Chương 1: ĐIỀU KIỆN, CƠ SỞ VÀ QUÁ TRÌNH DU NHẬP, PHÁT TRIỂN CỦA ĐẠO
1.2 Khái quát quá trình du nhập và phát triển của đạo Tin Lành ở Việt Nam
1.2.3 Đạo Tin Lành ở Cần Thơ trước và sau năm 1975
* Giai đoạn trước năm 1975
Đạo Tin Lành phát triển đến Cần Thơ năm 1921 do giáo sĩ người nước ngoài tên Herbert A.Jackson làm công việc truyền giáo.
Năm 1922, Hội truyền giáo bổ nhiệm Truyền đạo Nguyễn Hữu Đinh đến Cần Thơ để hiệp với giáo sĩ Herbert A.Jackson để mở vùng đất mới tại Cần Thơ.
Đến tháng 6/1947, chiến tranh lại xảy đến một cách nghiêm trọng. Tín đồ ở thôn quê không thể đi sinh hoạt được, còn ở thành thị thì bắt buộc phải rời khỏi để sang tỉnh khác lánh nạn. Thời điểm đó, tín hữuTin Lành còn được không quá 10 người.
Năm 1949, tín hữu tăng lên được 15 người và năm 1951 có đến 50 người lớn, nhỏ sinh hoạt.
Qua năm 1957, tín hữu Tin Lành bị thất mùa cũng như buôn bán ế ẩm, nhưng vì yêu mến đạo nên họ không ngừng dâng hiến cho nhà thờ để phụ thêm vào việc xây dựng Hội thánh ngày một lớn mạnh hơn.
Năm 1958, tín hữu Tin Lành tham gia sinh hoạt đông đúc hơn, ban chứng đạo làm việc tích cực hơn nữa nhằm tiếp tục phát triển đạo.
Tháng 7 năm 1966, công tác phát triển đạo Tin Lành gặp nhiều khó khăn bởi chiến tranh nổ ra rất dữ dội, khu vực Ô Môn thuộc Cần Thơ bị pháo kích nặng nề.
Đến năm 1975, đất nước thống nhất, các tín hữu Tin Lành được hưởng cảnh thanh bình, các Hội thánh tại đây sinh hoạt mỗi lúc đông và đều đặn hơn. Trong giai đoạn này, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, các vị chức sắc, tín hữu vừa lo công việc của giáo hội vừa phải làm ruộng, làm vườn để duy trì việc phát triển các Hội thánh, điểm nhóm.
Mặc dù trong hoàn cảnh đất nước xảy ra loạn lạc ở nhiều nơi, chiến tranh ngày càng ác liệt hơn, nhưng công tác rao giảng Tin Lành không vì thế mà dừng bước. Đặc biệt trong những năm 1954 - 1975, đạo Tin Lành rất quan tâm đến các hoạt động xã hội như từ thiện, y tế, giáo dục v.v.
* Giai đoạn sau năm 1975
Từ sau ngày miền Nam giải phóng, đạo Tin Lành được Đảng và Nhà nước ta cho phép hoạt động bình thường.Từ giữa những năm 80 cho đến nay, Tin Lành ở Cần Thơ không ngừng phát triển, số lượng tín hữu tăng lên nhanh chóng.
Đến tháng 6 năm 2012, Tin Lành có khoảng 11074 tín đồ, 52 mục sư và truyền đạo, 18 cơ sở thờ tự đã được Nhà nước công nhận và hơn 60 điểm nhóm [4].
Hiện nay, Cần Thơ có hơn 19 hệ phái Tin Lành khác nhau đang hoạt động, nhưng chỉ có 8 hệ phái được công nhận tư cách pháp nhân như Tin Lành Việt Nam (2001), Báp tít (2008), Cơ đốc Phục Lâm (2008), Trưởng Lão (2008), Mennonai (2009), Liên Hữu Cơ Đốc (2010) và Phúc âm Ngũ tuần (2010)[4].
Từ khi có Chỉ thị 01/2005/CT-TTg về một số công tác đối với đạo Tin Lành đã tạo sự chuyển biến tốt đối với đạo Tin Lành theo chiều hướng tích cực như: Những sinh hoạt tôn giáo thuần túy diễn ra bình thường trong khuôn viên cơ sở thờ tự, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng chính đáng của người có đạo; Phong trào yêu nước trong cộng đồng tín hữu Tin Lành ngày càng tăng về số và chất;
Hoạt động từ thiện xã hội do các tổ chức và cá nhân đạo Tin Lành đạt kết quả khá cao. Công tác từ thiện được thực hiện với hai xu hướng là để cứu khổ chúng sinh, lập công bồi đức và để phát triển đạo.
Tin Lành tuy là một cộng đồng nhỏ bé nhưng nó lại là một tôn giáo xã hội và hiện đại, đang tự hiện đại hóa về mọi mặt để thích ứng với công cuộc đổi mới, hiện đại hóa đất nước.Tin Lành đang dần dần phá vỡ hàng rào
“Hướng nội” để vươn ra ngoài xã hội, vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Kết luận chương 1
Tin Lành đến quê hương Việt Nam, một chặng đường dài với bao thăng trầm và những khó khăn thử thách.
Đạo Tin Lành có những biến động to lớn do tác động của lịch sử, biểu hiện qua các giai đoạn: đạo Tin Lành thời phong kiến - du nhập theo chân các giáo sĩ nước ngoài, là thời kỳ đặt nền móng; Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược - đạo Tin Lành phát triển mạnh mẽ nhưng cũng gặp nhiều khó khăn vì sự kỳ thị của toàn quyền Đông Dương Pháp; Thời kỳ Mỹ - Ngụy, đạo Tin Lành phát triển thông qua các cuộc đấu tranh và có nhiều diễn biến phức tạp.
Ở thành phố Cần Thơ từ năm 1975 cho đến nay, đạo Tin Lành dần dần ổn định, phát triển và đóng một vai trò quan trọng để góp phần vào sự nghiệp đổi mới đất nước.
Đạo Tin Lành ở thành phố Cần Thơ có những đặc điểm nổi bật như tính đa dạng được biểu hiện qua sự hình thành nhiều hệ phái, giáo phái, tổ chức; tính dung hợp về văn hóa và tính linh hoạt, hòa đồng, thích ứng xã hội, tính cạnh tranh và tính mâu thuẫn trong văn hóa tôn giáo.
Tất cả các đặc điểm trên đã làm nổi bật sự đa dạng trong bức tranh tổng thể của đạo Tin Lành, làm cơ sở và tiền đề cho việc nghiên cứu ảnh hưởng của đạo Tin Lành đến đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân thành phố Cần Thơ.