6. Kết cấu của luận văn Chương 1. GIỚI THUYẾT VỀ VĂN HỌC NỘI QUAN
1.4. Sự phổ biến của văn học nội quan trong nền văn học thế giới và Việt Nam
ngạt. Đó có thể là xã hội Pháp thu nhỏ mà chúng ta có thể nhìn thấy trong bộ tiểu thuyết nổi tiếng của văn hào Honoré de Balzac. Một nước Pháp với đủ các hạng người cùng bức tranh xã hội đen tối nhất được tái hiện trong bộ Tấn trò đời và nhiều tiểu thuyết khác của Balzac. Đó là một xã hội mà “một chú ngựa rất đẹp đóng vào một trong những chiếc xe lộng lẫy phô trương cuộc sống xa hoa phóng túng, có vẻ đó như là một thói quen trở thành niềm hạnh phúc của người Paris” [4, tr.73] và một thế giới người mà “cô con dâu xấc láo với ông bố chồng khi ông ta dành tất cả mọi thứ cho con trai mình. Và kia, cậu con trai đuổi mẹ vợ mình ra khỏi cửa” [4, tr.102]. Hay đó là một xã hội Anh thu nhỏ được phơi bày trong Hội chợ phù hoa của William Makepeace Thackeray. Xã hội Anh thế kỷ XIX là bức tranh của hai mặt đồng tiền và danh vọng song song tồn tại. Con người lao vào sự phù phiếm xa hoa, sống trong sự che đậy giả tạo để có thể đạt đến sự phù hoa sang trọng bất chấp tất cả. Ở nơi đó giá trị con người bị bán rẻ. Những gì tốt đẹp nhất của con người như đạo đức, nhân phẩm, tình người cuối cùng chẳng khác nào một sự khôi hài bị đưa ra làm trò hề và trong xã hội “đồng tiền làm thức tỉnh nơi họ bao tình cảm mặn mà đối với người có của đáng yêu” [83, T1, tr. 386]. Cũng có thể là xã hội mà con người được đặt trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt ở Nga mà L. Tolstoy đã tái hiện trong bộ tiểu thuyết nổi tiếng Chiến tranh và hòa bình.
Có thể thấy rằng, mỗi nhà văn đem đến cho độc giả một bức tranh hiện thực sinh động với nhiều màu sắc. Tuy nhiên, hiện thực phũ phàng, đen tối ấy của thế kỷ XIX lại quá vĩ mô mà bỏ quên đi cái hiện thực vi mô, hiện thực tâm lý của chính những con người tồn tại trong xã hội đó. Những trạng thái tâm lý phức tạp, sâu sắc trong tâm hồn con người đã trở thành một nhu cầu bức thiết cần được giải bày. Vì thế, đời sống tâm lý ấy đã trở thành cảm hứng, đối tượng cho sáng tạo nghệ thuật văn học.
Vẫn hướng ngòi bút vào đời sống hiện thực nhưng cái hiện thực mà văn học nội quan hướng đến là hiện thực tinh thần của con người. Con người được phóng thích khỏi sự bức bách, hỗn loạn về tinh thần khi “lòng tin tưởng tôn giáo đã mất, lòng tin tưởng khoa học cứu thế đã đem lại ảo tưởng cho con người suốt một thế kỷ
nay cũng không còn; tư tưởng mới chưa cấu thành, đó chỉ mới là một ước vọng mờ mịt” [1, tr.13]. Đó là hậu qủa của sự khủng hoảng kinh tế những năm 30 của thế kỷ XX. Đặc biệt là sự khủng hoảng tinh thần sau hai cuộc đại chiến, con người rơi vào trạng thái bi quan, nhìn cuộc đời phi lý với đầy những sự suy đồi đổ nát về vật chất lẫn tinh thần. Chính vì thế mà những nhà văn thời kỳ này đã phát hiện ra rằng con người không thể sống với thế giới vật chất mãi mà phải tìm về một thế giới khác, thế giới phi vật chất, thế giới của “lòng nhiệt tình bản năng, tình cảm, đức tin” [1, tr.12]. Tuy nhiên, đức tin vào chúa, xem thượng đế như một thực thể hiện hữu có khả năng cứu rỗi linh hồn con người như quan niệm của những nhà hiện sinh hữu thần thể kỷ XX cũng không thể giải thoát con người. Không còn con đường giải phóng nào khác, con người chỉ có thể quay về với bản thể của chính mình. Các văn nghệ sĩ đã nhận ra và hướng ngòi bút của mình vào việc khám phá cái “cuộc sống linh động” ẩn chứa bên trong tâm hồn con người. Tuy nhiên, để khám phá thành công thế giới tinh thần bên trong ấy đòi hỏi văn nghệ sĩ không thể dùng lý trí mà phải tìm hiểu nó bằng chính những trải nghiệm của bản thân, bằng trực giác sâu lắng khi khám phá thế giới tinh thần của con người. Đặc biệt, nhà văn không còn tin vào bất kỳ điều gì và tưởng chừng như bế tắc trong nghệ thuật sáng tác. Vì thế, họ quay về với mục đích phục vụ cho những khát khao, tâm trạng đang trỗi dậy trong tâm hồn mình. Nhà văn có thể tái hiện những trải nghiệm về cuộc sống mà mình đã từng dấn thân để rồi tự mổ xẻ, phân tích mình dưới cái nhìn bản thể. Đời sống tâm lý đa dạng, phức tạp cùng bao suy tư thầm kín của con người được nhà văn khai thác như một chất liệu sáng tác chủ yếu và xuyên suốt tác phẩm.
Cái hiện thực của văn học nội quan là hiện thực tự thân biểu hiện chứ không phải qua sự “biết tuốt” của nhà văn như trong văn học ngoại quan. Chính sự thỏa mãn về tinh thần mà văn học nội quan đã nắm bắt và thể hiện được trong từng trang văn đã đem đến nguồn sinh khí mới cho văn học thế giới. Nhà văn đã khơi dậy sức sống cho tác phẩm, lôi cuốn người đọc vào việc khám phá và cảm nhận sự mới mẻ của một xu hướng văn học mới. Khuynh hướng văn học nội quan đã đạt đến đỉnh cao trong văn học Pháp với bộ tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất của
Marcel Proust. Tiểu thuyết này được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1913 với những “thử nghiệm của cách viết mới, tìm cách vượt ra khỏi quy luật của thời gian để thông qua nghệ thuật nắm bắt được bản chất của hiện thực ẩn giấu trong thế giới vô thức và được “tái tạo lại bởi suy nghĩ” [85, tr.39]. Những thử nghiệm ấy đã khẳng định được tên tuổi của ông trên văn đàn Pháp và thế giới cũng như nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả. Ở Anh, với tác phẩm của James Joyce, ta lại tiếp tục được trải nghiệm một thế giới nghệ thuật độc đáo với sự xuất hiện của thủ pháp dòng ý thức. Dù không phải là người sáng tạo ra dòng ý thức nhưng ông lại là đại diện xuất sắc cho “hành động đặt trọng tâm của tiểu thuyết hiện đại lên cái nhìn hướng nội của chính bản thân nhân vật” [7, tr.149]. James Joyce được biết đến như một tiểu thuyết gia nổi tiếng với các tiểu thuyết như Chân dung chàng nghệ sĩ trẻ (Portrait of the artist as a Young man 1916), Ulysses (1922) và Finnegans thức giấc (Finnegans Wake, 1939). Đặc biệt, kỹ thuật dòng ý thức còn được William Faulkner, một nhà văn người Mỹ sử dụng khá thành công, tạo nên tác phẩm nội quan đặc sắc với Âm thanh và cuồng nộ (The Sound and the Fury), được xuất bản năm 1929. Bên cạnh đó thì trong các sáng tác của Ernest Hemingway cũng là một trong những tác giả tiêu biểu cho khuynh hướng văn học nội quan. Đối thoại, độc thoại nội tâm thâu tóm các giá trị ngầm ẩn chứa bên trong tâm hồn con người theo thuyết “tảng băng trôi” do ông đề ra là một trong những đặc điểm nổi bật. Đưa ra một vài tác giả và tác phẩm tiêu biểu, chúng tôi chỉ muốn đi vào khẳng định hiệu quả nghệ thuật cũng như khả năng ảnh hưởng của khuynh hướng này trong nền văn học thế giới nói chung. Điều này lại càng chứng minh sự ra đời của nó là một tất yếu có khả năng giải tỏa những ẩn ức tinh thần luôn trỗi dậy trong tâm hồn.
Sự giao lưu, ảnh hưởng và tiếp biến về kinh tế xã hội, văn học nghệ thuật đã tạo điều kiện thuận lợi để khuynh hướng văn học nội quan hình thành ở Việt Nam.
Trong những năm đất nước trải qua hai cuộc kháng chiến trường kì, gian khổ, văn học chủ yếu tập trung vào việc thể hiện hình ảnh những con người, vùng đất anh hùng, kiên trung trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc với âm hưởng anh
hùng ca sôi nổi. Hòa bình lập lại, hình ảnh con người mới và công cuộc dựng xây đất nước cũng trở thành nguồn cảm hứng cho văn học. Tuy nhiên, âm hưởng ngợi ca mãi rồi cũng phải lắng xuống khi đời sống tinh thần con người ngày càng phức tạp mà văn học không thể đáp ứng được. Vì thế trong một thời gian dài, đặc biệt là những năm sau khi hòa bình lập lại, văn học Việt Nam dường như chững lại khi không có nhiều tác phẩm tạo được dấu ấn đặc sắc, thu hút sự chú ý của độc giả.
Cái tôi cá nhân hòa vào cái chung của xã hội trong không khí đại đồng ở văn học đã trở nên quá quen thuộc, không còn khơi dậy được nhiều sự sáng tạo độc đáo ở mỗi nhà văn. Tuy nhiên, ở những giai đoạn sau, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, văn học đã có những chuyển biến quan trọng. Số phận, đời sống tinh thần của con người được các nhà văn tập trung khai thác và thể hiện sâu sắc hơn. Thông qua bức tranh tâm trạng của nhân vật, từng chi tiết, sự kiện được tái hiện một cách tự nhiên, chân thật bằng độc thoại nội tâm, dòng ý thức, gợi nên khoảng không gian, thời gian tâm tưởng in hằn trong kí ức. Đây chính là những đặc điểm của một tác phẩm được sáng tác theo khuynh hướng văn học nội quan hiện đại thế kỷ XX. Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh có thể được xem là cuốn tiểu thuyết đầu tiên được viết theo khuynh hướng nội quan sâu sắc nhất. Sự thành công của tác phẩm này đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng, mở đường cho một khuynh hướng văn học, một trào lưu phê bình mới được hình thành. Đến năm 1999, tiểu thuyết Cơ hội của Chúa của Nguyễn Việt Hà xuất hiện đã một lần nữa đã làm trỗi dậy sức sống, sự sôi nổi của nền văn học. Những đặc điểm của khuynh hướng nội quan được thể hiện một cách đa dạng, độc đáo trong từng tác phẩm. Nếu xem Nỗi buồn chiến tranh là tiểu thuyết đánh dấu sự hình thành của khuynh hướng VHNQ thì Cơ hội của Chúa sẽ là tác phẩm thể hiện sự mở rộng khuynh hướng này trong nền văn học Việt Nam. Ngoài hai tiểu thuyết trên thì các tác phẩm của Chu Lai, Hồ Anh Thái, Thuận… cũng mang một số đặc điểm nội quan hiện đại đáng chú ý.
Bên cạnh tiểu thuyết thì khuynh hướng văn học nội quan còn được thể hiện trong thơ tượng trưng - siêu thực ở giai đoạn đầu thế kỷ XX. Trong thơ, sự sáng tạo của các thi sĩ như một chuỗi vô thức được tuôn ra qua những câu thơ dài ngắn khác
nhau khá lộn xộn hay có khi không có cả những dấu câu. Nhà thơ chú ý đến thế giới thầm kín có chiều sâu bí ẩn và những linh động nằm ngoài vòng kiểm soát của trí năng, thay vào đó là sự nhìn nhận vạn vật bằng trực giác và trạng thái vô thức.
Có như vậy nhà thơ mới có thể nhìn thế giới ở hai mặt và chiều sâu liên tưởng tuyệt vời. Những tác phẩm tiêu biểu cho thể loại thơ này có thể kể đến thơ siêu thực André Breton, Baudelaire, Valéry, Edgar Allan Poe… Ở Việt Nam, chúng ta chú ý đến thơ của Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên và một số nhà thơ trong nhóm Xuân Thu Nhã Tập.
Khuynh hướng văn học nội quan ngày càng khẳng định được sự phát triển của mình cũng như tạo ra một bước ngoặt lớn trong quá trình hình thành một khuynh hướng phê bình mới. Sự xuất hiện của khuynh hướng văn học mới này đóng vai trò quan trọng trong việc cách tân nghệ thuật tiểu thuyết Việt Nam và tạo nên nguồn cảm hứng mới trong sáng tạo của các nhà văn.