CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA ĐỀ TÀI
1.2. Lợi ích của mảng xanh đô thị
1.2.2. Lợi ích xã hội và tâm lý
Những mảng xanh bên đường, trong công viên, trong các khu chung cư... ở đô thị luôn tạo môi trường mát mẻ, trong lành, giúp cho người dân được thư giãn, nghỉ ngơi sau những giờ làm việc, học tập căng thẳng. Khi đắm chìm vào thiên
nhiên, những ưu phiền của cuộc sống dễ được giải toả để con người có thể trở lại làm việc hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, việc tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây cũng thắt chặt thêm tình cảm giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Từ đó nâng cao nhận thức của mỗi người về giá trị của cây xanh, của tự nhiên để rồi phát huy ý thức bảo vệ môi trường sinh thái.
1.2.2.2. Sức khoẻ và tinh thần con người
Theo Phan Nguyễn Khánh Đan (2012): có 3 cuộc nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra những tác dụng tích cực của việc được sống cùng thiên nhiên hoặc những không gian xanh đối với sức khoẻ cộng đồng, đặc biệt là trẻ em.
Không gian xanh giúp thu hẹp khoảng cách về sức khoẻ giữa người giàu và người ngèo:
Một nghiên cứu hợp tác giữa trường Đại học Glasgow và trường Đại học St. Andrews khám phá ra rằng những người dân có điều kiện sống gần công viên cây xanh hoặc những mảng rừng tự nhiên thì có sức khoẻ tốt hơn những người không có điều kiện này, bất chấp địa vị xã hội của họ.
Sau khi tìm hiểu những dữ liệu về tỉ lệ tử của người dân Anh từ năm 2001 đến năm 2005 và liên hệ những dữ liệu này với nguyên nhân tử vong và mảng xanh đô thị, các nhà nghiên cứu nhận thấy khoảng cách về mặt sức khỏe giữa người giàu và người nghèo đạt giá trị thấp nhất ở những khu vực có nhiều mảng xanh, chỉ bằng một nửa so với khoảng cách sức khỏe giữa người dân ở những khu vực ít cây xanh nhất. Đáng chú ý hơn, trong một khu dân cư, sự xuất hiện của các mảng xanh cũng có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo ở người dân.
Không gian xanh giúp giảm tỉ lệ mắc bệnh suyễn ở trẻ em:
Một nghiên cứu khác được thực hiện bởi trường Đại học Columbia và được đăng trên Tạp chí Dịch tễ học và Sức khoẻ cộng đồng đã cho thấy, nếu trồng thêm
343 cây xanh trên mỗi km2 đất của thành phố New York, tỉ lệ mắc bệnh suyễn ở trẻ em từ 4 – 5 tuổi nơi đây sẽ giảm được 25%.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, mối liên hệ này vẫn đúng trong trường hợp tính toán thêm tác động của các nguồn gây ô nhiễm, mức sống và mật độ dân số.
Mặc dù chưa giải thích được mối liên hệ này một cách cụ thể, song các nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân có thể là do mảng xanh góp phần làm sạch không khí, khuyến khích trẻ nhỏ năng chơi đùa ngoài trời thay vì chỉ ở trong nhà.
Không gian xanh giúp làm giảm tỉ lệ trẻ em béo phì:
Bên cạnh khẩu hiệu “xanh và sạch” quen thuộc trong thời đại ngày nay, một nghiên cứu y học khác vừa đưa ra một kết luận không kém phần thú vị: “xanh và thanh mảnh”. Nghiên cứu của Khoa Y Dược trường Đại học Indiana cho thấy, trẻ em sống ở những khu dân cư nhiều cây xanh thì có nguy cơ bị béo phì thấp hơn so với những trẻ khác.
Được công bố trên Tạp chí Y học dự phòng Hoa Kỳ, công trình nghiên cứu này khảo sát trẻ em từ 3 đến 18 tuổi sống trong cùng một khu dân cư trong khoảng thời gian tối thiểu là 2 năm liên tiếp. Kết quả cho thấy tỉ lệ cây xanh trong khu ở càng cao, thì chỉ số khối cơ thể (BMI – chỉ số dùng để xác định độ béo phì của cơ thể) của trẻ em sống ở đó càng tăng chậm, bất kể tuổi tác, chủng tộc và giới tính của đối tượng khảo sát.
Theo nhóm nghiên cứu, chỉ số BMI bị hạn chế đồng nghĩa với việc giảm nguy cơ béo phì về lâu dài. Trẻ em béo phì cũng thường có xu hướng béo phì lúc trưởng thành và béo phì gắn liền với hàng loạt nguy cơ về sức khoẻ bao gồm bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, suyễn và nguy cơ ngừng thở khi ngủ.
Một nghiên cứu khác được thực hiện tại Anh cho thấy, trên 75% người sống ở khu vực thành thị không tiếp cận với thiên nhiên nhiều dễ mắc phải các chứng bệnh tâm thần. Nghiên cứu này chứng mình rằng những bệnh nhân sau phẫu
thuật sẽ phục hồi một cách nhanh chóng nếu được ngắm cảnh thiên nhiên ngay từ trên giường bệnh (Nguyễn Bá Huy Cường, 2013).
Bên cạnh những tác dụng đối với sức khoẻ, các nghiên cứu khoa học cũng đã chứng minh rằng, cây xanh có tác động rất lớn đến tinh thần của con người:
Cây xanh, không gian thiên nhiên cũng ảnh hưởng đến tính hung hăng của người dân ở đô thị, những người ở khu vực có nhiều không gian tự nhiên, cây xanh bóng mát có thái độ ít hung hăng hơn so với chính những người đó khi sống ở môi trường không có cây xanh.
Qua quá trình nghiên cứu cư dân của các khu phát triển đô thị trong 4 năm và phỏng vấn 200 phụ nữ ở Obert Taylor Homes, bang Chicago, các nhà nghiên cứu thuộc trường tổng hợp Illimois (Mỹ) cho rằng: những gia đình sống ở nơi có trồng nhiều cây xanh thì ít xảy ra bạo lực trong gia đình hơn những gia đình sống ở những nơi không có hoặc ít cây xanh (trích dẫn bởi Trần Thị Thuỳ Nhi và cộng sự, 2004).
Cây xanh làm giảm số vụ tội phạm. Mary Wolfe, một nhà nghiên cứu môi trường của Đại học Temple tại Mỹ, và Jeremy Mennis, một giáo sư về địa lý và đô thị, quyết định nghiên cứu tác động của thực vật đối với tỷ lệ phạm pháp trong các thành phố. Họ dùng ảnh vệ tinh để đánh giá mật độ cây cối, bụi rậm, bãi cỏ ở từng khu vực trong thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, Mỹ. Sau đó họ xem xét số vụ phạm tội trong từng khu vực theo thống kê của cảnh sát. Kết quả cho thấy, số vụ cướp, tấn công người, đột nhập trái phép trong những khu vực có nhiều cây thấp hơn hẳn so với những khu vực có ít cây.
Một nghiên cứu tương tự, do một nhóm chuyên gia khác thực hiện và kết quả cho thấy: nếu số lượng cây trong thành phố tăng 10% thì số lượng vụ phạm tội giảm 12% (VNE, 2013).