Chương 1: ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, LỊCH SỬ, KINH TẾ, VĂN HÓA, XÃ HỘI CỦA TỈNH BÌNH DƯƠNG
2.2. Nhiệm vụ và quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế đối ngoại của Đảng bộ tỉnh Bình Dương từ năm 1997 đến năm 2012
2.2.3. Quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế đối ngoại của Đảng bộ tỉnh Bình Dương trên lĩnh vực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
Tháng 11/1996, Quốc hội nước ta thông qua Luật đầu tư nước ngoài sửa đổi, Chính phủ ta cũng ban hành các văn bản hướng dẫn theo tinh thần đổi mới nhằm tạo môi trường pháp lý hấp dẫn hơn để đẩy mạnh việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành nhiều quy định mới cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Nhà nước nhằm huy động tối đa mọi tiềm năng trong nước và ngoài nước, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hướng vào xuất khẩu.
Với vị trí của một tỉnh mới được tái lập, còn nhiều khó khăn; để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ tỉnh Bình Dương lãnh đạo đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần VI (12/1997) xác định:
“Phát triển kinh tế đối ngoại đến năm 2000 đạt kim ngạch xuất khẩu 820 triệu USD, tăng bình quân 32% hàng năm. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt khoảng 1,8 – 2 tỷ USD” [10, tr. 37]. Chính vì vậy, từ năm 1997 – 2000, công tác quản lý các dự án được quan tâm hơn. Các cơ quan quản lý đã tập trung giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp và kiểm tra thực hiện những quy định của giấy phép đầu tư. Các thủ tục hành chính được giảm bớt nên việc triển khai dự án thuận lợi hơn; đầu tư nước ngoài vào tỉnh Bình Dương được cải thiện.
Năm 1999 là năm chuẩn bị kết thúc kế hoạch 5 năm 1996 – 2000 và là năm thứ ba tỉnh Bình Dương đi vào hoạt động. Trong những năm qua, tỉnh Bình Dương đã giữ vững được sự phát triển kinh tế, cải thiện đáng kể nhiều mặt về văn hóa xã hội. Trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 1998, rà soát các mục tiêu định hướng phát triển năm 1999, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đề ra phương hướng trong năm 1999 về thu hút đầu tư nước ngoài: “Phấn đấu duy trì tốc độ thu hút đầu tư nước ngoài đạt từ 300 – 350 triệu USD, xấp xỉ năm 1998. Nâng tổng số vốn nước ngoài được cấp phép đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt 1,9 – 2 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này cần tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và đẩy mạnh cải tiến thủ tục đầu tư; đồng thời, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện tốt việc đền bù, giải tỏa, hỗ trợ tiếp thị, cân đối ngoại tệ. Đối với những dự án không có khả năng thực hiện, kiên quyết xử lý dứt điểm, không để kéo dài ảnh hưởng đến môi trường đầu tư” [55, tr. 15].
Năm 2000 có vị trí, ý nghĩa quan trọng, là năm cả nước nỗ lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch 5 năm 1996 – 2000 và chuẩn bị mọi mặt để bước sang thế kỷ 21 với nhiều sự kiện trọng đại: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Đại hội thi đua toàn quốc, đồng thời là năm tổ chức kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn. Vì vậy, Đảng bộ tỉnh Bình Dương đề ra những mục tiêu cụ thể, trong đó về thu hút đầu tư nước ngoài là:
“Thu hút đầu tư nước ngoài đạt từ 300 – 350 triệu USD (tương đương năm 1999, nâng tổng số vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt trên 2,2 tỷ USD” [56, tr.
12].
Nhờ những chỉ đạo cụ thể của Đảng bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương mà thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn 1997 – 2000 đạt được nhiều kết quả. Có 276 dự án đầu tư mới, nâng tổng số lên 366 dự án và 5 chi nhánh, với số vốn đầu tư trên 2.370 triệu USD. Nguồn đầu tư vào tỉnh Bình Dương đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ có nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông, Xinhgapo, Thái Lan, Philippin, Malaixia và các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, Úc…. Nhiều dự án hoạt động có hiệu quả, có lãi, có sản phẩm khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước như: Da
giày, may mặc, mủ cao su…, góp phần làm tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp và tăng kim ngạch xuất khẩu. Đầu tư trực tiếp nước ngoài có tác động hiệu quả đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo thêm nguồn vốn thúc đẩy việc áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến, giải quyết việc làm cho người lao động, mở rộng hoạt động xuất khẩu, tăng ngân sách, góp phần chuyển dịch cơ cầu kinh tế, tạo ra động lực phát triển mới cho tỉnh Bình Dương.
Giai đoạn 2001 – 2005, để đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đáp ứng nhu cầu phát triển của mình, tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ VII (1/2001), đã nêu ra quan điểm, mục tiêu phát triển của tỉnh trong thời kỳ này là: “Phát huy cao độ nội lực đồng thời tranh thủ khai thác, tận dụng mọi nguồn lực bên ngoài; phát huy công nghệ truyền thống kết hợp công nghệ hiện đại trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh” [11, tr. 38]. Đồng thời, đề ra chỉ tiêu cụ thể thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên 1,5 tỷ USD.
Trên cơ sở định hướng chung đó, Đảng bộ tỉnh Bình Dương còn đề ra mục tiêu phương hướng cụ thể hàng năm trong thời kỳ này. Năm 2001 là năm đầu tiên của thế kỷ 21, năm mở đầu thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ VII (1/2001), Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần IX (4/2001).
Trên cơ sở đó, phương hướng nhiệm vụ năm 2001 được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương chỉ rõ: “Tiếp tục ổn định môi trường thu hút đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vốn phát triển sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm” [57, tr. 24]. Năm 2002 là năm thứ hai tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh Đảng bộ lần thứ VII (1/2001), trên cơ sở những thuận lợi, khó khăn, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đề ra mục tiêu: “Thu hút đầu tư nước ngoài trên 300 triệu đô la Mỹ” [58, tr. 15]. Năm 2003, tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp cả về kinh tế lẫn an ninh chính trị, đối với nước ta là năm đầu tiên thực hiện lộ trình cam kết Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA); trước tình hình đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương xác định: “thu hút vốn đầu tư trên 300 triệu đô la Mỹ, nâng tổng số vốn đăng ký tương đương 3,3 – 3,4 tỷ USD” [60, tr. 20]. Trên cơ sở Nghị quyết
Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ VII (1/2001) và các chủ trương, định hướng của Trung ương; Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đề ra phương hướng năm 2004 về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: “Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt từ 300 – 350 triệu đô la Mỹ, trong đó từ 60 – 65% số vốn dự kiến đi vào sản xuất kinh doanh. Nâng tổng số vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đến cuối năm đạt 3,7 – 3,8 triệu đô la Mỹ” [61, tr. 21]. Năm 2005 là năm cuối thực hiện nhiệm vụ kế hoạch 5 năm (2001 – 2005), năm có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu năm năm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ VII (1/2001) đã đề ra; từ những kết quả đạt được trong 4 năm (2001 – 2004) về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là: “Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 450 – 500 triệu đô la Mỹ... Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ như: ngân hàng, giao thông công cộng, vận tải chuyên dụng, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và khu dân cư” [62, tr. 22].
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ VII (1/2001), sự chỉ đạo cụ thể hàng năm của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, cùng với sự nỗ lực của các sở ban ngành trong tỉnh, thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh Bình Dương giai đoạn (2001 – 2005) đạt được kết quả đáng kể. Trong giai đoạn này đã có 705 dự án đầu tư mới với tổng vốn đầu tư là 2 tỷ 625 triệu đô la Mỹ.
Giai đoạn (2006 – 2010), tình hình quốc tế và trong nước có những tác động lớn đến khả năng phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng. Từ tình hình thực tế đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ VIII (12/2005) đề ra mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế của thời kỳ 2006 – 2010 là: “Mở rộng thị trường xuất khẩu đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ với nhiều chủng loại hàng hóa đủ sức cạnh tranh quốc tế; ứng dụng công nghệ sinh học và các mô hình nông nghiệp. Phát huy tiềm năng, lợi thế và những thành quả đạt được để vận động thu hút đầu tư. Đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ theo hướng hiện đại, tiên tiến. Thực hiện tốt việc cải cách hành chính, đẩy
lùi nạn tham nhũng, xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, linh hoạt và minh bạch, tạo thuận lợi thu hút vốn đầu tư trong nước và ngoài nước” [12, tr. 94].
Đại hội cũng đề ra chủ trương cụ thể cho lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài là: “Tạo môi trường hấp dẫn thu hút vốn đầu tư cả trong nước và nước ngoài.
Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Thực hiện tốt chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư.
Mọi thành phần kinh tế đều được hỗ trợ và khuyến khích phát triển theo hướng vận dụng cơ chế ưu đãi đầu tư theo ngành, theo địa bàn, theo quy mô thay cho cơ chế ưu đãi theo thành phần kinh tế. Chú trọng kêu gọi và thu hút các nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đến tỉnh đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, thu hút các dự án vào lĩnh vực cơ khí chế tạo, nông nghiệp, dịch vụ” [12, tr. 104].
Trên cơ sở chủ trương chung cho cả thời kỳ của Đảng bộ tỉnh, Ủy ban nhân tỉnh Bình Dương đã có sự lãnh đạo cụ thể cho từng năm. Năm 2006 là năm mở đầu thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ VIII, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cả thời kỳ 2006 – 2010. Do vậy, năm 2006 cần phải phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế cao để tạo tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ yêu cầu đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo cụ thể về thu hút đầu tư nước ngoài là: “Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 650 – 700 triệu đô la Mỹ. Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, các ngành nghề sử dụng ít lao động, có công nghệ cao.... Tiếp tục phát huy và thực hiện có hiệu quả các chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh; tăng cường công tác tiếp thị để thu hút các công ty đa quốc gia và từ các nước có công nghệ nguồn” [63, tr. 22 – 23].
Bước sang năm 2007 - năm thứ hai tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ VIII; năm đầu tiên nước ta gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO). Căn cứ vào tình hình trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đề ra phương hướng cụ thể về thu hút đầu tư nước ngoài là: “Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt từ 900 triệu đô la Mỹ trở lên; trong đó có khoảng 55
– 60% số vốn dự kiến đi vào sản xuất kinh doanh, nâng tổng số dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh vào cuối năm đạt 7,4 tỷ đô la Mỹ. Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, các ngành nghề sử dụng ít lao động, có công nghệ cao, công nghệ phụ trợ…” [65, tr. 20].
Năm 2008 và 2009, Đảng bộ tỉnh Bình Dương lãnh đạo và đề ra mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài đạt từ 1 tỷ đô la Mỹ trở lên, đồng thời chỉ ra phương hướng cụ thể: “tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch. Chú trọng thu hút nhà đầu tư có năng lực tài chính, công nghệ và kinh nghiệm quản lý, có khẳ năng tạo nguồn thu ngân sách lớn, kiên quyết từ chối các dự án có nguy cơ gây ô nhiểm môi trường cao…” [68, tr. 19].
Nhờ sự lãnh đạo cụ thể của Đảng bộ tỉnh mà thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2006 – 2010 đạt nhiều kết quả, thu hút thêm 846 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư 7,3 tỷ đô la Mỹ.
Những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế đối ngoại trên lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian qua đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ tỉnh Bình Dương. Đây là tiền đề quan trọng để Đảng bộ tỉnh Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại trong nhiệm kỳ tới. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ IX (9/2010), Đại hội đã đề ra chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài cụ thể là: “Tạo môi trường và điều kiện thông thoáng để thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tiếp thị, xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các tập đoàn kinh tế lớn, các doanh nghiệp nước ngoài có trình độ kỹ thuật và công nghệ sản xuất hiện đại; chú trọng kêu gọi đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghệ phụ trợ, các ngành công nghệ cao…” [13, tr. 112].
Để tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương có những chính sánh, biện pháp phù hợp như: Tiếp tục nêu cao khẩu hiệu “Trải chiếu hoa mời gọi nhà đầu tư”, không chỉ là nêu lên khẩu hiệu mà tỉnh Bình Dương còn có những chính sách để cụ thể hóa khẩu hiệu đó như: giải quyết nhanh chóng việc giải tỏa mặt bằng; dành quỹ đất cho
xây dựng các khu công nghiệp; thực hiện chính sách ưu đãi thuế doanh nghiệp;
chính sách thuê đất của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài giống nhau;
lãnh đạo tỉnh Bình Dương thường xuyên tiếp xúc các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thủ tục cấp giấy phép đầu tư nhanh chóng với cơ chế “một cửa”,
“tại chỗ”…, nhờ đó mà tỉnh Bình Dương trở thành nơi hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tóm lại, trong suốt 15 năm qua (1997 – 2012) với những chủ trương phù hợp, Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã lãnh đạo đúng hướng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giúp tỉnh nhà thay da đổi thịt.