Chương II: Thực trạng đào tạo nghề cho LĐNT tại Trung tâm dạy nghề huyện Định Quán
2.3 Những nguyên nhân tác động đến việc thực hiện Đề án 1956 tại TTDN huyện Định Quán
2.3.2 Nguyên nhân những hạn chế trong công tác đào tạo nghề
những người xung quanh đây đã từng học lớp nuôi gà, cô chưa thấy ai được vay vốn cả dù họ rất khó khăn. Cô thấy sao nói vậy, nói đúng sự thật đó con”, (PVS MS.01).
Vấn đề mấu chốt để chương trình đào tạo nghề đạt hiệu quả là phải gắn với nhu cầu của xã hội. Nhưng ở TTDN huyện Định Quán, cũng đang trong tình trạng như nhiều địa phương khác trong cả nước được chọn làm thí điểm dường như chỉ mới chú trọng đến mục tiêu dạy nghề, trong khi cái người dân nông thôn cần là học xong sẽ làm việc ở đâu và sản xuất ra sản phẩm rồi bán cho ai thì hầu như vẫn còn bỏ ngỏ. Tất nhiên, đây không phải lỗi của chính quyền các cấp huyện, xã, vì tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp hay việc làm ổn định lao động nông thôn sau học nghề là việc làm gần như nằm ngoài tầm với của họ.
“Tôi biết lãnh đạo tỉnh cũng đã từng “đặt hàng” với lãnh đạo một vài xã trong huyện về việc nghiên cứu đề xuất xem nên nuôi con gì, trồng cây gì là thế mạnh hiệu quả để đào tạo nghề, giải quyết việc làm hiệu quả cho người LĐNT nhưng với tầm nhìn, khả năng của một lãnh đạo xã, phụ trách giải quyết đủ thứ việc thì họ cũng đành bó tay. Thậm chí huyện cũng đang “bí”
trong việc đào tạo nghề gì, dạy cái gì, nuôi con gì, thế mạnh nào? giải quyết việc làm thế nào cho người lao động bởi đến nay vẫn chưa có quy hoạch rõ ràng, cụ thể về hướng phát triển kinh tế cho địa phương trong thời gian tới.
Giải quyết việc làm ngành nghề phi nông nghiệp cho lao động hiện vẫn còn
“trông chờ” vào các dự án sắp tới sẽ phát triển, đầu tư vào huyện của một số doanh nghiệp giày da, may mặc; trong đó có khu công nghiệp Định Quán khởi công và đi vào xây dựng, mở cửa thì mới có hi vọng giải quyết việc tốt vấn đề này”, (PVS MS.11).
Bên cạnh đó thay vì nhấn mạnh đến hiệu quả và chất lượng, Đề án 1956 lại đưa ra những chỉ tiêu về số lượng mà cụ thể là bình quân mỗi năm phải đào tạo nghề cho 1 triệu người LĐNT và tỷ lệ giải quyết việc làm sau
đào tạo tối thiểu đạt trên 70% (giai đoạn 2011- 2015). Tại tỉnh Đồng Nai, theo Quyết định số 2577/QĐ-UBND ngày 29/9/2010 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020”, đã quy định, mục tiêu của giai đoạn 2011 – 2015 là phấn đấu đào tạo nghề cho khoảng 85.000 LĐNT trong toàn tỉnh, bình quân 17.000 người/năm. Như vậy, chỉ tiêu đào tạo nghề của mỗi huyện, thị xã, thành phố bình quân là khoảng 1.545 LĐNT/năm. Trong đó: 30% đào tạo nghề nông nghiệp, 63% phi nông nghiệp, 7% bồi dưỡng chuyển đổi. Đối với các huyện đặc thù là địa phương miền núi, phát triển nông nghiệp chủ yếu thì tỷ lệ được điều chỉnh là 45% đào tạo nghề nông nghiệp và 55% phi nông nghiệp. Tỷ lệ có việc làm sau đào tạo nghề bình quân là 85%, trong đó tập trung thực hiện đào tạo và giải quyết việc làm (hợp đồng đào tạo), sơ cấp nghề (06 tháng đến 09 tháng), tỷ lệ có việc làm ổn định tại doanh nghiệp là 100% [47].
Việc đề ra chỉ tiêu vừa là động lực thúc đẩy các địa phương tập trung thực hiện nâng cao hiệu quả chính sách đào tạo nghề khi đưa vào thực tế nhưng chắc chắn cũng sẽ không tránh khỏi việc chạy theo số lượng để đảm bảo có kinh phí. Được biết, tại tỉnh Đồng Nai, sau 3 năm (2010-2012) triển khai dự án đào tạo nghề cho LĐNT, tỉnh đã chi 82,5 tỷ đồng cho công tác này, trong đó kinh phí do ngân sách Trung ương cấp là 18 tỷ đồng và ngân sách tỉnh là 64,5 tỷ đồng. Đây là một số tiền không nhỏ thế nhưng “không ít lãnh đạo địa phương đã thẳng thắn thừa nhận rằng, công tác đào tạo nghề cho LĐNT chưa phát huy hiệu quả. Bằng chứng là có những nghề, đào tạo ra học viên không biết tìm việc ở đâu do đào tạo đại trà, cả xã đều học những nghề giống nhau… Qua thanh kiểm tra, Sở Lao động - thương binh và xã hội đã phát hiện ra nhiều sai phạm tại các trung tâm dạy nghề có thực hiện chương trình đào tạo nghề cho LĐNT. Trong đó, sai phạm nhiều nhất vẫn là sử dụng kinh phí không đúng quy định, chi sai mục đích, cắt giảm số tiết giảng dạy, đào tạo sai đối tượng... Thậm chí có lãnh đạo trung tâm dạy nghề
còn bị đình chỉ công tác và điều tra vì những sai phạm trong quá trình thực hiện” [33]. Điều đó cho thấy hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn còn lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, giám sát kịp thời. Mặc dù tại TTDN huyện Định Quán qua tìm hiểu tác giả được biết, thời gian qua vẫn chưa để xảy ra tình trạng sai sót, kiện cáo của người học về chính sách hỗ trợ. Thế nhưng khi tiếp cận số liệu người học tại TTDN huyện để thu thập tài liệu phục vụ cho công tác điều tra, khảo sát của luận văn, tác giả gặp rất nhiều khó khăn trong việc phân loại đối tượng, số liệu thực tế nhiều lúc không chính xác so với số liệu thống kê lưu giữ tại Trung tâm.
Dù được đầu tư kinh phí trang bị cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên phục vụ dạy nghề theo quy định nhưng lãnh đạo TTDN huyện cho biết, cơ sở vật chất và giáo viên vẫn mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu học nghề của người lao động. Chưa kể, thời gian đầu việc tổ chức thực hiện Đề án 1956 do còn mới nên lúng túng trong xác định đối tượng hưởng chính sách đào tạo, cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa gắn với quy hoạch phát triển, quy trình mở lớp, xây dựng chương trình giảng dạy không phù hợp; cơ chế giải ngân, thủ tục thanh quyết toán rườm rà… ảnh hưởng đến hiệu quả Đề án. Đến nay, các địa phương mới từng bước rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế về ngành nghề đào tạo, số lượng lớp học được điều chỉnh sát với thực tế và định hướng đào tạo nghề [27].
Trình độ và độ tuổi của người LĐNT tham gia học nghề không đồng đều. Yếu tố này ảnh hưởng nhất định công tác giảng dạy, khả năng tiếp thu thông tin của người học nghề. Trong đó, kết quả khảo sát về tuổi người học tại TTDN huyện Định Quán cho thấy, với các nghề nông nghiệp, độ tuổi tập trung nhiều người học nghề là từ 40 tuổi trở lên. Mặc dù đang có xu thế trẻ hóa nhưng tỷ lệ tuổi này vẫn chiếm khá đông ở đối tượng đang học. Bên cạnh đó là tâm lý ngán ngại khi đăng ký học nghề của người nông dân vì họ chưa thấy được lợi ích từ việc học nghề. “Đối với lực lượng thanh niên thiếu việc
làm có độ tuổi từ 35 trở xuống. Họ thích vào thẳng doanh nghiệp vì học nghề tại doanh nghiệp vừa có lương, lại vừa đảm bảo có việc làm ngay sau khi học nghề thay vì mất 3 tháng đi học tại Trung tâm theo chương trình Đề án mà học xong chưa chắc đã tìm được việc”, (PVS MS11].
Trình độ của người học nghề khá thấp. Như đã đề cập ở bảng 2.1, chiếm tỷ lệ nhiều nhất là LĐNT học nghề có trình học vấn THCS với 41%, sau đó là tiểu học chiếm 26%, chỉ có 25% người học có trình độ học vấn THPT, thậm chí có tới 8% số LĐNT học nghề không biết chữ. Lực lượng không biết chữ đa phần rơi vào lực lượng LĐNT là người dân tộc thiểu số.
Cũng vì hạn chế về trình độ, nhận thức nên LĐNT dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn trong tiếp nhận kiến thức học nghề, chưa kể đó là tâm lý tiểu nông
“thích thì làm, không thích thì nghỉ” trong quá trình làm việc. “Ở đây còn đỡ, chứ ở Túc Trưng phần lớn là người dân tộc Chơ Ro. Mấy năm nay Trung tâm huyện cũng có xuống tổ chức dạy nghề đan thủ công và tạo việc làm tại nhà cho dân ở đây. Họ cũng đi học và lấy hàng về làm nhưng thích thì họ làm, không thích thì họ nghỉ. Nhiều khi đơn hàng gấp, doanh nghiệp đặt hàng yêu cầu hoàn thành sớm nhưng vì bận lễ hội hoặc giỗ chạp, người dân nghỉ không làm. Hàng không hoàn thành theo đúng yêu cầu để giao. Riết rồi họ chán, chả đặt hàng nữa” (PVS MS.08).
Tóm lại, có nhiều nguyên nhân tác động đến quá trình thực hiện Đề án 1956 tại TTDN huyện Định Quán. Về mặt tích cực, không thể phủ nhận vai trò quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và các cấp chính quyền huyện Định Quán đối với công tác dạy nghề cho LĐNT theo Đề án 1956. Ngoài ra, ngay sau khi tiếp cận và triển khai thực hiện Đề án, TTDN huyện với tư cách là đơn vị dạy nghề được huyện giao trách nhiệm đào tạo nghề theo nội dung Đề án đã chủ động đề ra những giải pháp phù hợp, xem nhiệm vụ đào tạo nghề cho LĐNT là nhiệm vụ quan trọng và quyết liệt thực hiện. Thể hiện trong việc xây dựng đội ngũ tư vấn hướng nghiệp chuyên nghiệp, xây dựng
nội dung chương trình đào tạo nghề đến được với nhu cầu thực thụ của người dân nên đã thu hút được đông đảo LĐNT đăng ký học nghề. Tuy nhiên, cùng với những mặt tích cực, hoạt động đào tạo nghề tại TTDN huyện Định Quán cũng đang tồn tại nhiều hạn chế, trong đó rõ nhất là đầu ra việc làm cho người học chưa ổn định, nhất là những nghề phi nông nghiệp, thu nhập của LĐNT sau học nghề còn thấp. Giá cả, thị trường tiêu thị sản phẩm nông nghiệp bấp bênh khiến cho hiệu quả học nghề nông nghiệp hạn chế. Những hạn chế này phần lớn xuất phát từ nguyên nhân mang tính vĩ mô, có liên quan đến việc xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, quy hoạch vùng phát triển… Ngoài ra còn xuất phát từ việc thiếu định hướng thông tin thị trường; vấn đề xây dựng mối lên kết trong đào tạo nghề giữa chính quyền địa phương với TTDN huyện và doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người học vẫn chưa thực hiện tốt. Mục tiêu và nguyên tắc đào tạo gắn với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; đảm bảo người học nghề có việc làm còn nhiều hạn chế. Chưa kể việc đáp ứng mục tiêu đào tạo đề ra theo quy định của Đề án 1956 của một địa phương thực hiện điểm cũng khiến việc đào tạo nghề khó tránh khỏi chạy theo số lượng. Đây sẽ là những điểm “gút” mà Ban chỉ đạo Đề án 1956 huyện cần tháo gỡ để cùng với TTDN huyện đẩy mạnh hiệu quả thực hiện Đề án, tạo đột phá trong mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chủ yếu là LĐNT của huyện trong những năm sắp tới.