Chương 1: ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, LỊCH SỬ, KINH TẾ, VĂN HÓA, XÃ HỘI CỦA TỈNH BÌNH DƯƠNG
1.2. Đặc điểm lịch sử, văn hóa, xã hội của tỉnh Bình Dương
1.2.2. Đặc điểm dân cư của tỉnh Bình Dương
Dân cư của tỉnh Bình Dương qua các thời kỳ lịch sử có nhiều biến động phức tạp, nên không thể phân định rạch ròi được.
Qua các di tích khảo cổ học như Vườn Dạ Dzũ, Cù Lao Rùa – Gò Đá, Dốc Chùa… cho thấy cách đây hàng ngàn năm, con người đã sinh sống và phát triển trên vùng đất Bình Dương.
Người Vườn Dzũ (thuộc Tân Uyên ngày nay) là lớp dân cư đầu tiên khai phá vùng đất Bình Dương nói riêng và Đông Nam Bộ nói chung.
Cù Lao Rùa – Gò Đá (thuộc Tân Uyên ngày nay) là nơi cư trú của người tiền sử vào thời hậu kỳ đá mới đến đầu thời kỳ đồng thau. Những cư dân nông nghiệp dùng rìu, cuốc là bộ phận quan trọng của cư dân xứ Đồng Nai, Đông Nam Bộ.
Dốc Chùa (thuộc Tân Uyên ngày nay), là di tích cư trú lâu dài của cư dân cổ cách ngày nay khoảng 3000 – 2500 năm, tại đây có một xưởng thủ công đúc đồng, một khu mộ táng lớn có các di vật đồ đồng.
Như vậy, cư dân thời tiền sử ở tỉnh Bình Dương là chủ nhân của một trong ba nền văn hóa kim khí ở nước ta là văn hóa Đồng Nai. Đây là cư dân đầu tiên của tỉnh Bình Dương nói riêng và vùng Nam Bộ nói chung cách ngày nay khoảng 4000 – 2500 năm. Khoảng trước và sau công nguyên, họ đã mở rộng vùng châu thổ sông Cửu Long, tạo nên nền văn hóa Óc Eo nổi tiếng.
Sau 5 – 6 thế kỷ tồn tại và phát triển, những cư dân của nền văn hóa Óc Eo này bị chôn vùi trong bùn lầy châu thổ ven biển Nam Bộ, thì vùng Đông Nam Bộ lại nhanh chóng phát triển với nhiều lớp cư dân hỗn hợp. Trong đó, vùng trung lưu và cả thượng lưu sông Đồng Nai, truyền thống văn hóa tiền sử muộn bắt đầu hồi phục trở lại và phát triển trong sự hiện diện của một số cư dân bản địa mà hậu duệ
của họ vẫn sinh sống ở vùng đất Đông Nam Bộ, Nam Tây Nguyên cho đến hiện nay. Đó là những tộc người Striêng, Châu Mạ, Châu Ro… sinh sống, phần lớn họ cư trú ở Bình Phước và một số cư trú ở các tỉnh lân cận như: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bà Rịa. Tuy vậy, trong lịch sử vùng đất Bình Dương ngày nay, đã từng là nơi sinh sống một thời của các dân tộc nói trên.
Đến cuối thế kỷ XVI, vùng đất Đồng Nai – Gia Định hầu như hoang vắng nhưng bỗng trở nên sôi động từ đầu thế kỷ XVII, sự xuất hiện của lớp cư dân mới – lưu dân người Việt từ vùng Thuận Quảng nhập cư vào [59, tr. 51]. Đây là số nông dân nghèo không chịu được sự áp bức, bóc lột của nhà nước phong kiến nhà Nguyễn và bọn địa chủ cường hào, cùng với cảnh sống cơ cực, lầm than, chết chóc do chiến tranh Trịnh – Nguyễn gây ra. Hoặc là số người bị tù tội lưu đày, những người trốn thuế, binh dịch, số người Hoa sau cuộc “phản Thanh phục Minh” cũng được Chúa Nguyễn cho vào đây lánh nạn.
Số lưu dân này khi vào tới đất Đồng Nai – Gia Định thì dừng chân đầu tiên ở Mỗi Xuy – Bà Rịa, rồi tiến dần lên Đồng Nai, cũng có bộ phận lưu dân vào cửa Cần Giờ, ngược sông Bình Phước (sông Lòng Tàu) lên vùng Sài gòn – Bến Nghé và vùng ngày nay là huyện Thuận An và huyện Bến Cát.
Tiến trình nhập cư của lưu dân người Việt vào đất Đồng Nai – Sài Gòn đã diễn ra liên tục trong suốt thế kỷ XVII, đến cuối thế kỷ này, dân số đã lên tới 40.000 hộ, phân bố gần như khắp vùng [31, tr. 22]. Đây chính là cơ sở xã hội để năm 1698 chúa Nguyễn quyết định phái Thống suất Chưởng Cơ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào “kinh lược” (tức là thiết lập hệ thống quản lý hành chính vùng này).
Sau khi thiết lập chính quyền, Nguyễn Hữu Cảnh lập tức chiêu mộ lưu dân từ Bố Chánh (Quảng Bình ngày nay) trở vào Nam đến khắp nơi, đặt ra phường, ấp, xã, thôn, chia cắt địa phận. Sau đó, triều đình nhà Nguyễn đã có nhiều chính sách khuyến khích khai hoang, không ít lưu dân đến khai khẩn lập làng ở vùng Gia Định – Đồng Nai; trong bối cảnh đó, vùng đất Bình Dương nhanh chóng được khai phá.
Theo nhà nghiên cứu địa bạ Nguyễn Đình Đầu thì vùng Bình An (đất Bình Dương trước đây) là nơi có nhiều ruộng đất nhất của tỉnh Biên Hòa, điều đó cho
phép đoán định đây là vùng có đông dân cư nông nghiệp nhất. Vùng xung quanh Thủ Dầu Một sau này như Phú Cường, Lái Thiêu, Phú Lợi hay Tân Khánh, Tân Uyên, Cù Lao Rùa và những xóm làng đông đúc của Bình Dương từ thuở đầu mở nước thời nhà Nguyễn [44, tr. 64].
Sang thế kỷ XIX, cư dân của tỉnh Bình Dương đã phát triển nhanh hơn, đặc biệt trong thời kỳ này, cộng đồng người Hoa di dân đến Bình Dương ngày một đông, họ đến Cù Lao Phố - Biên Hòa và từ Bến Nghé – Gia Định. Những làng gốm của người Hoa xuất hiện ở vùng Lái Thiêu, Phú Cường, Tân Uyên với những sản phẩm được tạo ra đã có sự chuyên môn hóa khá rõ nét. Cho đến nay, người Hoa ở tỉnh Bình Dương vẫn tập trung ở một số vùng như Thủ Dầu Một, Lái Thiêu, Tân Uyên. Ngoài nghề buôn bán, họ còn gìn giữ một số nghề truyền thống mà trước hết là nghề gốm, tạo nên nét văn hóa đặc sắc cho người Bình Dương qua các thời kỳ.
Một đặc điểm quan trọng khác trong sự biến đổi thành phần dân cư của tỉnh Bình Dương vào thời kỳ này là sự xuất hiện đội ngũ công nhân cao su ngày càng đông theo sự mở rộng đồn điền cao su của thực dân Pháp trên địa bàn Thủ Dầu Một và Đông Nam Bộ. Bộ phận công nhân cao su này là người ở miền Bắc, miền Trung bị sa cơ lỡ vận bỏ xứ đi làm phu; chính ở tỉnh Bình Dương là nơi đầu tiên xuất hiện phong trào đấu tranh của công nhân với sự kiện bãi công của công nhân cao su Phú Riềng.
Theo thời gian, thành phần dân cư ở tỉnh Bình Dương không ngừng thay đổi và luôn được bổ sung, đáng chú ý là đợt bổ sung vào năm 1954, từ nguồn di cư của cư dân ở miền Bắc, miền Trung. Trong thời kỳ chiến tranh dân cư ở tỉnh Bình Dương có sự thay đổi do đây là một trong những chiến trường ác liệt. Sau khi miền Nam được giải phóng đất nước thống nhất, nhân dân phiêu tán đã quay trở lại làm ăn, thêm vào đó là bộ phận dân cư làm kinh tế mới. Trong một thời gian sau khi đất nước thống nhất, dân số tỉnh Bình Dương tăng lên rất nhanh khoảng 668 ngàn người (lúc chia tỉnh 1997).
Sự biến động về thành phần dân cư ở tỉnh Bình Dương trong thời gian gần đây vẫn diễn ra, với sự xuất hiện của các khu công nghiệp, nông trường, trang
trại…. người lao động khắp nơi tới đây và có nhiều người định cư lại, thành phần dân cư ở tỉnh Bình Dương tiếp tục có sự biến động.
1.2.3. Đặc điểm về văn hóa, xã hội của tỉnh Bình Dương.
Về giáo dục, đào tạo: Tỉnh Bình Dương rất chú trọng đến giáo dục - đào tạo, nhiều chủ trương chính sách của tỉnh tạo điều kiện cho giáo dục – đào tạo phát triển.
Từ năm 1997, tỉnh Bình Dương đã hoàn thành công tác xóa mù chữ. Mạng lưới các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học phát triển rộng khắp đáp ứng nhu cầu của người học trong tỉnh và cả nước.
Tỉnh Bình Dương chú trọng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, để từng bước nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học.
Hiện nay, tỉnh Bình Dương có 208 trường mầm non với số giáo viên 2.156 người và 26.033 học sinh; 237 trường phổ thông với 8.983 giáo viên và 191.124 học sinh; 7 trường trung cấp chuyên nghiệp; 1 trường cao đẳng; 4 trường đại học [8, tr.
303- 323]; hoàn thành phổ cập Trung học cơ sở, gần hoàn thành phổ cập Trung học phổ thông. Hoạt động giáo dục thường xuyên, đào tạo chuyên nghiệp, chuyên sâu cũng được quan tâm đầu tư.
Với chủ trương xã hội hóa giáo dục, tỉnh Bình Dương đã huy động được nguồn vốn lớn kể cả trong nước và nước ngoài đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ giáo dục – đào tạo. Chính sách thu hút nhân tài với chủ trương “rải thảm đỏ thu hút nhân tài”, tỉnh Bình Dương đã thu hút được lực lượng giáo viên trẻ có năng lực về công tác. Mặt khác, hoạt động liên kết đào tạo phát triển mạnh mẽ đáp ứng nhu cầu của tỉnh và cả nước.
Về tôn giáo, tín ngưỡng: Tôn giáo, tín ngưỡng ở tỉnh Bình Dương đa dạng phong phú: đạo Phật được truyền bá vào tỉnh Bình Dương khoảng cuối thế kỷ XVI, khi những cư dân ở phía Bắc di cư vào và định cư lại; đạo Thiên chúa du nhập vào tỉnh Bình Dương khoảng đầu thế kỷ XVII, khi các nhà truyền giáo phương Tây theo chân thương nhân ngoại quốc đến vùng đất này; đạo Cao Đài ra đời ở Nam Bộ và
lan truyền vào tỉnh Bình Dương; đạo Tin Lành phát triển ở tỉnh Bình Dương vào đầu thế kỷ XX, đa số thuộc Tổng Liên hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam.
Các phong tục tập quán, các lễ hội ở tỉnh Bình Dương xuất phát từ cư dân bản địa và cư dân nhập cư được duy trì phát triển như: Lễ hội đình, lễ hội miếu, lễ hội nghề, lễ hội chùa phật, lễ hội thờ Mẫu…. Ngoài ra, là ngày tết Nguyên Đán (1/1), ngày tết Trung Thu (15/8), tết Đoan ngọ (5/5)…. Các ngày lễ mang tính chất dân gian như lễ cúng miếu, cầu an tống phong…
Về y tế: Lĩnh vực y tế cũng được lãnh đạo tỉnh quan tâm và phát triển đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Hiện nay, tỉnh Bình Dương có 124 cơ sở y tế; trong đó có 18 bệnh viện, 13 phòng khám đa khoa khu vực, 1 nhà hộ sinh, 91 trạm y tế xã, phường với tổng số giường bệnh là 3.389 và 3.267 số cán bộ ngành y. 100% trạm y tế xã, phường có bác sỹ, nữ hộ sinh; 96,7 % phường, xã, thị trấn đạt chuẩn y tế quốc gia [8, tr. 329 - 336].
Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm: 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng, người bệnh được khám, chăm sóc chu đáo; công tác điều trị cho đối tượng theo bảo hiểm y tế, người có công với cách mạng được đảm bảo.
Về văn hóa thông tin: tỉnh Bình Dương luôn chú trọng và thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội ở địa phương. Tổ chức các ngày lễ lớn của đất nước; việc nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật cho mọi tầng lớp nhân dân được quan tâm.
Phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới, gia đình văn hóa, được phát động mạnh mẽ, rộng rãi và đạt hiệu quả cao; số hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa là 202.661 hộ đạt 91, 27 % [8, tr.341 – 342].
Hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức thường xuyên; các buổi liên hoan văn nghệ, ca nhạc, các hội thi ca hát cũng được tổ chức, nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân và làm phong phú đời sống văn hóa.