Chương 1: ĐIỀU KIỆN, CƠ SỞ VÀ QUÁ TRÌNH DU NHẬP, PHÁT TRIỂN CỦA ĐẠO
1.1 Những điều kiện khách quan cho sự du nhập đạo Tin Lành vào thành phố Cần thơ
1.1.3 Đặc điểm văn hóa, tôn giáo ở Cần Thơ
Trong nền văn hóa chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam thì mỗi dân tộc, mỗi vùng miền lại có nét văn hóa riêng độc đáo, đa dạng và phong phú. Những bản sắc văn hóa riêng đó đã trở thành nếp sống, các chuẩn giá trị được nhân dân giữ gìn và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đó là những nét đẹp truyền thống trong cách ăn, mặc, ở; trong cách đối nhân xử thế và cả trong đời sống tâm linh. Khi đề cập đến văn hóa, tôn giáo ở Nam Bộ nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng gồm có ba đặc điểm cơ bản sau:
- Đặc điểm thứ nhất: Đa dạng văn hóa, tộc người và tôn giáo
Nam Bộ từ miền đất hoang vu rừng thẳm, nhiều sông rạch, đầm lầy
“Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh”, trên rừng nhiều thú dữ và động vật quý. Dưới nước tôm, cá bạt ngàn. Người dân Nam Bộ lao động cần cù, dũng cảm. Để tồn tại và phát triển giống nòi, sản xuất và bảo vệ sản xuất tất yếu các gia đình nông dân trong họ tộc, trong xóm làng hợp tác lao động đổi công phá rừng làm ruộng rẫy, đào sông rạch, làm đường giao thông, cưu mang đùm bọc “Thương người như thể thương thân” giúp đỡ nhau chén cơm manh áo đúng với câu ca truyền miệng hầu như người dân Nam Bộ nào cũng thuộc lòng “Một miếng khi đói bằng cả gói khi no” trong sản xuất và đời sống. Nền kinh tế Nam Bộ ngày càng phát triển, đường giao thông ngày càng thuận lợi, sự giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng được mở rộng.
Các phong tục, tập quán từ việc ăn, ở, giao tiếp, sinh hoạt văn hóa, lễ hội đến đám cưới, đám tang của người dân Nam Bộ cơ bản là giống nhau.
Nhưng nét riêng của miền Đông, miền Tây và mỗi tỉnh, mỗi làng quê về tính cách, tập quán, mỹ tục cũng có sự khác nhau. Không phải ngẫu nhiên mà có câu ca dao “Cần Thơ gạo trắng nước trong, ai đi đến đó lòng không muốn về”. Cần Thơ không phải chỉ có gạo trắng nước trong mà còn là sự giao lưu
văn hóa, xã hội hài hòa lịch thiệp, đa cảm, đa tình. Người Cần Thơ mến khách nên khách cũng mến người. Nếu ai đến bến Ninh Kiều từ xa xưa cũng
“Ngựa xe như nước áo quần như nêm” và bây giờ càng thêm lộng lẫy, phố phường nhộn nhịp. Đêm đêm tàu thuyền san sát bên sông, có cả thuyền văn hóa lưu động, các nhóm tài tử phục vụ đủ các hạng người tao nhân mặc khách. Nói về hoạt động văn hóa, văn nghệ nhất là đờn ca tài tử thì không riêng ở bến Ninh Kiều, Cần Thơ mà gần như đều khắp các làng quê Nam Bộ cũng có thể hát hò và ca vọng cổ được.
Tinh thần yêu nước là đỉnh cao của văn hóa. Lúc bình thường trong cuộc sống, người dân có thể vui, buồn thậm chí to tiếng với nhau vì một lý do nào đó, nhưng khi đất nước có giặc ngoại xâm thì tất cả mọi người đoàn kết lại sẵn sàng đánh giặc cứu nước. Đặc biệt là từ khi có Đảng, có Bác Hồ lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhân dân Nam Bộ cũng như nhân dân cả nước được kêu gọi tham gia chống giặc ngoại xâm thì lòng yêu nước càng được khơi dậy và phát huy, ý chí cách mạng càng mạnh mẽ nên họ sẵn sàng tham gia cách mạng và đem lại những thắng lợi vẻ vang. Hơn 25 năm sau giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, cả nước tiến lên Chủ nghĩa Xã hội, người dân Nam Bộ một lòng theo Đảng - sống và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đã vượt qua bao khó khăn, thi đua lao động sản xuất và có thể nói đi đầu trong thời kỳ đổi mới nông nghiệp nông thôn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Các phong trào cách mạng và vận động xây dựng gia đình văn hóa còn nhằm từng bước khắc phục những phong tục, tập quán lạc hậu trong sản xuất và đời sống, góp phần nâng cao đời sống vật chất, đời sống văn hóa làm cho mảnh đất Nam Bộ giàu truyền thống cách mạng mãi mãi ngát hương, rực rỡ trong vườn hoa dậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam.
Ở Cần Thơ, người Khmer cư trú không nhiều. Họ sống chung quanh những ngôi chùa hoặc sống rải rác, xen kẽ với người Việt ở các quận Ninh Kiều, Ô Môn, Thốt Nốt. Các tộc người khác di dân vào Nam Bộ theo ba đợt chính: di dân có tổ chức vào các năm 1954, 1975 và di dân tự do ồ ạt từ năm 1994. Do vậy, Nam Bộ cũng là một vùng đất đa tộc người. Riêng ở vùng Tây Nam Bộ, chủ thể văn hóa chính vẫn là người Việt. Do quê quán khác nhau và nhập cư vào những thời điểm khác nhau nên người Hoa ở Nam Bộ nói chung và Cần Thơ nói riêng là một tộc người không thuần nhất về nguồn gốc và ngôn ngữ. Những người Hoa đến Nam Bộ vào thế kỷ XVII - XVIII, gọi là người Minh Hương, thì phần nhiều con cháu đều đã trở thành người Việt, đóng góp vào văn hóa Việt nơi đây những yếu tố đặc thù của văn hóa người Hoa. Còn những người Hoa vẫn giữ nguyên ý thức tộc người mà trước đây gọi là người Đường, thì chủ yếu là con cháu của di dân người Hoa đến Nam Bộ vào thế kỷ XIX - XX. Ngoài ra, trong văn hóa Nam Bộ còn có những yếu tố Chăm, do người Việt đã hấp thu từ văn hóa Chăm ở Nam Trung Bộ. Còn bản thân người Chăm ở Nam Bộ thì do dân số ít và sinh hoạt khép kín nên không tác động đáng kể vào văn hóa Việt trong vùng[100].
Về tín ngưỡng tôn giáo, Nam Bộ cũng là nơi gặp gỡ các tín ngưỡng tôn giáo sẵn có từ Bắc Bộ, Trung Bộ, đồng thời là cái nôi sinh thành những tín ngưỡng tôn giáo mới. Đây chính là vùng đất phong phú nhất về tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam. Tiếp nối truyền thống của người Việt ở đồng bằng Trung và Nam Trung Bộ, người Việt Nam Bộ dành ưu tiên cho đạo Phật, kết hợp với tín ngưỡng vạn vật hữu linh và thờ cúng tổ tiên. Đạo Phật kết hợp với đạo Lão, đạo Khổng, đạo Thánh mẫu, là cơ sở hình thành nên đạo Cao Đài trên vùng đất này. Ngoài ra, đạo Thiên Chúa và đạoTin Lành cũng có rất đông tín đồ.
Có thể thấy tín ngưỡng thần quyền vẫn còn đậm nét trong đời sống tâm linh của người Khmer và người Chăm. Cho nên, người Khmer và người Chăm thường chú trọng đời sống tinh thần hơn là đời sống vật chất. Tin vào thuyết luân hồi quả báo nên hướng về thế giới bên kia nhiều hơn là thế giới hiện thực mà họ đang sống. Đây cũng chính là trở ngại rất lớn trong việc truyền bá đạo Tin Lành trong cộng đồng dân tộc thiểu số nơi đây. Sự hiện diện của đạo Tin Lành ở Nam Bộ nói chung và Cần Thơ nói riêng cũng là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa đức tin cũ và giáo lý tôn giáo mới.
Việc chuyển đổi sang Cơ đốc giáo cũng được xem là một hành động cách mạng. Các tín đồ vào buổi đầu, mặc dù chỉ chiếm số lượng nhỏ, nhưng đã từng trải qua cuộc xung đột giữa đức tin cũ với giáo lý tôn giáo mới và quyết định đi theo cái mới nên họ có ý thức mạnh mẽ về đặc quyền và sứ mệnh của mình. Vì thế, đạo Tin Lành có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Cần Thơ.
- Đặc điểm thứ hai: Giao lưu, tiếp biến, dung hợp văn hóa, tôn giáo Khái niệm giao lưu và tiếp biến văn hóa, tôn giáo là hiện tượng xảy ra khi những nhóm người (cộng đồng, dân tộc) có văn hóa, tôn giáo khác nhau giao lưu tiếp xúc với nhau tạo nên sự biến đổi về văn hóa, tôn giáo của một
hoặc cả hai nhóm. Giao lưu văn hóa, tôn giáo tạo nên sự dung hợp, tổng hợp và tích hợp văn hóa, tôn giáo ở các cộng đồng.Có sự kết hợp giữa các yếu tố
"nội sinh" với yếu tố "ngoại sinh" tạo nên sự phát triển văn hóa, tôn giáo phong phú, đa dạng và tiến bộ hơn. Giao lưu và tiếp biến văn hóa, tôn giáo
là sự tiếp nhận văn hóa, tôn giáo nước ngoài bởi dân tộc chủ thể. Quá trình này luôn đặt mỗi dân tộc phải xử lý tốt mối quan hệ biện chứng giữa yếu tố
"Nội sinh" và "Ngoại sinh".
Những giá trị văn hóa, phong tục tập quán của người Việt vùng đất Nam Bộ có nguồn gốc từ đồng bằng Trung và Nam Trung bộ, nhưng trong quá trình cộng cư lâu dài đã có sự tiếp biến thêm nhiều yếu tố từ phong tục của người Khmer, người Hoa. Đây là quá trình tiếp xúc văn hóa tự nguyện qua quá trình cùng sống, sinh hoạt lâu dài trên cùng một địa vực.
Cộng đồng người Hoa cũng đặt chân đến Nam Bộ khá sớm, khoảng giữa thế kỷ XVII. Đây là đợt di cư lớn và ồ ạt nhất của người Hoa vào Việt Nam do tình trạng chiến tranh kéo dài và cuộc đấu tranh dân tộc gay gắt ở Trung Quốc. Thành phần di cư vào vùng đất này bao gồm một số quan lại, tướng lĩnh và quân sĩ nhà Minh bị thất bại nhưng không thuận phục nhà Thanh. Bên cạnh đó, còn có một số thương nhân, thường dân và một số gia đình do nhiều nguyên nhân khác nhau mà bỏ quê hương, đi tìm một tương lai mới trên một vùng đất mới. Người Hoa khi đến vùng đất Nam bộ họ khai phá ở vùng Biên Hòa, Mỹ Tho (nhóm Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên) và ở vùng Hà Tiên (nhóm Mạc Cửu).Về sau, họ cư ngụ ở khắp đất Nam bộ chủ yếu tập trung ở khu vực chuyên làm về tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp và dịch vụ.
Nền văn hóa cổ của đất Nam bộ là văn hóa Khmer cổ, song ảnh hưởng của chất Khmer trong văn hóa Nam bộ, nhất là văn hóa tâm linh lại không đậm nét bằng văn hóa Hoa, một dạng văn hóa ngoại nhập cách nay cũng chỉ vài trăm năm trở lại đây. Điều đó có thể là do hành trang văn hóa mà lưu dân người Việt mang vào Nam bộ là thói quen sinh hoạt, phong tục tập quán lâu đời của người Việt trong đó đã hàm chứa khá đậm nét văn hóa Hoa.
Ngay từ buổi đầu ở vùng đất mới này, họ dễ dàng gần gũi, hòa hợp với đám người Hoa cũng mới hòa nhập hơn với người Khmer tại chỗ. Đối với văn hóa bản địa, lưu dân người Việt chỉ tiếp thu những gì gần gũi có nét tương đồng và dễ tiếp nhận.
Có thể nhận định rằng, trước khi văn hóa Pháp du nhập vào vùng Nam Bộ thì ở đây đã có người Khmer, người Hoa, người Việt và một bộ phận người Chăm sinh sống. Tuy sinh sống trên cùng một vùng đất nhưng mỗi dân tộc lại có bản sắc văn hóa riêng của mình. Chẳng hạn như người Khmer họ theo Phật giáo Theravada. Phật giáo Theravada hòa quyện với văn hóa người Khmer ở Nam Bộ từ xưa đến nay. Người Việt vào mang theo tục lệ thờ cúng tổ tiên và người Việt ở vùng Nam Bộ không còn ảnh hưởng Nho giáo mạnh mẽ như ở miền Bắc và miền Trung. Người Hoa thờ Thần tài, thờ Quan Công... Do trong quá trình giao lưu văn hóa, người Việt, người Khmer, người Hoa. Người Khmer đã chịu ảnh hưởng của phong tục thờ cúng tổ tiên. Họ cũng đặt ly hương, chân đèn, mâm quả như người Việt, người Hoa và chưng bày bàn thờ Phật chung với bàn thờ tổ tiên.
Khảo sát dưới góc độ văn hóa, chúng ta thấy sự tiếp xúc văn hóa giữa người Hoa và người Việt diễn ra mạnh mẽ hơn so với giữa người Việt và người Khmer. Có lẽ điều này có nguồn gốc từ xưa, các yếu tố của người Việt chịu sự tiếp xúc văn hóa cưỡng bức trong giai đoạn ngàn năm Bắc thuộc. Tuy không đồng hóa được dân tộc Việt nhưng những yếu tố văn hóa tốt đẹp cũng được cư dân người Việt tiếp thu, phong tục tập quán cũng nằm trong hoàn cảnh lịch sử chung đó. Qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử, phong tục tập quán của người Việt theo chân những con người khai hoang mở đất, tiến dần về phương Nam. Giữa lúc đó, những yếu tố văn hóa của Trung Hoa theo chân của những cựu thần nhà Minh du nhập vào Nam bộ.
Hai nền văn hóa gặp lại nhau, vừa lạ vừa quen. Chính điều này, làm cho văn hóa của người Việt và người Hoa vùng Nam Bộ dễ nẩy nở và phát triển hơn.
Xin nêu ra một ví dụ về sự tiếp xúc văn hóa này. Chẳng hạn, hầu hết người Việt Nam Bộ vẫn giữ tập quán tảo mộ vào ngày 25 tháng Chạp trước khi làm lễ đón ông bà vào ngày 30 tháng Chạp âm lịch, nhưng một bộ phận
người Việt - Nam bộ cũng theo tập quán tảo mộ vào tiết Thanh minh tháng Ba âm lịch giống như người Hoa.
Người Hoa trong quá trình di cư vào vùng Nam Bộ, họ chủ yếu làm nghề buôn bán nhỏ. Họ len lỏi vào trong các phum sóc Khmer buôn bán. Để công việc kinh doanh thuận lợi hơn trong các phum sóc Khmer, họ đã chủ động kết hôn với người Khmer. Quá trình này diễn ra trong một thời gian dài, những thế hệ sau ra đời đã mang trong mình hai dòng máu Hoa - Khmer và đương nhiên cũng mang trong mình những giá trị tinh thần của hai nền văn hóa. Như vậy, quá trình tiếp xúc văn hóa giữa hai dân tộc này có thể chủ yếu là qua con đường hôn nhân. Càng về sau, do sự phân bố mật độ dân cư và kết cấu dân cư thay đổi, đã dẫn đến việc các dân tộc anh em sống xen kẽ với nhau mà không theo một trật tự như trước. Người Khmer bây giờ không còn sống bó hẹp trong các phum sóc nữa mà họ có thể cùng sống chung với người Việt, người Hoa trong các xã phường. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp xúc và phát triển văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo ngày càng có chiều sâu hơn.Tất cả những yếu tố đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc xâm nhập, phát triển đạo Tin Lành ở Nam Bộ nói chúng và Cần Thơ nói riêng. Đứng trước những thay đổi và yêu cầu mới cùng với sự phân hóa giàu - nghèo giữa người Việt và các dân tộc thiểu số càng làm cho tộc người thiểu số nơi đây thêm mặc cảm, tự ti khi so sánh sự chênh lệch trong đời sống vật chất. Đây là điều kiện và mảnh đất tốt cho đạo Tin Lành phát triển.
Trong đời sống văn hóa tinh thần không có ảnh hưởng nào mạnh hơn tôn giáo cũng như không sự quyến rũ nào bằng sự quyến rũ của tôn giáo.
Một khi nó đi vào trong lòng người,tôn giáo có thể có những nội dung tiêu cực, hạn chế nhưng xét về bản chất tôn giáo chính là văn hóa. Sự xuất hiện của đạo Tin Lành đã tạo thêm màu sắc mới trong bầu trời tôn giáo Việt Nam nói chung và Nam Bộ nói riêng. Bầu trời ấy xưa kia chỉ có ông Trời, ông
Phật, nay có thêm Đức Chúa. Như vậy, việc truyền bá đạo Tin Lành và những yếu tố văn hóa, tư tưởng Phương Tây vào thành phố Cần Thơ là một quá trình lâu dài chứa đựng đầy phức tạp và khó khăn vì chính quyền Pháp không ưa đạo Tin Lành nên chỉ cho phép đạo Thiên Chúa mới được truyền bá vào Việt Nam.
Không gian văn hoá Nam Bộ là phần mở rộng của không gian văn hoá Việt Nam trên một vùng đất mới mà ở đó, chung tay khai phá với người Việt còn có các tộc người bản địa và các tộc người di dân. Trên vùng đất này, ngay từ đầu văn hoá của cư dân Việt, trong đó đã có sẵn yếu tố Chăm, giao lưu mật thiết với văn hoá của các cư dân Khmer, Hoa. Trong thời cận đại và hiện đại, suốt một thời gian dài vùng đất này lại chịu ảnh hưởng của văn hoá Pháp rồi tiếp đó là văn hoá Mỹ. Từ năm 1975, nơi đây cũng trở thành một địa bàn biến động mạnh mẽ về thành phần tộc người không kém Tây Nguyên. Vì vậy, Nam Bộ cũng là một vùng đất mà giao lưu, tiếp biến văn hoá đã và đang diễn ra với tốc độ rất nhanh. Hệ quả là hầu như không có hiện tượng văn hoá nào ở nơi đây còn nguyên chất thuần Việt mà luôn có bóng dáng của những nền văn hoá khác, đã hội tụ nơi đây trong hơn ba thế kỷ qua. Có thể nói, giao thoa văn hoá chính là một trong những bản sắc của văn hoá Nam Bộ. Nó khiến cho văn hoá Nam Bộ vừa tương đồng, lại vừa khác biệt với cội nguồn của nó là văn hoá Việt ở đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ.Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là văn hoá Nam Bộ chỉ là con số cộng các luồng văn hoá đã hội tụ nơi đây. Trong quá trình giao thoa văn hoá, cư dân Việt nơi đây đã không tiếp thu trọn gói các nền văn hoá khác mà chỉ những yếu tố đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần để bổ sung vào hành trang văn hoá mang theo.Văn hoá Việt nơi đây không tự đánh mất mình mà chỉ tái tạo các giá trị văn hoá mà vùng đất này thu nạp được theo hướng làm cho nó thích ứng với văn hoá Việt, với nhu cầu của người Việt