CHƯƠNG I. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC TÍCH HỢP NỘI DUNG LỊCH SỬ VÀO DẠY HỌC ĐỊA LÍ Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
1.3. Khả năng tích hợp kiến thức liên môn trong dạy học Địa lí
Việc dạy học Địa lí THPT đòi hòi GV phải nắm vững kiến thức Địa lí và các nguồn kiến thức ở các môn học khác nhau như: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân..., các kiến thức này không chỉ có tác dụng cụ thể hoá bài dạy mà còn là nguồn gây hứng thú đối với HS. Kiến thức của các môn học khác nhau có tác dụng bổ sung cho môn Địa lí rất bổ ích. Mỗi một môn có những tác dụng riêng và truyền đạt các kiến thức đến người học và rèn luyện kỹ năng và phát triển năng lực của HS như năng lực vận dụng tổng hợp, năng lực hợp tác, năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề...
Cách sử dụng kiến thức liên môn trong dạy học Địa lí Trong dạy học Địa lí tùy vào bài cụ thể, GV có thể huy động nhiều kiến thức khác nhau của các bộ môn khác nhau vào dạy học nhưng phải làm sao đáp ứng được yêu cầu, mục đích đề ra. Các kiến thức của môn học khác có tác dụng: Sử dụng Toán học, Vật lí, Hóa học, sinh học để chính xác các quy luật, đi sâu vào bản chất của vấn đề mà chúng ta trình bày. Ngoài ra một số kiến thức về Hóa học, Sinh học giúp mô tả bài học một cách sinh động hơn, Kiến thức văn học để tạo hứng thú học tập cũng như tạo ra sự tìm tòi khám phá tri thức Địa lí cho HS qua thơ, văn, cao dao, tục ngữ... Sử dụng kiến thức Lịch sử để tạo sự liên hoàn, tái hiện các hoàn cảnh Lịch sử của một giai đoạn, một đất nước để học dễ dàng giải thích một sự vật hiên tượng nào đó… Sử dụng kiến thức GDCD kết hợp với trao đổi đàm thoại giúp HS hiểu rõ chủ trương chính sách của Đảng, đồng thời làm rõ các kiến thức Địa lí qua nội dung kinh tế chính trị học, triết học. Việc sử dụng kiến thức liên môn kết hợp với các phương tiện kĩ thuật để gây hứng thú học tập Địa lí cho HS, đồng thời để củng cố, kiểm tra, đánh giá kiến thức của HS và khả năng vận dụng của HS vào các tình huống cụ thể.Như vậy, kiến thức liên môn vừa có chức
năng minh họa vừa có chức năng nguồn tri thức, nên trong dạy học Địa lí GV cần phát huy tốt các chức năng này.
Sử dụng Văn học có tác dụng gây hứng thú cho HS, tạo được sự hấp dẫn ở HS, thay đổi những thứ “khô khan” của môn Địa lí, đồng thời tạo được những biểu tượng, khái niệm địa lí sinh động. Trong đề tài này, chỉ đề cập việc vận dụng văn học dưới dạng thơ, ca dao. Ví dụ 1: Dạy về hiện tượng ngày đêm dài ngắn khác nhau theo mùa và theo vĩ độ (Địa lí 10), GV vận dụng câu ca dao: “ Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng ,Ngày tháng mười chưa cười đã tối” Câu ca dao đó nói hiện tượng Địa lí gì? Bằng kiến thức địa lí hãy giải thích câu cao dao trên... Ví dụ 2: Dạy về hiện tượng gió phơn (Địa lí 10) hoặc hoạt động của gió mùa mùa hạ (đầu thời kỳ mùa hạ), hoặc vùng kinh tế Bắc Trung Bộ (Địa lí 12), GV có thể nói đến thời tiết khô nóng những ngày có gió phơn qua câu ca dao:
“Gió nam thổi kiệt bảy ngày Ruộng đồng nứt nẻ, cỏ cây úa tàn”.
Vận dụng kiến thức môn Toán trong dạy học Địa lí.Toán học là một môn khoa học cơ sở, là tiền đề của các môn khoa học khác. Hiện nay lý thuyết toán học đã được tích hợp vào nhiều môn học nhằm góp phần nâng cao tính chính xác, khoa học, giúp HS dễ tiếp thu, tăng khả năng tư duy lôgic. Việc sử dụng toán học trong dạy học hiện nay đang trở thành xu thế phổ biến.Đối với môn Địa lí, toán được cụ thể hóa ra các bài tập, bài thực hành, qua kỹ năng tính toán, xử lý số liệu.
Ví dụ: Bài tập 1, bài 22 (trang 86, SGK Địa lí 10), để hướng dẫn HS làm được bài tập tính dân số của Ấn Độ qua các năm khi biết số dân năm 1998 là 975 triệu người, với mức gia tăng tự nhiên là 2% và không đổi. Với bài này, GV dựa vào các phép tính toán để hướng dẫn, GV sẽ hướng dẫn HS tính toán được số dân của từng năm khi đã biết dân số năm 1998.
Với các bài tập vẽ biểu đồ, GV phải cung cấp hoặc giúp HS tìm ra công thức tính toán để xử lý số liệu, ví dụ: Mật độ dân số; năng suất; Bình quân đất/người; Bình quân lương thực theo đầu người…
Hay kiến thức môn Vật lí cũng thường xuyên được tích hợp trong dạy học các bài học địa lí, đặc biệt là phân Địa lí tự nhiên đại cương. Ví dụ: Khi dạy bài
5, Địa lí 10 (Vũ Trụ. Hệ Mặt Trời và Trái Đất. Hệ quả chuyển động tự quay quanh trục của Trái Đất) sau khi dạy phần về hệ Mặt Trời, GV hỏi HS: Lực nào giữ cho Trái Đất và các hành tinh chuyển động gần như tròn đều quanh Mặt Trời
? Đây là một câu hỏi không yêu cầu HS trả lời nhưng từ đó kích thích tính tìm tòi, khám phá của HS. Với câu hỏi này, GV phải nắm được kiến thức Vật lí: Lực hấp dẫn giữa Mặt Trời và các hành tinh đã giữ cho các hành tinh chuyển động quanh Mặt Trời.
Ngoài ra, những kiến thức của sinh học sẽ giúp chúng ta dạy tốt hơn nội dung về Sinh quyển, Địa lí nông nghiệp và phần môi trường và phát triển bền vững... Khi dạy bài 41: Diễn thế sinh thái. Trong nội dung bài này chúng ta có thể đọc ví dụ (hình 41.2): Quá trình biến đổi của một đầm nước nông. A: Một đầm nước mới được xây dựng B: Trong đầm có nhiều loài thủy sinh....sinh vật phong phú C: Các vùng đất quanh đầm bị xói mồn....làm cho đầm bị nông dần.
Thành phần sinh vật thay đổi... D: Đầm nước nông biến đổi thành vùng đất trũng. Cỏ và cây bụi dần dần đến sống trong đầm. E: Rừng cây bụi và cây gỗ.
Từ ví dụ diễn thế sinh thái, chúng ta cũng hiểu rõ hơn bản chất của sự phát triển sinh vật, từ đó vận dụng vào dạy phần biểu hiện của quy luật thống nhất và hoàn chỉnh của lớp vỏ địa lí.
Khi giải thích quá trình phong hóa hóa học, hình thành hang động, chúng ta có thể vận dụng các kiến thức sau: Bài 27, Hóa học 11 (Nguồn Hiđrocacbon thiên nhiên) trình bày về dầu mỏ, khí thiên nhiên và khí dầu mỏ, cụ thể: Dầu mỏ nằm trong các túi dầu trong lòng đất. Túi dầu gồm ba lớp: trên cùng là lớp khí gọi là khí mỏ dầu, khí này có áp suất lớn; giữa là lớp dầu, dưới cùng là lớp nước và cặn. Thành phần, khai thác và chế biến dầu mỏ. Về thành phần và ứng dụng của khí thiên nhiên và khí mỏ dầu (khí đồng hành). Một số nội dung chúng ta cần lưu ý là: Khí thiên nhiên có nhiều trong các mỏ khí, tại đó khí tích tụ trong các lớp đất đá xốp ở những độ sâu khác nhau và được bao bọc bởi các lớp đất đá không thấm nước và khí, chẳng hạn như đất sét. Còn khí mỏ dầu có trong các mỏ dầu (còn gọi là khí đồng hành vì nó thoát ra cùng với dầu mỏ)...ở nước ta có mỏ khí thiên nhiên như Tiền Hải (Thái Bình) dùng làm nhiên liệu cho
công nghiệp gốm sứ. Khí mỏ dầu trong mỏ Bạch Hổ, Lan Tây, Lan Đỏ,...được dẫn vào bờ cung cấp cho các nhà máy điện đạm Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu nhờ đường ống Nam Côn Sơn. Đây là đường ống dẫn hai pha thuộc loại dài nhất thế giới.
Khả năng vận dụng kiến thức GDCD trong dạy học Địa lí được đánh giá khá lớn, phù hợp với mục tiêu dạy học địa lí không chỉ dừng ở việc cung cấp tri thức, rèn luyện kĩ năng hành động mà quan trọng là điều chỉnh nhận thức và hành vi của người học.
Ví dụ: Bài 15, GDCD 10 - Công dân với một số vấn đề cấp thiết của nhân loại: nội dung Ô nhiễm môi trường, sự bùng nổ dân số. Trong các nội dung này GV nên tham khảo kênh thông tin của môn GDCD là khái niệm về môi trường, thế nào là ô nhiễm môi trường, làm gì để bảo vệ môi trường?. Những nội dung này GV vận dụng phối hợp trong dạy chương X - Môi trường và phát triển bền vững (Địa lí 10). Về khái niệm thế nào là bùng nổ dân số và bùng nổ dân số ảnh hưởng như thế nào đến đời sống của con người?. Những nội dung này GV liên hệ cùng với nội dung một số vấn đề mang tính toàn cầu (Địa lí 11) để dạy học hiệu quả.
Tóm lại, qua một số ví dụ cụ thể trên, chúng ta có thể khẳng định Địa lí là môn học có khả năng tích hợp lớn với các môn khoa học tự nhiên và cả môn khoa học xã hội. Vận dụng kiến thức liên môn trong dạy học nói chung và trong dạy học Địa lí nói riêng có ý nghĩa to lớn trong dạy học. Việc sử dụng kiến thức liên môn trong dạy học Địa lí ở trường phổ thông là điều cần thiết. Nó không những mang lại cảm hứng cho HS, kích thích HS làm việc mà còn góp phần quan trọng vào việc đổi mới phương pháp dạy học của GV, làm cho HS yêu thích môn Địa lí hơn. Ngoài ra, HS có thể rèn luyện khả năng tự học, khắc sâu kiến thức hơn, giúp cho HS có kiến thức và kỹ năng. Trong dạy học Địa lí, GV cần biết vận dụng kiến thức liên môn có ở nhiều nguồn khác nhau và cũng cần biết tăng cường phối hợp các phương pháp và phương tiện dạy học để tăng cao hiệu quả dạy học Địa lí. Bên cạnh đó, GV cũng phải tự học, tự nghiên cứu nhiều các môn học khác, cần phải nghiên cứu chương trình sách giáo khoa các môn
học có liên quan đến Địa lí để có kế hoạch sử dụng kiến thức liên môn phù hợp với HS. Tăng cường thăm lớp dự giờ, một mặt giúp GV đúc rút được, trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp, mặt khắc còn tích lũy cho ta những kiến thức bổ ích để phục vụ cho bộ môn mình dạy. GV phải tâm huyết với nghề mới có được những bài giảng hay, hấp dẫn, gây được hứng thú học tập cho HS.