Chương II: Thực trạng đào tạo nghề cho LĐNT tại Trung tâm dạy nghề huyện Định Quán
2.2 Kết quả đạt được và những hạn chế trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT
2.2.2 Hạn chế của Đề án
2.2.2.1 Hạn chế trong công tác tư vấn, định hướng nghề đào tạo
Điều đó được thể hiện rất rõ qua cơ hội tiếp cận chính sách học nghề, thông tin học nghề cũng như hiệu quả mà Đề án mang lại đối với từng người dân…
Để Đề án 1956 có thể trở thành “chiếc cần câu” hữu hiệu đối với đời sống người lao động khu vực nông thôn thì vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết.
Qua kết quả khảo sát tại TTDN huyện Định Quán, hạn chế đầu tiên mà tác giả nhận thấy khi đi sâu tìm hiểu quá trình thực hiện Đề án 1956 ở đây: đó là công tác tư vấn học nghề, việc làm cho LĐNT còn mang tính hình thức, chưa cung cấp cho LĐNT những thông tin cần thiết như: thông tin về các nghề mà doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, địa chỉ của doanh nghiệp, mức lương tối thiểu mà doanh nghiệp trả; thông tin về quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch sản xuất; thông tin về vay vốn để sản xuất (vay ở đâu, lãi suất và thủ tục thế nào) và thị trường tiêu thị sản phẩm (ở đâu, nếu cần hỗ trợ thì tìm đến cơ quan nào?)...
Kết quả khảo sát về hoạt động tư vấn cho LĐNT tại huyện Định Quán trước khi học nghề thấy rằng, mặc dù có đến 91,2% số người được phỏng vấn cho biết họ đã được cán bộ TTDN huyện, cán bộ xã, ấp hoặc khu phố tư vấn trước khi học nghề và có 57,1% trong số người đã được tư vấn khẳng định nội dung tư vấn là về ngành nghề đào tạo, 30,5% số người khẳng định được tư vấn đầy đủ cả 3 nội dung gồm ngành nghề đào tạo, chính sách hỗ trợ của Đề án 1956 trong quá trình học và chính sách hỗ trợ sau học nghề. Tuy nhiên, nội dung tư vấn chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc kêu gọi, vận động người nông dân tham gia học nghề chứ chưa đi sâu và làm rõ về vai trò ngành nghề đào tạo, cơ hội việc làm sau học nghề cũng như những chính sách hỗ trợ trong quá trình học nghề và sau học nghề. Bởi thực tế “Cán bộ ấp có đưa hồ sơ rồi ghi tên vô, chỉ nói đi học về chăn nuôi vậy đó, thì đi học thôi.
- Còn những chính sách về hỗ trợ vốn, học phí, đi lại người ta có nói cho chị biết không? Không có nói.” (PVS MS.02).
Hay “mấy ông cán bộ ở ấp đến bảo đi học nuôi gà, vừa có kiến thức mà lại được tiền, đang rảnh thấy vậy thì đi. Chứ có thấy nói gì nữa đâu.” (PVS MS.09). Do không được tư vấn đầy đủ ngay từ đầu nên có tình trạng người dân tham gia đăng ký học nghề theo “phong trào” mà không biết nghề đó có phù hợp với với mình hay không.
Như đã từng đề cập ở phần trên, phân tích khi đi sâu khảo sát lí do vì sao người học lựa chọn ngành nghề theo học từ nội dung chương trình: Nếu xét một cách tổng quan tòan diện, trên 50% ý kiến trả lời của người học lựa chọn ngành nghề theo học bởi thấy nghề phù hợp với bản thân và nghĩ rằng học nghề đó để có việc làm sau khi kết thúc chương trình học nghề. Tuy nhiên, nếu xét riêng biệt từng lý do đưa ra thì thấy không có sự khác biệt và chênh lệch đáng kể nào về tỷ lệ trả lời giữa các lí do mà người lao động quyết định học nghề. Qua đó để thấy rằng người lao động nông thôn không chỉ chọn nghề bởi cảm thấy nó phù hợp, bản thân thích mà còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác trong đó có cả việc lựa chọn nghề theo cảm tính, phong trào như:
học nghề đó xong không phải lao động nhiều mà vẫn có tiền, chọn nghề đó vì cán bộ tư vấn của TTDN, cán bộ thôn, ấp nói học nghề nào thì học nghề đấy, thậm chí đi học theo phong trào vì thấy mọi người xung quanh, bạn bè cũng theo học…
Cũng vì tư vấn và định hướng nghề ban đầu không tốt nên nhiều nghề đào tạo, nhất là những nghề phi nông nghiệp đã không thể phát huy hiệu quả trong cuộc sống. Và tất yếu dẫn đến tình trạng “thay vì học một nghề nào đó phù hợp với khả năng thì T. lại cùng với hàng chục bạn khác học nghề… uốn tóc. Trả lời vì sao học nghề này, anh T. tỉnh bơ: “Không biết, thấy ai cũng học nên tôi học theo”. T. thừa nhận, sau thời gian lên lớp, dù có biết “chút chút” về kỹ thuật uốn tóc nhưng còn lâu mới mở tiệm được, bởi chi phí để có một tiệm làm tóc đúng nghĩa, không phải nông dân nào cũng có điều kiện đầu tư. Hơn nữa, cả xã ai cũng học uốn tóc, ai cũng mở tiệm thì ai là khách? Cho
nên theo anh T., học thì vui lắm, bởi còn được tiền bồi dưỡng, nhưng học xong có làm được hay không lại là chuyện khác” [37].
Mục tiêu của công tác đào tạo nghề cho LĐNT là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn theo hướng phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp và tăng tỷ lệ lao động tham gia các ngành phi nông nghiệp gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Thế nhưng nếu không có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện đặc điểm từng vùng thì các địa phương sẽ rất dễ chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng đào tạo. Bởi thực tế, nhiều chương trình đào tạo tỏ ra không phù hợp với nhu cầu thực tế, trong đó có các ngành phi nông nghiệp như: cắm hoa, nấu ăn, làm đẹp, nhà hàng – khách sạn, công nghệ thông tin…
Nếu công tác tư vấn, hướng nghiệp học nghề ban đầu cho người tham gia học nghề không tốt thì việc đào tạo nghề mới chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân nhưng lại không gắn với nhu cầu của thị trường lao động nên việc giải quyết việc làm sau đào tạo chưa cao và thiếu tính ổn định. Báo cáo sơ kết 3 năm (2010-2012) thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện Định Quán cũng thừa nhận: một số nghề mà người lao động đăng ký học như Điện gia dụng, Sửa chữa xe máy, máy nông nghiệp, máy vi tính…chủ yếu là để hỗ trợ cho công việc sản xuất kinh doanh tại gia đình.
Việc giải quyết việc làm sau đào tạo mang tính ổn định lâu dài của một số nghề (nhất là các nghề gia công, đan lát) vẫn còn nhiều phụ thuộc các cơ sở, các hợp tác xã, các doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp bởi những công việc này chỉ mang tính thời vụ, thời điểm, do đó độ rủi ro trong quá trình mất việc làm là khá cao, mà mỗi khi mất việc làm thì người lao động không thể tự tạo việc làm tại chỗ cho mình. Đây là một hạn chế đối với đào tạo nghề hiện nay.