Chương 2: ĐẠO TIN LÀNH TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ VÀ ĐỀ XUẤT NHỮNG GIẢI PHÁP ĐỊNH HƯỚNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC TÔN GIÁO TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
2.1 Thực trạng của đạo Tin Lành ở thành phố Cần Thơ hiện nay
2.1.1 Số lượng giáo phái, số lượng tín đồ
Cần Thơ nằm trên bờ phải sông Hậu, ở đồng bằng sông Cửu Long. Là cửa ngõ của khu vực miền Tây Nam Bộ nên đạo Tin Lành được truyền vào Cần Thơ từ những năm 20 của thế kỷ trước. Một trong những hệ phái Tin Lành có lịch sử hình thành sớm hơn và hoạt động tôn giáo khá ổn định tại Cần Thơ như: Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) và Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm.
Hiện nay, đạo Tin Lành ở thành phố Cần Thơ gồm 19 giáo phái: Tin Lành Việt Nam; Báp tít Việt Nam - Nam Phương; Cơ đốc Phục Lâm; Báp tít Việt Nam- Ân điển Nam Phương; Trưởng Lão; Mennônai; Liên Hữu Cơ Đốc; Phúc âm Ngũ Tuần; Báp tít Độc lập; Giám lý Liên Hiệp; Báp tít Liên Hiệp; Liên Hiệp Truyền Giáo; Đức Chúa Trời; Phúc Âm Toàn Vẹn; Phúc Âm Đời Đời; Chứng nhân Giê-hô-va; Tin Lành Đất Hứa; Hội Chúng Ngũ Tuần; Truyền Giảng Phúc Âm và Đấng Christ Ven Sông là giáo phái mới xuất hiện gần đây nhất.
Nếu căn cứ vào thời gian hình thành và hoạt động ở Cần Thơ có thể chia các tổ chức giáo phái Tin Lành nêu trên thành ba nhóm như sau:
+ Các tổ chức giáo phái có từ trước năm 1975, hoạt động tôn giáo liên tục cho đến nay gồm: Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam); Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm; Liên Hiệp Truyền Giáo; Hội thánh Báp-tít Việt Nam (Ân điển Nam Phương).
+ Các tổ chức giáo phái có từ trước năm 1975, sau ngày giải phóng miền Nam gián đoạn hoạt động, gần đây phục hồi và phát triển gồm: Liên Hữu Cơ Đốc; Báp - tít Việt Nam (Nam Phương); Phúc âm Ngũ Tuần;
Mennônai; Nhân chứng Giê-hô-va; Trưởng Lão.
+ Ngoài ra, ở Cần Thơ còn có các tổ chức giáo phái Tin Lành mới hình thành trong thời gian gần đây như Đấng Christ ven sông, Tin Lành Đất Hứa với số lượng khá nhiều nhưng đa số là các nhóm nhỏ, lẻ có một vài cơ sở (điểm nhóm) với vài chục người tin theo. Sơ lược một số giáo phái Tin Lành hiện có mặt tại thành phố Cần Thơ:
- Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam)
Là Hội thánh gốc của Hội thánh Tin Lành Việt Nam do Hội Truyền giáo CMA truyền vào năm 1911 (sau năm 1954, đất nước chia làm hai miền nên mới có tên gọi như vậy). Sau năm 1975, Hội thánh Tin Lành Việt Nam hoạt động liên tục, bình thường đến năm 2001, Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân về mặt tổ chức.
Tính đến tháng 06/2012, Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) ở tại thành phố Cần Thơ là Hội thánh có lực lượng tín đồ, chức sắc lớn với khoảng 5738 tín đồ (nam: 2484, nữ: 3254); 6 Nhà thờ, 2 Hội nhánh cùng 7/6 điểm nhóm. Trong đó, đã được Nhà nước công nhận là 8 và chấp thuận hoạt động 5/4 điểm nhóm. Số lượng chức sắc gồm Mục sư, Msnc( Mục sư nhiệm
chức), Truyền đạo là 12.Tín đồ người dân tộc Khmer là 45 người (Cần Thơ:10; Ô Môn:9; Phong Điền:22; Thới Lai:4)[4].
- Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm (The Seventh - day Adventist Church)
Là một môn phái Tin Lành “sinh sau đẻ muộn” vào đầu thế kỷ XIX.Cơ đốc Phục lâm gắn bó và trông chờ với tín điều “Chúa Jêus tái lâm”, căn cứ trên một số sách trong Kinh thánh để đoán định thời điểm chung kết của thế giới loài người.
Cơ đốc Phục Lâm tin rằng ngày Chúa tái lâm sắp đến và luôn sống trong chờ đợi ngày đó. Lịch sử của môn phái này từng tiên đoán Chúa sẽ đến trước khi kết thúc thiên kỷ II để bắt đầu bước sang một thế giới mới, cuộc sống hạnh phúc trường cửu cho người công nghĩa được tuyển chọn và cũng chấm dứt đời sống của những người khác [79; tr.80] .
Giáo phái này chủ trương hành lễ vào ngày thứ bảy nên còn gọi là Hội SaBát. Tin Lành Cơ đốc Phục Lâm phát triển mạnh mẽ tại Mĩ, Nhật Bản…
Riêng tại Việt Nam, Tin Lành Cơ đốc Phục Lâm chỉ đến sau Hội truyền giáo Phước Âm Liên Hiệp (The Christian and Misionary of Alliance - CMA).
Năm 1915, Tin Lành Cơ đốc Phục Lâm bắt đầu truyền bá đạo tại Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Lạng Sơn, Sài Gòn.
Năm 1929, cơ sở đầu tiên mới được thiết lập tại Sài Gòn.Năm 1975, Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm Việt Nam có hơn 30 ngàn tín đồ, 42 chi hội. Sau năm 1975, hoạt động của giáo hội chỉ còn duy trì 7 chi hội ở thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Tháp, Đồng Nai.
Tháng 12/2008, khi được công nhận tư cách pháp nhân, Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm Việt Nam có 20.000 tín đồ ở 121 chi hội, điểm nhóm tại 25 tỉnh, chủ yếu ở phía Nam.
Riêng tại thành phố Cần Thơ, tính đến tháng 6/2012, Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm có 2 nhà thờ và 4 điểm nhóm đã được Nhà nước công nhận và chấp thuận hoạt động với 914 tín đồ (trong đó tín đồ là nam:419, nữ: 495, tín đồ người dân tộc Khmer:2) [4]. Tuy mới ra đời được hơn một thế kỷ nhưng Cơ đốc Phục Lâm đã phân hóa thành ba giáo phái độc lập, đó là:
Giáo hội Cơ đốc Phục lâm; Đại hội đồng giáo hội của Chúa và Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm ngày thứ bảy (Cơ đốc Phục lâm An thất Nhật).
- Phái Báp tít
Là môn phái xuất hiện sớm mang tên theo biệt hiệu của Giăng - người tiền hô dọn đường cho Đấng Christ. Cũng giống như phái Tái thanh tẩy, phái Báp tít chỉ Báp tem cho người lớn đã có ý thức lãnh nhận ơn Thánh Linh và hình thức Báp tem là dìm toàn thân xuống nước như Giăng đã làm trên sông Giô - đanh.
Môn phái Báp tít xuất hiện đầu tiên ở Anh vào khoảng năm 1610, sau đó vào Mĩ khoảng thập kỷ 30 của thế kỷ XVII và phát triển rất mạnh vào cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII.
Báp tít được truyền giáo vào Việt Nam từ năm 1959 và chủ yếu hoạt động ở thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và một số tỉnh thành khác trong cả nước. Do hình thức tổ chức giáo phái Báp tít lỏng lẽo nên dễ thu hút tín đồ nhưng cũng dễ phân hóa chia tách. Hiện Báp tít có nhiều tổ chức Tin Lành được chia tách với những tên gọi khác nhau như: Báp - tít Việt Nam (Nam Phương) và Báp - tít Việt Nam (Ân điển Nam Phương).
Hội thánh Báp - tít Việt Nam (Nam Phương) là một trong số các Hội thánh được thành lập trước năm 1975, cùng gốc với Hội thánh Báp - tít Ân điển. Tuy nhiên, sau năm 1975, một số cơ sở thuộc Hội thánh Báp - tít Ân
điển ngưng hoạt động cho đến năm 1986 khôi phục trở lại và phát triển khá nhanh, tách ra hình thành Hội thánh Báp - tít Việt Nam (Nam Phương).
Tháng 10/2008, khi được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân, Hội thánh Báp - tít Việt Nam (Nam Phương) ở thành phố Cần Thơ gồm có 4 Chi hội và 23 điểm nhóm với 7720 tín đồ (tính đến tháng 06/2012). Trong đó, tín đồ người dân tộc Khmer là 16 [4].
Tổng hội Báp - tít Việt Nam (Ân điển Nam Phương) nguyên gốc là Hội thánh Báp - tít Ân điển được thành lập vào năm 1962 tại Sài Gòn, là Hội thánh duy nhất thuộc Hội Truyền giáo Báp - tít Nam Phương (Mỹ) còn tồn tại liên tục từ trước năm 1975 đến nay.
Tháng 5/2008, khi được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân, Tổng hội Báp- tít Việt Nam (Ân điển Nam Phương) có trên dưới 2000 người tin theo sinh hoạt ở 58 chi hội và điểm nhóm thuộc 13 tỉnh, thành phố chủ yếu ở phía Nam.
Tính đến tháng 6/2012, ở thành phố Cần Thơ có 1 chi hội và 2 điểm nhóm với 171 tín đồ (nam:80, nữ:91). Có 11 tín đồ là người dân tộc Khmer thuộc huyện Cờ Đỏ, trong đó có 1 nhân sự đang đề nghị phong Mục sư [4].
Ngoài Tổng hội Báp - tít Việt Nam (Ân điển Nam Phương)và Hội thánh Báp - tít Việt Nam (Nam Phương) đã trình bày ở trên, còn có các nhóm thuộc hệ phái Báp - tít gồm: Báp - tít Độc lập, Báp - tít Liên Hiệp.
Các nhóm Báp- tít này số lượng người theo không đông.
Thành phố Cần Thơ có 26 tín đồ và 1điểm nhóm thuộc Báp- tít Độc Lập. Riêng Báp - tít Liên Hiệp cũng có 1 điểm nhóm với 148 tín đồ đang sinh hoạt, trong đó có 40 tín đồ là người Khmer [4].
- Hội thánh Tin Lành Trưởng Lão
Là một giáo phái hình thành rất sớm ngay sau phong trào Cải cách tôn giáo do Giăng Knox (1513-1572) sáng lập.
Giáo phái này theo học thuyết Calvin. Mang nặng chủ trương chống độc quyền nên giáo phái Trưởng Lão thành lập các Hội đồng Trưởng lão để lãnh đạo cai quản Hội thánh thay cho cơ chế giáo triều của Công giáo, nhưng cơ chế Hội đồng chứ không phải cơ chế độc quyền vào một cá nhân có quyền tối thượng.
Giáo phái Trưởng Lão truyền vào miền Nam từ năm 1968 và được chính quyền Sài Gòn cấp giấy phép hoạt động năm 1972. Sau năm 1975, tổ chức này ngừng hoạt động, hầu hết thành viên của Hội đồng quản trị sang định cư tại Hoa Kì và lập Hội thánh Tin Lành Trưởng Lão Việt Nam tại Hoa Kì. Năm 1989, Hội thánh Tin Lành Trưởng Lão Việt Nam tại Hoa Kì cử mục sư Nguyễn Xuân Bảo về Việt Nam lo hoạt động từ thiện như cung cấp thuốc, dụng cụ y tế, khám chữa bệnh cho người nghèo, hỗ trợ chương trình nước sạch, cứu trợ đồng bào vùng lũ lụt, thiên tai và thúc đẩy hoạt động của Hội thánh Trưởng Lão.
Hiện nay, cũng tình trạng như các giáo phái Tin Lành khác, phái Trưởng Lão cũng phân tách ra nhiều phái Trưởng Lão nhỏ, độc lập.
Tháng 12 năm 2008, khi Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân, Hội thánh Tin Lành Trưởng Lão Việt Nam có trên 10000 người tin theo đang sinh hoạt tại 200 điểm nhóm tại 14 tỉnh, thành phố.
Tại thành phố Cần Thơ, có 1 điểm nhóm đã được Nhà nước chấp thuận hoạt động với 59 tín đồ (nam:34, nữ:25). Trong số tín đồ đó thì có tới 20 tín đồ là người dân tộc Khmer, đang sinh sống tại huyện Thới Lai [4].
- Hội thánh Tin Lành Mennonite
Tin Lành Mennonnite du nhập và hoạt động ở miền Nam từ năm 1954 dưới danh nghĩa một tổ chức cứu trợ xã hội với tên gọi là Ủy ban Trung ương Mennonite (Mennonite Central Committee - MCC).
Các cơ sở truyền giáo của Mennonnite được mở rộng đến các địa phương khác kết hợp với hoạt động từ thiện của MCC như Cần Thơ, Nha Trang, Đà Nẵng, Tây Nguyên. Tuy các giáo sĩ có rất nhiều cố gắng lại được MCC hỗ trợ, Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) tạo điều kiện, nhưng có lẽ do những đặc điểm rất riêng biệt, khác lạ trong sinh hoạt và lối sống, chẳng hạn như những người theo phái này họ tin Thiên Chúa là Đấng tạo hóa, tin có sự sa ngã của loài người, tin sự cứu chuộc của Chúa Jêsus, tin có ngày Phục sinh và phán xét cuối cùng, vâng theo pháp luật của Thiên Chúa trong phúc âm, tin việc rút phép thông công đối với kẻ cố ý phạm tội, tin có phần thưởng tương lai cho những người trung tín theo Chúa và có hình phạt cho những kẻ ác nên việc truyền giáo ít mang lại kết quả.
Hội thánh Mennonnite được chính quyền Sài Gòn công nhận về mặt tổ chức vào năm 1964. Đến năm 1975, Tin Lành Mennonnite ở miền Nam chỉ có khoảng 500 tín đồ và bốn cơ sở: ba cơ sở ở Sài Gòn và một cơ sở ở Cần Thơ. Sau năm 1975, các giáo sĩ và nhân viên là người nước ngoài của MCC rút về nước. Mục sư người Việt duy nhất là ông Trần Xuân Quang đi dự Hội nghị tôn giáo ở Mĩ tháng 3 năm 1975 đến khi giải phóng miền Nam không về nữa. Các cơ sở tôn giáo, cơ sở xã hội của Mennonite hiến cho các hoạt động từ thiện xã hội. Riêng cơ sở Mennonite ở quận Bình Thạnh thành phố Hồ Chí Minh vẫn duy trì hoạt động cho đến tháng 6 năm 1978 dưới sự hướng dẫn của truyền đạo Nguyễn Quang Trung.
Năm 1981, tổ chức Ủy ban Trung ương Mennonite - MCC trở lại hoạt động viện trợ nhân đạo ở Việt Nam đã giúp đỡ Hội thánh Mennonite Việt Nam từng bước khôi phục hoạt động của Tin Lành Mennonite Việt Nam.
Tháng 02 năm 2009 khi Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân, Hội thánh Tin Lành Mennonite Việt Nam có gần 8000 người tin theo, sinh hoạt tại 90 chi hội và điểm nhóm thuộc 11 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Thành phố Cần Thơ có một điểm nhóm nhưng chưa được chấp thuận hoạt động với 103 tín đồ, gồm 60 nam và 43 nữ. Trong đó, có 70 người đã chịu Báp tem và 33 người chưa chịu Báp tem [4].
- Hội thánh Liên Hữu Cơ Đốc
Hội thánh Liên hữu Cơ Đốc có nguồn gốc từ Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) do mục sư Hoàng Kim Thanh lập ra được chính quyền cũ công nhận năm 1974. Sau năm 1975, Hội thánh Liên hữu Cơ Đốc hoạt động mờ nhạt, cho đến những năm 1980 mới khôi phục hoạt động, đặc biệt mạnh lên sau khi sáp nhập với nhóm của mục sư Đinh Thiên Tứ, cũng là một chức sắc của Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) đi theo xu hướng Ngũ tuần.Hội thánh Liên hữu Cơ đốc có sự phát triển nhanh về số lượng.Trung bình mỗi năm có khoảng 100 người tiếp nhận Chúa. Hội thánh luôn chú trọng đến công tác giáo dục, bồi dưỡng người hầu việc Chúa đồng thời phục vụ cộng đồng và góp phần xây dựng đất nước ấm no, giàu mạnh.
Tháng 6 năm 2010 khi được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân, Hội thánh Liên hữu Cơ Đốc Việt Nam có trên dưới 100.000 người tin theo sinh hoạt ở 1.084 chi hội và điểm nhóm tại 44 tỉnh, thành phố.
Hiện nay, thành phố Cần Thơ có 5 điểm nhóm, trong đó có 2 điểm nhóm được chấp thuận hoạt động với 197 tín đồ, gồm 77 nam và 120 nữ.
Chức sắc gồm có 1 mục sư và 4 mục sư nhiệm chức. Số lượng tín đồ đã chịu Báp tem là 170 và 27 tín đồ còn lại chưa chịu Báp tem [4].
- Phái Ngũ tuần
Là một giáo phái Tin Lành xuất hiện và đầu thế kỷ XX (năm 1906).
Giáo phái này lấy ngày lễ hiện xuống - ngày khai sinh của Giáo hội Đấng Christ đặt tên cho giáo phái của mình. Giáo phái Ngũ tuần có mặt ở Sài Gòn năm 1957, đến năm 1973, Bộ Nội vụ chính quyền Sài Gòn ra văn bản đồng ý cho phép hoạt động. Đầu năm 1975, giáo phái Tin Lành Ngũ tuần chỉ có khoảng 500 tín đồ và 7 chi hội.
Sau năm 1975, các mục sư người ngoại quốc về nước, đa số mục sư, truyền đạo người Việt di tản. Tin Lành Ngũ tuần hầu như không hoạt động.
Năm 1989, Tin Lành Ngũ tuần hoạt động trở lại với sự xuất hiện của nhiều tổ chức khác nhau như: Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam; Hội chúng Ngũ tuần Việt Nam; Phúc âm Toàn vẹn.v.v. Trong đó, Hội thánh Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam lớn hơn cả.
Năm 2010, khi tổ chức Đại hội đồng để Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân, Hội thánh Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam có khoảng 25000 người tin theo đang sinh hoạt ở 350 chi hội và điểm nhóm tại 38 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tính đến tháng 6 năm 2012, thành phố Cần Thơ có 3 điểm nhóm với 305 tín đồ, gồm 130 nam và 175 nữ. Số lượng tín đồ đã chịu Báp tem là 130 và còn lại 175 người còn lại chưa chịu Báp tem [4].
Các tổ chức khác của Phúc âm Ngũ tuần như Phúc âm Toàn vẹn, Phúc âm đời đời, Liên Hiệp Truyền Giáo, Hội Chúng Ngũ tuần, Truyền giảng Phúc Âm hiện có mặt tại thành phố Cần Thơ vẫn đang hoạt động mặc
dù chưa được công nhận tư cách pháp nhân với số lượng tín đồ chỉ vài chục người tin theo và sinh hoạt tại một vài điểm nhóm nhỏ, lẻ. Những điểm nhóm này chưa được chấp thuận hoạt động. Mặc dù ra đời muộn nhưng hệ phái này phát triển rất mạnh và có hệ thống tổ chức chặt chẽ với rất nhiều nước trên thế giới.