Vị thế địa – chiến lược của khu vực Đông Nam Á

Một phần của tài liệu QUÁ TRÌNH CẠNH TRANH GIỮA TRUNG QUỐC VÀ ẤN ĐỘ Ở KHU VỰC ĐÔNG NAM Á (1991 – 2012) (Trang 42 - 45)

CHƯƠNG 2: ĐÔNG NAM Á TRONG CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA

2.1. Vị thế địa – chiến lược của khu vực Đông Nam Á

Đông Nam Á là một khu vực của châu Á, bao gồm các nước nằm ở phía Nam Trung Quốc, phía Đông Ấn Độ và phía Bắc Australia, trên vùng nhiệt đới giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đông Nam Á hiện nay bao gồm 11 quốc gia (Brunei, Campuchia, Đông Timor, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam), trong đó có 5 nước trên lục địa và 6 nước ở quần đảo với hơn 2 vạn đảo lớn nhỏ; diện tích 4,52 triệu km2 đất liền và 4 triệu km2 biển. Dân số Đông Nam Á trên 500 triệu người gồm nhiều dân tộc, trong đó có 3 dân tộc lớn là Thái, Việt và Indonesian. Riêng số người Hoa di cư đến khu vực này rất đông với hơn 20 triệu người. Trong khu vực có 2 tôn giáo chính là đạo Phật và đạo Hồi (dân lục địa chủ yếu theo đạo Phật, dân quần đảo chủ yếu theo đạo Hồi); ngoài ra còn có đạo Thiên Chúa, Tin Lành... ở rải rác khắp các nước trong khu vực. Tuy vậy, không có đạo nào có địa vị lớn chi phối đời sống chính trị, mà chỉ có tác động về chính trị và tinh thần ở mức độ nhất định. Đông Nam Á là khu vực có lịch sử lâu đời, tuy nhiên, khái niệm “Đông Nam Á” chỉ mới được các nhà nghiên cứu chính trị và quân sự của Hà Lan, Anh, Mỹ đưa ra từ những năm đầu khi nổ ra Thế chiến thứ hai, và chính thức đi vào lịch sử với ý nghĩa là một khu vực địa - chính trị, quân sự từ khi Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchill nhất trí thành lập Bộ chỉ huy tối cao quân Đồng Minh ở Đông Nam Á tại Hội nghị Québec lần thứ nhất vào tháng 8/1943.

Về lịch sử, từ thế kỷ XVIII, Đông Nam Á là thuộc địa của các đế quốc. Trải qua quá trình đấu tranh chống ách đô hộ của đế quốc với mức độ quyết liệt khác nhau, ngày nay tất cả các nước đều đã giành được độc lập và có ý thức liên kết với nhau trong khuôn khổ ASEAN, trở thành một khu vực kinh tế phát triển năng động nhất thế giới và đang có ảnh hưởng ngày càng tăng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đông Nam Á là khu vực gồm những nước có nền kinh tế đang phát triển, có nhiều tài nguyên chiến lược quan trọng, có nguồn nhân công đông, giá nhân công rẻ, là thị trường tiêu thụ lớn. Nằm giữa vùng nhiệt đới, các nước Đông Nam Á có đường biển dài, nhiều vùng có diện tích trồng trọt lớn bao gồm phần nhiều là các vùng đất thấp nằm trong phạm vi từ 100 - 150 dặm giáp biển; do đó nông nghiệp phát triển rất tốt, sản xuất hơn 30% gạo, 85% cao su thiên nhiên, 80% sợi gai, 84% dầu cọ, 64% dầu dừa, 57% hồ tiêu, 50% đậu,

90% gỗ quý của sản lượng chung cả thế giới. Các nước trên đất liền hầu hết có có đường biển dài, các nước đảo chia thành nhiều mảnh đất, eo đất, quần đảo mà phần lớn là mặt biển có độ sâu nhỏ (có khi rất nhỏ), thuận tiện cho việc khai thác tài nguyên và mỏ ngầm đáy biển. Đông Nam Á là vùng nằm giữa vành đai Bắc và Nam của Trái Đất, có hầu hết 80 nguyên liệu quý dùng trong công nghiệp và quốc phòng, có nhiều mỏ với trữ lượng lớn như thiếc chiếm 72%, vàng chiếm 20%, vonfram chiếm 20% trữ lượng thế giới. Đây cũng là khu vực có nhiều dầu lửa (được đánh giá là một trong những trung tâm dầu lửa lớn của thế giới).

Tiềm năng kinh tế trên, dưới mặt đất; trong biển và dưới đáy biển của khu vực rất lớn, mới bắt đầu được khai thác.

Vị trí địa - kinh tế đặc thù, tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào đã tạo điều kiện rất thuận lợi để khu vực này phát triển kinh tế, phát triển công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu, cung cấp những nguyên liệu quan trọng cho thế giới.

Đông Nam Á còn là một khu vực chiến lược quân sự hết sức quan trọng do vị trí địa hình nối tiếp, án ngữ, làm bàn đạp tiến ra nhiều khu vực khác, là nơi giao điểm của các trục đường hành lang giao thông vận chuyển quân sự, hàng hóa, nguyên liệu, nhiên liệu từ Đông sang Tây, từ Bắc châu Á xuống châu Đại Dương tấp nập vào bậc nhất thế giới. Khu vực này tập trung nhiều tuyến đường biển quan trọng, 4 trong số 16 eo biển chiến lược trên thế giới đều nằm ở vùng này; đó là Malacca, Lombok, Sunda và Ombai - Wetar, trong đó eo biển Malacca (nằm giữa Malaysia và đảo Sumatra của Indonesia) là một trong 5 eo biển lớn nhất thế giới, có vị trí vô cùng quan trọng vì tất cả hàng hóa của các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á phải đi qua và hàng năm có 4 vạn tàu biển qua lại, hàng ngày có khoảng 7 triệu thùng dầu lửa được chuyển qua. Các tuyến đường biển chiến lược nói trên là yết hầu trong giao lưu hàng hóa của nhiều nước châu Á. Xuất khẩu hàng hóa của Nhật Bản phải đi qua khu vực này chiếm 42% (còn tính cả nhập khẩu thì chiếm 75%), các nước Đông Nam Á chiếm 55%, các nước công nghiệp mới là 26%, Australia là 40% và Trung Quốc là 22% giá trị xuất khẩu của các nước đó. Riêng Nhật Bản, hàng năm hàng hóa xuất khẩu và dầu lửa mua từ Trung Đông (chiếm 70% dầu nhập khẩu) đi qua con đường này có giá trị 225 tỷ USD.

Tuy ít hơn, song các nước châu Âu cũng sử dụng tuyến đường biển trên cho khoảng 7%

hàng xuất nhập khẩu, Mỹ khoảng 3,3%. Tính chung, lượng hàng hóa hàng năm của thế giới phải đi qua tuyến đường biển chiến lược châu Á có trị giá khoảng 568 tỷ USD, chiếm 15%

tổng trị giá thương mại thế giới. Hiện nay, 1/4 giá trị thương mại bằng đường biển toàn cầu đi qua khu vực này. Nếu khu vực này mất an ninh, các loại tàu biển phải chạy theo đường

mới hoặc vòng qua nam Australia thì cước phí vận tải sẽ tăng gấp 5 lần và không còn đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của các nước Đông Nam Á cũng là nhân tố quan trọng làm tăng giá trị địa - chính trị của khu vực. Trong khoảng hơn hai thập niên gần đây, xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa ngày càng gia tăng thì khu vực Đông Nam Á trở nên sống động hơn không chỉ bởi gia tăng hợp tác và liên kết nội khối trong ASEAN mà còn là nơi hội tụ quan hệ hợp tác của ASEAN cùng các nước thành viên với các quốc gia khác trên thế giới, nhất là các nước lớn. Hiệp hội ASEAN ra đời và không ngừng tăng lên số thành viên cùng nhiều cơ chế hợp tác mới như Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), Hội nhập ASEAN (IAI), đặc biệt là xây dựng Cộng đồng ASEAN (AC) (với 3 trụ cột chính là Cộng đồng an ninh, Cộng đồng kinh tế, Cộng đồng văn hóa - xã hội)…Đồng thời còn tăng cường hợp tác chuyên ngành về giáo dục, đào tạo, y tế và môi trường… Điều đó đã biến ASEAN thành một thực thể chính trị - kinh tế có tiếng nói quan trọng trong các vấn đề quốc tế. Từ ngày 15/12/2008, Hiến chương ASEAN có hiệu lực, đánh dấu việc ASEAN đã hiện thực hóa các kế hoạch đã cam kết và quan trọng nhất là khẳng định với thế giới việc ASEAN thực sự trở thành một tổ chức có tư cách pháp nhân, đại diện quyền lợi hợp pháp cho 10 quốc gia trong quan hệ với các nước, các tổ chức khu vực và thế giới. ASEAN còn tạo dựng được nhiều mối quan hệ sâu rộng với các đối tác quan trọng và cũng đã đạt được sự thỏa thuận với các bên đối thoại trong khuôn khổ hợp tác chiến lược hoặc toàn diện. Chẳng hạn ASEAN đang giữ vai trò chủ đạo trong nhiều cơ chế hợp tác khu vực như ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS)… Từ những mối quan hệ này, ASEAN đã tranh thủ được sự hợp tác, hỗ trợ từ bên ngoài, đem lại nhiều lợi ích phục vụ mục tiêu ổn định chính trị và phát triển kinh tế cho toàn khu vực cùng các nước thành viên. Cho dù toàn khu vực có khi gặp phải những thử thách lớn lao như cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ 1997 - 1998, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ năm 2008 đến nay, song với sự hợp sức, ASEAN đã khắc phục được tương đối có hiệu quả. Tất cả những thành công trên làm tăng sức hấp dẫn và vị thế của khu vực trên thế giới cũng như trong

“cuộc chơi” của các cường quốc.

Một phần của tài liệu QUÁ TRÌNH CẠNH TRANH GIỮA TRUNG QUỐC VÀ ẤN ĐỘ Ở KHU VỰC ĐÔNG NAM Á (1991 – 2012) (Trang 42 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)