Chương 2. ĐẶC TÍNH CỦA VĂN HỌC NỘI QUAN TRONG TÁC PHẨM NỖI BUỒN CHIẾN TRANH CỦA BẢO NINH
2.1. Những yếu tố tự truyện
2.1.2. Yếu tố tự truyện
Nhiều người cho rằng Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là một tác phẩm bán tự truyện. Mà tự truyện là “tác phẩm nghệ thuật làm cho quá khứ được tái sinh” [39, tr.389] và ở đó nhà văn được sống dậy với khoảng thời gian của hoài niệm đầy khao khát đã được chúng tôi trình bày ở chương 1. Và theo nhà văn Mỹ Thomas Wolf thì: “Mọi tác phẩm nghiêm túc suy đến cùng đều có tính chất tự truyện, một người nếu muốn sáng tác một cái gì chân thực và có giá trị thì phải sử dụng kinh nghiệm và tài liệu trong cuộc sống của mình” [119]. Cùng với ý kiến trên, nhà văn Nguyễn Đình Thi trong tiểu luận Tiếng nói của văn nghệ viết năm 1948, cũng khẳng định rằng: “Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ. Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần của mình góp vào đời sống chung quanh” [73, tr.12 - 13].
Vì thế, khi đọc bất kỳ một tác phẩm nào, ta cũng cảm nhận được hiện thực đời sống hiển hiện và có khi là những điểm nhấn trong cuộc đời nhà văn phần nào được tái hiện. Chẳng hạn, khi đọc Gia đình bé mọn hay Con chó và vụ ly hôn của Dạ Ngân ta cảm nhận được những vấp ngã trong đời tư đã “dính” vào trang viết đầy suy ngẫm của nhà văn về hạnh phúc gia đình, về người phụ nữ trong xã hội.
Và khi đọc Ngược chiều cái chết, Lạc rừng hay Lính trận, người đọc cũng cảm nhận được cái tôi nhà văn đậm chất lính của Trung Trung Đỉnh thấp thoáng trong từng trang văn. Tuy nhiên, chúng ta không thể khẳng định đó là những tác phẩm tự truyện. Bởi tác giả chỉ đưa vào một vài chi tiết liên quan đến cuộc đời mình như sự khơi nguồn cảm xúc cho tác phẩm. Có thể nói đó là những tác phẩm mang màu sắc tự truyện nhưng không phải là tác phẩm tự truyện. Những yếu tố tự thuật trong tác phẩm nội quan tạo mạch ngầm dẫn dắt tác giả trở về với quá khứ để được một lần nữa sống lại trong tâm hồn sự khao khát, day dứt về kỉ niệm. Từ một đĩa bánh và tách trà mà tâm trí Marcel Proust như được sống dậy cả một quãng đời đã qua.
Với Bảo Ninh, một nhà văn bước ra từ mặt trận thì kỉ niệm của những ngày lửa đạn làm sao có thể bị xóa sạch mà không bị “đánh động”. Đó là nỗi nhớ khôn nguôi, là sự ám ảnh đến da diết trong kí ức nhà văn. Thế nên, khi viết một tác phẩm về đề tài
chiến tranh như Nỗi buồn chiến tranh thì ít nhiều quá khứ luôn ẩn hiện trong những trang văn của Bảo Ninh. Có thể tiểu đoàn 27, trung đoàn 3 trong tác phẩm không phải là tiểu đoàn 5, trung đoàn 24 mà tác giả từng đóng quân nhưng cùng chung một mặt trận, một địa bàn chiến đấu và cùng tấn công vào Sân bay Tân Sơn Nhất vào năm 1975. Những chi tiết gắn liền với cuộc đời tác giả trong suốt tháng ngày chiến đấu đã khơi dậy cảm xúc chân thành, sâu sắc trong tâm hồn nhà văn.
Đâu chỉ có sự thật tàn khốc về chiến tranh mà trên hết là niềm tự hào của những con người một thời mặc áo lính đã sống hết mình cho lý tưởng cao đẹp của dân tộc.
Tuy nhiên, ẩn đằng sau niềm tự hào ấy là những nỗi đau tinh thần, sự dày vò của bất lực, của niềm ham sống đang dấy lên trong lòng người lính.
Sau khi hòa bình lập lại, Bảo Ninh, Kiên hay bất kì một người lính nào bước ra từ chiến tranh bom đạn cũng không khỏi ngậm ngùi, đau đớn khi nghĩ về quá khứ. Qua những dòng hồi ức của nhân vật Kiên, người đọc cảm nhận được nỗi đau khi nghĩ về một thời lửa đạn đã qua xoáy sâu tâm hồn nhân vật cũng phần nào tái hiện được tâm trạng của nhà văn. Kiên trở về căn nhà cũ đã chôn giấu trong anh nhiều kỉ niệm một thời ấu thơ, nơi có người mà anh hằng mong mỗi đêm khi còn ở chiến trường. Thế nhưng, gặp lại Phương sau bao năm xa cách lại không đem đến cho anh những cảm giác hạnh phúc như mong đợi khi hai con người chừng như quá xa lạ với hai lối sống, hai tư tưởng song song không có điểm chung. Kiên những tưởng mình được sống, được trở về là niềm vui, là may mắn hơn biết bao đồng đội thì sẽ cố gắng sống tốt, hạnh phúc thay cho phần của người đã ngã xuống.
Vậy mà những năm tháng hòa bình lại là khoảng thời gian mà Kiên rơi vào sự tuyệt vọng, day dứt khôn nguôi với nhiều nỗi buồn đau nhất. Phương là nguồn động lực vô hình giúp Kiên tồn tại trong bom đạn để quay về giờ đã không còn. Họ gặp lại nhau vỡ òa vui sướng khi cảm nhận sự tồn tại của nhau, họ hôn nhau sau mười năm xa cách, “cái hôn bất tuyệt vào tim, cái hôn mà mãi mãi mỗi người trong họ còn phải nhớ bởi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ cả hai còn được hưởng một cái gì tột đỉnh cuộc đời đến như thế nữa” [69, tr.78]. Đối với Kiên, Phương là nguồn động lực giúp anh có thêm sức mạnh để tồn tại mà trở về, sống
tiếp quãng đời còn lại trong niềm khát khao hạnh phúc. Thế nhưng, khi tình yêu tan vỡ, Kiên như một bóng ma sống dật dờ, lay lắt và rơi vào trạng thái vô định hình về hiện tại, tương lai. Kiên không còn ý thức được mình đang sống ở quá khứ hay hiện tại khi kí ức xưa cứ siết chặt lấy anh như oan hồn. Chiến tranh đâu chỉ hủy hoại con người về nhân hình mà còn làm cho tâm hồn trở nên u uất, sầu thương bởi những day dứt về bao nỗi đau, sự mất mát. Kiên cũng như bất kỳ người lính nào từ chiến tranh trở về, anh cũng không thể nào tìm lại được chính mình trong trạng thái phẳng lặng. Kỉ niệm của những ngày máu lửa ám ảnh khôn nguôi tâm hồn anh.
Thế nên, để có thể tồn tại Kiên phải trải qua sự đấu tranh nội tâm đôi khi đến nghiệt ngã. Cảm xúc tràn về trong kí ức với nỗi ám ảnh của bao đau thương trong quá khứ đã khiến Kiên gục ngã, đắm mình trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê giữa thực tại với quá khứ, khả năng định hình trong suy nghĩ và hành động luôn bị động, rối loạn và mất phương hướng. Trạng thái này của Kiên là trạng thái vô thức.
Trạng thái ấy có thể do sự di truyền từ căn bệnh mộng du của cha. Tuy nhiên, đó không phải là nguyên nhân chính bởi trong suốt quá trình sinh sống và trưởng thành những suy nghĩ, hành động của Kiên không mang dáng dấp của cha. Cha anh dường như cách biệt với cuộc sống đời thường sôi sục không khí chiến đấu, hằng ngày chỉ làm bạn với những “bức tranh sống”, mang màu sắc dị thường do ông sáng tạo và “dưới ánh mắt của cha anh toàn bộ cõi đời như càng chuyển nhanh sang một thế giới khác, ngả sang màu khác” [69, tr.125]. Kiên thì sống khác, biết cách hòa nhập vào không khí chung của thời cuộc, năng nổ và tràn đầy nhiệt huyết lý tưởng. Thế nên, cái vô thức của Kiên khi trở về về với cuộc sống đời thường chính là sự bất lực, không thể thích ứng với môi trường xã hội mới và trở thành kẻ bị đào thải. Sự dồn nén của những ước muốn bị kiềm nén hay diễn biến phức tạp trong tâm hồn khiến con người mất định hướng, không thể thoát khỏi quá khứ, nhìn nhận hiện thực để tồn tại. Đối với Kiên, đó là sự dồn nén của cảm giác tội lỗi, của nỗi đau và cảm xúc ùa về khi nghĩ về quá khứ. Mỗi khoảnh khắc trôi qua của thực tại là một lần kí ức trong anh ùa về. Từng dòng kí ức với những chi tiết, sự kiện hiện lên rõ mồn một như thể chỉ mới diễn ra. Tất cả được dẫn dắt không theo
một trật tự tuyến tính nào mà như từng mảnh kí ức được ghép lại. Sự dồn nén này buộc Kiên phải giải thoát. Anh làm bạn với rượu để cố quên dĩ vãng, trốn khỏi thực tại như cha anh đã từng làm như thế. Càng uống thì những cảm xúc tan chảy trong lòng càng da diết, cuộc đấu tranh nội tâm trong anh càng trở nên mãnh liệt. Kiên giờ đây chỉ còn là “một cái bóng đã mất hết năng lực tồn tại thực tế nhưng chai rắn và ương ngạnh vẫn sống, dựa vào sức lì dữ dội, dai dẳng của năng lượng kí ức” [69, tr.122]. Nhưng Kiên cũng không thể cứ mãi chạy trốn, cứ mãi tồn tại trong sự vô thức của tâm hồn mà phải đối diện với nó. Cuối cùng, anh đã tìm được cho mình sự giải thoát bằng cách đến với văn chương, xem văn chương như một người bạn tâm giao để sẻ chia, đồng cảm, giúp anh phóng thích chính bản thân mình, “viết để quên đi, viết để nhớ lại. Viết để có một cứu cánh, một niềm cứu rỗi, để mà chịu đựng, để giữ lòng tin, để mà còn muốn sống” [69, tr.149]. Tuy nhiên, những trang viết của Kiên cũng chẳng khác nào sự nổi loạn trong tâm hồn anh.
Đáng lẽ phải viết về cuộc sống xung quanh mình, về số phận con người, về những gì mà cuộc đời ban tặng để thấy cuộc sống này còn bao điều tươi đẹp, đáng sống.
Thế nhưng, toàn bộ bản thảo tác phẩm chỉ là sự hỗn loạn của kí ức, nỗi đau ùa về trên từng trang viết. Những trang văn của anh chỉ nhuốm màu đau thương, ly biệt và nước mắt. Và cách viết không đầu không cuối lẫn lộn giữa quá khứ và hiện tại ấy của Kiên có thể được xem là lối viết vô thức. Kiểu viết văn này “được tạo thành bởi những dấu vết kỉ niệm đã được tồn tại và có thể vừa bị quên tức bị kìm nén vừa được khơi lại” [93, tr.79] để tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh. Cách viết của Kiên cũng chính là cách viết của nhà văn Bảo Ninh khi đặt bút viết Nỗi buồn chiến tranh. “Cái lối văn chương mất ngủ, văn chương như thể tự thiêu của anh có nét bẩm sinh dường như nó là một thứ di căn, một thể biến tướng của chứng mộng du và bệnh hão huyền di truyền theo đằng nội đã nhập vào anh từ trước lúc lọt lòng”
[69, tr.122]. Có thể nhà văn không chủ đích dùng “lối văn chương mất ngủ” ấy, nhưng có lẽ khi viết về đề tài chiến tranh thì kỉ niệm thời chiến ùa về, đẩy ông trôi theo miền kí ức mà không thể cưỡng lại được. Nhà văn để mạch cảm xúc tuôn chảy, tạo nên một chuỗi những liên tưởng vô định như dòng hồi ức bất tận của tâm
hồn mình. Kí ức trỗi dậy kết hợp với lối trần thuật bằng ngôi kể thứ nhất xưng tôi cùng điểm nhìn bên trong – điểm nhìn bao quát sự kiện và thế giới nội tâm nhân vật và dòng ý thức đã tạo nên một tác phẩm thành công.
Kết cấu truyện lồng truyện cũng là một trong những đặc điểm góp phần vào sự thành công của Nỗi buồn chiến tranh qua những trang hồi ức đặc sắc mà nhân vật mang đến. Kiên là một người lính, một nhà văn bước ra từ cánh cửa chiến tranh đang cố viết một cái gì đó để xua đi sự hoang vu, bế tắc trong lòng mình. Nhưng cuối cùng, nhà văn lại đặt bút ghi lại trang sử cuộc đời mình. Nhân vật tôi vô tình tìm thấy được “chồng bản thảo ma quái” và thử biên tập lại để thành một tác phẩm hoàn chỉnh. Dù tôi lúc đầu có cố gắng sắp xếp lại chồng bản thảo ấy nhưng rồi anh nhận ra không thể đọc bản thảo này theo kiểu thông thường và tìm cách đánh dấu trang, bởi đó là “sáng tác dựa trên cảm hứng chủ đạo của sự rối bời” [69, tr.254- 255]. Ngay cả tôi cũng thừa nhận rằng:
“Tác phẩm từ đầu đến cuối không hề có nổi một tuyến chung, một bề mặt đại khái nào mà hoàn toàn là những khối thù hình. Tất cả đang diễn ra đột nhiên đứt gãy và bị quét sạch khỏi giữa chừng trang giấy như thể rơi vào một kẽ nứt nào đó của thời gian tác phẩm. Ta vẫn gọi đó là sự mất bố cục, sự thiếu mạch lạc, thiếu bao quát nhiều khi chứng tỏ sự hụt hẫng của tư duy người viết. Chứng tỏ cái vẻ bất lực tòng tâm của y” [69, tr.255].
Vì thế, tôi đã chép lại gần như toàn bộ bản thảo ấy mà không hề thêm bớt ý văn của mình vào đó như sợ làm mất đi “chất điên” của một tâm hồn đang cần giải tỏa ẩn ức, của những trang văn “lỗi nhịp”. Tôi chỉ làm nhiệm vụ biên soạn lại bằng cách “lược đi những trang không thể đọc nổi vì mực bị phai, vì viết quá tháu, những trang rõ ràng là trùng lặp, những mẩu thư từ nói những chuyện người thứ ba không thể hiểu nổi hoặc những mẩu ghi chép linh tinh rối nghĩa” và “xoay xoay vặn vặn như một người chơi Ru – bic” [69, tr. 257] để biến khối ru – bic kia trở nên dễ tiếp nhận mà thôi. Như vậy có thể thấy rằng, có hai cái tôi xuất hiện trong tác phẩm: cái tôi nhân vật là Kiên – nhà văn phường và tôi là người biên soạn lại
tác phẩm của Kiên. Ngoài ra, chúng ta còn cảm nhận được sự lẩn khuất một cái tôi tâm trạng của nhà văn Bảo Ninh gửi gắm trong tác phẩm nữa. Bảo Ninh dường như cũng đã tìm thấy mình trong những trang văn ấy của chính nhân vật, tìm thấy sự đồng cảm trong mạch ngầm cảm xúc tuôn chảy. Và chính lời thừa nhận của “tác giả biên soạn” cũng là lời của Bảo Ninh: “Dường như do dự tình cờ của câu chữ và của bố cục, tôi và tác giả đã ngẫu nhiên trở nên hòa đồng tư tưởng, trở nên rất gần nhau” [69, tr.257], họ đã gặp nhau ở hoàn cảnh xuất thân từ người lính, “cùng lê bước trong bụi đỏ và trong bùn lầy, vai đeo tiểu liên, lưng đeo gùi. Chân đi đất… cùng chung một số phận, chia nhau đủ mọi cảnh ngộ thăng trầm, thắng bại, hạnh phúc đau khổ, mất và còn” [69, tr.257]. Dường như sáu trang (tr.253 – 258) của tiểu thuyết là sự lý giải cho kết cấu, lối viết tùy nghi theo tâm trạng của Kiên và của chính tác giả. Dù không cố ép mình viết về những năm tháng chiến tranh đã từng trải qua nhưng dấu ấn của khoảng thời gian ấy cứ hằn in trong tâm trí tác giả như một sự ám ảnh khôn nguôi. Tác giả cứ để dòng liên tưởng trong tâm trí mình thể hiện trên trang giấy bằng tất cả cảm xúc, hình ảnh vốn có. Ranh giới giữa nhân vật và tác giả bị xóa nhòa tạo cho người đọc cảm giác về một tự truyện đang được viết ra. Hai tâm hồn đồng điệu, hai mảnh ghép của cuộc đời lồng vào nhau hợp thành bức tranh hài hòa, một kết cấu tác phẩm trong tác phẩm đặc sắc. Tuy nhiên, những sự kiện hay mạch cảm xúc của nhân vật Kiên không phải là toàn bộ quãng đời của Bảo Ninh được tái hiện trong “tính toàn vẹn, cụ thể - cảm tính” [39, tr.389]. Thêm vào đó, một tác phẩm tự truyện đòi hỏi người viết phải “hết sức tôn trọng tính xác thực của các sự kiện, trong tự truyện các sự kiện tiểu sử của nhà văn chỉ đóng vai trò cơ sở của sáng tạo nghệ thuật” [39, tr. 389]. Trong Nỗi buồn chiến tranh, tiểu sử của nhà văn không đáng kể khi chỉ có tên một vài địa danh mà Bảo Ninh từng đóng quân và các mốc thời gian tham gia chiến đấu được nhắc lại.
Có chăng là những kí ức chiến tranh trở thành sợi dây kết nối ba cái tôi với nhau bằng một thế giới nội tâm phức tạp tạo nên một tác phẩm mang màu sắc tự truyện.
Lối tư duy vô thức xuyên suốt tác phẩm như kiểu “người sông mê” luôn chập chờn giữa hư – thực trong tác phẩm như sự bất định trong đường ranh kí ức của
nhân vật. Khi đọc tiểu thuyết này, người đọc sẽ luôn có cảm giác chừng như mỗi trang văn tác giả viết ra là thời khắc ông được đắm mình vào thế giới vô biên của hoài niệm, được vẫy vùng trong quá khứ để bước tiếp trong cuộc đời. Bằng những lý giải về lối viết văn của Kiên, của nhân vật tôi, Bảo Ninh cũng đã khéo léo đem đến cho người đọc lời giải thích về lối văn chương của mình. Nhà văn vừa muốn lột tả hết những ẩn ức trong lòng mình, vừa muốn chôn vùi nó vào tầng sâu của tâm hồn. Tuy nhiên, khi đặt bút viết về chiến tranh thì mọi kí ức ấy của Bảo Ninh lại được khơi nguồn, tạo nên những trang viết mang đậm dấu ấn của sự mông lung, mơ hồ bị chính những dấu vết kỉ niệm chế ngự. Đó là lối viết vô thức mà Sigmund Freud đã nói đến và nó“được tạo thành bởi những dấu vết –kỉ niệm đã được tồn tại và có thể vừa bị quên tức bị kìm nén vừa được khơi lại” [90, tr.79]. Khi thì nhân vật chìm ngập trong những giấc mơ, khi lại bị “quấy rầy”, đánh thức bởi kí ức một thời. Cả cuộc đời sau khi rời quân ngũ là những ngày tháng chìm ngập trong ảo ảnh của quá khứ. Nhân vật Kiên và Bảo Ninh cùng chung một thân phận lính, cùng chung những cảm xúc, “có chung một nỗi buồn, nỗi buồn chiến tranh mênh mang, nỗi buồn cao cả, cao hơn hạnh phúc và vượt trên đau khổ” [69, tr.257]. Nỗi buồn ấy ám ảnh mãi trong tâm thức nhà văn, thúc giục ông viết nên một câu chuyện rất đời về những người lính. Đó không phải là những phút giây hào hùng, kiên cường bất khuất trong máu lửa đạn bom mà đó là những góc khuất trong đời sống tinh thần của người lính. Có thể nói, vượt qua nỗi đau và sự ám ảnh của quá khứ đối với người lính là một chặng đường dài vất vả mà họ phải đối mặt hàng ngày để tồn tại.