Chương 1: ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, LỊCH SỬ, KINH TẾ, VĂN HÓA, XÃ HỘI CỦA TỈNH BÌNH DƯƠNG
2.2. Nhiệm vụ và quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế đối ngoại của Đảng bộ tỉnh Bình Dương từ năm 1997 đến năm 2012
2.2.2. Quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế đối ngoại của Đảng bộ tỉnh Bình Dương trên lĩnh vực thương mại quốc tế
Nhờ vào lợi thế về vị trí địa lý và chính sách mở cửa, nên từ năm 1997, hoạt động xuất, nhập khẩu ở tỉnh Bình Dương trở nên đa dạng, phát triển mạnh dịch vụ xuất – nhập khẩu, xuất khẩu tiểu ngạch..., tham gia hoạt động xuất khẩu có các doanh nghiệp làm nhiệm vụ xuất khẩu trực tiếp và các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu của nhiều thành phần kinh tế.
Thời kỳ 1997 – 2000, để đẩy mạnh xuất, nhập khẩu, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ VI (12/1997) đã xác định: “Khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất, tăng nhanh tỉ trọng hàng hóa có chất lượng cao, cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Mở rộng thị trường
xuất khẩu theo hướng tăng tỉ lệ xuất khẩu sang châu Âu (EU), châu Mỹ…, khôi phục thị trường các nước Đông Âu và Liên Bang Nga. Tạo ra ngành và nhóm hàng xuất khẩu mạnh, làm mũi nhọn để phát triển cao ổn định và bền vững, Đầu tư khai thác thế mạnh về nguyên liệu, nông sản của tỉnh như cao su, hạt điều, vật liệu xây dựng…, nâng cao giá trị hàng hóa, tạo thị trường ổn định. Phấn đấu đến năm 2000 đạt kim ngạch xuất khẩu từ 800 – 820 triệu USD, tăng bình quân 30 – 32% hàng năm” [10, tr. 42].
Từ sự lãnh đạo chung đó, hàng năm Đảng bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã có lãnh đạo cụ thể để thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu. Năm 1998 là năm thứ hai tỉnh Bình Dương đi vào hoạt động sau ngày tái lập, với những thành quả đạt được và thuận lợi, khó khó khăn trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã đề ra chủ trương lãnh đạo về xuất, nhập khẩu là: “Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi sản xuất hàng xuất khẩu, sử dụng nguyên liệu trong tỉnh, phát triển ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn tạo thị trường ổn định. Kim ngạch xuất khẩu đạt 468 triệu USD tăng 30% so với năm 1997; trong đó hàng công nghiệp xuất khẩu tăng 43%, hàng nông sản xuất khẩu tăng 7%. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: cao su, hạt điều nhân, hàng may mặc, giày da; kim ngạch nhập khẩu khoảng 326 triệu USD tăng 20%, chủ yếu là tư liệu sản xuất” [54, tr. 17].
Năm 1999, căn cứ vào những thành tựu đạt được trên lĩnh vực xuất, nhập khẩu năm 1998, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đề ra phương hướng, nhiệu vụ trong năm 1999 là: “Đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất, nhập khẩu, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi sản xuất hàng xuất khẩu, sử dụng nguyên liệu trong nước, nhất là hàng nông sản chế biến xuất khẩu, phát triển ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn tạo thị trường ổn định. Phấn đấu thực hiện kim ngạch xuất khẩu đạt 375 triệu USD tăng 12% so với năm 1998. Kim ngạch nhập khẩu 380 triệu USD tăng 10% so với năm 1998 (chủ yếu là tư liệu sản xuất)” [55, tr. 14].
Năm 2000 - năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ VI (12/1997), Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra những phương hướng lãnh đạo để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Đối với lĩnh vực xuất, nhập khẩu Nghị
quyết chỉ rõ: “Tích cực mở mang thị trường sang các khu vực có sức tiêu thụ lớn, ổn định, chuẩn bị tốt cho việc hội nhập quốc tế. Tổ chức và củng cố các thị trường hiện có, phát triển thị trường trong nước, thị trường nông thôn, phát triển mạng lưới thương nghiệp vùng sâu, vùng xa… Bằng nhiều biện pháp tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu. Có chế độ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, khai thác thế mạnh về nguyên liệu, nông sản của tỉnh, đẩy mạnh các ngành công nghiệp xuất khẩu có giá trị cao làm mũi nhọn phát triển” [56, tr 14].
Dưới sự lãnh đạo cụ thể của Đảng bộ tỉnh Bình Dương, hoạt động xuất, nhập khẩu giai đoạn 1997 – 2000, đạt được nhiều kết quả. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 28,2% năm, kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 23,5%/năm.
Giai đoạn 2001 – 2005, được đánh giá là thời kỳ có ý nghĩa quan trọng, việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và phát triển trong cả thời kỳ này phải vừa khẳng định được vị trí của một tỉnh công nghiệp phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, vừa tạo tiền đề vững chắc cho việc đẩy mạnh tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong chặng đường tiếp theo.
Với tinh thần đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ VII (1/2001), đã nêu các quan điểm, mục tiêu phát triển của tỉnh trong thời kỳ này là: “Phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ khai thác, tận dụng mọi nguồn lực bên ngoài; phát huy công nghệ truyền thống kết hợp với công nghệ hiện đại trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh” [11, tr. 38]. Quan điểm này cho chúng ta thấy, bên cạnh phát huy yếu tố nội lực, Đảng bộ tỉnh Bình Dương rất chú trọng khai thác yếu tố ngoại lực là vốn, khoa học – công nghệ, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu, Đảng bộ tỉnh đã đưa ra định hướng phát triển: “Tạo điều kiện thuận lợi nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế sản xuất hàng xuất khẩu như: xây dựng quỹ hỗ trợ xuất khẩu của tỉnh; đơn giản hóa các thủ tục hải quan, thủ tục xuất, nhập cảnh; về nhập khẩu, hướng chủ yếu là nhập khẩu các máy móc thiết bị hiện đại, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất” [11, tr. 46].
Từ thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ trước, bước sang năm 2001 - năm đầu tiên thực hiện nhiệm vụ nhiệm kỳ mới (2001 – 2005), Đảng bộ tỉnh đã đề ra phương hướng cụ thể cho hoạt động xuất, nhập khẩu là: “Tiếp tục xây dựng và hình thành các nhóm hàng xuất khẩu mũi nhọn khai thác thế mạnh của tỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng hàng công nghiệp kỹ thuật cao, hàng tiểu thủ công nghiệp, hàng nông lâm sản tinh chế. Tạo thị trường ổn định cho các mặt hàng có khả năng cạnh tranh, tìm kiếm các thị trường cho mặt hàng xuất khẩu mới. Tạo môi trường hấp dẫn và ổn định để thu hút mạnh đầu tư, đẩy mạnh liên doanh liên kết trong và ngoài nước tăng nhanh năng lực sản xuất, mở rộng mặt hàng cao cấp thay thế mặt hàng nhập khẩu như: hàng điện tử, hóa cơ bản, trang trí nội thất….và các nguyên liệu cao cấp khác mà hiện nay trong nước chưa sản xuất được” [57, tr. 15]. Trong quan điểm chỉ đạo này, Đảng bộ tỉnh Bình Dương chú trọng đẩy mạnh phát triển các mặt hàng mũi nhọn, các sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao; đồng thời, giảm bớt nhập khẩu các mặt hàng mà doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất được.
Năm 2002, để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, trong phương hướng nhiệm vụ năm 2002 về lĩnh vực xuất, nhập khẩu được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương chỉ rõ: “Năm 2002 giá trị xuất khẩu đạt trên 920 triệu đô la Mỹ, tăng 29 – 30% so với năm 2001... Thực hiện tốt luật hải quan, thành lập quỹ hỗ trợ xuất khẩu;
tăng cường công tác xúc tiến thương mại”. Còn đối với nhập khẩu: “dự kiến giá trị nhập khẩu trên 950 triệu đô la Mỹ, tăng 27 – 28% so với năm 2001; khuyến khích nhập khẩu các vật tư thiết bị để đổi mới công nghệ, phục vụ sản xuất” [58, tr. 16- 17].
Năm 2003, Đảng bộ tỉnh Bình Dương tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu: “Dự kiến năm 2003 giá trị xuất khẩu đạt 1,3 tỷ đô la Mỹ, tăng 35%
so với năm 2002…. Quan tâm đơn giản thủ tục hải quan, đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị, xúc tiến thương mại và khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký thương hiệu cho các sản phẩm của Việt Nam. Từng bước yêu cầu các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải xuất khẩu sản phẩm theo đúng quy định trong giấy phép đầu tư. Kim ngạch nhập khẩu đạt 1,3 tỷ đô la Mỹ, tăng 25 – 30% so với năm 2002” [60,
tr. 17]. Với quan điểm chỉ đạo này, Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã đề ra mục tiêu cụ thể cho hoạt động xuất, nhập khẩu; quan tâm đến việc đơn giản thủ tục xuất, nhập khẩu; đặc biệt là yêu cầu các doanh nghiệp, xuất khẩu các sản phẩm đúng như trong giấy phép đăng ký đầu tư.
Năm 2005 là năm cuối thực hiện nhiệm vụ 5 năm (2001 – 2005), từ những thành quả đạt được trong bốn năm qua về xuất, nhập khẩu, cùng với những thuận lợi, khó khăn trong năm 2005, Đảng bộ tỉnh Bình Dương đề ra phương hướng là:
“Cải cách thủ tục và thực hiện tốt các chính sách thuế, thương mại, hải quan và các thủ tục có liên quan đến xuất, nhập khẩu để đảm bảo phù hợp với tiến độ hội nhập kinh tế thời giới. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp tham dự các hội thảo, hội chợ, triển lãm…, nhằm giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường” [62, tr. 19].
Trong suốt nhiệm kỳ (2001 – 2005), Đảng bộ tỉnh Bình Dương luôn có sự chỉ đạo cụ thể, kịp thời về xuất, nhập khẩu cho từng năm. Vì vậy, hoạt động xuất, nhập khẩu trong giai đoạn này đạt được nhiều kết quả đáng kể.
Giai đoạn 2005 – 2010, tình hình quốc tế và trong nước có những tác động lớn đến khả năng phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng. Trên cơ sở đó, Đảng bộ tỉnh Bình Dương tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu: “Phấn đấu đến năm 2010 đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 8,5 tỉ USD. Chuyển dịch cơ cấu sản phẩm xuất khẩu theo hướng tăng các sản phẩm tinh, các sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao; đồng thời, giảm dần xuất khẩu các sản phẩm thô, sơ chế, gia công….Tăng cường công tác xúc tiến thương mại; thành lập trung tâm thông tin hỗ trợ phát triển thị trường, phục vụ công tác thương mại và xuất nhập khẩu” [12, tr. 98].
Để đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần VIII (12/2005) đã đề ra trong nhiệm kỳ (2006 – 2010), hàng năm Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đề ra phương hướng cụ thể cho năm 2006, năm 2007, năm 2008, năm 2009 và năm 2010 với nội dung cơ bản là: “Đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu và quan hệ kinh tế đối ngoại; mở rộng thị trường, tăng
nguồn hàng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, các nhóm hàng xuất khẩu mũi nhọn của tỉnh. Khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu và thay thế hàng nhập khẩu; chú trọng các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản,….Ngoài các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như dệt may, giày da, cần quan tâm hỗ trợ và khuyến khích xuất khẩu các sản phẩm như: cơ khí, dây điện và cáp điện, thực phẩm chế biến, sản phẩm gỗ, thủ công mỹ nghệ…” [68, tr. 18].
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII (12/2005), hoạt động xuất, nhập khẩu đạt được nhiều thành tựu. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 22,9%/năm, kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 21,1% /năm.
Phát huy những thành tựu đạt được, Đảng bộ tỉnh Bình Dương tiếp tục chú trọng đến hoạt động thương mại quốc tế. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ IX (9/2010), đã xác định phương hướng phát triển xuất, nhập khẩu: “tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn sản xuất hàng xuất khẩu, thay thế hàng nhập khẩu. Xây dựng nội dung, chương trình mục tiêu đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu, thị trường trong nước để tiêu thụ hàng hóa. Định hướng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đăng ký thương hiệu sản phẩm trên thị trường xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2015 đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 20 tỷ USD” [13, tr. 104].
Để khuyến khích xuất, nhập khẩu, Đảng bộ tỉnh Bình Dương chủ trương cải cách thủ tục hải quan, thành lập các cơ quan xúc tiến thương mại nhằm trợ giúp cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong việc tìm kiếm mở rộng thị trường nước ngoài, bảo đảm thông tin với Trung ương, với cơ quan thường trực tại nước ngoài.
Tỉnh ủy Bình Dương cũng chú trọng đến công tác tài chính – ngân hàng nhằm đảm bảo cho hoạt động xuất, nhập khẩu, thương mại hoạt động thuận lợi. Bên cạnh hệ thống ngân hàng thương mại, trên địa bàn tỉnh Bình Dương phát triển hệ thống tín dụng nhân dân. Các ngân hàng cố gắng đáp ứng vốn cho sản xuất kinh doanh, cho phép dư nợ quá hạn ở mức độ nhất định. Từ năm 1996 với chính sách xây dựng nền tài chính công được đổi mới theo Luật ngân sách nhà nước, tất cả các
nguồn thu đều tập trung vào quỹ ngân sách. Đây là bước thay đổi căn bản về chính sách thu nên cơ cấu, quy mô và tốc độ thu tăng mạnh, tạo cho ngân sách nhà nước nói chung và ngân sách của tỉnh có được nguồn thu đa dạng và vững chắc, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế nói chung và hoạt động thương mại nói riêng trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Tóm lại, Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã có những chủ trương, chính sách chỉ đạo cụ thể nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại trên lĩnh vực thương mại quốc tế. Nhờ vậy, hoạt động xuất, nhập khẩu của tỉnh Bình Dương trong 15 năm qua (1997 – 2012) có sự phát triển mạnh mẽ và đạt kết quả cao.