Những kiến nghị cho Đảng bộ tỉnh Bình Dương trong phát triển kinh tế đối ngoại thời gian tới

Một phần của tài liệu Đảng bộ tỉnh bình dương lãnh đạo phát triển kinh tế đối ngoại (1997 2012) (Trang 85 - 91)

Chương 3: ĐÁNH GIÁ QUÁ TRÌNH LÃNH ĐẠO PHÁT TRIỂN KINH TẾ ĐỐI NGOẠI CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH DƯƠNG TỪ NĂM 1997 ĐẾN NĂM 2012

3.2. Thời cơ, thách thức và những kiến nghị đối với việc phát triển kinh tế đối ngoại của tỉnh Bình Dương thời gian tới

3.2.3. Những kiến nghị cho Đảng bộ tỉnh Bình Dương trong phát triển kinh tế đối ngoại thời gian tới

Quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế đối ngoại của Đảng bộ tỉnh Bình Dương đạt được nhiều thành tựu nổi bật về thu hút đầu tư nước ngoài và xuất nhập khẩu.

Hội nhập kinh tế quốc tế sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, chuyển giao công nghệ, tiếp cận thị trường vốn và hàng hóa quốc tế có thể giúp tỉnh Bình Dương giải quyết một số hạn chế của nền kinh tế để tăng trưởng và phát triển nhanh hơn.

Bước sang thời kỳ mới với những thời cơ và thách thức đã nêu trên; để đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại có hiệu quả cao, Đảng bộ tỉnh Bình Dương cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là; Cần thống nhất yêu cầu khách quan của tỉnh Bình Dương về phát triển kinh tế đối ngoại.

Tiến hành rộng rãi công tác tư tưởng, tuyên truyền, giải thích trong các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, trong các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân để đạt được nhận thức và hành động thống nhất về hội nhập kinh tế quốc tế, xem đó là nhu cầu vừa bức xúc, vừa cơ bản và lâu dài trong nền kinh tế của tỉnh Bình Dương; nâng cao niềm tin vào khả năng và quyết tâm của nhân dân tỉnh nhà để chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Dương.

Hai là, Cần phải xây dựng chiến lược cụ thể, lâu dài về phát triển kinh tế đối ngoại của tỉnh Bình Dương.

Tỉnh ủy Bình Dương cần xây dựng chiến lược tổng thể về hội nhập kinh tế quốc tế với lộ trình cụ thể, để các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp trong tỉnh khẩn trương sắp xếp lại và nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh, bảo đảm cho hội nhập có hiệu quả. Trong khi hình thành chiến lược hội nhập kinh tế, cần đặc biệt quan tâm đảm bảo sự phát triển của các ngành dịch vụ như tài chính, ngân hàng, viễn thông... là những lĩnh vực quan trọng.

Ba là, Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, áp dụng khoa học – công nghệ hiện đại vào sản xuất, để tạo ra hàng hóa đủ sức cạnh tranh trên thi trường thế giới.

Chủ động và khẩn trương trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, đổi mới công nghệ và trình độ quản lý để nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tối đa lợi thế so sánh của tỉnh Bình Dương với các tỉnh khác, ra sức phấn đấu không ngừng nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và dịch vụ, bắt kịp sự thay đổi nhanh chóng trên thị trường thế giới.

Bốn là, Xác định những sản phẩm mũi nhọn của tỉnh Bình Dương để đẩy mạnh xuất khẩu.

Tiến trình điều tra, phân loại, đánh giá khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm, từng dịch vụ, từng doanh nghiệp của tỉnh Bình Dương để xác định những mặt hàng mũi nhọn, từ đó có biện pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả và tăng cường khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thi trường trong nước và quốc tế.

Năm là, Cải thiện môi trường đầu tư, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật để có sự thống nhất đồng bộ trong quản lý kinh tế của tỉnh.

Đi đôi với việc nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm và dịch vụ của các doanh nghiệp trong tỉnh, cần ra sức cải thiện môi trường kinh doanh, khả năng cạnh tranh thông qua việc khẩn trương đổi mới và xây dựng đồng bộ hệ thống pháp luật phù hợp với đường lối của Đảng, thông lệ quốc tế, nhằm hội nhập sâu hơn kinh tế quốc tế.

Sáu là, Có kế hoạch cụ thể đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao và thu hút nhân tài trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại.

Nguồn nhân lực trong thời kỳ tới phải vững vàng về chính trị, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức trong sáng, giỏi về nghiệp vụ và ngoại ngữ, có tác phong công nghiệp, tinh thần kỷ luật cao. Ngoài những tiêu chuẩn chung nói trên, cần chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và kinh doanh hiểu biết sâu về luật pháp quốc tế và nghiệp vụ chuyên môn, nắm bắt nhanh những chuyển biến trên thương trường quốc tế để ứng xử kịp thời, nắm được kỹ năng

thương thuyết và có trình độ ngoại ngữ tốt. Bên cạnh đó, cần hết sức coi trọng việc đào tạo đội ngũ công nhân có trình độ tay nghề cao.

Cùng với việc đào tạo nguồn nhân lực, cần có chính sách thu hút, bảo vệ và sử dụng nhân tài; bố trí, sử dụng cán bộ đúng với ngành nghề, phù hợp với sở trường năng lực từng người vào lĩnh vực kinh tế đối ngoại của tỉnh Bình Dương.

Bảy là, tiếp tục khẳng định các khu công nghiệp, cụm công nghiệp là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài.

Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp là điểm nổi bật của tỉnh Bình Dương trong thời gian qua để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cũng là nơi thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cho nên, tỉnh Bình Dương cần hoàn thiện các khu công nghiệp cụm công nghiệp về quy mô, cơ sở hạ tầng, cơ chế, chính sách, trật tự an toàn trong các khu công nghiệp, để tạo sức thu hút các nhà đầu tư. Đồng thời, quy hoạch, mở rộng thêm các khu công nghiệp mới đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh Bình Dương.

Tám là, Kết hợp chặt chẽ hoạt động chính trị đối ngoại với kinh tế đối ngoại để quảng bá hình ảnh, tạo điều kiện giao lưu, hợp tác phát triển cho các doanh nghiệp trong tỉnh với các đối tác bên ngoài.

Với tiềm năng và môi trường đầu tư thuận lợi, chủ trương, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, linh hoạt và hấp dẫn; cùng với cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ và hiện đại; tỉnh Bình Dương đã và đang trở thành địa chỉ đáng tin cậy, một điểm đến hấp dẫn của các đoàn khách quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài.

Trung bình, mỗi năm các cấp lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã tổ chức đón tiếp hàng chục đoàn khách cấp cao, các đoàn ngoại giao, các công ty đa quốc gia và các đoàn doanh nghiệp lớn của nước ngoài đến thăm và làm việc tại tỉnh. Ngoài ra, mỗi năm còn có hàng trăm đoàn khách của các tổ chức quốc tế, các hãng thông tấn báo chí, đài phát thanh truyền hình nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến thăm, làm việc, tìm hiểu về tình hình phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, khảo sát môi trường đầu tư và tham quan các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất trong tỉnh Bình Dương.

Thông qua các buổi tiếp và làm việc, các cấp lãnh đạo tỉnh Bình Dương sẽ thông báo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, về những chủ trương và quyết tâm của tỉnh trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng hiện đại và đồng bộ, nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tạo dựng môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng và hấp dẫn hơn, nhằm tiếp tục đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các buổi tiếp và làm việc sẽ tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với các đoàn khách quốc tế và các đoàn doanh nghiệp nước ngoài, góp phần giới thiệu và quảng bá về một tỉnh Bình Dương năng động, sáng tạo, một điểm đến đáng tin cậy của các nhà đầu tư.

Để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng, quan hệ hợp tác quốc tế ngày càng phát triển phong phú và đa dạng, tỉnh Bình Dương cần phải tích cực chủ động đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, phối hợp tổ chức nhiều chương trình hội thảo để thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Chín là, Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Bình Dương đối với các lĩnh vực khác của kinh tế đối ngoại.

Hoạt động kinh tế đối ngoại của tỉnh Bình Dương trong thời gian qua chủ yếu trên lĩnh vực xuất, nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài; các lĩnh vực khác của kinh tế đối ngoại còn hạn chế. Do vậy, Đảng bộ tỉnh Bình Dương nên chú trọng đến lãnh đạo phát triển các lĩnh vực khác của kinh tế đối ngoại; đặc biệt là hợp tác khoa học – công nghệ với nước ngoài nhất là những nước có nền khoa học hiện đại;

điều này rất cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội đối với tỉnh Bình Dương khi thực trạng khoa học – công nghệ của tỉnh còn hạn chế.

Mười là, Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính có hiệu quả để đơn giản các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế đối ngoại, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Để tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, phụ thuộc nhiều vào việc đơn giản các thủ tục hành chính. Thực tế đó,

đòi hỏi tỉnh Bình Dương phải xem xét và tiếp tục đẩy mạnh thực hiên chương trình cải cách hành chính ở địa phương, trong đó cải cách bộ máy bộ máy hành chính cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế đối ngoại của tỉnh Bình Dương. Việc giải quyết các vấn đề như: cấp giấy phép đầu tư, cấp phép về đất đai xây dựng, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, hải quan, thuế, tín dụng…., cần phải tiếp tục chỉ đạo thực hiện theo các quy định và có sự phân cấp rõ ràng, có hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương.

Mười một là, Cần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, để tạo sự yên tâm và sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Tình hình chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội, sẽ tạo ra môi trường đầu tư an toàn, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm, tin tưởng đầu tư vào tỉnh Bình Dương. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có kế hoạch cụ thể để giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trong tỉnh Bình Dương; nhằm thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Mười hai là, Trong giai đoạn hiện nay cần phải đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế đối ngoại với nhiều nước, nhiều tổ chức kinh tế trên thế giới để không bị phụ thuộc.

Với xu thế toàn cầu hóa, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế phát triển mạnh mẽ là cơ hội để tỉnh Bình Dương giao lưu, hợp tác với nhiều nước, nhiều tổ chức kinh tế thế giới. Nếu chỉ chú trọng hợp tác phát triển với một hay một vài nước, đối tác nào đó, thì dễ bị phụ thuộc; cho nên, hợp tác với nhiều đối tác sẽ tạo ra sự chủ động trong quan hệ kinh tế đối ngoại của tỉnh Bình Dương và không bị phụ thuộc vào một thị trường hay đối tác nào.

*

* *

Trải qua 15 năm (1997 – 2012), dưới sự lãnh đạo phát triển kinh tế đối ngoại của Đảng bộ tỉnh Bình Dương trên một số lĩnh vực cơ bản như xuất - nhập khẩu;

thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài... Kinh tế đối ngoại của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả vượt bậc, kim ngạch xuất - nhập khẩu tăng theo hàng năm và theo từng thời kỳ, giá trị xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu, trở thành địa phương xuất siêu;

hàng hóa xuất khẩu ngày càng đa dạng, phong phú, thị trường xuất khẩu được mở rộng hơn 30 nước trên thế giới.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài là một thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế đối ngoại của tỉnh Bình Dương; những chủ trương chính sách đúng đắn, sáng tạo, phù hợp của Đảng bộ tỉnh, đã tạo cho Bình Dương môi trường đầu tư thông thoáng, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được về phát triển kinh tế đối ngoại, còn có nhiều hạn chế cần khắc phục.

Từ những thành tựu đạt được và hạn chế còn tồn tại, đã để lại cho Đảng bộ tỉnh Bình Dương những bài học kinh nghiệm quý giá về lãnh đạo phát triển kinh tế đối ngoại.

Trên cơ sở những thành tựu, hạn chế và bài học kinh nghiệm của 15 năm (1997 – 2012), lãnh đạo phát triển kinh tế đối ngoại của Đảng bộ tỉnh Bình Dương;

cùng với những thời cơ và thách thức trong thời gian tới; tác giả đã đưa ra một số kiến nghị để Đảng bộ tỉnh Bình Dương tham khảo trong lãnh đạo phát triển kinh tế đối ngoại thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn.

Một phần của tài liệu Đảng bộ tỉnh bình dương lãnh đạo phát triển kinh tế đối ngoại (1997 2012) (Trang 85 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)