CHƯƠNG 2: HIỆN TRẠNG MẢNG XANH VÀ NHẬN THỨC CỦA NGƯỜI DÂN CÙNG CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG VỀ PHÁT TRIỂN MẢNG XANH
2.4. Nguyên nhân dẫn đến hiện trạng mảng xanh trong khu nhà ở tại phường
Từ những kết quả thu thập được trong quá trình khảo sát thực địa, khảo sát bảng hỏi từ người dân, phỏng vấn sâu đối với người dân và chính quyền địa phương, tác giả sử dụng sơ đồ nguyên nhân – hệ quả để tổng hợp các nguyên nhân dẫn đến hiện trạng mảng xanh trong khu nhà ở tại địa bàn nghiên cứu theo Hình 2.10.
(Nguồn: Lê Thị Thủy Linh, 2013) Hình 2.10: Nguyên nhân dẫn đến hiện trạng mảng xanh trong khu nhà ở tại
địa bàn phường 13
Qua sơ đồ trên, ta thấy những nguyên nhân chính dẫn đến hiện trạng mảng xanh như sau:
2.4.1. Chỉ quan tâm đến mặt kinh tế
Do chất lượng cuộc sống chưa cao (thu nhập thấp) cùng xu thế chung của thời đại, hầu như người dân chỉ quan tâm đến mặt kinh tế, mọi nguồn lực (đất đai, nhân lực…) đều được đầu tư để phát triển mặt này. Tuy nhiên, trong quá trình tập trung phát triển kinh tế, người ta quên mất rằng bảo vệ môi trường cũng là một trong những vấn đề vô cùng quan trọng góp phần làm kinh tế phát triển bền vững hơn, đồng thời giúp bảo vệ sức khoẻ con người và bảo vệ những lợi ích lâu dài khác.
2.4.2. Sự phát triển mất cân đối của quá trình đô thị hoá
Sự gia tăng dân số cùng sự quan tâm chưa đúng mức tới môi trường kết hợp với cơ chế quản lý bất cập… Tất cả những yếu tố trên dẫn tới sự mất cân đối trong quá trình đô thị hoá ở các đô thị. Từ đó dẫn tới nhiều hệ quả xấu và một trong số đó là tình trạng hạ tầng kỹ thuật quá tải, sự hài hoà giữa môi trường nhân tạo và môi trường tự nhiên bị mất cân đối, thành phần cây xanh, mặt nước và những không gian trống ngày càng trở nên hiếm hoi.
2.4.3. Chất lượng cơ sở hạ tầng không tốt
Theo thông tin khảo sát được từ người dân trên địa bàn phường, do cơ sở hạ tầng đô thị trên địa bàn đã được xây dựng từ cách đây rất lâu (những năm 1975) nên chất lượng không còn tốt và phù hợp với yêu cầu của cuộc sống ngày nay.
Bên cạnh đó, cùng với tình trạng phát triển tự phát trong những khu vực dân cư là sự quan tâm chưa đúng mức trong công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị của các nhà quản lý dẫn tới chất lượng hạ tầng đô thị không được cải thiện (đường, hẻm nhỏ hẹp, nhu cầu về không gian thiên nhiên, về cây xanh trong đô thị không được đáp ứng…).
Người dân trong khu nhà ở còn cho biết, một số dự án mở rộng đường trong các hẻm đã thông báo với người dân từ cách đây nhiều năm nhưng đến giờ vẫn chưa thực hiện (dự án “treo”). Hay một số dự án sau khi được thực hiện thì kết quả mang lại cũng không khả quan hơn.
2.4.4. Hiểu biết của người dân về cây xanh còn chưa đầy đủ
Do người dân tập trung với những công việc làm ăn, buôn bán nên không có nhiều thời gian tìm hiểu những thông tin liên quan đến cây xanh (lợi ích của cây xanh và những mô hình phát triển cây xanh).
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích của địa phương còn yếu, đa phần chỉ thiên về hình thức, các nội dung liên quan đến cây xanh chưa được truyền bá sâu rộng đến với cộng đồng dân cư.
2.4.5. Thiếu sự quan tâm của chính quyền địa phương
Sự thiếu quan tâm của của chính quyền địa phương trong công tác phát triển mảng xanh một phần là do không có cán bộ quản lý có chuyên môn trong lĩnh vực môi trường phụ trách. Từ đó dẫn tới các hoạt động phát triển mảng xanh nói riêng và các hoạt động về môi trường nói chung chưa được quan tâm và thực hiện hiệu quả. Các hoạt động này hiện nay chủ yếu do các đoàn thể (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh…) của phường phát động và thực hiện, nhưng cũng diễn ra một cách nhỏ lẻ, không thường xuyên vì không có chỉ đạo cụ thể và vì thiếu kinh phí cho hoạt động nên chưa mang lại kết quả cao. Đây có thể coi là tình trạng chung ở các địa phương. Phần còn lại thứ nhất là do sự thiếu tương tác giữa người dân và chính quyền dẫn đến tình trạng những khó khăn, vướng mắc của người dân không nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ chính quyền. Thứ 2 là do giữa các tổ chức trong nội bộ chính quyền với nhau chưa có sự liên kết, phối hợp làm cho công việc có sự chồng chéo, mâu thuẫn.