6. Kết cấu của luận văn Chương 1. GIỚI THUYẾT VỀ VĂN HỌC NỘI QUAN
1.5. Hiệu ứng nghệ thuật của khuynh hướng văn học nội quan trong sáng tạo tiểu thuyết
Khuynh hướng văn học nội quan xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XIX và phát triển mạnh vào đầu thế kỷ XX đã đem đến cho văn học thế giới một bước tiến quan trọng, mới mẻ. Đặc biệt, khuynh hướng này thật sự thành công đối với thể loại tiểu thuyết khi mở ra một hướng đi mới bằng phương pháp sáng tác mới. Đó là phương pháp hướng nội bằng kí ức và liên tưởng có tính trực giác, tập trung khắc họa đời sống nội tâm nhân vật qua những hồi ức, hoài niệm và dòng ý thức len lỏi vào từng diễn biến tâm lý. Tiểu thuyết nội quan hướng vào hiện thực nội tâm mà ở đó “con người tôi nồng nhiệt, dâm đãng, hiếu động, trầm tư, thận trọng, dối trá và thành thực một cách quỷ quái” [47, tr.19] được bộc lộ một cách chân thực. Dù vậy, nội dung phản ánh của tiểu thuyết nội quan cũng không nằm ngoài hiện thực đời sống. Tuy nhiên, hiện thực mà văn học nội quan phản ánh không phải là những câu chuyện của quá khứ được được kể lại mà câu chuyện ấy vẫn đang diễn ra, đang hình thành qua lớp kính mờ của kí ức. Đó là chất hiện thực, là triết lý hay suy nghĩ
lẩn khuất ở bề sâu tư tưởng và được thể hiện một cách tự nhiên, chân thực qua lớp màn tâm lý của nhân vật. Điều này tạo nên điểm khác biệt và mới mẻ so với văn học của các thế kỷ trước. Đó không còn là hiện thực đã qua được kể lại bằng lối trần thuật khách nữa. Các chi tiết, sự kiện trong tác phẩm hiện lên không theo trình tự logic có sẵn mà theo từng diễn biến tâm lý và những liên tưởng bất tận của nhân vật. Không – thời gian trong tác phẩm không bị đóng khung trong không gian, thời gian lịch sử và mang tính cố định mà luôn không ngừng biến đổi. Đó là không gian, thời gian đồng hiện hay đan cài vào nhau giữa quá khứ, hiện tại và có khi là tương lai. Trong những khoảng không gian, thời gian mở của VHNQ, tác giả có thể phát triển, mở rộng, tạo nên sự đa dạng về chủ đề cho tác phẩm. Chủ đề phong phú sẽ thu hút được sự tìm tòi, khám phá cũng như tạo ra những cảm xúc mới mẻ cho người đọc. Tuy nhiên, sự dàn trải nhiều chủ đề đôi khi cũng gây cảm giác rườm rà, rối rắm và khó khăn cho người đọc trong việc tiếp nhận tác phẩm.
Lối văn trần thuật thông qua người kể chuyện ngôi thứ ba trong văn học đã được thay thế bằng lối trần thuật theo ngôi thứ nhất do chính nhân vật đảm nhận.
Lối trần thuật này kết hợp với phương pháp dòng ý thức và độc thoại nội tâm của nhân vật đã tạo cho tác phẩm một sức sống mới, gợi nhiều cảm xúc mới mẻ cho người đọc. Tiểu thuyết nội quan đã phá vỡ quy luật thẩm mỹ truyền thống với tư duy duy lý bằng trực giác cảm tính chủ quan và nội tâm con người qua dòng chảy của ý thức, sự hoài niệm. Sự thay đổi này đã hình thành nên lối viết mới – lối viết tâm lý trong sáng tạo tiểu thuyết của nhà văn. Với phương pháp sáng tác mới, tiểu thuyết nội quan đã khẳng định được sự tồn tại và thành công của thể loại trường thiên nhưng giảm đi nhiều sự nhám chán, bởi nó là “tiểu thuyết động” được tạo ra từ sự đa dạng của cảm xúc, sự phức tạp của đời sống tâm lý nhân vật. Đó không phải là tâm lý chung gắn liền với những suy nghĩ, trách nhiệm đối với xã hội trong các tác phẩm văn học thế kỷ trước. Đó là tâm lý cá nhân của nhân vật, là trải nghiệm trong cuộc sống qua từng cung bậc cảm xúc với sự suy tư và chiêm nghiệm được thể hiện chủ yếu trong từng trang tiểu thuyết. Ngay cả những chi tiết tưởng
rất nhỏ nhặt trong đời sống, tâm trạng con người cá nhân cũng được thể hiện một cách cụ thể, độc đáo tạo nên sự chân thực và gần gũi giữa độc giả và tác phẩm.
Hiệu quả nghệ thuật của văn học nội quan lần đầu tiên được thể hiện thành công ở bộ tiểu thuyết đồ sộ gồm bảy tập Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust. Nhà nghiên cứu người Pháp Bernard Rafalli đánh giá khá cao về tác phẩm của Proust khi nhận xét rằng: “toàn bộ nền văn học Pháp sẽ được đọc trước hoặc sau Proust” [46, tr.115]. Năm 1919, Dưới bóng những cô gái tuổi hoa được tặng giải thưởng Goncourt đã thật sự khẳng định tên tuổi của ông trên văn đàn Pháp và thế giới. Sau Proust thì tiểu thuyết của James Joyce, nhà văn người Anh với các tác phẩm như: Chân dung chàng nghệ sĩ trẻ (1916), Ulysses (1922) và Finnegans thức giấc (1939) cũng đã đem đến một chân dung mới cho văn học Anh. Sự xuất hiện Âm thanh và cuồng nộ của William Fauklner vào năm 1929 đã đem đến một làn sóng mới cho văn học Mỹ thế kỷ XX. Thành công của các tác phẩm trên đã khẳng định được sự ảnh hưởng sâu rộng, sự phát triển nhanh của văn học nội quan trên thế giới.
Ở Việt Nam, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh xuất hiện lần đầu là vào năm 1990 với tên gọi Thân phận tình yêu , đến năm 1991 được đổi tên thành Nỗi buồn chiến tranh. Sự xuất hiện của tác phẩm này đã tạo nên diện mạo mới cho văn học Việt Nam thế kỷ XX. Tác phẩm này được dịch ra 19 thứ tiếng trên thế giới.
Năm 1999, Nguyễn Việt Hà đã gây được sự chú ý của người đọc với tiểu thuyết Cơ hội của Chúa. Tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh và Cơ hội của Chúa của Nguyễn Việt Hà là hai tác phẩm tiêu biểu cho sự ảnh hưởng của khuynh hướng văn học nội quan trong văn học Việt Nam. Ngoài ra, tiểu thuyết của Chu Lai, Nguyễn Bình Phương, Thuận... cũng chịu sự ảnh hưởng từ khuynh hướng văn học này. Khuynh hướng văn học nội quan đã tạo ra một trào lưu sáng tác, phê bình văn học mới và khẳng định được sự thành công của nó trên văn đàn Việt Nam.
Chương 2. ĐẶC TÍNH CỦA VĂN HỌC NỘI QUAN TRONG TÁC PHẨM