Chương 3. ĐẶC TÍNH VĂN HỌC NỘI QUAN TRONG TÁC PHẨM CƠ HỘI CỦA CHÚA CỦA NGUYỄN VIỆT HÀ
3.3. Không gian, thời gian tâm lý
Không gian, thời gian trong Cơ hội của Chúa cũng giống với không, thời gian trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Đó là không gian, thời gian tâm lý với những diễn biến nội tâm phức tạp và sự hồi tưởng qua từng kí ức của nhân vật.
Tuy nhiên, không gian, thời gian trong tác phẩm của Bảo Ninh chảy trôi theo dòng ý thức của các giấc mơ, độc thoại nội tâm và hoài niệm của nhân vật Kiên. Còn trong tác phẩm của Nguyễn Việt Hà thì KGTG lại được tái hiện qua độc thoại nội tâm hay trang nhật ký của các nhân vật tôi khác nhau và có khi là qua người kể chuyện ngôi thứ ba. Thông qua lời người kể chuyện thì thời gian của câu chuyện được dẫn dắt theo trật tự tuyến tính từ thời điểm Hoàng ra sân bay Nội Bài đón Tâm ở nước ngoài trở về. Điểm cuối của trật tự thời gian ấy lại phụ thuộc vào từng diễn biến tâm trạng và lời kể của từng nhân vật tôi. Không gian gói gọn trong hình ảnh của Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn hay thấp thoáng là không gian trời Tây thập kỷ 80. Chẳng hạn như hình ảnh Hà Nội được điểm xuyết với bóng dáng của các cơ quan có vòm cuốn và cửa sổ kiểu kiến trúc Pháp. Hay hình ảnh Hà Nội trong cảm nhận của Tâm khi vừa đặt chân đến sân bay Nội Bài là dáng vẻ quen thuộc với hình ảnh “những con bò đủng đỉnh gặm cỏ ở rệ đường băng. Những thủ tục hải quan rườm rà xoi mói mang đầy tính máy móc” [31, tr.331]. Hà Nội còn được tái hiện ở một góc khuất khác khi về đêm với “phố cổ ngói xám. Hồ Tây sương loang.
Những bãi cỏ xanh được mưa xuân mơn mởn” [31, tr.215]. Hay hình ảnh về Hải Phòng “ngột ngạt trong không khí đổi tiền.. Cửa khẩu lớn nhất miền Bắc ấm ức suy nhược vì cơn sốt ác tính kinh tế” [31, tr.242] trong thời buổi kinh tế thị trường.
Không gian, thời gian tâm lý gắn liền với cảm xúc, tâm trạng của Thủy, Nhã, Tâm và Hoàng. Từ nước ngoài trở về, Tâm xây nhà, mở quán cà phê cho út Phượng.
Sau đó, anh bắt đầu các phi vụ làm ăn, mở công ty riêng và sau Tết Bính Dần thì
cưới vợ. Từ ngày Tâm trở về, Hoàng vẫn làm công việc ở công ty nội thương đầu ngành của Nhà nước và cuộc sống vẫn cứ diễn ra như thường nhật. Còn Thủy bắt đầu đi thực tập, được Bình tỏ tình rồi sau đó đi Tiệp. Cuộc đời Nhã thì nhiều biến chuyển khi gặp Sáng. Xen kẽ vào từng mốc thời gian tuyến tính ở hiện tại là sự đan xen của quá khứ qua những suy tư, hoài niệm của nhân vật. Trong những trang nhật ký của Thủy thì thời gian của câu chuyện được bắt đầu từ những tháng sau khi Thủy và Hoàng chính thức yêu nhau. Đó là khoảng thời gian ngọt ngào hương vị tình yêu, niềm hạnh phúc nhưng cũng lắm nỗi buồn. Dù đang hạnh phúc nhưng nhiều lúc tâm trạng cô rối bời khi quá khứ của những ngày đầu hai người quen biết nhau ùa về. Đó là lần Hoàng giả vờ không quen biết Thủy khi họ tình cờ gặp nhau nơi quán nước mà Hoàng vẫn thường ra đó uống rượu. Thời gian được đẩy về xa hơn vào thời điểm hai người gặp nhau ở chùa Hương. Đây cũng là thời điểm đánh dấu tình cảm mà cô dành cho Hoàng bởi từ hôm đó, “tôi nghĩ nhiều về anh từ hôm đầu nhìn thấy anh. Được nghe anh hát một bản tình ca rất buồn trong nhà trọ chùa Hương” [31, tr.185]. Khoảng thời gian Hoàng bỏ đi Nha Trang trong lần cả hai giận nhau vì anh giả vờ đau bụng để không đến sinh nhật Mỹ Trúc lại ùa về. Từng chi tiết, hình ảnh của quá khứ lồng vào quá khứ để lại trong cô nhiều suy tư về tình cảm của mình đối với Hoàng.
Trong lòng Thủy luôn dấy lên những câu hỏi hoài nghi tình cảm mà Hoàng dành cho mình. Khoảng thời gian đi thực tập ở Hải Phòng và thời gian sau đó là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời Thủy. Thời gian của quá khứ, hiện tại đan cài, lồng ghép vào nhau. Đang trong sàn nhảy ở Hải Phòng cùng với Huệ nhưng tâm trí cô lại chơi vơi ở Hà Nội khi cùng Hoàng đi nhảy ở Hà Nội. Dù ở bất kì nơi nào thì hình ảnh Hoàng vẫn choán lấy tâm hồn cô, đưa cô trở về với những kỉ niệm vui buồn cùng anh. Khi ngồi xếp lại những tấm hình kỉ niệm, lòng Thủy đau đớn nhớ đến buổi tối khủng khiếp mà Hoàng đã tát mình. Cái tát ấy đã thật sự chấm dứt một cuộc tình đẹp giữa cô và Hoàng, một cuộc tình để lại trong cô quá nhiều uy tư, buồn khổ. Lòng cô đau đớn, “những nụ cười trong ảnh của hai đứa bỗng nhòe nước mắt. Tôi cố đừng khóc. Có cái gì đấy chẹn phía sâu trong. Tôi òa nức nở.
Chúng tôi đã mất nhau thật rồi” [31, tr.374]. Từng kỉ niệm được lật giở trong trái tim cô, nhuốm vào KGTG bằng những nhớ nhung, day dứt.
Một vài kỉ niệm tình yêu giữa Thủy và Hoàng cũng trở lại trong kí ức của Hoàng. Kỉ niệm của quãng thời gian chưa yêu nhau, Hoàng luôn có cảm giác thiếu tự tin, tự xem mình là một kẻ lố bịch không xứng đáng với một cô gái trong sáng như Thủy. Nếu với Thủy buổi gặp gỡ ở chùa Hương là ki niệm khơi dậy tình cảm của cô dành cho Hoàng thì với Hoàng đó lại là sự “mặc cảm đầy xấu hổ về buổi tối ba hoa bên phiến đá chùa Tuyết”…. “Tôi thấy mình lố bịch, tôi chẳng là cái gì cả”
[tr.152]. Ngày Thủy đi Tiệp, Hoàng biết nhưng không đưa tiễn, chỉ ở nhà và để nỗi nhớ, sự đau đớn xâm chiếm tâm hồn mình. Lòng nao nao nhớ về hai tháng trước khi Thủy đi, anh đã vào Huế nhận giải truyện ngắn hay trong tháng do một tạp chí ở Huế tổ chức. Suốt quãng thời gian ở Huế, nỗi nhớ dành cho Thủy luôn đong đầy.
Kỉ niệm về khoảng thời gian đầu mới yêu nhau thật hạnh phúc biết bao. Quá khứ về những giây phút hạnh phúc bên Thủy và hiện tại của ngày ở Huế luôn song hành đánh thức bao hoài niệm, khắc sâu tình yêu, sự đau đớn của Hoàng trong ngày Thủy đi. Kí ức lại được đẩy lùi vào khoảng sáu bảy tháng trước khi Hoàng đi Sài Gòn, anh đã được gặp Sáng trong lần đi dự một cuộc triển lãm cùng Nhã ở đó.
Thời điểm này là đã ba tháng anh không được gặp Thủy. Ba tháng giận nhau, ba tháng với bao nhung nhớ, day dứt vì những sự việc xảy ra. Đột ngột hình ảnh của ngày anh tát Thủy xoáy vào tâm can khiến nỗi đau trong lòng đẩy đến đỉnh điểm.
Kí ức đau buồn ấy luôn dằn vặt Hoàng và khắc sâu tâm trạng của anh một sự thật rằng, “em không tha thứ cho tôi. Cái điều bất hạnh tôi linh cảm đã tới… Chẳng nhẽ anh phải chịu một hình phạt kinh khủng thế sao. Không có em, anh còn biết làm gì” [31, tr.435]. Tình yêu anh dành cho Thủy luôn da diết, mãnh liệt. Cũng như Thủy, không gian, thời gian trong câu chuyện của Hoàng luôn đẫm đầy tâm trạng và hình ảnh người mình yêu. Tình yêu anh dành cho Thủy rất sâu sắc nên chia tay Thủy đối với Hoàng là sự đau đớn đến tận cùng khiến anh mất phương hướng, mất niềm tin vào cuộc sống. Chỉ Chúa mới có thể cứu rỗi được linh hồn, tiếp thêm sức mạnh để một con chiên ngoan đạo như Hoàng tiếp tục vững tin mà
bước tiếp trên đường đời của mình. Thế nên, kí ức về buổi nói chuyện với cha Mai trong lần cùng Nhã đi Sài Gòn miên man trong tiềm thức của Hoàng rất phù hợp với trạng thái tâm lý nhân vật sau lần cuối cùng gặp Thủy. Cha Mai là người đã dạy dù trong bất kì hoàn cảnh bất hạnh nào thì cũng không được hằn thù. Vì vậy mà, kí ức của lần gặp Bình lại ùa về. Anh chấp nhận làm người thua cuộc, “mình lại thua rồi. Chấp nhận. Lạ thật. Cứ bao giờ xảy ra chuyện tranh đấu là mình lại thua” [31, tr.261], chấp nhận làm một người kẻ hèn nhát hay làm một người cao thượng và thực hiện đúng như lời răn dạy của Chúa? Mỗi một chi tiết, hình ảnh của quá khứ đã hằn sâu trong tâm trí anh, để rồi khi đối diện với thực tại của ngày Thủy ra đi, Hoàng như một kẻ mộng du lạc giữa vùng sa mạc khô cằn, vô vọng kiếm tìm một lối thoát. “Người tôi lấp lửng một sự loay hoay của bảy năm về trước. Bảy năm tôi mò mẫm đi tìm công danh sự nghiệp. Giờ đây, tôi vớt vát đi tìm tình yêu” [31, tr.474]. Sự nghiệp thì chẳng thấy khi công việc không phù hợp, làm ít chơi nhiều càng làm cho tâm trạng của Hoàng thêm bi đát và mang nặng một nỗi chán chường. Còn trong tình yêu thì sau bảy năm dò dẫm, Hoàng đành phải chấp nhận làm người thua cuộc khi đã đánh mất đi tình yêu của mình. Không gian, thời gian trong kí ức của Hoàng được khơi dậy qua nỗi đau và sự dằn vặt khi anh đã hoàn toàn đánh mất Thủy, người mà anh yêu nhất.
Nếu Hoàng mò mẫm tìm kiếm tình yêu rồi dằn vặt, đau khổ thì Nhã lại bị chính chính “tình yêu của mình” bán rẻ, dày vò. Kí ức hiện về trong tâm trí Nhã là khoảng thời gian diễn ra lần hội ngộ đầu tiên giữa Nhã và Lâm kể từ ngày Lâm bỏ rơi cô. Cuộc đối thoại diễn ra trong mười bốn phút ngắn ngủi vào cuối mùa đông năm 1984 chỉ để lại sự khó chịu, khơi dậy trong cô nỗi đau đã cố chôn giấu suốt bao năm qua. Kí ức hạnh phúc Khoảng thời gian hạnh phúc trong tình yêu với Lâm đột ngột hiện ra trong tâm hồn Nhã. Thế nhưng, niềm hạnh phúc ấy lại trôi qua nhanh khiến trái tim cô càng đau đớn. Những ngày tháng Lâm từ bỏ mẹ con cô để đi tìm một tương lai rạng rỡ nơi trời tây, có những khi trái tim cô quặn thắt vì nhớ anh. Đặc biệt, nỗi nhớ ấy mãnh liệt nhất là khi bé Phương Phương được sáu tháng tuổi. Còn khoảng thời gian khi bé được hai tuổi là lúc tâm trạng của Nhã bi đát
nhất khi đêm nào cô cũng khóc vì đau đớn và tuyệt vọng. Có thể nói, thời gian đầu khi Lâm ra đi đối với Nhã là quãng thời gian kinh khủng nhất, chẳng khác nào sự hiện hữu của bóng đêm và vực thẳm luôn bủa vây lấy tâm hồn cô. Lần tiếp theo gặp Lâm là vào mùa đông khi Nhã đi nhảy cùng với Tâm và Bình ở khách sạn Thắng Lợi. Và mùa hè năm đó, đúng vào sinh nhật ba mươi tuổi, Nhã nhận được bức tượng “the family” của Lâm. Món quà ấy lại một lần nữa làm dấy lên trong tâm hồn Nhã sự xót xa, đau đớn khi nghĩ về quá khứ. “Tuổi thanh xuân của tôi vọng lại. Tôi quên hết rồi. Vậy mà gần sáng mới thiếp đi được. Tỉnh dậy thấy gối ướt đầm, chắc đêm qua mình khóc mơ” [31, tr.118]. Làm sao cô có thể quên được những tháng ngày khổ đau mà mình đã trải qua! Làm sao có thể lành được vết thương lòng mà cô đã chịu đựng để mở lòng mình đón nhận tình yêu mới! Cô cũng từng có khát khao được hạnh phúc trong ngày rước dâu nhưng mọi thứ đã rời xa cô mãi mãi. Kí ức của ngày đám cưới Tâm sau Tết Bính Dần chợt ùa về khiến lòng cô chống chếnh, chênh vênh và xót xa. Cô sẽ chẳng có một đám cưới nào, chẳng còn người đàn ông nào có thể bước vào cuộc đời mình thêm lần nữa. Thời gian diễn ra đám cưới của Tâm chậm rãi trôi qua trong kí ức khi bao hình ảnh về quá khứ đột ngột xen ngang, hòa lẫn với thực tại, khắc sâu tâm trạng Nhã. Cô nhớ đến lời của Du nói về Lâm trong lần cùng Hoàng, Du đi chơi ở Hồ Tây. “Mình không muốn thô bạo. Nhưng đành. Ông Lâm không phải là người cho cậu… Đơn giản là không đáng tin” [31, tr.267 – 268]. Ngày ấy, Nhã đã bực mình, tức tối vì những câu nói của Du về người mình yêu nhưng sau khi bị bỏ rơi, cô mới thấm thía lời bạn và nhận ra linh cảm của Du đã đúng. Nhớ đến dự cảm của Du, tâm trí cô lại bị thôi thúc với kỉ niệm của buổi nói chuyện với Lâm, mẹ Lâm trước khi anh ta đi nước ngoài. Đến lúc này cô mới thật sự ngộ ra bản chất của người mà mình đã gửi trọn tình yêu và niềm tin. Người đàn ông ấy đã bán rẻ cô và đứa con trong bụng để được đổi đời. Sự tuyệt vọng, đau khổ đã khiến Nhã từng nghĩ đến việc trả thù nhưng rồi nhờ có Hoàng thức tỉnh, cô đã không làm những điều dại dột. Sự tổn thương và nỗi đau trong cô quá lớn nên khi gặp Henry Barker vào mùa đông năm 1984, được anh ta cầu hôn, Nhã đã từ chối. Trái tim cô đang thổn thức nỗi nhớ
Lâm cồn cào thì làm sao có thể đón nhận tình cảm của ai. Niềm hạnh phúc nhỏ nhoi được làm vợ, làm người phụ nữ của gia đình là khát khao trong cô khi gặp Sáng. Dù không quá cảm động, không nhiều tình cảm với Sáng nhưng khi được anh ta tỏ tình, khát khao kia đã thúc giục cô an phận làm vợ. Kí ức của buổi chiều được Sáng tỏ tình trong không gian nhà hàng sang trọng đã đánh thức trong cô niềm hạnh phúc thoáng qua. Từ kỉ niệm ấy, cô chợt nhớ đến lần đầu tiên hai người gặp nhau khi công việc của cô gặp trắc trở mà thông qua một người quen biết Nhã đã gặp Sáng. Thời gian của lần đầu gặp gỡ và thực tại của ngày được Sáng cầu hôn đã khắc ghi hình ảnh của Sáng trong tâm trí Nhã. Thế nhưng, hình ảnh ấy chưa kịp để lại trong cô nhiều cảm xúc yêu đương trỗi dậy thì cũng là lúc nó đẩy cô đến vực thẳm của sự tuyệt vọng. Suốt gần sáu mươi tiếng bị tạm giam ở Sài Gòn, người mà cô nghĩ đến đầu tiên là Sáng. Thế nhưng, anh ta đã bỏ mặc cô để bảo vệ lấy cái danh mà anh ta đang theo đuổi. Cô trở về Hà Nội chỉ sau sinh nhật của cô vài ngày.
Người đón cô chỉ có Hoàng và bé Phương Phương. Một lần nữa trái tim cô đau đớn vì bị phản bội và bị bán rẻ. Khoảng KGTG trong kí ức của Nhã chủ yếu diễn ra bằng những hoài niệm, những nỗi đau khắc sâu tâm hồn cô.
Trong kí ức của Tâm, không gian, thời gian không có sự đan cài giữa quá khứ - hiện tại phức tạp, cũng không nhằm diễn đạt những diễn biến tâm lý sâu sắc của nhân vật. Không gian, thời gian ấy chủ yếu được triển khai ở hai điểm mốc là quá khứ của những ngày Tâm còn ở nước ngoài và hiện thực sau khi anh về nước.
Những năm tháng ở nước ngoài là quãng thời gian gian khó đối với Tâm vì nó gắn liền với những phi vụ buôn lậu thót tim khi bị truy đuổi. Hiện thực được khắc họa trong tâm trí Tâm là những ngày sau khi anh trở về nước năm 1989, khi Hà Nội bước vào thời kỳ đổi mới những vẫn chẳng có gì thay đổi so với gần năm năm trước đó. Quãng thời gian hiện tại có khi bị đánh thức bởi quá khứ về những năm 1972 hay những kỉ niệm tình yêu với Huyền. Năm 1972 là năm gia đình Tâm đi tản cư vô cùng khó khăn. Thời gian ấy khắc sâu tình yêu, sự kính trọng của Tâm đối với người mẹ chịu thương chịu khó và giàu lòng yêu thương, sự hi sinh dành cho gia đình, con cái. Kí ức về Huyền mang lại cảm giác ngọt ngào, thân thương và
khắc ghi hình ảnh người con gái ấy trong trái tim Tâm. Có thể nói TGKG trong kí ức của Tâm kiểu là kiểu không gian, thời gian đơn giản, không có chiều sâu tâm lý phức tạp. Điều này xuất phát từ bản chất con người Tâm – một người có đời sống nội tâm đơn giản, sống thiên về lý trí.
Tuân theo quy luật tâm lý của Thủy, Nhã, Tâm và Hoàng, từng khoảng không gian, thời gian trong tác phẩm được lồng ghép, đan cài vào nhau tạo nên sự đứt gãy, chắp nối, không theo trật tự tuyến tính của thời gian vật lý. Đó cũng là đặc điểm chủ yếu trong kết cấu không gian, thời gian của Nỗi buồn chiến tranh. Tuy nhiên, không gian, thời gian trong Nỗi buồn chiến tranh được tái hiện ở nhiều thời điểm khác nhau trong sự bấn loạn tinh thần hay những hồi ức rối rắm và cả trạng thái vô thức của nhân vật Kiên hay kết cấu truyện lồng truyện đã tạo nên sự đan cài, “nhảy cóc” hay đồng hiện giữa quá khứ và hiện tại. Đang ở giữa phố phường đông đúc của Hà Nội những ngày hòa bình, từng mảng kí ức chiến tranh đột ngột hiện hữu, choán lấy tâm hồn Kiên. Trong Cơ hội của Chúa của Nguyễn Việt Hà, sự biến đổi của không gian, thời gian phụ thuộc chủ yếu vào những hồi ức, độc thoại nội tâm hay nhật ký của các nhân vật tôi. Chẳng hạn như trong nhật ký của Thủy, không gian, thời gian có sự đan cài giữa khoảnh khắc đang trong một sàn nhảy ở Hải Phòng cùng với Huệ và kí ức của ngày cùng Hoàng ở sàn nhảy của bạn Hoàng.
Vì được khắc họa qua những lời kể khác nhau hay có thể do tâm trạng nhân vật chi phối nên có vài điểm thời gian của tác phẩm không được thống nhất và có phần rối rắm. Chẳng hạn như thời gian Tâm về nước qua lời người kể chuyện là vào đầu hè năm 1985. Còn trong nhật ký của Thủy và kí ức của Tâm thì Tâm về vào năm 1989. Trong kí ức của Hoàng thì ngày Tâm về là vào khoảng năm 1985.
Thỉnh thoảng, những mốc thời gian trong tác phẩm có sự trùng lặp. Điển hình là khoảng thời gian Nhã và Lâm gặp lại nhau là vào năm 1984 được nhắc đến qua lời kể của người kể chuyện ngôi thứ ba và được nhắc lại trong kí ức của Nhã và Hoàng. Sự lặp lại các mốc thời gian như thế này là hạn chế của tác phẩm, ít nhiều gây cảm giác khó chịu cho người đọc. Tuy nhiên, dù được tái hiện bằng phương