Chương II: Thực trạng đào tạo nghề cho LĐNT tại Trung tâm dạy nghề huyện Định Quán
2.3 Những nguyên nhân tác động đến việc thực hiện Đề án 1956 tại TTDN huyện Định Quán
2.3.1 Nguyên nhân những kết quả đạt được
chỉ của người dân mà còn là một trong những chủ trương thu hút sự quan tâm lớn của chính quyền các cấp. Đặc biệt, tại huyện Định Quán, địa phương được chọn làm điểm thực hiện Đề án của tỉnh Đồng Nai, công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo huyện. “Khi tiếp nhận chính sách đào tạo nghề của Đề án, huyện cũng bỡ ngỡ vì cho rằng công tác đào tạo nghề là trách nhiệm của các trường, cơ sở dạy nghề lớn nhưng sau khi tìm hiểu kỹ thông tin Đề án và qua hơn 3 năm thực hiện, rút kinh nghiệm từ thực tế, tham khảo thông tin thì huyện cũng đã từng bước triển khai khá hiệu quả. Bên cạnh đó, Định Quán có nền tảng vững chắc vì đã làm công tác đào tạo nghề bằng đề án cụ thể từ 5 năm trước. Là địa phương điểm của tỉnh, Đề án cũng nhận được sự chỉ đạo quyết liệt từ phía huyện. Cụ thể, Huyện ủy xác định rõ trách nhiệm của hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và người dân, từ đó đổi mới căn bản, toàn diện công tác dạy nghề cho LĐNT, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới. Thậm chí, các mục tiêu đào tạo nghề cho LĐNT theo Đề án 1956 được Huyện ủy, UBND huyện xây dựng thành chỉ tiêu cụ thể trong nghị quyết phát triển kinh tế, xã hội của huyện hàng năm. Gắn với trách nhiệm, chỉ tiêu hoạt động của cấp ủy đảng, chính quyền, ngành, đoàn thể nên huy động được sức mạnh tổng thể của toàn hệ thống chính trị trên địa bàn huyện”, (PVS MS.11).
Với TTDN huyện Định Quán, đơn vị được huyện giao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho LĐNT theo Đề án 1956, Trung tâm đã xây dựng được chương trình đào tạo cụ thể, sinh động và đưa chương trình đến gần với người lao động có nhu cầu học nghề để họ nắm bắt chương trình và đăng ký tham gia. Ngoài ra, các chương trình học nghề, nhất là các nghề nông nghiệp đã xây dựng tương đối phù hợp, mang lại hiệu quả nhất định đối với người dân học nghề, giúp họ nâng cao khả năng nắm bắt kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống sau khi học nghề.
Công tác tuyên truyền, tư vấn về Đề án 1956 đã được TTDN huyện đẩy mạnh thông qua việc phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội từ huyện xuống xã, thị trấn, ấp, khu dân cư. Đặc biệt là huy động nguồn lực gần dân từ cán bộ ấp, khu phố tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ hơn lợi ích của việc học nghề đối với nhu cầu muốn nâng cao hiệu quả lao động sản xuất, chăn nuôi trong gia đình. Điều này thể hiện rất rõ qua kết quả khảo sát với người học nghề về nội dung và đối tượng được tư vấn trước khi học nghề trong phần trên của luận văn. Đồng thời cũng định hướng chọn ngành nghề phù hợp với từng đối tượng lứa tuổi, cuộc sống, sinh hoạt của bà con để tổ chức lớp và đào tạo nghề. Đối với lực lượng lao động trẻ, thiếu việc làm thì hướng nghiệp cho họ học những ngành nghề nhằm phục vụ yêu cầu chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp để họ tìm được việc làm trong các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn huyện. Đối với lực lượng lao động lớn tuổi, hướng nghiệp cho họ tham gia học những nghề phục vụ cho công việc đang trực tiếp làm tại gia đình như: chăn nuôi, trồng trọt, đan lát tiểu thủ công nghiệp… vừa phù hợp với trình độ nhận thức, thời gian làm việc góp phần nâng cao năng suất lao động và thu nhập cho gia đình.
Bên cạnh đó, qua tìm hiểu, tác giả luận văn được biết, theo sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Đề án 1956 huyện Định Quán, trước khi tổ chức dạy nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện, TTDN huyện đã cử cán bộ, giáo viên phối hợp với địa phương tổ chức điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của LĐNT tại huyện đến năm 2020. Theo kết quả khảo sát tại 17 ngành, nghề đào tạo của TTDN huyện, năm 2010, số LĐNT có nhu cầu học nghề là gần 2.500 người, đến năm 2015 nhu cầu học nghề là 9.550 người và đến năm 2020 là 9.850 người [24]. Được biết, đây chỉ là kết quả khảo sát dựa trên 17 nhóm ngành nghề có số lượng người học đông còn lại chưa tính đến số lượng LĐNT đăng ký rải rác ở nhiều ngành nghề khác theo nhu cầu học nghề của
người lao động và yêu cầu của thị trường lao động. Vì vậy, việc mở lớp dạy nghề còn dựa trên kết quả điều tra, khảo sát được thực hiện hàng năm.
Đối với công tác tư vấn, tuyển sinh, TTDN huyện thành lập tổ tuyển sinh và tư vấn nghề lưu động. Nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong vấn đề tuyển sinh, Trung tâm phân công cụ thể cán bộ, giáo viên phụ trách tuyển sinh tại 1 – 2 xã, thị trấn đồng thời cán bộ, giáo viên tuyển sinh có trách nhiệm phối hợp với địa phương nắm bắt số liệu nhu cầu học nghề, tiếp cận tư vấn tại chỗ cho người lao động; tổ chức đăng ký và hướng dẫn học viên làm hồ sơ, thủ tục học nghề theo quy định. Kết hợp đến từng hộ gia đình tư vấn trực tiếp với treo băng rôn, áp phích, tờ rơi và thông tin rộng rãi trên phương tiện loa đài, thông tin đại chúng.
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người học được TTDN huyện căn cứ theo quy định của Đề án 1956 và hướng dẫn của Thông tư số 60 liên sở giữa Sở LĐ-TB&XH và Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai. Người học được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại theo quy định.
Một trong những nội dung quan trọng đối với hiệu quả đào tạo nghề tại một đơn vị dạy nghề nói chung, TTDN huyện Định Quán nói riêng là đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ công tác giảng dạy. Đến nay, TTDN huyện có 11 phòng học lý thuyết có diện tích đạt chuẩn theo quy định, nhà xưởng thực hành. Ngoài ra, Trung tâm cũng được tỉnh cấp kinh phí đầu tư trang bị mới 1 xưởng sửa chữa ô tô, 1 phòng thực hành điện, 1 xưởng hàn 3G – 6 G, 1 trại thực nghiệm sản xuất nấm, phòng thí nghiệm sản xuất meo nấm…
Riêng với chương trình và giáo trình giảng dạy, TTDN huyện đã xây dựng và biên soạn theo phương án tích hợp. Giáo viên dạy nghề theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, nghĩa là kết hợp lý thuyết và thực hành ngay tại chỗ,
“sai đâu sửa đấy”. Đặc biệt, đối với nghề nông nghiệp, trong 3 năm qua, TTDN huyện Định Quán đã xây dựng được nhiều mô hình dạy nghề hiệu quả trong đó có mô hình chăn nuôi gà thả vườn. Trung tâm đã chỉnh sửa chương
trình đào tạo, thêm vào giảng dạy cách thức vận hành máy ấp trứng tự động, chế biến và nghiền thức ăn cho gà do Trung tâm tự sáng chế. Lớp học được đưa về tổ chức ngay tại hộ gia đình nông dân và trang bị gà giống để học viên tự thực hành chăn nuôi dưới sự kiểm tra, giám sát của giáo viên giảng dạy.
Nhờ đó, học viên sau khi học xong vừa nắm được quy trình chăm sóc, phòng ngừa bệnh cho gà lại vừa biết sử dụng máy ấp trứng, máy trộn nghiền thức ăn từ phế phẩm nông nghiệp sẵn có trong gia đình. Mô hình chăn nuôi gà thả vườn của Trung tâm đang được đánh giá là một trong những mô hình hiệu quả trong đào tạo nghề cho LĐNT khi sơ kết 3 năm thực hiện Đề án 1956 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Đạt được tỷ lệ cao về lao động có việc làm sau đào tạo một phần do TTDN huyện cũng đã chủ động liên hệ, phối hợp với các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn cùng liên kết đào tạo, giải quyết việc làm cho người học, nhất là các nghề thủ công, đan lát dù còn hạn chế nhất định. Bên cạnh đó, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ có việc làm cao tại TTDN huyện Định Quán sau đào tạo là do tỷ lệ người có việc làm trước khi tham gia học nghề khá cao, khoảng 70,9% đối tượng LĐNT đang học được khảo sát có việc làm trước khi học nghề, tập trung chủ yếu trong các nghề nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
2.3.2 Nguyên nhân những hạn chế trong công tác đào tạo nghề