Hoạt động truyền giáo của đạo Tin Lành

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của đạo tin lành đến đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân thành phố cần thơ (Trang 79 - 85)

Chương 2: ĐẠO TIN LÀNH TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ VÀ ĐỀ XUẤT NHỮNG GIẢI PHÁP ĐỊNH HƯỚNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC TÔN GIÁO TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

2.1 Thực trạng của đạo Tin Lành ở thành phố Cần Thơ hiện nay

2.1.3 Hoạt động truyền giáo của đạo Tin Lành

Tin Lành ở Cần Thơ tuy ra đời muộn nhưng tín đồ Tin Lành luôn thực hiện tốt công tác truyền giáo để thu hút người dân vào đạo. Công tác truyền giáo là một “đại mạng lệnh” không chỉ riêng của các giáo sĩ, mục sư, truyền đạo mà còn là trách nhiệm của tất cả tín đồ của đạo Tin Lành. Họ thực hiện nhiệm vụ bởi sự thôi thúc căn cứ theo Kinh thánh, cụ thể là sách Mác 16:5 “Hãy đi khắp thế gian giảng Tin Lành cho mọi người”[46; tr.53].

Trong câu hỏi số 13 (phiếu điều tra Xã hội học) , việc tham gia hoạt động truyền giáo tại cộng đồng đang sinh sống. Kết quả điều tra cho thấy, có 37.2 % tham gia thường xuyên, 22.6 % thỉnh thoảng, ít khi tham gia 12.1 % và 27,6 % còn lại là không bao giờ tham gia vào hoạt động này[phụ lục trang 159]. Tỷ lệ tham gia hoạt động truyền giáo một cách thường xuyên chiếm tỷ lệ cao. Các tín đồ Tin Lành quan niệm rằng: việc truyền giáo là

“Đại mạng lệnh” Chúa truyền cho Hội thánh Tin Lành trước khi thăng thiên, bởi lòng biết ơn Chúa đã cứu tín hữu, bởi sức sống bên trong thôi thúc và bởi lòng trung tín của tín hữu đối với Chúa.

Công tác truyền giáo được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau như: truyền giáo cá nhân, truyền giáo theo định kỳ (thông qua những buổi truyền giảng hàng tuần), truyền giáo theo họ tộc (tức là một người tin cả nhà được cứu). Cụ thể từng hình thức như sau:

Truyền giáo cá nhân:

Theo quan niệm của đạo Tin Lành, niềm tin của tín đồ được đánh giá qua số người được thu hút vào đạo. Đối với những người trở thành tín đồ chính thức của đạo Tin Lành, mỗi khi họ dự lễ Tiệc thánh thì đều nhận được lời nhắc nhở về nhiệm vụ truyền giáo. Do đó, có bao nhiêu tín đồ Tin Lành là có bấy nhiêu nhà truyền đạo. Đây là một hình thức truyền đạo ít tốn kém nhất nhưng lại mang kết quả cao nhất trong việc chinh phục người ngoại đạo. Với hình thức truyền đạo cá nhân này, đạo Tin Lành có thể đến được bất kỳ nơi đâu.

Tuy nhiên, không phải ai trong số các tín đồ Tin Lành đều có thể thông biết các phương pháp truyền giáo cũng như được huấn luyện công tác này trước đó. Đại bộ phận tín đồ Tin Lành truyền đạo rất đơn giản. Họ chỉ nói ra những gì họ biết về đạo cho người khác thì coi như họ đã thực hiện xong trách nhiệm của mình với Chúa. Ngoài ra, cách sinh hoạt của tín đồ trong cuộc sống đời thường cũng được xem là bài “Truyền đạo sống” để thu hút người ngoại giáo vào đạo Tin Lành.

Truyền giáo theo định kỳ:

Để khích lệ tinh thần phục vụ Chúa và rao giảng Phúc âm của các tín đồ, hầu hết các Hội thánh Tin Lành tại thành phố Cần Thơ đều có tổ chức chương trình truyền giảng định kỳ nhằm mục đích rao truyền Tin Lành - sự ăn năn, đức tin và sự cứu rỗi cho hết thảy mọi người.

Tùy theo công tác tổ chức, điều kiện về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ làm công tác truyền giảng ở mỗi Chi hội, điểm nhóm nên thời gian thực hiện chương trình truyền giảng định kỳ cũng khác nhau. Cụ thể, Chi hội Tin Lành An Phú tổ chức truyền giảng định kỳ vào lúc 19 giờ tối Thứ năm hàng tuần; Chi hội Tin Lành Cần Thơ tổ chức vào tối Chúa Nhật hàng tuần; Chi hội Bình Thủy do điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên chỉ tổ chức một tháng 2 lần (tối Chúa Nhật của tuần thứ 2 và tuần thứ 4 của tháng); Cơ đốc Phục lâm lại tổ chức vào tối thứ 6 hàng tuần…

Truyền giảng định kỳ được tổ chức chủ yếu dành cho những người chưa biết đến đạo Tin Lành, cho nên thành phần tham dự chương trình này thường là những tín đồ và những người thân hữu (cách gọi của người Tin lành đối với những người chưa tin). Đây là dịp để giúp cho những người ngoại đạo đến nhà thờ để nghe những vị mục sư, truyền đạo giảng giải về sự giáng sinh cũng như sự chết của Chúa cứu thế cho những người chưa tin biết về Chúa để họ hiểu đạo Tin Lành và bằng lòng vào đạo.

Qua những buổi truyền giảng định kỳ như vậy càng làm cho số lượng tín đồ tăng lên nhanh chóng. Kết quả này đã góp phần vào sự thúc đẩy việc phát triển của đạo Tin Lành ở Cần Thơ và giúp cho tầm ảnh hưởng của đạo Tin lành ngày càng vươn xa hơn.

Truyền giáo theo họ tộc:

Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ ghi rõ: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Là công dân của nước Việt Nam, chúng ta có quyền tự do tín ngưỡng. Đối với những gia đình Tin Lành theo đạo dòng, nghĩa là tất cả

mọi thành viên trong gia đình từ những người lớn tuổi nhất như ông bà, cha mẹ đã theo đạo Tin Lành thì con cháu khi được sinh ra cũng sẽ theo đạo của ông bà, cha mẹ. Bởi vì, những đứa trẻ vừa được sinh ra thì đã được ông bà, cha mẹ đem dâng cho Chúa thông qua buổi lễ Dâng con được tổ chức tại nhà thờ dưới sự hướng dẫn của những vị mục sư, truyền đạo.

Theo đạo Tin Lành, lễ Dâng con là nghi thức cầu nguyện cho trẻ mới sinh và cũng là dự bị cho tương lai một con dâng Chúa được tuyển chọn.

Khi đứa trẻ lớn lên thì sẽ được mọi người trong gia đình dạy cho giáo lý căn bản về đạo để con trẻ nắm giữ những điều răn và luật lệ của đạo mà thực hiện. Khi một người nào đó được sinh ra trong gia đình theo đạo dòng thì người đó sẽ phải theo tôn giáo của ông bà, cha mẹ. Mặc dù là như vậy, nhưng thực tế cho thấy rằng: Cũng có những gia đình chỉ có cha mẹ tin mà con cái không tin hoặc có những trường hợp chỉ có con cái tin còn cha mẹ thì không tin. Đối với những trường hợp này, ban đầu thì sẽ gặp nhiều trở ngại trong việc theo đạo vì bị sự phản đối từ phía những người thân trong gia đình, nhất là những gia đình theo tôn giáo khác hay những gia đình có truyền thống cách mạng. Do vậy, những người này sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc nói về giáo lý Tin Lành cho người thân và càng khó khăn hơn nếu kêu gọi người thân vào đạo giống như mình.

Đối với tín đồ Tin Lành, khi họ quyết định vào đạo thì họ có niềm tin rất lớn. Họ sẵn sàng đối diện với những biến cố đang xảy đến với họ và càng không từ bỏ nhiệm vụ mà Chúa đã giao đó là đi khắp nơi rao truyền Tin Lành cho mọi người.

Theo quan niệm của đạo Tin Lành, trong gia đình có một người tin thì cả nhà sẽ được cứu. Vì vậy, người tin thì phải có trách nhiệm nói về lời Chúa cho người chưa tin để họ hiểu và bằng lòng ăn năn tội của mình

vàquay về với Thiên Chúa, nhờ đó mà được cứu. Chính vì quan niệm như thế, cho nên công tác truyền giáo dù khó khăn đến đâu thì cũng không làm cho tín đồ Tin Lành nản lòng. Trái lại, càng gặp thử thách thì niềm tin của họ càng vững vàng. Khi có cơ hội, họ sẽ giới thiệu về Tin Lành cho mọi người. Nói một lần không tin, nói ngàn lần cũng phải tin. Đây là phương châm của hoạt động truyền giáo đối với tín đồ Tin Lành. Nhờ phương thức truyền đạo năng động như thế mà đạo Tin Lành ngày càng phát triển mạnh mẽ tại thành phố Cần Thơ và giữ một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cư dân nơi đây.

Ngoài những hình thức kể trên, hiện nay, chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin thì hoạt động truyền giáo không chỉ được thực hiện trực tiếp thông qua con người mà còn được thực hiện gián tiếp thông qua các phương tiện kỹ thuật.

Các giáo phái Tin Lành ở Cần Thơ đều có các trang Website riêng làm kênh trao đổi thông tin và học lời Chúa. Bên cạnh đó, những người làm công tác truyền giáo còn sử dụng các tài liệu như các loại Kinh sách tôn giáo trọn bộ hoặc từng phần, kinh sách tôn giáo bằng hình ảnh, tôn giáo cho trẻ em thông qua băng đĩa, sách báo, tạp chí tôn giáo hoặc qua các trang mạng xã hội như Facebook...

Truyền giáo thông qua các sinh hoạt văn hóa theo lứa tuổi ấu nhi, thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên, tráng niên, trung niên.

Một phương pháp truyền giáo hữu hiệu nữa đó là nghệ thuật múa, hát, kịch mang đậm tính chất dân gian đưa tin mừng vào đời sống đức tin và văn hóa của mọi người.

Các hội nhóm Tin lành có xu hướng mở rộng địa điểm và quy mô sinh hoạt, không chỉ giới hạn trong nhà thờ, nhà nguyện hay gia đình mà đã mở rộng ra các hội trường, khách sạn, nhà hàng…

Các hoạt động thế này không chỉ nâng cao tinh thần cho các tín hữu mà đây còn là phương pháp để nâng cao vị thế của Tin Lành trong đời sống xã hội. Đặc biệt trong các chương trình truyền giảng, các tín đồ Tin Lành đã chuẩn bị nhiều chương trình và mời những người chưa tin Chúa đến thờ phượng. Trong chương trình đó, họ mời các Giáo sư, Tiến sĩ người nước ngoài cùng các diễn viên, ca sĩ nổi tiếng đến hát ngợi khen để chia sẻ, làm chứng. Đây cũng là một trong những phương pháp truyền giáo tạo ấn tượng nhiều nhất đối với những người chưa tin Chúa.

Đạo Tin Lành đang phát triển khá nhanh về số lượng người tin theo và tổ chức ở Cần Thơ thể hiện qua số lượng tín đồ, điểm nhóm tăng nhanh, nhiều hệ phái mới xuất hiện, nhu cầu xây dựng nơi thờ phượng ngày càng nhiều. Nguyên nhân là do đạo Tin Lành có phương pháp truyền giáo rất năng động, đa dạng, những người truyền giáo miệt mài lặn lội, cứu giúp những người có hoàn cảnh khó khăn đúng lúc, kịp thời. Sự giúp đỡ về vật chất không nhiều nhưng có tác động to lớn đến người nhận.Sự cảm hóa của giáo lý Tin Lành đối với một số thói hư tật xấu và một phần nào đạo Tin Lành đã đáp ứng được nhu cầu tâm linh của một bộ phận nhân dân ở thành phố Cần Thơ.

Đạo Tin Lành được Đảng và Nhà nước ta tạo mọi điều kiện thuận lợi để sống Phúc âm trong lòng dân tộc. Song, trải qua thời gian dài để truyền đạo với chủ trương tôn giáo hóa các dân tộc ở thành phố Cần Thơ của Giáo hội Tin Lành đã ăn sâu vào trong đường hướng hành đạo của các giáo sĩ Tin Lành qua nhiều thế hệ khác nhau.

Trong giai đoạn hiện nay, một số Mục sư, truyền đạo đã được chủ nghĩa đế quốc nuôi dưỡng và điều khiển trong một thời gian dài thì lại càng không dễ gì từ bỏ những ý đồ đã được xác định từ trước. Nhìn thẳng vào sự thật chúng ta cũng có thể thấy rằng Tin Lành ở Cần Thơ không gặt hái được nhiều kết quả trong lịch sử truyền giáo của mình. Một trong những nguyên nhân khiến cho đạo Tin Lành có số lượng tín hữu ít hơn so với các tôn giáo khác là do đạo Tin Lành không thừa nhận sự thờ cúng tổ tiên, một truyền thống lâu đời, ăn sâu vào tiềm thức của người Việt; Tin Lành thường bị gắn với biệt danh Đạo Mĩ, do đó nó đã trở thành rào cản đáng kể trong sự truyền bá Phúc âm đến với những người chưa tin.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của đạo tin lành đến đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân thành phố cần thơ (Trang 79 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(173 trang)