Mô hình mái “xanh”

Một phần của tài liệu Hiện trạng và giải pháp phát triển mảng xanh trong khu nhà ở tại thành phố hồ chí minh (trường hợp điển cứu tại phường 13 quận gò vấp) (Trang 88 - 91)

CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN MẢNG XANH

3.2. Mô hình mảng xanh phù hợp, hiệu quả cho khu nhà ở tại phường 13

3.2.3. Mô hình mái “xanh”

Khi tốc độ đô thị hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ, những tòa nhà chọc trời mọc lên như nấm, con người thường có khuynh hướng tìm về với tự nhiên. Trồng cây trên mái nhà là một trong những cách mà cư dân đô thị nghĩ ra để tạo khoảng xanh thiên nhiên giữa lòng thành phố.

Mái “xanh” có nghĩa là phần che phủ ngôi nhà không còn là những vật liệu thường thấy như ngói, tôn... mà thay vào đó là một mảng thực vật, được trồng trên một hệ kết cấu mái.

Ý tưởng mái “xanh” đã có từ rất lâu. Vườn treo Babylon được xây dựng vào khoảng năm 500 trước Công nguyên có thể xem là một trong những mái “xanh”

đầu tiên của nhân loại.

Ngày nay, trồng cây trên mái nhà đã trở thành một cuộc cách mạng tại các thành phố và lan rộng ra khắp thế giới. Đây cũng là xu hướng chung của của nhiều nước như Mỹ, các nước Châu Âu (Thụy Điển, Na Uy... đặc biệt là Đan Mạch với mục tiêu 325.000m2 mái “xanh” năm 2015) và một số nước Châu Á (Singapore, Malaysia...) nhằm khắc phục các vấn đề về khí hậu và môi trường.

Về cơ bản, cấu tạo của một mái “xanh” bao gồm các thành phần sau:

Kết cấu đỡ mái: có thể bằng bêtông, thép, hay gỗ... Mái có độ dốc khoảng 2% thích hợp nhất để trồng cây. Trong điều kiện Việt Nam, độ dốc mái lớn nhất thích hợp để trồng cây lên là 20%.

Lớp chống thấm: là thành phần tối quan trọng. Lớp này thường bao gồm một lớp ngăn chặn sự phát triển của rễ để đảm bảo lớp kết cấu bên dưới không bị ảnh hưởng.

Hệ thống thoát nước: cần thiết để đảm bảo nước được đưa đều đến các khu vực của mái và quan trọng là để phòng ngập. Để giảm thiểu trọng lượng mái, hệ thống thoát nước thường được làm từ cao su hay nhựa, một lớp sỏi hay đá cuội sẽ giúp hệ thống hoạt động tốt hơn.

Lớp đất trồng: bao gồm hai loại phổ thông và chuyên biệt. Trong đó, loại phổ thông là loại thường gặp trong nhà ở. Loại phổ thông để trồng cỏ và cây bụi, nên không cần lớp đất dày (từ 5 - 15cm là đủ). Do đó, nó không yêu cầu một kết cấu đỡ mái đặc biệt. Trọng lượng của loại này vào khoảng 80 – 250 kg/m². Việc di chuyển trên loại mái này chỉ nhằm vào mục đích chăm sóc cây.

Lớp thực vật trồng phía trên: các loại cây cỏ trồng trên mái phải là loại dễ chăm sóc và nhất là phải chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt: sức nóng, gió... và có rễ nông.

Trong thời gian gần đây, cùng với sự phát triển của công nghiệp trồng cây Sedum (do Thuỵ Điển phát triển) cho riêng mái nhà xanh thì chỉ cần sử dụng từ 3 – 4 cm2 đất ở lớp đất trồng, vì thế trọng lượng rất nhẹ. Độ dốc của mái nhà có thể đến 35%. Một mái nhà trồng cây/cỏ Sedum coi như không cần chăm sóc, ngược lại, nó còn bảo vệ rất tốt cho mái nhà. Sedum là một loại cây thấp (3 – 4 cm), cành lá của nó giữ lại 50% nước mưa.

Mái “xanh” mang lại rất nhiều lợi ích trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều. Lớp cây trồng trên mái giúp bảo vệ mái nhà khỏi sức nóng mặt

trời, tia cực tím... giảm thiểu tác động của sự thay đổi nhiệt độ giữa đêm và ngày tác động lên lớp chống thấm, từ đó giúp kéo dài tuổi thọ của mái.

Mái “xanh” giúp giảm nhiệt lượng truyền từ mái vào bên trong công trình, giúp công trình mát mẻ hơn và do đó, giảm yêu cầu sử dụng máy lạnh trong công trình. Khi có mưa, lớp đất trồng sẽ hấp thu và giữ nước mưa, dùng nước mưa đó để giúp cây phát triển, giúp tiết kiệm nước tưới tiêu, đồng thời có thể tận dụng nước mưa mà không cần phải đầu tư nhiều vào hệ thống thu và lưu trữ nước mưa. Về mặt đô thị, mái nhà phủ cây xanh sẽ đem lại vẻ đẹp cho cảnh quan đô thị, góp phần đưa thiên nhiên gần lại với con người. Các cây trồng trên mái giúp giảm nhiệt độ mái nhà, qua đó giảm nhiệt độ chung của thành phố. Các cây này còn có tác dụng làm trong sạch bầu không khí, hấp thu tiếng ồn, tạo ra một môi trường sống tốt hơn cho cư dân đô thị.

Trong thời điểm hiện nay, việc phủ xanh mái nhà đòi hỏi chi phí vào khoảng 4.2 – 4.8 triệu đồng/m². Tuỳ loại mái và cây trồng mà giá có thể cao hơn. Ở nước ta cũng đã có rất nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết kế mái “xanh” mà cộng đồng có thể tham khảo để có một mái “xanh” ưng ý và phù hợp nhất.

Như vậy, một khu vườn xanh trên mái nhà ngoài việc giúp căn nhà thêm độc đáo, thể hiện cá tính của chủ nhân, còn tạo những khoảng không gian xanh gần gũi với thiên nhiên. Đặc biệt với tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay thì mái “xanh” là một giải pháp khả thi và mang lại kết quả ưu việt.

(Nguồn: Tổng hợp từ Internet) Hình 3.4: Mô hình mái “xanh”

Một phần của tài liệu Hiện trạng và giải pháp phát triển mảng xanh trong khu nhà ở tại thành phố hồ chí minh (trường hợp điển cứu tại phường 13 quận gò vấp) (Trang 88 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)