầu hóa”, mà bắt đầu phân biệt đối xử bạn - thù. Một vài dự báo khẳng định, trong tương lai Trung Quốc sẽ theo đuổi chính sách ngoại giao hòa nhã hơn – ít nhất là bề ngoài để trở thành cường quốc chi phối khu vực. Về tình hình trong nước của Trung Quốc, mặc dù Trung Quốc đã, đang và sẽ thực hiện nhiều cải cách trên các lĩnh vực nhưng tình hình mất ổn định chính trị - xã hội được nhận định là sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn ở Trung Quốc trong những năm sắp tới, trong đó các phong trào ly khai và những người thất vọng với cải cách được xem là hai nguy cơ lớn mà Chính phủ Trung Quốc phải đối mặt. Sự căng thẳng và rạn nứt bên trong xã hội cũng là vấn đề đòi hỏi nhà nước phải có những biện pháp điều chỉnh kịp thời.
Trong tương lai sắp tới, Ấn Độ cũng gặp phải những vấn đề Trung Quốc đang và sẽ phải đối mặt đó là sự bất ổn định xã hội, trong quá trình phát triển, Ấn Độ cũng sẽ phải chịu những mặt trái của nó, những tác động kìm hãm sự phát triển, đó là khủng hoảng kinh tế thế giới, các vấn đề căng thẳng xã hội trong nước, thiên tai, dịch bệnh, các cuộc xung đột đẫm máu mới và kéo dài giữa đạo Hồi và đạo Hindu hoặc thay đổi Chính phủ, thể chế lãnh đạo… Đây là những vấn đề không dễ dàng giải quyết đối với Chính phủ Ấn Độ. Một tín hiệu khá khả quan cho xã hội Ấn Độ là theo dự đoán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO),
đến năm 2030, dân số Ấn Độ sẽ vượt dân số Trung Quốc và trở thành một trong những quốc gia có dân số trẻ nhất hành tinh. Hiện nay, một nửa dân số Ấn Độ dưới 25 tuổi, lượng người trong độ tuổi lao động sẽ tăng 30% từ nay đến năm 2020. Sự gia tăng dân số tại Ấn Độ không gây ra đói nghèo, các thảm họa về kinh tế hay xã hội. Ngược lại, sự năng động dân số tại Ấn Độ nếu biết tận dụng sẽ tạo ra một lợi thế tuyệt vời cho đất nước. Về quan hệ đối ngoại, có thể nói, trong tương lai sắp tới Ấn Độ tiếp tục trung thành đường lối đối ngoại ôn hòa, mềm mỏng, quan hệ tốt với các nước châu Á, châu Phi, Nam Mỹ và các cường quốc lớn trên thế giới. Chính sách này nhìn chung đã phát huy được tác dụng. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích quốc tế, chính sách đối ngoại của Ấn Độ còn nhiều yếu kém, Ấn Độ cần nhận thức sâu sắc hơn sự trỗi dậy và vai trò của mình trên trường quốc tế để đề ra những mục tiêu đối ngoài dài hạn.
1.3.3. Quân sự
Trung Quốc hiện đang đứng đầu trong cuộc chạy đua quân sự ở khu vực châu Á.
Nguyên nhân của vấn đề này là do Trung Quốc hiện đang có tranh chấp về lãnh hải, lãnh thổ với nhiều quốc gia láng giềng và nhiều nước lớn trong khu vực và trên thế giới. Theo dự đoán của các chuyên gia Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), với mức độ chi tiêu quân sự tăng dần như hiện nay, năm 2030 Trung Quốc sẽ đuổi kịp chi tiêu quốc phòng của Mỹ vào những năm 2030. Tuy nhiên, năng lực, sức mạnh và khả năng triển khai lực lượng thì còn cần nhiều năm để theo kịp Mỹ. Ngoài ra, các nước phương Tây vẫn duy trì năng lực mạnh với những lực lượng nhỏ hơn, khiến mốc thời gian này có thể còn xa hơn nữa.
“Nhưng ngay cả nếu bắt kịp chi tiêu vào cuối những năm 2030, thì Trung Quốc cũng phải mất 20 - 30 năm nữa mới đạt được thế cân bằng về quân sự”, Giri Rajendran, trợ lý nghiên cứu về quốc phòng và kinh tế IISS nói [177].
Quân đội Ấn Độ hiện được đánh giá là một trong những đội quân lớn mạnh trên thế giới. Ấn Độ đã đầu tư rất nhiều để phát triển các lực lượng trong quân đội nên nước này sở hữu lực lượng lục quân, hải quân, không quân hùng hậu, đồng thời sức mạnh hạt nhân cũng phát triển đồng bộ tương ứng. Xét về sức mạnh quân sự trong khu vực châu Á, quân đội Ấn Độ xếp ở vị trí thứ 2, ngân sách quốc phòng hàng năm của nước này lên đến 46,8 tỷ USD.
Các chuyên gia dự đoán rằng đến năm 2020, chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ sẽ bắt kịp với tốc độ tăng ngân sách cho hoạt động quân sự của Anh, Pháp và Nhật Bản. Ấn Độ có tham vọng đưa lực lượng hải quân của họ trở thành hải quân “nước xanh” (lực lượng hải quân có khả năng tác chiến cách cảng nhà hàng ngàn kilomet) hàng đầu châu Á. Và để thực hiện
tham vọng đó, quân đội Ấn Độ có rất nhiều dự án đóng tàu khác nhau ở cả trong nước lẫn đặt hàng nước ngoài để nhanh chóng tăng cường chất lượng, số lượng hạm đội tàu chiến của mình. Không quân Ấn Độ cũng được đầu tư đáng kể, không quân Ấn Độ được các chuyên gia quân sự trên thế giới xếp hạng thứ 4 về quy mô lực lượng và đứng thứ 5 về năng lực tác chiến. Đến giai đoạn 2020 - 2025, không quân Ấn Độ sẽ có một biên đội máy bay chiến đấu hùng hậu, bao gồm đầy đủ các loại từ hạng nhẹ, hạng trung cho đến hạng nặng, từ máy bay thế hệ thứ 3 cho đến thứ 5, được xây dựng theo một mô hình hoàn hảo, kết cấu hợp lý, có lực lượng máy bay hiện đại, tinh nhuệ, năng lực tác chiến rất mạnh. Đến thời điểm đó, Ấn Độ có khả năng vượt qua Trung Quốc để lọt vào top 3 cường quốc không quân hàng đầu thế giới.
Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, cùng với những diễn biến của tình hình thế giới và nhu cầu của mỗi nước, Trung Quốc và Ấn Độ đều đã tiến hành cải cách trên hầu hết các lĩnh vực. Với đường lối cải cách đúng đắn, hai nước đã thu được những thành tựu quan trọng về kinh tế, chính trị - xã hội và quân sự. Từ những nền kinh tế kém phát triển, Trung Quốc và Ấn Độ đã vươn lên thành những quốc gia phát triển nhất khu vực và có tiếng nói trong nền kinh tế quốc tế. Song song với cải cách toàn diện nền kinh tế, những vấn đề chính trị - xã hội cũng được hai nhà nước quan tâm. Vẫn kiên định theo con đường chính trị đã chọn nhưng với những cải cách phù hợp với tình hình mới, Trung Quốc và Ấn Độ đã phần nào ổn định được tình hình chính trị trong nước cũng như vươn tầm ảnh hưởng ra khu vực bằng những chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa. Về xã hội, những cải cách kịp thời về y tế, văn hóa, giáo dục và an sinh xã hội đã góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, làm cho người dân yên tâm làm việc, tin tưởng vào công cuộc cải cách, tạo đà để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng hơn nữa. Cùng với kinh tế, chính trị - xã hội, việc gia tăng sức mạnh quân sự cũng là yêu cầu thiết yếu trong việc tăng cường sức mạnh quốc gia. Nhận thức được điều đó, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều không ngừng đầu tư vào lĩnh vực quân sự. Kết quả, hai nước đã có những đội quân hùng mạnh với những vũ khí tối tân nhất, vừa có thể bảo đảm an ninh quốc gia, vừa tạo được sự ảnh hưởng đối với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Với những thành tựu đạt được từ đường lối cải cách đúng đắn cộng với những ưu thế địa chính trị sẵn có, Trung Quốc và Ấn Độ trở thành hai người khổng lồ trong khu vực về kinh tế, chính trị và quân sự. Không chỉ đạt được những thành công trong hiện tại, Trung Quốc và Ấn Độ còn được giới nghiên cứu đánh giá sẽ là hai cường quốc đóng vai trò then
chốt trong quan hệ chính trị khu vực và trên thế giới, là hai chủ thể quan trọng của “thế kỷ châu Á”. Như vậy, vị trí cả hai nước trên trường quốc tế đã được nâng lên rất cao. Trung Quốc và Ấn Độ là đối thủ đáng gờm của các cường quốc trên thế giới. Thực hiện mục tiêu mở rộng hơn nữa ảnh hưởng về chính trị, hai nước đã tăng cường can thiệp vào các khu vực trọng yếu trên Trái Đất bằng nhiều biện pháp khác nhau. Khi mà lợi ích hai bên bị chồng lấn, quan hệ giữa hai “ông lớn” sẽ trở thành quan hệ cạnh tranh. Đây cũng được xem là mối quan hệ chủ đạo giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở nhiều khu vực trọng yếu trên thế giới và Đông Nam Á chính là một trong số đó.