Độc thoại nội tâm

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tiểu thuyết nỗi buồn chiến tranh (bảo ninh) và cơ hội của chúa (nguyễn việt hà) từ góc nhìn đặc trưng tiểu thuyêt nội quan hiện đại (Trang 22 - 27)

6. Kết cấu của luận văn Chương 1. GIỚI THUYẾT VỀ VĂN HỌC NỘI QUAN

1.3. Đặc điểm của văn học nội quan

1.3.3. Độc thoại nội tâm

Độc thoại là lời nhân vật nói với chính mình nhằm bộc lộ tâm trạng, cảm xúc, suy nghĩ của bản thân. Độc thoại nội tâm là ngôn ngữ trực tiếp nhưng không thoát lên thành lời của nhân vật nhằm “thể hiện trực tiếp quá trình tâm lý nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con người” [39, tr.122]. ĐTNT được xem là một trong những đặc điểm tạo nên tính hướng nội của văn học. Không chỉ đến thế kỷ XX tính chất này mới được chú ý mà ngay từ thời Phục hưng đã được vận dụng nhằm đem đến một thế giới tinh thần chân thật về con người. Một trong những tác gia tiêu biểu thể hiện thành công độc thoại nội tâm của nhân vật là William Shakespeare (1564 – 1616). Trong vở kịch Hamlet, Shakespear để nhân vật Hamlet tự bộc lộ tính cách, tâm lý và suy nghĩ của mình qua những đoạn độc thoại nội tâm sâu sắc. Qua đó, chúng ta cảm nhận được ở tính chất “hai mảnh” của một con người hành động nhưng lại đầy suy tư trong nhân vật. Khi mọi người đang chúc tụng hân hoan trong ngày cưới của vua và hoàng hậu thì Hamlet lại vô cùng

đau khổ, chán chường thì chàng lại suy tư, đau khổ khi nghĩ về cuộc đời. Có khi chàng tự xỉ vả, lên án chính bản thân mình. “Ôi, ta thật là một kẻ vô lại, một tên nô lệ đớn hèn! ...Không, không thể để như thế đối với một Đức vua mà cả giang sơn, cả cuộc đời thân yêu bị cướp đoạt một cách bỉ ổi. Ta có phải là một thằng hèn không? Kẻ nào dám gọi ta là đồ đê tiện? Kẻ nào dám quật vào đầu ta, vặt râu ta vứt vào mặt, bóp mũi ta? [79, tr. 69]. Những câu hỏi xoáy sâu tâm trạng nhân vật đã khắc họa tâm trạng dằn vặt, đau đớn đến tột cùng của Hamlet. Shakespear cũng như nhiều nhà văn trước thế kỷ XX không chỉ tái hiện bức tranh hiện thực thành công mà còn thể hiện những diễn biến tâm lý nhân vật sâu sắc. Tuy nhiên, các trạng thái tâm lý ấy thường chịu sự tác động từ bên ngoài và mang tính xã hội chứ không hoàn toàn là tâm lý cá nhân. Khi nghe Tanbo nói về việc sẽ trừng phạt người thi sĩ lớn nhất của thời đại một nghìn equy và nhốt vào ngục tối để thi sĩ ấy chết trong bóng tối, trong lòng Julien dấy lên sự căm phẫn. “Chà, quân độc ác! Julien kêu lên hơi to, và những giọt nước mắt hào hiệp rưng rưng trên mắt anh. Chà, thằng nhãi con khốn nạn! Anh nghĩ thầm, rồi ta sẽ đáp trả cho mày lời ăn nói đó”

[80, tập 2, tr.54]. Trong tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoi (1828 – 1910), tác giả cũng thể hiện khá sâu sắc nội tâm của nhân vật qua những đoạn đối thoại. Chẳng hạn như đoạn miêu tả nội tâm của Pie khi anh nghĩ về việc mình đã giết chết người tình nhân của vợ. Một loạt những câu hỏi xoáy sâu tâm trí anh.

“Chuyện gì đã xảy ra thế! – chàng tự hỏi, - Ta đã giết gã tình nhân, phải, ta đã giết tình nhân của vợ ta. Phải việc đó đã xảy ra. Tại sao? Làm sao ta lại đến nông nỗi ấy?” – Vì mày đã lấy nàng làm vợ” – một tiếng nói đâu ở bên trong đáp lại chàng… “Nhưng như thế thì ta đã có lỗi gì?” – chàng hỏi” [89, tập 2, tr.45].

Pie không phải đối thoại với một nhân vật thứ hai mà anh đang đối thoại với chính tâm hồn mình trong sự dằn vặt, đau đớn. Từ những phân tích trên, chúng ta có thể thấy rằng, độc thoại nội tâm của nhân vật trong các tác phẩm văn học VHNGQ thường là nội tâm mang tính xã hội chung và được khơi gợi theo những diễn biến trình tự của các sự kiện hay những tổn thương tinh thần vừa diễn ra trong cuộc đời.

Văn học hiện sinh thế kỷ XX cũng rất thành công trong việc tái hiện thế giới nội tâm của nhân vật. Tuy nhiên, cũng như văn học các giai đoạn trước, hiện thực tinh thần mà nó thể hiện cũng không nằm ngoài những suy tư về cuộc đời, số phận của con người trong xã hội. Chẳng hạn như tâm trạng của Rio trong Dịch hạch của Albert Camus. Nội tâm của anh ta được thể hiện qua những suy nghĩ, tâm trạng khi nhìn số phận của con người đang sống trong một hoàn cảnh phi lý được đặt trong hoàn cảnh dịch hạch lan tràn khắp thành phố. Còn Roquetin trong Buồn nôn của Jean – Paul – Sartre thì nhìn nhận cuộc đời qua cái nhìn bề sâu để rồi khám phá ra chính mình, khám phá sự hiện hữu của sự vật qua cái nhìn hiện hữu, lần tìm trở về với chính con người mình để soi xét. “Tôi đã ngồi đó, người hơi khom, đầu cuối thấp, cô đơn đối diện với cái khối đen đủi, sần sùi, hoàn toàn thô lậu và gây cho tôi một nỗi sợ hãi kia. Và rồi, trí óc tôi bừng ngộ” [78, tr.314-315]. Tuy nhiên, trong văn học hiện sinh, những đoạn độc thoại hay tái hiện nội tâm của tôi là nghệ thuật miêu tả điêu luyện, đặc sắc, “đôi khi tả chân quá – nhưng chủ ý của họ không phải gì khác cho bằng vạch cho ta thấy vẻ buồn nôn của người tầm thường, hòng thức tỉnh con người trỗi dậy, bỏ cách sống của sự vật để khai mạc một đời sống nhân vị, nhân vị cao cả của con người tự do” [22, tr.36]. Cách viết của nhà văn hiện sinh là cách viết “vén màn sự thật” như Sartre đã nói. Điều này một lần nữa đã khẳng định độc thoại nội tâm trong văn học thời kỳ trước được thể hiện trong sự mạch lạc, sáng rõ của các trạng thái tâm lý nhân vật.

Văn học nội quan thế kỷ XX lại mở ra một con đường mới trong việc thể hiện những đoạn độc thoại nội tâm của nhân vật. Những tâm tư thầm kín nhất của nhân vật được thể hiện một cách tự nhiên, sâu sắc. Độc thoại nội tâm trong văn học nội quan thường là những mảnh tâm trạng, những lời tự bạch được lắp ghép, pha trộn phức tạp không theo một trật tự logic nào. Kí ức là chất xúc tác thúc đẩy những đoạn độc thoại nội tâm của nhân vật phát triển. Những đoạn độc thoại cứ thế diễn ra trong sự vô thức để nhân vật soi rọi khám phá, bộc lộ những góc khuất trong tâm hồn mình qua những kỉ niệm luôn ẩn hiện trong trí nhớ. Trong tác phẩm Dưới bóng những cô gái tuổi hoa, cả một quãng đời tươi đẹp được tái hiện qua

những hồi ức, khơi gợi nỗi nhớ da diết để nhân vật tự phân tích, lý giải và thể hiện tâm trạng mình một cách tự nhiên. Đó là cảm xúc, tâm trạng hoan hỉ khi được xem Berna biểu diễn và những xáo trộn trong đánh giá về diễn viên này. Đó còn là cảm giác của một chàng trai với những cảm xúc yêu đương, rung động, nhớ nhung luôn ngập tràn và tâm trí thường trực hình ảnh người yêu. Tất cả trở nên đẹp, thơ mộng biết mấy trong mắt tôi khi “tôi có thể nối lại tình thân với Gilberte như ở buổi khai thiên lập địa chưa hề biết tới dĩ vãng và xóa nhòa mọi nỗi thất vọng thỉnh thoảng nàng gây nên cho tôi: lòng ao ước khát khao tình yêu của Gilberte” [75, tr.73].

Đồng thời, nhân vật cũng cảm nhận thấy mình “thường sống với quá khứ nhiều hơn với hiện tại, thường sống lại những ngày tôi từng yêu Gilberte (vì dòng đời đâu có luôn luôn tuân theo trật tự trước sau; và lăn theo bánh xe thời gian, có biết bao sự lẫn lộn về tháng ngày xen kẽ nhau)” [75, tr.239]. Thế giới nội tâm của tôi trong tác phẩm Chân dung chàng nghệ sĩ trẻ cũng được tái hiện một cách sâu sắc qua từng những dòng hồi ức miên man. Đó là niềm vui thích thú khi nghe một bài hát quen thuộc, tâm trạng sợ hãi đầy nghi ngờ, thắc mắc khi thấy những người bạn của mình uống rượu. “Nó cảm thấy yếu đuối vì một nỗi mệt mỏi sợ hãi vật vờ. Tại sao bọn chúng có thể làm điều đó nhỉ?” [50, tr.87]. Đó còn là sự suy tư, day dứt về bản thân cũng như những suy nghĩ khi gia đình nó bị sa sút phải chuyển đến ở Dublin. “Nó thấy tức giận với chính mình vì hiện còn nhỏ tuổi và đang là mồi ngon cho những xung động rồ dại không ngừng; nó cũng tức giận vì sự đổi thay trong mệnh vận đã biến dạng cái thế giới quanh nó trở thành một ảnh tượng đầy nhơ nhớp và dối lừa” [50, tr.134]. Mọi kí ức trong tâm trí nhân vật đã tạo nên một thế giới đa sắc màu của cảm xúc, tâm trạng. Khi kí ức trở thành nỗi ám ảnh sẽ đưa con người vào trạng thái vô thức, khơi gợi bao hoài niệm. Chẳng hạn như nội tâm của Benjy trong Âm thanh và cuồng nộ. Thế giới mùi và âm thanh trong cảm nhận của một kẻ đần độn lại sâu sắc vô cùng. Tâm hồn chiếm giữ lý trí, nhân vật trải lòng mình trong một thế giới hỗn độn, không đầu không cuối, nhưng rồi cũng toát lên được hai điểm chính đánh dấu những đổi thay trong cuộc đời nhân vật đó là sự kiện chị Caddy lấy chồng và việc bà nội mất. Dù chỉ là một mớ hỗn độn những

trạng thái mơ hồ của một kẻ vô tri nhưng tất cả lại hiện lên khá rõ nét qua những âm thanh và hình ảnh đánh dấu những kỉ niệm khó phai trong kí ức của Benjy.

“Tôi nhìn thấy các cửa sổ, nơi cây cối rì rầm. Rồi bóng tối bắt đầu biến thành những hình thể êm ả, sáng ngời, như nó luôn thế, ngay cả khi Caddy nói rằng chị ngủ rồi” [27, tr.116]. Đặc biệt trong tác phẩm này, âm thanh luôn giữ vai trò chủ đạo làm xao động và gợi dậy những hồi ức trong lòng nhân vật. Chẳng hạn như âm thanh của tiếng đồng hồ đã khơi gợi bao kỉ niệm về gia đình và đặc biệt là hình ảnh cô em gái Caddy. Tiếng chuông thôi thúc Quentin trong từng phút giây khiến tâm trạng rối bời, dằn vặt đau khổ nhưng cũng có cả những kỉ niệm vui. Có thể nói, những kí ức vô tận đã khơi dậy bao cảm xúc, thúc đẩy thế giới nội tâm của nhân vật được thể hiện một cách tự nhiên và chân thực.

Thế giới nội tâm của nhân vật còn được thể hiện sâu sắc bằng những đoạn đối thoại. Đó không phải là sự đối thoại với một nhân vật thứ hai nào đó mà nhân vật đang đối thoại với chính mình. Một trong những nhà văn sử dụng thành công phương pháp đối thoại này trong việc thể hiện thế giới nội tâm của nhân vật là tác giả Ernest Hemingway, một nhà văn Mỹ của thế kỷ XX. Với việc đề ra lý thuyết

“tảng băng trôi”“bảy phần tám chìm dưới nước, chỉ có một phần nổi lên trên cho mọi người nhìn thấy” [20, tr.722], Hemingway đã thật sự thành công trong việc tái hiện bức tranh tâm lý của nhân vật. Cũng như Marcel Proust và James Joyce, Hemingway để nhân vật tự bộc lộ tâm tư mình qua một trường đoạn đối thoại. Khi đọc tác phẩm của ông, ta có cảm giác tác giả đang ngồi ở một nơi nào đó và bật máy ghi âm lên, ghi lại tất cả những lời đối thoại của nhân vật. Ông già và biển cả là tác phẩm thể hiện thành công tâm lý nhân vật qua những cuộc đối thoại tự thân (đối thoại với chính mình). Xuyên suốt tác phẩm là những lời đối thoại một mình của ông lão và xen kẽ là những suy nghĩ, tâm trạng của nhân vật qua cách nhân vật xưng “mình” với lời thuyết minh kèm theo của tác giả thông qua cách dẫn dắt “lão nghĩ”, “lão nói”. Đó là tâm trạng cô đơn, lạc lõng, bất lực và mệt mỏi nhưng ẩn đằng sau lời của ông lão là một tinh thần đầy lạc quan với niềm tin dai dẳng. Khi thì lão đối thoại với cánh tay: “Mày cảm thấy thế nào rồi hả tay”… “Vì

mày, tao sẽ cố ăn thêm một ít.”… “Hãy kiên nhẫn, tay à”, lão nói… [102, chương 5]. Khi lại đối thoại với cá kiếm: “Cá này, nếu mày không mỏi mệt”, lão nói lớn…

“Thì mày quả thật đúng là dị thường”… “Hãy bình tĩnh và giữ sức, lão già ạ”, lão nói” [102, chương 5]. Từ việc phân tích những đặc điểm trong cách thể hiện thế thế giới nội tâm của nhân vật, chúng ta có thể thấy rằng, mỗi nhà văn có cách tiếp cận và khai thác thế giới tinh thần của nhân vật theo những cách khác nhau nhưng tất cả đều cùng một mục đích là để nhân vật tự phân tích, tự thể hiện những chiều sâu tâm lý, tính cách mình một cách tự nhiên không cần những lời diễn thuyết minh họa của tác giả. Để làm được điều này đòi hỏi tác giả phải có một quá trình và sự am hiểu chiều sâu tâm lý sâu sắc.

Về hình thức, trong nhiều tác phẩm văn học nội quan, cấu trúc câu thông thường bị phá vỡ, thêm vào đó là việc sử dụng nhiều loại dấu câu. Chẳng hạn trong tác phẩm Chân dung chàng nghệ sĩ trẻ cũng có khá nhiều những phá cách trong cách sử dụng các dấu câu và hàng loạt những dấu chấm hỏi, dấu hai chấm, dấu chấm phẩy ở các trang như 35, 37, 60, 95, 97, 321, 329, 331… Những câu văn dài không đứt quãng ở các trang 24, 57, 60, 76, 121… trong tác phẩm Dưới bóng những cô gái tuổi hoa. Đặc biệt, từ trang 249 – 257 của tác phẩm Âm thanh và cuồng nộ là những dòng độc thoại nội tâm của nhân vật Quentin trải dài miên man, vô tân mà không hề có một dấu chấm câu nào. Ngoài ra, những câu văn ngắn cũng được sử dụng nhằm tái hiện mạch cảm xúc đứt gãy, không liền mạch trong thế giới nội tâm của nhân. Trong tác phẩm Âm thanh và cuồng nộ, xuyên suốt chương một là những câu ngắn và cực ngắn thể hiện tâm trạng, suy nghĩ của anh chàng Benjy.

Đó là những chi tiết, hình ảnh và ý nghĩ rời rạc, chắp vá được thể hiện không theo một trình tự nào. Từ những khảo sát trên, chúng tôi nhận thấy rằng những yếu tố về hình thức câu hay dấu câu cũng góp phần thể hiện thế giới nội tâm của nhân vật.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tiểu thuyết nỗi buồn chiến tranh (bảo ninh) và cơ hội của chúa (nguyễn việt hà) từ góc nhìn đặc trưng tiểu thuyêt nội quan hiện đại (Trang 22 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)