Chương II: Thực trạng đào tạo nghề cho LĐNT tại Trung tâm dạy nghề huyện Định Quán
2.2 Kết quả đạt được và những hạn chế trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT
2.2.2 Hạn chế của Đề án
2.2.2.2 Hạn chế trong giải quyết đầu ra cho LĐNT sau học nghề
những nội dung quan trọng để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề là giải quyết việc làm cho người lao động sau khi học nghề bằng cách xây dựng mối liên kết trong quá trình đào tạo giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, huyện cũng chưa được thực hiện tốt. Dù Đồng Nai là địa phương có đến trên 30 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với hàng chục ngàn doanh nghiệp, nhu cầu lao động kỹ thuật có tay nghề khá lớn nhưng việc liên kết đào tạo và giải quyết việc làm vẫn chưa nơi nào thực hiện hiệu quả. Các đơn vị dạy nghề vẫn bị “tắc” trong khâu này, kể cả TTDN huyện Định Quán, đơn vị được coi là điểm của tỉnh. Lãnh đạo Trung tâm thưà nhận, dù đã nỗ lực rất nhiều trong công tác quảng bá chương trình dạy nghề đến doanh nghiệp nhưng cho đến thời điểm hiện tại, Trung tâm cũng mới chỉ liên kết được với một vài doanh nghiệp đan lát và cơ sở may mặc nhỏ lẻ để tổ chức phối hợp dạy nghề và tạo việc làm tại chỗ cho người học. Tuy nhiên từ đầu năm 2012 đến nay, việc liên kết cũng đang bị hạn chế do ảnh hưởng từ khó khăn của tình hình kinh tế chung, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất.
Ngoài ra kết quả khảo sát đối tượng LĐNT đã học xong của luận văn cho thấy, có 50% LĐNT đã học xong cho rằng khó khăn lớn nhất gặp phải khi xin việc/tìm việc làm sau khi kết thúc chương trình học nghề là do họ không nhận được thông tin việc làm hỗ trợ từ Đề án, có 32,1% LĐNT học xong cho rằng khó khăn trong tìm việc làm của họ là do không được hỗ trợ vốn để tự tạo việc làm tại nhà dù bản thân rất có nhu cầu và 17,9% LĐNT gặp khó khăn tìm việc do nhiều lí do khác nữa.
Bảng 2.16: Công việc hiện tại (nếu có) của LĐNT đã từng tham gia học nghề Nghề
Số lượng trả lời (người)
Tỷ lệ có việc làm trong tổng mẫu điều tra (%)
Tỷ lệ việc làm giữa các ngành sau học nghề (%)
Chăn nuôi gà 6 9,2 10,5
chăn nuôi lợn 2 3,1 3,5
Làm rẫy 5 7,7 8,8
Trồng lúa 9 13,8 15,8
Làm mướn (làm
thuê) 14 21,5 24,6
Đan lát 12 18,5 21,1
May 1 1,5 1,8
Khác 8 12,3 14,0
Tổng 57 87,7 100,0
Chưa có việc làm 8 12,3
Tổng mẫu
điều tra 65 100,0
Nguồn: Kết quả khảo sát thực tế của luận văn, tháng 7 năm 2013
Bảng 2.16 thể hiện, trong số những LĐNT đã học xong, tỷ lệ có việc làm cao nhất là các nghề phi nông nghiệp như: may, đan lát chiếm tỷ lệ 21,1%, mặc dù vậy có đến 24,6% LĐNT sau khi học nghề vẫn đi làm mướn (làm thuê) dù trong thời điểm tác giả khảo sát, tỷ lệ học may và đan lát có việc làm sau đào tạo cao hơn các nghề phi nông nghiệp khác bởi đang có một vài doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện có liên kết đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động với TTDN huyện. Ngoài ra, từ bảng 2.16 và bảng 2.13 cho thấy, mục tiêu dạy nghề phục vụ cho việc chuyển đổi cơ cấu lao động tại nông thôn ở huyện Định Quán vẫn chưa đạt so với yêu cầu bởi chiếm 41,5 trong tổng số 87,7% lao động có việc làm sau học nghề vẫn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và làm thuê với công việc bấp bênh. Các nghề may và đan lát có tỷ lệ việc làm cao nhưng chỉ là công việc làm thời vụ, người học tranh thủ lúc thời gian nhàn rỗi. LĐNT đã học nghề xong vào làm đúng nghề trong các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp không có.
Đối với các nghề phi nông nghiệp là hạn chế về giải quyết việc làm sau đào tạo cho người học. Thì với các nghề nông nghiệp như: chăn nuôi gà, chăn nuôi heo, làm mồi câu… LĐNT sau khi học nghề đã biết ứng dụng, làm chủ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, chăn nuôi song cái khó mà họ đang đối mặt là đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Khó khăn lớn nhất của LĐNT là thiếu thông tin định hướng thị trường, giá cả hàng hóa bấp bênh, không ổn định. Tại thời điểm mà tác giả điều tra tháng 7 năm 2013, giá thịt gà trên thị trường đang xuống rất thấp trong khi giá thức ăn chăn nuôi quá cao khiến nhiều nông dân thừa nhận đang trong tình cảnh “làm thuê” cho đại lý bán thức ăn chăn nuôi.
“Thời điểm hiện tại này thì giá gà đang xuống. Giá cả bây giờ không ổn định… Người nông dân chăn nuôi nhiều thì không có lời. Bởi vì giá thức ăn quá cao mà giá thịt gà bán ra của chúng tôi lại rất thấp.” (PVS MS.03).
Và theo tính toán: “Gà chúng tôi nuôi bán ra chỉ đạt 45-50 ngàn đồng/kg.
Một con gà với thời gian nuôi 4-5 tháng mới nặng 2 kg vì chúng là gà ta, nuôi thả vườn nên thời gian nuôi lâu hơn. Nuôi gà tam hoàng thì nhanh hơn. Nuôi gà ta thời gian kéo dài hơn, nuôi lâu hơn, tốn kém tiền mua thức ăn nhiều hơn nên chi phí cao hơn, bán ra giá thấp, bị lỗ”, (PVS MS.03). Hay “Nuôi gà ở đây vào mùa tết hay nô-en thì giá cả nó được cao một chút còn nếu như bây giờ nè là ký gà có 30 chục ngàn, không đủ lấy lại số vốn mà mình đã chi ra để nuôi. Thức ăn thì giá cao. Thế nên bà con chỉ tranh thủ nuôi gà vào dịp tết và nô- en thôi”. (PVS MS.09).
Theo đánh giá cuả Ban chỉ đạo 1956 huyện Định Quán, một số ngành nghề được đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, giá cả biến động, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, do đó các ngành nghề tự tạo việc làm tại chỗ như chăn nuôi gà, heo sau khi học nghề xong, đánh giá hiệu quả việc làm sau đào tạo còn gặp khó khăn, việc làm tại chỗ không ổn định [30].
Vì nhiều lí do, đào tạo không gắn được với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; không tạo dựng được mối liên kết với doanh nghiệp dẫn đến không chỉ đầu ra về việc làm cho người học bị bỏ ngỏ mà sản phẩm làm ra từ nông nghiệp của người học cũng lâm vào tình trạng khó khăn, ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả đào tạo nghề từ Đề án 1956 trong thực tế.
Ngoài ra, không giải quyết được đầu ra cho người học nghề nên quy mô ngành, nghề đào tạo tại Trung tâm cũng đang “teo tóp” dần: từ 20 ngành, nghề ban đầu đến thời điểm tác giả khảo sát chỉ còn 6 – 7 ngành, nghề còn duy trì người học. Mặt khác, trong 6 mô hình (2 mô hình nông nghiệp và 4 mô hình phi nông nghiệp) đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm mà TTDN huyện đã xây dựng thì tại thời điểm tác giả tiến hành khảo sát, Trung tâm chỉ còn duy trì được mô hình chăn nuôi gà thả vườn là tỏa ra hiệu quả, các mô hình còn lại trong tình trạng “chết yểu” do không có người học. Hiệu quả không cao tất yếu dẫn đến tình trạng, nông dân không còn mặn mà với chương trình đào tạo.
“Lớp học may của tôi đợt đó có tới ba mấy người học lận nhưng học xong chả thấy có ai xin được việc cả... Mà học xong, kết thúc lãnh tiền rồi họ bỏ luôn. Xong phim. Chả thấy gì hết. Chán lắm!... Mặc dù hồi đấy học xong, về chị rất ao ước có được việc làm, được hỗ trợ về máy may để có việc nhưng hoàn toàn chả nhận được gì hết”, (PVS MS.04). Học viên này cho biết, học lớp may thấy hữu ích với bản thân và gia đình vì “mình nghèo mà, bản thân xác định đi học, đã chấp nhận đi học thì không phải vì ham hố mấy trăm ngàn tiền nhà nước ủng hộ mà ham đi học vì để có nghề, có việc làm. Đi học là phải rất tranh thủ, tối sớm mưa gió cũng phải tranh thủ đi đầy đủ. Học xong nhà nước có ủng hộ hơn 500 ngàn đồng thì cũng là cám ơn sự quan tâm của nhà nước. Nhưng học xong cầm mấy trăm ngàn ủng hộ tiêu hết rồi thôi, không có hữu ích, không có kết quả gì nữa nên là mình cũng không cảm thấy hứng thú nữa. Muốn học xong, nhà nước kiếm được việc gì, cũng liên quan
đến nghề may hay đại thể như thế cho gia công ở nhà, tranh thủ thời gian ranh rỗi tạo thu nhập cho gia đình. Giờ nói thật mình rất muốn làm, nhưng quan trọng nhất là không có việc làm, thứ hai là không có máy may. Nên bây giờ chịu thua thôi. Mà đi xa thì mình không đi được vì còn cha mẹ già, ruộng rẫy ai trông”.
- Ở ấp của chị đã từng có lớp học nghề trồng nấm. Chị thấy có ai làm hiệu quả sau khi học xong không chị?
- Chả thấy ai cả, họ bỏ hết rồi. Vốn không có, đầu tư lớn. Có nhà trồng được thì giá lại không cao, không có vốn đầu tư nữa nên bỏ.” (PVS MS.04).
Không được hỗ trợ thông tin tìm việc nên không có việc làm phải đi làm việc khác, còn với những LĐNT được hỗ trợ việc làm thì thu nhập lại quá thấp, cũng không thu hút được người lao động “mặn mà” với nghề đã học.
“Mùa này (mùa mưa) là mùa lên măng nên người ta nghỉ đi lấy măng hết rồi.
Mới lại hàng thì làm thu nhập không cao mấy, sản phẩm làm ra cũng ít. Mỗi sản phẩm đan xong có giá từ 4-8 ngàn đồng/chiếc. Mỗi ngày họ chỉ đan được khoảng 2 – 3 cái thôi, không đáng kể nên thời gian như bây giờ thì người ta tranh thủ đi lấy măng thu nhập cao hơn. Chỉ có ngày mưa gió không đi làm rẫy được thì họ mới tranh thủ nhận hàng về làm”, (PVS MS.08).
“Ở địa bàn đây thì chủ yếu học năm 2010 là đan lát. Đan cây bèo, đan nhựa. Nhưng những người học đan thì cũng bỏ nghề hết rồi. Đan lát đấy chỉ tranh thủ làm thêm thôi chứ mức sống, thu nhập từ đan thấp lắm, không đủ.
Mỗi ngày đan bèo chỉ thu từ 20-30 chục ngàn/ngày chứ không cao bao nhiêu.
Nên hiện nay chỉ có những đối tượng là gia đình có con cái nghỉ hè ở nhà, phụ nữ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, neo đơn, con nhỏ không thể đi làm xa mới đan lát thủ công chứ thanh niên thì chúng đi làm thuê cho doanh nghiệp hết”, (PVS MS.10).
Mặc dù mục đích của chương trình đào tạo nghề cho LĐNT là nhằm cung cấp thêm trình độ, tạo cơ hội việc làm cho người dân, thế nhưng khi
“Đào tạo xong đầu ra anh không có hoặc có mà thu nhập quá thấp thì đào tạo cũng không giải quyết được gì. Ví dụ như thợ hàn, may công nghiệp, sửa xe máy… người dân cũng có đi học nhưng mà đầu ra không đáp ứng được.
Học xong không có việc làm, không được hỗ trợ việc làm mà bản thân người học phải tự đi xin việc làm. Trong khi học tay nghề thấp, mức lương thấp nên người ta (thanh niên) đi làm việc khác… Làm thuê thợ hồ từ 130-140 ngàn đồng/ngày còn thợ chính thì cao hơn; làm rẫy thì khoảng từ 150 ngàn đồng trở lên. Trong khi học nghề đan lát xong mỗi ngày đan giỏi cũng chỉ 30-40 ngàn/ngày”, (PVS MS.10).
Kết quả khảo sát của tác giả về lí do vì sao không xin được việc hoặc không làm đúng nghề đã học đối với LĐNT đã học xong cũng cho thấy: có 33,3% không xin được việc vì không có thông tin việc làm, 22,8% không có vốn để sản xuất, 15,8% cho rằng lương thấp nên không thích làm việc đã học còn lại là do sức khỏe yếu, không có phương tiện đi lại, không thích nghề đã học và nhiều lí do khác nữa
Biểu đồ 2.6: Lí do không làm đúng nghề đã học hoặc không xin được việc
Lí do khác
Không có vốn sản xuất
Không thích nghề đã học Chỗ làm việc xa, không có phương tiện
Sức khỏe yếu
Không xin được việc vì không có thông tin việc làm
Lương thấp
Nguồn: Kết quả khảo sát thực tế của luận văn, tháng 7 năm 2013
Như vậy, mục tiêu chỉ đạo “không tổ chức dạy và học nghề khi chưa xác định được nơi làm việc và mức thu nhập có được sau khi học” của Ban chỉ đạo Trung ương đối với công tác đào tạo nghề cho LĐNT theo Đề án 1956 tại TTDN huyện Định Quán ở góc độ nào đó vẫn chưa thực hiện được.
Người lao động vẫn đang phải loay hoay tự giải quyết việc làm sau khi học nghề giữa rất nhiều khó khăn. Và có thể nhận thấy rằng, quá trình thực hiện Đề án 1956 trong 3 năm qua vẫn đang gặp rất nhiều hạn chế. Nổi bật trong đó là công tác tư vấn, hướng nghiệp cho LĐNT trước khi học nghề chưa tốt; việc đào tạo không gắn với thông tin quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương dẫn đến cơ hội việc làm cho người học nghề xong không có, người học nghề không xin được việc vì thị trường không có nhu cầu, thu nhập từ nghề đã học thấp; cơ sở dạy nghề chưa xây dựng được mối liên kết với doanh nghiệp trong quá trình tạo việc làm nên LĐNT sau khi học nghề xong vẫn trong tình trạng thu nhập thấp, không ổn định; không tìm được việc làm phù hợp sau học nghề, nhất là với những ngành phi nông nghiệp. Việc tiếp cận với các chính sách hỗ trợ sau nghề về: thông tin việc làm, vốn sản xuất còn nhiều khó khăn… Đây là lí do giải thích cho tỷ lệ học viên bỏ học giữa chừng còn cao trên 8% [24]. Và có tới 43,1% LĐNT sau học nghề xong cho rằng đời sống của gia đình vẫn không thay đổi so với trước khi học nghề. Nếu vấn đề này không sớm được đánh giá, nhìn nhận một cách xác đáng và thay đổi cách thức thực hiện sẽ làm cho Đề án trở thành thiếu thực tiễn, sáo rỗng và chắc chắn không thể hoàn thành được mục tiêu như đã đề ra.