Tác giả và tác phẩm

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tiểu thuyết nỗi buồn chiến tranh (bảo ninh) và cơ hội của chúa (nguyễn việt hà) từ góc nhìn đặc trưng tiểu thuyêt nội quan hiện đại (Trang 77 - 81)

Chương 3. ĐẶC TÍNH VĂN HỌC NỘI QUAN TRONG TÁC PHẨM CƠ HỘI CỦA CHÚA CỦA NGUYỄN VIỆT HÀ

3.1. Màu sắc tự truyện

3.1.1. Tác giả và tác phẩm

Nguyễn Việt Hà sinh năm 1962, tên khai sinh là Trần Quốc Cường. Nguyễn Việt Hà là tên vợ nhưng ông lại lấy đó là bút danh cho mình chừng như đã thể hiện được tình cảm, sự trân trọng của nhà văn dành cho vợ. Phải chăng tình yêu dành cho vợ đã nằm trong bản chất của người “con giai phố cổ”. Ông sinh ra và lớn lên là người con của đất Hà thành gốc nên cũng không khó lý giải vì sao những tác phẩm của ông lại thấm đẫm hình ảnh con người, đời sống, xã hội thủ đô đến vậy.

Từ một nhân viên ngân hàng (cán bộ phòng thanh toán quốc tế của một ngân hàng ở Hà Nội) trở thành nhà văn như một cái duyên tiền định mà Nguyễn Việt Hà đã và đang dấn thân vào. Người đọc biết đến nhà văn Nguyễn Việt Hà khi“Cơ hội của Chúa” ra đời vào năm 1999. Ba năm sau khi tác phẩm ra đời, ông được lựa chọn là nhà văn tiêu biểu, được mời tham dự một chuyến giao lưu văn chương tại Mỹ. Vốn xuất thân là một nhân viên ngân hàng, làm việc liên quan đến kinh tế, tiền bạc – những thứ khô khan, “lạnh lẽo” nhưng ông lại viết được văn, khiến mọi người trong ngân hàng phải ngỡ ngàng vì chẳng ai tin được một người có trông giống

“chàng cao bồi” lại có thể viết văn và có phần e sợ khi họ đánh đồng nhà văn, nhà báo chỉ có một đặc tính là chuyên bới móc, tọc mạch mọi chuyện. Có lẽ chính thái độ này của họ đã khiến lòng tự tôn của nhà văn phải từ giã nghề nhân viên ngân hàng để toàn tâm cho cái nghiệp văn chương bám riết cuộc đời mình như một cơ duyên. Nguyễn Việt Hà phải bỏ ngân hàng và chua chát công nhận “đã là túi đựng tiền thì không bao giờ có thể đựng được thơ. Đã là thương gia thì vĩnh viễn không thể là nhạc sĩ” [35, tr.178]. Ông tìm đến văn chương để được thả hồn theo từng trang viết, để bộc bạch tâm trạng khi cảm xúc buồn, vui hòa lẫn và “lên tới đỉnh điểm, cùng quẫn, trong khi người đó không thể kể hết cho bạn bè, người thân và thế là phải thì thầm vào trang giấy” [137]. Đối với ông thì viết văn chính là một dạng tu thân để mình có thể sống tử tế hơn. Cái khát khao trong sáng, tử tế ấy đã

đưa đến một cây bút khá tỉnh táo trong cách nhìn nhận, phản ánh sự việc nhưng không hề khô cứng mà nhẹ nhàng, sâu sắc bằng giọng điệu hóm hỉnh, hài hước.

Cái hài của các tác phẩm không chỉ được thể hiện trong cách tái hiện bộ mặt xã hội thời kỳ đô thị hóa mà chủ yếu được thâu tóm trong hình ảnh của xã hội và con người “Hà Nội mới”. Trong bài phỏng vấn của Nguyễn Trương Quý trên báo Tuổi trẻ, Nguyễn Việt Hà đã khẳng định hình ảnh những con người thị dân Hà Nội hiện ra trong tác phẩm của mình“khinh bạc” nhưng lại “không quá ngoa ngoắt, điêu trá hay nhẫn tâm” và họ cũng “sắc sảo”, “đa đoan”, “tinh tế”. Hà Nội vẫn còn đó vẻ “tao nhã và tinh tế” nhưng đã trở nên quý hiếm, lẩn khuất, khó tìm. Những nét đẹp nền nã một thời giờ chỉ còn là mộng ảo chăng khi tất cả đã bị quá trình đô thị hóa làm mai một, phai nhạt dần. Từ những gì dung dị nhất của thú vui dạo bờ hồ, của việc đọc sách, “chơi trăng” hay cái răng cái tóc, cả cái sự yêu của con người…

cũng trở nên quá xa xỉ. Tất cả như một thế giới thu nhỏ với đủ mặt xấu-tốt được tái hiện. Tuy nhiên, đằng sau tiếng cười dí dỏm trong từng trang văn, ta cảm nhận được tình yêu, sự hoài niệm về những giá trị văn hóa, những nét riêng làm nên mảnh đất, con người Hà Nội trong tâm trí nhà văn. Đó là Hà Nội xưa cũ với những

“cửa hàng đặc sản” “biển hiệu cao ngạo thơm lừng mùi phở xào, để nguyên bốn chữ như vậy trên nền sơn xanh hòa bình. Nếu của nhà nước thì thêm mấy chữ MDQD” [36, tr.14] hay hình ảnh của cảnh vật, con người Hà Nội đã ghi dấu. Một Hà Nội cổ kính với bề dày lịch sử và đặc biệt trong tâm hồn những người con đất Hà thành thì “ở trong sâu xa của nó luôn thăm thẳm một hồn cốt rất riêng vừa lạ vừa quen cực kỳ độc đáo” [36, tr.44]. Vẻ đẹp thầm kín của Hà Nội còn thể hiện qua hình ảnh của hàng cây khi mùa đông về với “lá vàng rải đầy ngõ nhỏ (kiểu như ngõ Lý Thường Kiệt đoạn gần phố Hỏa Lò), thỉnh thoảng mặt lá lại lấp xấp lăn theo gió heo may” [36, tr.44]; khi mưa phùn cuối Ngâu hay hình ảnh những con phố cũ lúc nửa đêm “khi ánh trăng chầm chậm rơi qua ánh đèn cao áp thủy ngân xuống mặt nhựa sẫm đen cô đơn lòng phố” [36, tr.45]. Thú vị hơn cả là cái mùi riêng của Hà Nội ngàn năm văn hiến “đậm đà mùi ngạt ngào bi tráng của cuồn cuộn sông Hồng, của âm ẩm khiêm lặng long lanh những mặt hồ” [36, tr.46].

Con người Hà Nội cũng góp vào nét độc đáo của Hà Nội ấy như một phần không thể thiếu. Đó là hình ảnh của “con giai phố cổ”, của những cô gái duyên dáng

“thong thả đạp xe, đã thế lại đạp Điamăng (một dáng xe mà người đạp phải mềm mại thẳng lưng kiêu sa vươn ngực ưỡn mông)” [36, tr.228] tạo nên vẻ đẹp

“xếchxi” của thiếu nữ Hà Nội. Dù vậy, sự gắn bó và tình yêu với nơi “nuôi dưỡng tuổi thơ” cũng không thể nào làm tác giả thôi chua xót và thừa nhận rằng “mươi năm gần đây phố cũ ở Hà Nội càng ngày càng hết đẹp” [36, tr.45], còn “quà rong Hà Nội thời nay ngày càng thiếu vắng cái tinh tế. Cái điêu luyện hào sảng phố phường ngấm ngầm bị rơi rụng thành trơ trọc hợm hĩnh” [34, tr.154]. Hà Nội bây giờ “cũng đã hết thật rồi những ô cửa sổ có ai đấy rưng rưng ngồi mông lung đọc” [35, tr.112]. Dường như những gì là tinh tú, thanh khiết nhất của Hà Nội đã ngày càng bị mai một khi xã hội độ thị hóa lan tràn để rồi chỉ còn “lác đác hôm nay những trung niên của Hà Nội vẫn còn có người nâng niu cái thú lang thang mơ màng nhìn Hồ Gươm, nhoi nhói mong ký ức vớt vát quá khứ” [34, tr.60], cái quá khứ một thời tươi đẹp để tác giả hay bất kỳ ai hoài niệm về nó. Tất cả những hình ảnh thân thương này đã ăn sâu vào tâm hồn Nguyễn Việt Hà để rồi mỗi trang viết của ông không bao giờ “rời mắt” khỏi đất Hà thành và con người nơi ấy.

Sự xuất hiện của Cơ hội của Chúa đã gây ra sự tranh luận sôi nổi trên Văn đàn, làm nóng lên không khí văn học đã nhiều năm yên ắng sau sự vang dội của Nỗi buồn chiến tranh năm 1990. Tác phẩm đã đánh dấu sự thành công của tác giả với bút pháp nghệ thuật mới mẻ. Đó là quá trình dẫn dắt câu chuyện của những cái tôi nhân vật qua những dòng nhật ký hay sự độc thoại nội tâm; là sự phối hợp uyển chuyển của những điểm nhìn từ bên trong. Mạch ngầm xuyên suốt tác phẩm là tâm trạng và kí ức bủa vây, tạo ra một “mê hồn trận” cảm xúc mà mỗi nhân vật mang lại. Cùng với mạch ngầm ấy là những chi tiết dí dỏm làm nên tiếng cười sảng khoái của tác phẩm. Điều này đã tạo nên một “lối văn chương túy quyền” (dẫn theo Nguyễn Huy Thiệp) uyển chuyển lúc cương lúc nhu, lúc trầm buồn, sâu lắng khi lại hả hê với tiếng cười hài hước sâu cay. Một trong những điểm đặc biệt nữa làm nên sự thành công của tác phẩm là nhà văn không tham dự nhiều vào quá trình “lập

trình” nên nhân vật, sự kiện. Nhân vật trở thành những diễn viên tự do trên sâu khấu, dẫn dắt khán giả vào thế giới của họ bằng hồi ức và sự độc thoại nội tâm.

Ngay khi vừa xuất hiện, Cơ hội của Chúa đã nhận được nhiều sự quan tâm, đánh giá sâu sắc. Hầu hết các nhận xét đều đánh giá cao sự cải tiến về nghệ thuật của Nguyễn Việt Hà qua những dịch chuyển liên tục về điểm nhìn tạo nên thành công về khả năng khắc họa nội tâm nhân vật, về tiếng nói phản ánh hiện thực một cách khách quan. Theo Đoàn Cầm Thi thì “Cơ hội của Chúa có một lối viết đa tầng đa dạng. Tác giả có thể viết ở những cung bậc khác nhau: buồn bã, cay nghiệt, dịu dàng, hài hước, nhạo báng…” [133]. Còn Đông La lại nhấn mạnh “chính cái văn phong chững chạc, biến hóa, đầy ấn tượng, mạch văn gọn, ý tưởng nhiều, những mảng hiện thực được phản ánh đúng” [111]. Dù có nhiều thành công trong việc tạo ra những biến tấu về nghệ thuật nhưng tác phẩm vẫn có hạn chế nhất định. Hạn chế đó chủ yếu nằm ở việc thể hiện quá nhiều câu triết lý dài dòng, rườm rà về triết học và tôn giáo, về con người, xã hội. Chẳng hạn như phần 1, chương 4 với 3 trang (tr.137 – 139) nói những triết lý của Chúa về thiện ác ở đời. Hay ở phần 1, chương 6 ( tr.223 – 232) là câu chuyện mà Hoàng đã sáng tác về triết gia Trang Tử. Ngoài ra còn là cuộc tranh luận giữa Hoàng và Sáng về Kinh dịch (tr.451 – 454) hay như đoạn đối thoại giữa Hoàng và cha Mai về đức tin, tôn giáo (tr.447- 449 hay ở phần 2 chương 9 có đến 4 trang (506 – 509) bàn luận đến vấn đề về vấn đề con người bằng việc đưa ra những luận điểm của Phật giáo, Đạo giáo, triết học. Thêm vào đó, có nhiều đoạn triết lý về con người, xã hội xuyên suốt tác phẩm. Điều này đã khiến câu chuyện trở nên “loãng” và có phần gây sự nhàm chán chứ không hẳn là cách để nhà văn phô kiến thức của mình như Nguyễn Hòa đã nói, “tác giả đã biến suy tư của Hoàng thành bản thu hoạch của tác giả sau khi đã nghiên cứu phần nhập môn vào Kito, Suzuki, Trang Tử, Kinh dịch” [105]. Tuy nhiên, một tác phẩm văn học cũng như một bức tranh ắt hẳn sẽ có những tì vết nhất định nhưng bao quát vẫn là cái hay, cái độc đáo của nó. Vì thế, những thành công về sự cách tân trong nghệ thuật kể chuyện của nhà văn và “cảm hứng phê phán mang tinh thần hài hước khoan hòa” “Cơ hội của Chúa” mang lại đã “tạo một vị trí đặc biệt trong văn

xuôi Việt Nam đương đại” [103], cũng như khẳng định được tên tuổi Nguyễn Việt Hà trong nền văn học Việt Nam thế kỷ XX. Năm 2013, “Cơ hội của Chúa” và 13 tạp văn nữa của Nguyễn Việt Hà đã được chuyển ngữ và xuất bản tại Pháp. Điều này càng minh chứng về sức lan tỏa, sự thu hút của tác phẩm đối với độc giả trong và ngoài nước. Năm 2005, nhà văn cho ra đời một tiểu thuyết thứ hai với nhan đề

“Khải huyền muộn” dung lượng hơn 300 trang. Kiểu kết cấu truyện lồng truyện của tác phẩm này kết hợp lối trần thuật ở ngôi thứ nhất xưng tôi của các nhân vật tạo nên một câu chuyện hoàn chỉnh. Tiểu thuyết thứ hai ra đời khẳng định và xác lập phong cách riêng mang dấu ấn Nguyễn Việt Hà. Dù vậy, Cơ hội của Chúa vẫn là tác phẩm để lại nhiều ấn tượng cho người đọc về phong cách nghệ thuật mới của tác giả.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tiểu thuyết nỗi buồn chiến tranh (bảo ninh) và cơ hội của chúa (nguyễn việt hà) từ góc nhìn đặc trưng tiểu thuyêt nội quan hiện đại (Trang 77 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)