CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN MẢNG XANH
3.2. Mô hình mảng xanh phù hợp, hiệu quả cho khu nhà ở tại phường 13
3.2.1. Mô hình vườn trên tường
Vườn trên tường hiện nay có nhiều tên gọi như: vườn thẳng đứng, vườn đứng, vườn xanh trên tường, vườn treo, tường xanh...
Kiểu vườn này có thể được hiểu một cách cơ bản là trồng cây trên một mặt phẳng thẳng đứng, như trên những bức tường, cửa kính, hàng rào hay những khung gỗ, thép…
Vườn trên tường là một trong những giải pháp bổ sung cho sự phát triển mạnh mẽ của kiến trúc xanh. Loại vườn này bắt đầu phát triển từ Pháp, lan rộng đến các nước của Bắc Mỹ, gần đây nhất là Singapore và khu vực ở Đông Nam Á. Người ta đang ứng dụng hiệu quả và rộng rãi mô hình này bởi nó mang lại rất nhiều lợi ích, đặc biệt là trong vấn đề tiết kiệm năng lượng.
Trong khía cạnh tiết kiệm năng lượng, vườn trên tường mang lại hiệu quả trong việc giảm nhiệt độ bề mặt cấu trúc xây dựng và nhiệt độ môi trường cho công trình kiến trúc, giúp giảm tải trọng lạnh của thiết bị điều hòa không khí. Đối với khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa như Việt Nam thì sản phẩm vườn trên tường đang là một giải pháp đáng được người sử dụng cân nhắc lựa chọn.
Theo nghiên cứu liên kết giữa cơ quan Quản lý Xây dựng, Công viên Quốc gia và Đại học Quốc gia Singapore về tác dụng của bức tường cây xanh cho thấy, một bề mặt có bức tường cây xanh có thể giảm đến 80C so với bề mặt đó bằng giải pháp phủ sơn, đồng thời sự chênh lệch nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm của bức tường cây xanh chỉ khoảng 10C thay vì lên tới 100C như thông thường.
Không chỉ giúp giảm hấp thụ nhiệt và nhiệt độ bề mặt, bức tường cây xanh còn đóng vai trò giúp giảm nhiệt độ môi trường rất tốt. Thí nghiệm cho thấy trong cự ly khoảng 0.15m so với bề mặt vườn trên tường thì nhiệt độ môi trường thấp hơn so với cùng cự ly của bức tường thông thường lên tới 3.30C (có thể thay đổi tùy thuộc chủng loại cây và giải pháp thiết kế vườn trên tường). Khoảng cách 0,15m và độ chênh lệch nhiệt độ 3,30C nghe qua có vẻ không nhiều, song đối với không gian phòng bên trong sử dụng hệ thống điều hòa nhiệt độ thì độ chênh và khoảng cách này là rất hiệu quả vì nguồn khí tươi trao đổi trở lại bên trong phòng sẽ có nhiệt độ thấp hơn, cũng đồng nghĩa với việc tiết kiệm năng lượng nhờ giảm tải trọng lạnh (trích dẫn bởi Pham Anh Phuong, 2012).
Theo thống kê đánh giá của các nhà nghiên cứu từ Canada về vấn đề tiết kiệm năng lượng, mỗi 5.50C giảm ngoài môi trường, có khả năng giảm 50% - 70%
mức năng lượng cần để làm lạnh. Như vậy, hiệu quả tiết kiệm năng lượng của giải pháp vườn trên tường là rất đáng kể.
Về góc độ môi trường tiếng ồn đô thị, vốn là một vấn đề rất đáng quan tâm ở những thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, giải pháp vườn trên tường cũng có những tác dụng rất đáng chú ý.
Cơ quan Quản lý Xây dựng, Công viên Quốc gia và Đại học Quốc gia Singapore đã tiến hành đo lường hiệu quả chống tiếng ồn của bức tường cây xanh thông qua hàng loạt thử nghiệm cho phát âm thanh ở các mức tần số khác nhau, mô phỏng môi trường âm thanh khác nhau (đường cao tốc hay trong khu ở…) và đo kết quả ở phía bên kia bức tường để xác định các mức suy giảm áp suất âm. Kết quả cho thấy, trong khoảng tần số từ 125Hz đến 120Hz, bức tường cây xanh có thể làm giảm mức áp suất xuống đáng kể (có thể giảm tới 9.9 dB). Ở các tần số càng cao thì hiệu quả hấp thu áp suất âm của bức tường cây xanh càng cao hơn. Đồng thời cũng qua thí nghiệm, hiệu quả hấp thu áp suất âm của dạng bức tường cây xanh cũng là cao nhất nếu so với các loại vật liệu xây dựng khác như bê tông, gạch, kính, thảm…
(trích dẫn bởi Pham Anh Phuong, 2012).
Với hiệu quả cách âm này thì giải pháp vườn trên mặt đứng sẽ rất phù hợp để tạo ra môi trường âm thanh tốt ở những nơi cần sự yên tĩnh để nghỉ ngơi, nói chuyện, học tập hay làm công việc đòi hỏi tập trung suy nghĩ.
Về mặt cơ động và linh hoạt trong bố trí nội, ngoại thất. Khả năng cơ động đạt được của vườn trên tường chính là nhờ hệ thống tưới, chăm sóc tự động kết hợp với cấu tạo gọn, nhẹ, với chất liệu bền vững. Sự linh hoạt của mô hình vườn trên tường thể hiện ở đặc điểm có thể đặt trên mặt đất, di chuyển, vận chuyển dễ dàng, thậm chí có thể làm khung treo lên tường ở cả nội và ngoại thất.
Mức độ chăm sóc cũng không đòi hỏi quá cao với hệ thống tưới có thể được thiết kế tự động, cùng với thiết bị hẹn giờ và phân thuốc dạng có thể hòa tan vào nước cho phép sử dụng đa dạng và thuận tiện. Như vậy, nếu nói thêm ở khía cạnh tiết kiệm tài nguyên nước, hệ thống tưới tự động có thể thiết kế hẹn giờ hoặc
tuần hoàn với bồn nhỏ đi kèm, cho phép cung ứng nước với lượng vừa đủ và có thể tái sử dụng nhiều lần cho đến khi phải thay nước định kỳ.
Về mặt thẩm mỹ và khả năng đáp ứng nhu cầu về mảng xanh trong đô thị.
Trong không gian chật hẹp của đô thị, rất cần mảng xanh mà lại thiếu diện tích do
“tấc đất tấc vàng” thì vườn trên tường là mô hình phù hợp nhất. Bên cạnh đó, với rất nhiều chủng loại cây lá, thậm chí là các loại hoa, rêu hay cây cảnh, khả năng đa dạng thẩm mỹ theo thị hiếu người tiêu dùng là hoàn toàn khả thi.
Ở Việt Nam hiện nay, vườn trên tường cũng bắt đầu phát triển nhưng chưa được phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, trong nhà phố hiện nay, nếu đưa mô hình vườn trên tường vào sẽ rất hợp lý vì có nhiều bức tường như vách tường sân trước và sau nhà, vách giếng trời… thường bỏ trống.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều phương pháp trồng cây trên mặt phẳng thẳng đứng. Chẳng hạn như trồng cây bằng khung sắt cố định, trồng cây bằng module đúc sẵn (tòa tháp VGM Elmich ở Singapore), trồng cây bằng sự kết hợp giữa tấm nhựa và vải nỉ cùng với các hệ thống tưới tự động, trồng cây bằng khay nhựa đúc sẵn… Ngoài ra, còn một số cách thức khác nữa, nhưng phổ biến nhất hiện nay là phương pháp module đúc sẵn và phương pháp kết hợp tấm nhựa cùng vải nỉ.
Với các phương pháp này, cách chăm sóc và tưới tiêu hoàn toàn tự động bằng hệ thống mô tơ, hệ thống cảm biến độ ẩm và hệ thống dinh dưỡng thủy canh…
Theo kiến trúc sư Đoàn Văn Hưng, các bước làm một khu vườn thẳng đứng trên tường phổ biến tại Việt Nam là phương pháp kết hợp tấm nhựa cùng vải nỉ.
Thứ nhất, phải chuẩn bị các dụng cụ như một khung sắt, một lớp nhựa PVC và vải nỉ. Khung sắt được treo trên tường hoặc có thể tự đứng được. Lớp nhựa PVC dày 1 cm được đóng lên khung sắt. Lớp nhựa này mang lại độ cứng chắc cho toàn bộ hệ thống và chống nước. Sau đó, lớp vải nỉ sẽ được tiếp tục gắn lên lớp PVC. Lớp nỉ chống lại sự ăn mòn và khả năng dẫn nước cao, sẽ phân phối lượng nước một cách đồng đều. Rễ cây sẽ phát triển lên lớp nỉ này.
Thông thường, trọng lượng toàn bộ của vườn cây thẳng đứng này, gồm cả cây và khung sắt phải thấp hơn 30 kg mỗi m2. Vì vậy, vườn thẳng đứng có thể đựng trên bất cứ loại tường nào và không bị giới hạn bởi kích thước hay độ cao. Ngoài ra, theo các nghiên cứu, thực vật không nhất thiết phải cần đến đất trong bất kỳ hoàn cảnh nào bởi đất chỉ là một cách hỗ trợ mang tính máy móc. Chỉ có nước và khoáng chất hòa tan mới là thành phần thiết yếu cho thực vật, cộng với ánh sáng và khí CO2
để hô hấp quang hợp.
Hiện giá cho mỗi m2 vườn thẳng đứng này dao động từ 2.1 đến 2.5 triệu đồng hoặc từ 3 đến 3.5 triệu đồng (tuỳ loại cây cảnh). Chi phí này bao gồm cả tiền công và nguyên vật liệu như cây cỏ, nhựa, vải nỉ, khung thép…
Như vậy, với mô hình vườn trên tường này, dù sống trong không gian đô thị nhỏ hẹp, chúng ta vẫn có thể sống bền vững hơn khi có một góc nhỏ xanh tươi để vừa đáp ứng nhu cầu về cây xanh, vừa mang lại nét thẩm mỹ cho công trình kiến trúc lại góp phần tiết kiệm năng lượng.
(Nguồn: Tổng hợp từ Internet) Hình 3.1: Mô hình Vườn trên tường trong nội và ngoại thất