Phương pháp nghiên cứu

Một phần của tài liệu Hiện trạng và giải pháp phát triển mảng xanh trong khu nhà ở tại thành phố hồ chí minh (trường hợp điển cứu tại phường 13 quận gò vấp) (Trang 24 - 29)

Để giải đáp các vấn đề nghiên cứu đã đặt ra, phương pháp nghiên cứu được áp dụng cho các mục tiêu trong đề tài cụ thể như sau:

6.1. Thu thập dữ liệu

6.1.1. Thu thập dữ liệu thứ cấp

Phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp được áp dụng cho mục tiêu “Tìm hiểu các mô hình xây dựng mảng xanh trong khu nhà ở đạt hiệu quả ở trong và

ngoài nước” và mục tiêu “Tìm hiểu định hướng phát triển mảng xanh của thành phố”.

Với 2 mục tiêu này, dữ liệu được thu thập chủ yếu là nguồn dữ liệu có sẵn từ các báo cáo dự án, nghiên cứu, tạp chí và bản tin chuyên ngành, báo chí và nguồn thông tin internet ở trong và ngoài nước; dữ liệu liên quan đến công tác định hướng phát triển mảng xanh từ các chương trình, chính sách, báo cáo, kế hoạch... của thành phố.

6.1.2. Thu thập dữ liệu sơ cấp

Để “Tìm hiểu hiện trạng mảng xanh trong khu nhà ở trên địa bàn phường 13 – quận Gò Vấp” đồng thời “Tìm hiểu nhận thức của người dân cũng như sự quan tâm của chính quyền địa phương” đề tài sử dụng các phương pháp:

+ Phương pháp khảo sát thực tế - quan sát trực tiếp và ghi chép lại để ghi nhận các dữ liệu quan sát được về nhà ở, về số lượng và chất lượng mảng xanh của các khu nhà ở trong quá trình ngoại nghiệp.

+ Phương pháp khảo sát bằng bảng hỏi - với các câu hỏi liên quan đến hiện trạng khu nhà ở, hiện trạng mảng xanh trong khu nhà ở, sự quan tâm của chính quyền địa phương về việc phát triển mảng xanh trong khu nhà ở để thu thập những thông tin định lượng và định tính một cách khách quan từ người dân trong khu.

Đối tượng của bảng hỏi là 72 hộ gia đình sinh sống trong cùng khu nhà ở trên địa bàn khu phố 5 – phường 13 – quận Gò Vấp. Khu nhà ở này được chọn làm đại diện cho các khu nhà ở còn lại khi tiến hành khảo sát bảng hỏi do nó tương đối ổn định về nhà ở và mảng xanh, không đang trong quá trình xây dựng và sửa chữa như nhiều khu nhà ở khác.

Cấu trúc bảng hỏi có câu hỏi mở, câu hỏi đóng, câu hỏi nhiều lựa chọn và câu hỏi kết hợp (xem ph lc C).

+ Phương pháp phỏng vấn sâu - để thu thập thêm một số thông tin định tính về số lượng và chất lượng mảng xanh từ người dân và chính quyền địa phương

trên. Đồng thời tìm hiểu nhận thức của người dân đối với việc phát triển mảng xanh trong khu nhà ở tại địa bàn.

Đối tượng phỏng vấn sâu là:

- 10 hộ dân có nhà ở và mảng xanh “đặc biệt hơn” trong số 72 hộ dân đã nêu ở trên (nhà nhỏ nhưng có nhiều mảng xanh, nhà lớn nhưng có ít mảng xanh, nhà không có mảng xanh…).

- 5 cán bộ địa phương có công tác liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp, ít hoặc nhiều đến người dân và mảng xanh tại địa phương (cán bộ Quản lý đô thị, cán bộ Hội Phụ nữ, cán bộ Đoàn thanh niên, cán bộ Hội Cựu chiến binh và cán bộ Điều hành khu phố).

6.2. Xử lý dữ liệu

6.2.1. Xử lý dữ liệu thứ cấp

Từ những dữ liệu thứ cấp rời rạc đã thu thập được, tác giả chọn lọc những dữ liệu phù hợp cho yêu cầu của đề tài nghiên cứu một cách có hệ thống bằng phương pháp phân tích - tổng hợp. Kết quả thu được là các mô hình xây dựng mảng xanh trong khu nhà ở đạt hiệu quả; là những định hướng về việc phát triển mảng xanh của thành phố ở hiện tại và trong tương lai.

6.2.2. Xử lý dữ liệu sơ cấp

Phân tích, tổng hợp và hệ thống hoá các dữ liệu sơ cấp thu thập được trong quá trình khảo sát địa bàn và phỏng vấn sâu để có được những thông tin có ích và thích hợp cho nghiên cứu.

Các dữ liệu định lượng thu được từ bảng hỏi được phân tích bằng phương pháp thống kê mô tả - xử lý bằng phần mềm SPSS 11.5. Các dữ liệu được phân tích bao gồm: đặc điểm nhân khẩu của dân số khu vực nghiên cứu (giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp…); hiện trạng nhà ở và hiện trạng mảng xanh tại khu vực nghiên cứu;

nhận thức của người dân đối với việc phát triển mảng xanh trong khu nhà ở (hiểu biết, sự quan tâm…); sự quan tâm của chính quyền (mức độ quan tâm, biểu hiện…).

Từ kết quả thu được ở mục tiêu “Tìm hiểu hiện trạng mảng xanh trong khu nhà ở trên địa bàn phường 13 – quận Gò Vấp”“Tìm hiểu nhận thức của người dân cũng như sự quan tâm của chính quyền địa phương”, sử dụng sơ đồ nguyên nhân và hệ quả (Cause & Effect Diagram) để phân tích và sắp xếp các nguyên nhân dẫn đến hiện trạng mảng xanh trong khu nhà ở như đã nêu. Với các bước:

- Bước 1: Xác định vấn đề;

- Bước 2: Xác định các nguyên nhân chính (nhóm nguyên nhân);

- Bước 3: Xác định các nguyên nhân có thể (các nguyên nhân bậc dưới);

- Bước 4: Phân tích toàn bộ sơ đồ để xác định các nguyên nhân quan trọng nhất.

Cuối cùng, với những kết quả thu được là:

 Các mô hình xây dựng mảng xanh trong khu nhà ở đạt hiệu quả tại địa bàn trong và ngoài nước;

 Định hướng phát triển mảng xanh của thành phố;

 Hiện trạng nhà ở và hiện trạng mảng xanh trong khu nhà ở tại địa bàn nghiên cứu;

 Nhận thức của người dân và sự quan tâm của chính quyền địa phương về việc phát triển mảng xanh trong khu nhà ở;

 Những nguyên nhân chính dẫn đến hiện trạng mảng xanh nêu trên rút ra từ sơ đồ nguyên nhân và hệ quả (Cause & Effect Diagram);

 Những giải pháp phát triển mảng xanh mà người dân trong khu nhà ở cũng như cán bộ địa phương đóng góp và coi là khả thi đối với địa bàn nghiên cứu thu thập được từ phương pháp khảo sát bằng bảng hỏi và phỏng vấn sâu.

Tác giả đưa ra một số mô hình mảng xanh phù hợp và đạt hiệu quả cho khu nhà ở tại địa bàn phường 13 – quận Gò Vấp.

Đồng thời sử dụng phương pháp phân tích các bên có liên quan (Stakeholder Analysis) để xác định cách phối hợp tốt nhất đối với các bên cho việc xây dựng các mô hình mảng xanh này. Với các bước:

- Bước 1: Xác định mục tiêu và phạm vi chương trình nhằm giúp người phân tích nhận dạng đầy đủ các thành phần trong phạm vi chương trình (trong hệ thống và môi trường bên ngoài);

- Bước 2: Xác định các bên liên quan chính, sự đóng góp cho chương trình, tác động của chương trình đến các bên liên quan;

- Bước 3: Thực hiện lưới phân tích các bên liên quan;

- Bước 4: Xác định cách phối hợp các bên liên quan.

Dưới đây là sơ đồ thể hiện mối liên hệ giữa phương pháp nghiên cứu và các mục tiêu cụ thể của đề tài:

Hình III: Phương pháp nghiên cứu cho từng mục tiêu của đề tài

Một phần của tài liệu Hiện trạng và giải pháp phát triển mảng xanh trong khu nhà ở tại thành phố hồ chí minh (trường hợp điển cứu tại phường 13 quận gò vấp) (Trang 24 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)