Khái quát lịch sử đạo Tin Lành

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của đạo tin lành đến đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân thành phố cần thơ (Trang 36 - 43)

Chương 1: ĐIỀU KIỆN, CƠ SỞ VÀ QUÁ TRÌNH DU NHẬP, PHÁT TRIỂN CỦA ĐẠO

1.2 Khái quát quá trình du nhập và phát triển của đạo Tin Lành ở Việt Nam

1.2.1 Khái quát lịch sử đạo Tin Lành

Việt Nam là một quốc gia có nhiều tôn giáo và loại hình tín ngưỡng.Trước khi đạo Tin Lành được truyền vào, Việt Nam đã có các tôn giáo lớn như Phật giáo, Lão giáo, Công giáo. Đạo Tin Lành có mặt ở Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ XIX do tổ chức Tin Lành Liên Hiệp Phúc Âm và truyền giáo (CMA) truyền vào, sau đó đạo Tin Lành dần dần vươn xa xây dựng tầm ảnh hưởng của mình ở khắp mọi miền đất nước.

Đạo Tin Lành xâm nhập vào Cần Thơ từ những năm đầu thế kỷ XX, qua các thời kỳ phát triển, đến nay đạo Tin Lành là một trong những tôn giáo có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Cần Thơ hiện nay.

Lịch sử đạo Tin Lành có thể phân chia thành các thời kỳ sau:

Đạo Tin Lành thời kỳ thực dân Pháp xâm lược (1862- 1954) Năm 1891, Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Hải Ngoại (British&

Foreign Bible Society) được Toàn quyền Đông Dương Jean Marie Antoine de Lanessan cho phép hoạt động tại Sài Gòn.

Đến 1894, Thánh Kinh Hội mở rộng hoạt động ra khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long bằng thuyền. Để có phương tiện đi lại phổ biến lời

Chúa, Walter James, Giám đốc Chi nhánh Thánh Kinh Hội tại Đông Dương đã kêu gọi các tín hữu Tin Lành Anh giúp đỡ. Bà Warton tại Alstree đã tặng cho Chi nhánh Thánh Kinh Hội tại Đông Dương một số tiền đủ để mua một chiếc thuyền giúp các nhân viên Thánh Kinh Hội đi phân phối Kinh Thánh và sách chứng đạo tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ phương tiện đó, việc phổ biến Lời Chúa tại miền Nam đã đạt những kết quả rất lớn. Người tin đạo Tin Lành càng đông. Vì Thánh kinh Hội phát triển quá nhanh và chính quyền Pháp không ưa đạo Tin Lành, họ lo ngại ảnh hưởng của Mĩ thông qua việc phát triển của đạo Tin Lành. Mặt khác, khi vào Việt Nam chính quyền Pháp ưu ái hơn cho việc phát triển Công Giáo. Do đó, đạo Tin Lành thời kỳ này hoạt động rất khó khăn. Khi chiến tranh thế giới thứ nhất xảy ra, thực dân Pháp cho rằng các giáo sĩ Tin Lành làm gián điệp cho Đức nên đã ra lệnh đóng cửa nhà thờ Tin Lành và cấm các giáo sĩ Tin Lành hoạt động. Ngoài ra, người Pháp còn dựa vào Hòa ước 6/6/1884 chỉ cho phép Thiên Chúa giáo được truyền bá vào Việt Nam.Toàn quyền Đông Dương đã cho đóng cửa nhà thờ, trục xuất giáo sĩ truyền giáo CMA.

Năm 1927, khi phong trào dân chủ Pháp lên cao thì những lệnh cấm này mới được hủy bỏ. Thế nhưng trong sự cấm đoán đó, đạo Tin Lành vẫn tìm mọi cách để phát triển.

Năm 1918, CMA đã lập được 5 chi hội ở Bắc kỳ, 6 chi hội ở Trung kỳ và 5 chi hội ở Nam kỳ. Tất cả các chi hội Tin Lành lúc đó đều được giấy phép hoạt động cả của khâm sứ 3 kỳ và đều lấy tên là “Hội thánh Tin Lành Đông Pháp” (MEI).

Năm 1930, giáo sĩ Herb Jacksion sử dụng thuyền đi phát sách và truyền giáo cho dân chúng tại nhiều làng mạc bên bờ sông Cửu Long, trong đó có Cần Thơ.

Năm 1932, Hội thánh Tin Lành Việt Nam đã thành lập tàu Tin Lành, giao cho mục sư Huỳnh Văn Ngà điều hành. Ông sinh trưởng trong một gia đình Phật giáo khá giả tại Cần Thơ, đã từng đi du học và làm việc cho Sở Mật Thám Pháp tại Đông Dương. Trước khi tin Chúa, ông đã bách hại và gây nhiều khó khăn cho cộng đồng Tin Lành tại Việt Nam. Trong một lần đi bách hại Hội Thánh Tin Lành, thanh niên Huỳnh Văn Ngà nghe một tiếng nói trong tâm trí rằng: “Đừng phá nữa! Không ích chi”. Sau đó, ông để tâm tìm hiểu chân lý cứu rỗi của Chúa và cuối cùng quyết định tin nhận Chúa.Cuối năm 1934, tàu Tin Lành đã đến giảng tại Long Mỹ, ban truyền giáo Tin Lành đã giảng 22 đêm tại 14 địa điểm khác nhau, có hàng trăm người đến nghe giảng và nhiều người trở thành tín đồ Tin Lành.

Sau thời gian đó, những mục sư và giáo sĩ giảng thường xuyên, nhiều người nghe đã có thiện cảm với đạo Tin Lành.Các nhà truyền giáo tiếp tục khai phá những vùng đất mới, nơi chưa có tín hữu. Họ gặp nhiều khó khăn về tài chính nên vừa truyền giáo vừa làm đủ nghề như chèo ghe, lái tàu, chài cá, nấu cơm…Tuy nhiên, số người tin đạo Tin Lành ngày càng đông hơn.Tháng 7/1935, nhà thờ Long Mỹ được chính quyền Đông Dương cho phép xây dựng, tiếp đến là mở thêm một Hội thánh tại Ngã Năm Cai Trầu.

Từ tháng 3/1937 đến 1953, do tình hình Pháp ngăn cấm, đặc biệt là năm 1945 tình hình chiến sự trở nên gay gắt, việc truyền giảng của đạo Tin Lành không thể tiếp tục. Khi Nhật vào Đông Dương, tình hình chính trị - xã hội phức tạp, các giáo sĩ phải rời Đông Dương. Các Hội thánh Tin Lành Việt Nam rơi vào tình trạng suy thoái, các sinh hoạt tín ngưỡng của tín đồ đạo Tin Lành bị xáo trộn. Chiến tranh kết thúc, các giáo sĩ trở lại Việt Nam và các sinh hoạt của đạo Tin Lành ở cả ba miền được phục hồi. Các mục sư truyền đạo trở về nhiệm sở, các nhà thờ đã được mở cửa trở lại, các sinh hoạt tín ngưỡng của tín hữu đã được hoạt động đều đặn.

Năm 1950, Đại hội đồng lần thứ XXI của Hội thánh Tin Lành Việt Nam đã được tổ chức sau bảy năm bị gián đoạn (Đại hội đồng lần thứ XX được tổ chức vào năm 1943). Đồng thời, các đại hội đồng ở các cấp địa hạt cũng được thực hiện đều đặn hàng năm.

Hội Thánh Tin Lành Việt Nam còn cho xuất bản thêm mốt số báo, tạp chí phục vụ cho công tác truyền giáo như báo “Đuốc thiêng”, “Hừng đông”. Ngoài ra, còn một số sách Kinh Thánh, Thánh ca mới nhằm đáp ứng cho công tác truyền giáo. Tin Lành từng bước được phục hồi và tăng dần lên

“Đến năm 1954, cả nước có khoảng 15 nghìn tín hữu chính thức (80% ở miền Nam), 154 Chi hội (không kể các điểm nhóm lẻ), 132 mục sư truyền đạo (không bao gồm 44 giáo sĩ hội truyền giáo C&MA” [70; tr.85].

Giai đoạn thời kỳ Mỹ- Ngụy (1954- 1975)

Giai đoạn 1954 - 1975 có vị trí đặc biệt ở chỗ vì lý do chính trị nên Hội Thánh Tin Lành Việt Nam đã tách biệt làm đôi là Tổng hội miền Bắc và Tổng liên hội miền Nam.

Cùng với quá trình truyền bá và phát triển, đến năm 1954, đạo Tin Lành có nhiều diễn biến phức tạp. Sau Hiệp Định Giơ-ne-vơ (1954), đạo Tin Lành ở hai miền Nam- Bắc có sự khác nhau.

Ở miền Bắc, số đông tín đồ, giáo sĩ bị đế quốc Mĩ và bị các thế lực thù địch kích động nên đã di cư vào Nam. Những người ở lại miền Bắc đã lập tổ chức giáo hội riêng lấy tên gọi là Hội thánh Tin Lành Việt Nam thường gọi là Tổng hội Tin Lành miền Bắc với những hoạt động bình thường, phạm vi ảnh hưởng không lớn, số lượng tín đồ cũng tăng một cách không đáng kể.

Ở miền Nam, những năm 1954-1975, lợi dụng cuộc chiến tranh xâm lược, đế quốc Mĩ, CMA đã lập ra Tổng Liên hội thánh Tin Lành Việt Nam thường gọi là Hội thánh Tin Lành miền Nam.

Giai đoạn này, đạo Tin Lành ở miền Nam phát triển mạnh mẽ. Tin Lành ra sức củng cố, mở rộng hệ thống tổ chức cơ sở tôn giáo, các cơ sở kinh tế văn hóa xã hội, mở rộng phạm vi truyền đạo ra nhiều địa bàn.

Hội thánh Tin Lành miền Nam đã cho tách riêng hai “hạt” vùng dân tộc ít người ra khỏi người Kinh và lập ra “Cơ quan truyền giáo người Thượng” dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các giáo sĩ Tin Lành Mĩ. Đồng thời, mở cửa cho các hệ phái Tin Lành, các tổ chức xã hội văn hóa, nhân đạo, từ thiện của Mĩ vào truyền đạo và xây dựng cơ sở khắp miền Nam nên số lượng tín hữu của Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) tăng lên nhanh chóng. “Nếu năm 1954 mới có gần 15 ngàn tín hữu thì đến năm 1975 đã tăng lên 250 ngàn tín hữu, 550 mục sư, truyền đạo, hơn 500 đơn vị Hội thánh cơ sở (Chi hội) và 535 nhà thờ, có gần 20 tổ chức, hệ phái Tin Lành, trong đó Hội thánh Tin Lành Việt Nam chiếm khoảng 80% tổng số tín hữu và mục sư, truyền đạo” [61; tr.92].

Hội thánh Tin Lành miền Nam rất chú trọng đào tạo mục sư và truyền đạo, nâng “Trường Kinh thánh” thành “Viện thánh kinh thần học” toàn miền Nam. Hội thánh Tin Lành còn đưa nhiều mục sư và truyền đạo ra nước ngoài đào tạo. Giáo hội Tin Lành đã thành lập hệ thống tuyên úy trong quân đội Ngụy từ Bộ Tổng tham mưu đến quân đoàn, quân khu và những đơn vị đặc biệt. Họ đã tuyển chọn và đưa gần 100 mục sư và truyền đạo vào ngụy quân.

Bên cạnh CMA, ở miền Nam còn có hệ phái Tin Lành cũng từ Mĩ du nhập vào từ những năm 30 của thế kỷ XX, phát triển chủ yếu sau những năm 50, đó là phái Cơ đốc Phục Lâm. Đây là phái lớn thứ hai sau CMA, có hệ thống giáo hội với hơn 10.000 tín đồ, gần 40 mục sư, 34 nhà thờ và một số cơ sở tôn giáo xã hội khác. Hội thánh Cơ đốc Phục Lâm còn có hơn 20 hệ phái vào truyền giáo và xây dựng cơ sở ở miền Nam như: Baptism, Pentecostim (Ngũ tuần),Chứng nhân Giê-hô-va…

Riêng tại Cần Thơ, do tình hình chiến tranh, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nên Tàu Tin Lành ngưng hoạt động, sau đó mua một chiếc ghe nhỏ để tiếp tục truyền giảng. Do hoạt động không hiệu quả và lại phải bán ghe. Tình hình truyền bá đạo Tin Lành thời gian này cũng gặp khó khăn, trì trệ, lượng tín đồ mới không nhiều.

Giai đoạn từ 1975 cho đến nay

Từ sau ngày miền Nam giải phóng, đạo Tin Lành được Đảng và Nhà nước Việt Nam cho phép hoạt động bình thường và vẫn duy trì chính sách tự do tôn giáo, vẫn công nhận tư cách pháp nhân của Tin Lành. Đường hướng sống đạo mà nhà thờ Tin Lành Việt Nam đề ra là “Sống Phúc âm, Phụng sự Thiên Chúa, Tổ quốc” [40;tr.6].

Đất nước được hòa bình thống nhất, các tổ chức quốc tế đã từng cộng tác đắc lực với Hội thánh Tin Lành trong thời kỳ 1954 -1975 cùng với các giáo sĩ người nước ngoài và cả mục sư, truyền đạo bản xứ đã rút khỏi Việt Nam, một số giáo sĩ người Việt di tản, phạm vi và mức độ hoạt động của đạo Tin Lành ở miền Nam thu hẹp lại vì các hình thức hoạt động đa dạng trước kia đã không thể áp dụng trong tình hình mới. Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) hoạt động trong chính nội lực của Hội.Vấn đề tài

chính là một trong những trở lực lớn nhất trong việc cứu vãn tình hình của Giáo hội. Trong những năm đầu, Giáo hội Tin Lành ở miền Nam phải đối diện với tình trạng bỏ đạo của hàng loạt tín đồ. Mục sư, truyền đạo từ bỏ chức vụ. Nhiều nhà thờ phải đóng cửa.Giáo hội Tin Lành lúc đó chỉ còn khoảng 450 giáo sĩ và 487 nhà thờ. Các hoạt động của đạo Tin Lành ở hai miền Nam - Bắc vẫn tiếp tục phát triển tới năm 1990 đã có 300.000 người theo đạo Tin Lành.

Tại Cần Thơ, sau khi đất nước được thống nhất, tín đồ Tin Lành được hưởng cảnh thanh bình nên các Hội thánh nhóm lại mỗi lúc một đông hơn.

Trong giai đoạn này, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, các vị Mục sư Chủ tọa vừa lo công việc Chúa vừa phải làm kinh tế để duy trì việc truyền giáo. Những năm trở lại đây, các giáo phái Tin Lành đã đẩy mạnh hoạt động như phục hồi các hình thức tôn giáo, phát triển tín đồ, củng cố giáo hội.

Nhiều hoạt động như vận động lập lại các tổ chức cũ, quan hệ với bên ngoài.

Cơ quan cứu trợ và phát triển Cơ đốc Phục lâm gần đây có thực hiện một số dự án viện trợ nhân đạo trong lĩnh vực y tế, giáo dục, thủy lợi. Đến thời điểm năm 2005, Tin Lành có khoảng 421,248 tín hữu, 469 mục sư, giảng sư và truyền đạo [71; tr.522].

Tính đến năm 2010, Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) là Hội thánh có thời gian tồn tại lâu nhất và có lực lượng tín đồ, chức sắc lớn nhất ở nước ta với khoảng gần 800.000 tín đồ, 1.600 chi hội và điểm nhóm. Nhìn lại quá trình phát triển của đạo Tin Lành từ khi được du nhập cho đến nay, chúng ta có thể ghi nhận rằng quá trình này chịu sự tác động quá lớn của các sự kiện chính trị xã hội, nhất là khi đất nước bị chia cắt. Tuy nhiên, đạo Tin Lành đã có cơ sở trong quần chúng ở nhiều nơi trên đất nước ta.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của đạo tin lành đến đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân thành phố cần thơ (Trang 36 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(173 trang)