Chương 3. ĐẶC TÍNH VĂN HỌC NỘI QUAN TRONG TÁC PHẨM CƠ HỘI CỦA CHÚA CỦA NGUYỄN VIỆT HÀ
3.1. Màu sắc tự truyện
3.1.2. Yếu tố tự truyện
Tự truyện là “tác phẩm nghệ thuật làm cho quá khứ được tái sinh” [39, tr.389]. Vì vậy mà các yếu tố tiểu sử trong cuộc đời nhà văn được xem như một chất liệu hiện thực khơi dậy cảm xúc, phản ánh đời sống, con người qua lăng kính nghệ thuật. Tuy nhiên, trong tiểu thuyết Việt Nam thế kỷ XX, các yếu tố này được sử dụng khá hạn chế, chỉ phảng phất với vài chi tiết nhỏ mang tính chất tự truyện mà thôi. Trong tiểu thuyết “Tấm ván phóng dao” của Mạc Can, kí ức về tuổi thơ với những tháng năm rong ruổi cùng gánh xiếc gia đình đã để lại trong ông nhiều nỗi ám ảnh. Nỗi ám ảnh ấy được tái hiện qua lời kể, tâm trạng của nhân vật tôi.
Trong các tác phẩm viết về đề tài chiến tranh của Chu Lai, Bảo Ninh, Trung Trung Đỉnh thì hiện thực về khoảng thời gian tham gia chiến đấu của nhà văn là nguồn tư liệu tuyệt vời để sáng tạo. Mỗi tác phẩm lại đem đến cho người đọc những cảm xúc, sự nhìn nhận khác nhau về chiến tranh, về cuộc đời người lính qua đôi mắt, sự trải nghiệm của nhà văn. Không gian chiến tranh hay sự ác liệt, khắc nghiệt của chiến tranh trong tác phẩm của nhà văn Chu Lai được khơi dậy từ hồi ức của năm tháng làm chàng lính đặc công ở vùng Sài Gòn. Hay hình ảnh đôi mắt của nhân vật Sương luôn ám ảnh khôn nguôi tâm hồn Hùng trong tác phẩm “Ăn mày dĩ vãng”
được khơi nguồn từ “cái nhìn khang khác” của cô người yêu Chu Lai khi ông từ bỏ Đại học Quân y, từ bỏ nghiệp lính biểu diễn sân khấu để trở thành người lính cầm súng trên mặt trận. Những dấu ấn trong cuộc đời nhà văn, đặc biệt là khoảng thời gian tham gia chiến đấu được khắc vào tác phẩm như sự khơi gợi kí ức khó phai.
Ngoài ra đối với Chu Lai thì chính khoảng thời gian chiến đấu đã hun đúc, thúc giục khả năng viết của ông. Những lúc rảnh rỗi ông lại viết lách để “lấp đầy im lặng, viết để khỏi rơi vào những khoảng tối tuyệt vọng nhất”, và chính những tháng ngày gian khổ nơi chiến trường ác liệt lại đưa ông đến với văn chương. Ông thừa nhận “không phải tôi tới với văn học mà sự cam go và nỗi cô đơn của chiến cuộc đã đem văn học đến với tôi” [77]. Có lẽ đó là cái “duyên tiền định” gắn ông với nghiệp văn chương. Đó cũng là nơi để ông có thể trải lòng mình về những kí ức đã qua, làm sống lại hình ảnh con người và chiến tranh vừa hào hùng, vừa khắc nghiệt; vừa anh dũng nhưng cũng lắm bi thương, khổ đau, bằng cái nhìn của
“người trong cuộc”. Dù vậy, những chi tiết về cuộc đời nhà văn chỉ ẩn hiện thấp thoáng trong tác phẩm qua hình ảnh nhân vật và là chất xúc tác để cảm xúc thăng hoa. Tuy nhiên, trong các tiểu thuyết VHNQ, các sự kiện ấy chỉ được sử dụng ở một hoặc vài chi tiết như một cách khơi gợi, làm điểm nhấn cho tác phẩm hoặc nhân vật. Trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh thì đó là dấu ấn về những năm tháng chiến đấu ở mặt trận B3 Tây Nguyên và tham gia vào cuộc tấn công giải phóng Sài Gòn lịch sử, thống nhất đất nước vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975. Những hồi ức về chiến tranh là ngọn nguồn khơi mạch cảm xúc để tác giả viết nên một trang sử mới về nỗi buồn lẩn khuất đằng sau chiến tranh. Đó là một nỗi buồn day dứt khôn nguôi về thân phận của những mảnh đời bước ra từ cuộc chiến. Trong Cơ hội của Chúa, những am hiểu về kinh tế của một nhân viên ngân hàng như Nguyễn Việt Hà là một chất liệu sống để nhà văn có thể khai thác và sử dụng. Điều này được thể hiện khá chi tiết ở hình ảnh của nền kinh tế Việt Nam những năm đầu 90. Đó là một nền kinh tế đang chập chững bước vào thời kỳ đổi mới, không tránh khỏi những đổ vỡ, khi mà hệ thống tài chính tư nhân không còn và tình trạng lạm phát gia tăng. Đó còn là hoạt động kinh doanh, những mánh khóe
làm ăn của Tâm, Nhã, Sáng được thể hiện một cách cụ thể. Chẳng hạn như bằng việc “đảo sổ” – “những người có tiền gửi ở các quỹ tín dụng đang cầm cái sổ tiết kiệm hàng mã có quyền gạt ngang cho những đối tượng mất khả năng hoàn trả”
[31, tr.402] mà Tâm đã thanh toán toàn bộ số nợ của mình một cách nhanh chóng, thậm chí còn dư tiền. Đặc biệt, sự hiểu biết của tác giả về lịch sử, triết học và sự thông tuệ về tôn giáo được thể hiện rõ nét qua hình ảnh của nhân vật Hoàng.
Hoàng là một con chiêng ngoan đạo, có hiểu biết rộng và là người “trong trắng nhưng khi anh ta phải đối diện với cuộc đời nhiều hoen ố và tệ bạc thì bị ăn đòn”
[107]. Hoàng như là cái bóng của Nguyễn Việt Hà khi tác giả đã thừa nhận rằng
“nhân vật có sự buồn chán, có sự khát khao của tôi…tôi và nhân vật của tôi thích uống rượu, uống rượu giỏi nhưng không nát rượu” [107]. Nhà văn đã mượn lời nhân vật để tỏ bày tâm trạng, sự suy tư và day dứt khi nghĩ về xã hội, về con người trong thời kỳ đất nước đổi mới. Đặc biệt, Hoàng đã nhận ra sự dối trá chính là nguyên nhân đẩy con người vào sự tha hóa và bước đường cùng để rồi“sự cùng quẫn cuối cùng của con người đó là cơ hội của Chúa” [31, tr.209]. Tuy nhiên, “cơ hội của Chúa” để cứu vớt những linh hồn lầm lạc đó là gì thì ngay cả Hoàng, Nguyễn Việt Hà cùng bao con chiên trên thế giới này vẫn cứ quẩn quanh truy tìm để rồi đau khổ vì mất niềm tin và phải thốt lên “Chúa ơi, con những tưởng đã ở trong vòng tay của Chúa… Con cầu xin ân sủng của Người” [31, tr.261]. Chính vì thế mà Hoàng luôn mang trong mình sự hoài nghi, trăn trở về niềm tin trong cuộc sống, về con người, cũng như định hướng tương lai. Đó cũng là sự trăn trở của chính tác giả khi nhìn nhận về con người, xã hội trong thời kỳ đổi mới. Điều này chúng ta còn có thể cảm nhận được qua tiểu thuyết “Khải huyền muộn” hay các tản văn, truyện ngắn của Nguyễn Việt Hà.
Từ những phân tích, dẫn chứng về các yếu tố tiểu sử nhà văn đã được khắc họa trong tác phẩm, chúng ta có thể thấy rằng bất kỳ tác phẩm nào cũng mang trong nó những yếu tố tự truyện nhất định. Theo Thomas Wolf thì các nhà văn đều“sử dụng kinh nghiệm và tài liệu trong cuộc sống của mình” [119] để làm một phần tư liệu “nhào nặn” nên tác phẩm. Nhưng chất liệu về cuộc đời của mỗi nhà
văn không phải tạo nên một tác phẩm tự truyện mà nhằm hỗ trợ nhà văn khai thác, thể hiện tư tưởng, chủ đề của tác phẩm một cách sâu sắc. Tuy nhiên, sử dụng những yếu tố tự truyện ấy sao cho thành công, đem đến cho người đọc sự mới mẻ, hứng thú để khám phá tác phẩm thì không phải nhà văn nào cũng làm được. Vì vậy, đổi mới trong nghệ thuật là một điều tất yếu, giữ vai trò quan trọng để tác phẩm không bị rơi vào lối mòn. Trong Nỗi buồn chiến tranh, dòng ý thức tuôn chảy qua các giấc mơ tỉnh thức và vô thức, kết hợp với độc thoại nội tâm đã làm nên sự ấn tượng đặc sắc của tác phẩm. Cũng với những đoạn độc thoại nội tâm hay dòng nhật ký và sự kết hợp nhuần nhụy của các ngôi kể khác nhau trong Cơ hội của Chúa, Nguyễn Việt Hà đã khẳng định được sự cách tân độc đáo về nghệ thuật của tác phẩm.
3.2. Thế giới nội tâm của nhân vật
Độc thoại nội tâm là đặc điểm chung được sử dụng để hình thành nên thế giới nội tâm của nhân vật trong tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh và Cơ hội của Chúa. Nỗi buồn chiến tranh được kết cấu theo kiểu “truyện lồng truyện” mà nhân vật vừa là nhà văn đang trong quá trình sáng tạo tiểu thuyết của cuộc đời mình một cách đau đớn, vừa là nhân vật chính của tác phẩm. Độc thoại nội tâm trong tác phẩm chính sự đối thoại tâm lý giữa nhà văn Kiên và nhân vật của anh ta nhưng thật ra lại chính là đối thoại với chính tâm hồn mình, với những đau đớn và dày vò về tinh thần mà mình đã trải qua. Vì thế, dòng độc thoại nội tâm trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh chính là quá trình tự vấn, lột tả mạch cảm xúc, tâm trạng qua dòng ý thức của một nhân vật chính. Tuy nhiên, trong tác phẩm Cơ hội của Chúa thì dòng độc thoại nội tâm lại được thể hiện qua nhiều nhân vật khác nhau bằng lối kể chuyện độc đáo. Điểm đặc biệt trong lối kể chuyện của Cơ hội của Chúa là sự phối hợp của hai ngôi kể và hai điểm nhìn khác nhau: Điểm nhìn từ bên ngoài của người kể chuyện ngôi thứ ba và điểm nhìn từ bên trong của người kể chuyện ngôi thứ nhất xưng tôi - nhân vật. Với điểm nhìn từ bên ngoài, từng tình tiết, diễn biến câu chuyện được thể hiện bằng đôi mắt khách quan của chủ thể kể chuyện. Tuy nhiên, với ngôi kể này, người kể chuyện chỉ như một nhà quay phim
bằng ngôn ngữ mà không thể đi sâu thấu hiểu được bề sâu tâm trạng nhân vật.
Nhưng với ngôi kể thứ nhất xưng tôi cùng với điểm nhìn bên trong, thế giới nội tâm của mỗi nhân vật được khắc họa một cách sâu sắc. Đây cũng chính là đặc điểm làm nên tính chất đa thanh độc đáo của tiểu thuyết này. Bởi bốn nhân vật chính là Hoàng, Nhã, Thủy và Tâm là bốn câu chuyện khác nhau được lồng ghép tạo thành một chỉnh thể. Hai ngôi kể này luôn có sự hòa phối vào nhau tạo nên nét riêng của tác phẩm, dẫn đến sự thay đổi của điểm nhìn nghệ thuật – “điểm rơi của cái nhìn vào khách thể” [39, tr.113]. Trường suy tưởng cùng bao khắc khoải trong tâm hồn nhân vật được thể hiện một cách tự nhiên qua độc thoại nội tâm và những dòng nhật ký.
Lời bộc bạch tâm tình hay những kỉ niệm ùa về trong tâm trí của những nhân vật tôi nhiều khi được hòa lẫn với lời của người dẫn chuyện. Ngay từ phần đầu truyện, khi Tâm từ nước ngoài trở về, cùng Hoàng đi uống bia, nhìn thấy khung cảnh Hà Nội, lòng anh đã nao nao bao cảm xúc “Hà Nội của anh. Tâm cười khẩy.
Suýt nữa vì nó mà mình bỏ mạng nơi đất khách (lời nhân vật). Không hiểu vì sao, hồi đánh đồng hồ lậu qua Stuttarger, Tâm nhớ nó bật khóc” (lời người kể chuyện) [31, tr.48]. Khi tình cờ gặp lại Huyền trong một quán rượu, bao kỉ niệm cứ ùa về trong kí ức Tâm. Những nụ hôn ngọt ngào mãi xoáy vào tâm can để rồi cảm thấy lòng mình “tê buốt”. Kí ức về cuộc nói chuyện giữa anh và Huyền trước ngày anh lên đường sang nước ngoài đột ngột hiện hữu trước mắt Tâm (31, tr.65). Chỉ với vài câu đối thoại ngắn gọn nhưng đã khái quát được nhiều điều. Đó là tình yêu da diết của Huyền, là thái độ dứt khoát của Tâm trong tình yêu. Anh không muốn là người ích kỷ giữ lấy người yêu bên cạnh cũng như không có niềm tin ở tình yêu khi mà cả hai người ở quá xa nhau, níu giữ lấy nhau bằng trách nhiệm và nghĩa vụ.
Hay đoạn độc thoại nội tâm của Hoàng sau khi can một cặp vợ chồng ở Hải Phòng đánh nhau trong lần anh xuống Hải Phòng đón Thủy nhưng không gặp:
“Tại sao, tại sao mình lại làm vậy. Mình đã thề với mình biết bao lần là không nhấp nhổm nữa. Một thằng đàn ông uống rượu rồi đánh vợ. Chuyện vặt liên tục
của đời thường. Mình đã chứng kiến không ít điều khốn nạn. Liên quan gì đến mình. Buổi tối họ lại làm lành” [31, tr.236].
Đoạn độc thoại thể hiện tâm trạng day dứt và suy tư của Hoàng khi chợt nhận ra rằng việc chồng đánh vợ đã thuộc về bản chất. Đó là một thói quen, một quy luật tự nhiên của đời sống khi mà cuộc sống quá khó khăn đẩy người đàn ông đến những hành động mất kiểm soát lại thêm gánh nặng vợ con khiến họ bị bế tắc.
Điều này làm cho anh cảm thấy cay đắng khi nghĩ về cuộc sống, xã hội mà ở đó con người chỉ ngày càng đánh mất những phẩm chất tốt đẹp của mình.
Hình thức những câu văn ngắn được sử dụng như một thước phim quay chậm vừa diễn tả hành động vừa xoáy sâu tâm trạng nhân vật trong tác phẩm Cơ hội của Chúa của Nguyễn Việt Hà. Hình thức này khác với những câu văn dài thể hiện một chuỗi những cảm xúc, tâm trạng miên man theo chiều liên tưởng cùng dòng ý thức của nhân vật Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Chẳng hạn như đoạn văn thể hiện tâm trạng, suy nghĩ của Kiên về cuộc chiến đã qua:
“Tôi cũng không thể không hiểu rằng ngôi sao chiếu mệnh của thời tôi đã vĩnh viễn lụi tắt. Vinh quang của cái thời đã qua ấy dầu rằng tột đỉnh nhưng chỉ một sớm một chiều. Hào quang choáng ngợp buổi đầu sau chiến tranh đã chóng vánh mai một trong từng thân phận. Những người chết đã chết cả rồi, người được sống tiếp tục sống trong những khát vọng nồng cháy từng là cứu cánh của cả một thời, từng soi rọi cho chúng tôi nội dung lịch sử, thiên chức và vận hội của thế hệ mình, rủi thay đã không thể thành ngay hiện thực cùng với thắng lợi của cuộc kháng chiến như chúng tôi hằng tưởng” [69, tr.46].
Hình thức những câu văn ngắn được sử dụng nhiều trong việc khắc họa tâm trạng hay miêu tả hành động của nhân vật. Chẳng hạn như đoạn miêu tả tâm trạng Hoàng khi không đón được Thủy ở Hải Phòng. Anh bước vào thư viện để mong tìm được một chốn bình yên từ trang sách, nhưng tâm trạng anh càng nặng nề hơn khi trong lòng dấy lên những dự cảm chẳng lành và cảm xúc miên man khi nghĩ về tình yêu với Thủy:
“Tại sao mình buồn. Mình buồn hay là mình hậm hực. Từ lâu, mình đã linh cảm thấy sự mong manh dễ vỡ. Thực ra mình có gì để đến với em… Em đã thất vọng ở anh. Anh yêu em, Thủy ơi. Em tự tin vì nghĩ mình luôn luôn đúng. Biết làm sao được, đành phải chấp nhận. Hoàng ờ túi lấy điếu thuốc. Cô thủ thư nhìn. Anh đi ra ngoài cửa sổ” [31, tr.252- 253].
Nỗi buồn hay sự hậm hực ghen tuông bao trùm lấy tâm hồn Hoàng. Ngay từ khi bắt đầu yêu Thủy, Hoàng đã cảm nhận được sự mong manh, dễ vỡ khi mình chẳng có công danh, sự nghiệp và cũng không hoàn toàn hiểu được con người Thủy.
Xuyên suốt tác phẩm, tâm trạng của Hoàng nhiều lần thổn thức “đặt chân” vào lời kể của người dẫn chuyện một cách hài hòa, tự nhiên. Đó là nỗi nhớ, sự suy tư về tình yêu với Thủy ở trang 259, 261; về Chúa ở trang 307, 317, 318; về sự quẫy đạp giữa hiện thực đời sống ở trang 141, 286, 290, 291, 308…
Hình thức nhật ký cũng là phương tiện được sử dụng nhằm tái hiện bức tranh nội tâm nhân vật một cách chân thật, tự nhiên. Với nhật ký, nhân vật được thả hồn vào thế giới riêng của chính mình để giải tỏa những ẩn ức dồn nén. Nhật ký được xem là thể loại văn học thuộc loại hình kí và“là hình thức tự sự ở ngôi thứ nhất được thực hiện dưới dạng những ghi chép hằng ngày theo thứ tự ngày tháng về những sự kiện của đời sống mà tác giả hay nhân vật chính là người trực tiếp tham gia hay chứng kiến” [39, tr.237]. Có những cuốn nhật ký chỉ đơn thuần là ghi chép lại các sự kiện của hành trình cuộc đời mình nhưng lại là một tác phẩm văn học có giá trị. Chẳng hạn như “Nhật ký chìm tàu” của chủ tịch Hồ Chí Minh được viết trong giai đoạn sau thành lập Đảng Cộng Sản Đông Dương. Đây không chỉ là một cuốn nhật ký ghi lại hành trình của Người trong những tháng ngày bôn ba mà trên hết là để “kể lại những điều tai nghe mắt thấy và sự đổi mới trên quê hương Cách mạng Tháng Mười Nga Xô Viết” [128] nhằm mục đích tuyên truyền Cách mạng.
“Nhật ký trong tù”của Người cũng là một tác phẩm văn học đặc sắc, một cuốn nhật ký bằng thơ ghi lại những ngày tháng trong nhà tù Tưởng Giới Thạch (8/1942 - 9/1943) nhằm lên án, tố cáo và thể hiện khao khát tự do, tình yêu của Người và
“chất thép” của người tù. Sau khi đất nước thống nhất, nhiều tập nhật ký của chiến