Chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển kinh tế đối ngoại

Một phần của tài liệu Đảng bộ tỉnh bình dương lãnh đạo phát triển kinh tế đối ngoại (1997 2012) (Trang 38 - 43)

Chương 1: ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, LỊCH SỬ, KINH TẾ, VĂN HÓA, XÃ HỘI CỦA TỈNH BÌNH DƯƠNG

2.1.2. Chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển kinh tế đối ngoại

Kinh tế đối ngoại là lĩnh vực quan trọng mà các nước trên thế giới coi trọng, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, với xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, việc phát triển kinh tế đối ngoại là điều kiện để các nước đẩy mạnh phát triển đất nước.

Việt Nam đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Phát triển nền kinh tế toàn diện, trong đó phát triển kinh tế đối ngoại là động lực để phát triển kinh tế đất nước. Việc ổn định và phát triển kinh tế cũng như sự nghiệp phát triển khoa học – kỹ thuật và công

nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đạt hiệu quả, điều đó phụ thuộc một phần vào việc mở rộng và nâng cao hiệu quả của hoạt động kinh tế đối ngoại.

Trước thời kỳ đổi mới, chủ trương phát triển kinh tế đối ngoại cũng được Đảng ta đề ra; tuy nhiên, do điều kiện lịch sử và quan điểm cũ nên kinh tế đối ngoại ở nước ta chỉ được chú trọng trong phạm vi các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó chú trọng quan hệ với Liên Xô.

Bước vào thời kỳ đổi mới với nhận thức mới, Đảng ta đã có chủ trương phát triển kinh tế đối ngoại phù hợp với xu thế chung của tình hình thế giới. Vì vậy, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12/1986) đã xác định: “Muốn kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nước ta phải tham gia sự phân công lao động quốc tế;

trước hết và chủ yếu mở rộng phân công, hợp tác toàn diện với Liên xô, Lào và Cam-pu-chia, với các nước khác trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa; đồng thời, tranh thủ mở mang quan hệ kinh tế và khoa học – kỹ thuật với các nước thế giới thứ ba, các nước công nghiệp phát triển, các tổ chức quốc tế và tư nhân nước ngoài trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi” [16, tr. 63].

Từ quan điểm ở trên cho chúng ta thấy Đảng Cộng sản Việt Nam có quan điểm mới về quan hệ kinh tế đối ngoại, không bó hẹp trong phạm vi các nước xã hội chủ nghĩa, mà mở rộng ra các nước thế giới thứ ba.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế đối ngoại có hiệu quả, nâng cao uy tín của Việt Nam với các đối tác, Đảng ta chủ trương: “Chúng ta ý thức sâu sắc rằng làm ăn tốt, khai thác mọi khả năng ở trong nước là tiền đề, điều kiện quyết định để mở mang quan hệ kinh tế với nước ngoài. Phải bằng mọi cách ra sức cải tiến sản xuất kinh doanh, phát huy tính năng động, nhanh nhạy để thích ứng kịp thời với những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường bên ngoài về số lượng và chất lượng hàng hóa, về thời gian và giá cả trao đổi” [16, tr. 133 – 134]. Đảng ta có quan điểm đúng đắn, nghiêm túc trong làm ăn để có uy tín, hiệu quả với các đối tác bên ngoài; đồng thời khai thác các lợi thế của nước ta nhằm mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại.

Để giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước mở rộng ra thị trường bên ngoài, Đảng ta chủ trương: “Xí nghiệp có hàng xuất khẩu

được nhà nước tạo điều kiện tiếp cận với thị trường quốc tế. Nhà nước quy định những nguyên tắc và điều kiện cho phép xí nghiệp được trực tiếp xuất, nhập khẩu, trực tiếp hợp tác với bạn hàng ở nước ngoài, chủ động ký kết hợp đồng kinh tế trên nguyên tắc tự hoàn vốn ngoại tệ và có phần đóng góp vào quỹ ngoại tệ của nhà nước” [15, tr. 58].

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại, năm 1987 luật đầu tư nước ngoài được thông qua (12/1987); luật đầu tư cho phép nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư vào Việt Nam dưới các hình thức: liên doanh, 100% vốn đầu tư nước ngoài, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hình thức xây dựng, khai thác, chuyển giao công nghệ…, môi trường đầu tư được cải thiện thông thoáng hơn.

Việc khai thác và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã góp phần ổn định và phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, tăng thêm hàng hóa xuất khẩu, tăng thu ngoại tệ và cân bằng cán cân thương mại. Đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng góp phần mở rộng, đa dạng hóa và đa phương hóa các hoạt động kinh tế đối ngoại, tạo thuận lợi cho nền kinh tế nước ta hội nhập nhanh với nền kinh tế thế giới và khu vực. Chủ trương này, mở ra những điều kiện thuận lợi cho những địa phương có nền kinh tế phát triển năng động như tỉnh Bình Dương.

Đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ kinh tế đối ngoại với các quốc gia, mọi tổ chức kinh tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi; đồng thời, phải củng cố và tăng cường vị trí ở các thị trường quen thuộc và với các bạn hàng truyền thống, tích cực thâm nhập, tạo chỗ đứng ở các thị trường mới, phát triển các quan hệ mới.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (6/1991), Đảng ta tiếp tục chú trọng lãnh đạo phát triển kinh tế đối ngoại với chủ trương: “Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài vào đầu tư, hợp tác kinh doanh. Xây dựng thể chế đồng bộ, ổn định, thuận tiện và tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh, thống nhất đầu mối giải quyết các thủ tục và yêu cầu đầu tư nước ngoài. Đảm bảo những điều kiện thiết yếu về cơ sở hạ tầng, phương tiện làm việc và sinh hoạt cho người nước ngoài, trước hết là ở các khu chế xuất và những địa bàn đầu mối trong quan hệ kinh tế đối ngoại

theo cơ chế mới, với các đối tượng mới. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và quyền hạn thành viên của nước ta trong tổ chức quốc tế, gia nhập các tổ chức và hiệp hội kinh tế khác khi cần thiết và có điều kiện” [16, tr. 265 – 266].

Việc mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, đẩy mạnh xuất khẩu, xem xuất khẩu là hướng ưu tiên và là trọng điểm của kinh tế đối ngoại. Tạo thêm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực và nâng cao sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu trên thị trường… Điều chỉnh cơ cấu thị trường để vừa hội nhập khu vực vừa hội nhập toàn cầu, xử lý đúng đắn lợi ích giữa nước ta và đối tác được Đảng Cộng sản Việt Nam chú trọng.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (6/1996), Đảng ta chủ trương: “Chủ động tham gia cộng đồng thương mại thế giới, các diễn đàn, các tổ chức, các định chế quốc tế một cách có chọn lọc, với bước đi thích hợp. Việc sử dụng vốn vay và thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài phải theo quy hoạch và kế hoạch phát triển ngành và vùng lãnh thổ, bảo đảm các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra” [16, tr. 346].

Trải qua thời gian phát triển kinh tế đối ngoại, hội nhập kinh tế thế giới; từ những thành tựu đạt được, những hạn chế còn tồn tại; Đảng ta chủ trương, phải chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; tuy nhiên, phải có lộ trình, bước đi thích hợp.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (4/2001), tiếp tục khẳng định:

“Mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình phù hợp với điều kiện của nước ta và bảo đảm thực hiện những cam kết trong quan hệ song phương và đa phương như AFTA, APEC” [16, tr. 530].

Từ những quan điểm trên cho chúng ta thấy Đảng, Nhà nước ta đã có những chính sách khuyến khích mạnh mẽ mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Lãnh đạo các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển mạnh những sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế; giảm mạnh xuất khẩu sản phẩm thô và sơ chế, tăng nhanh tỷ trọng sản phẩm chế biến và tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm…

Tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu, tiến tới cân bằng xuất, nhập khẩu. Thực hiện chính sách bảo hộ có lựa chọn, có thời hạn đối với sản phẩm trong nước.

Đồng thời, Đảng ta có quan điểm phát triển kinh tế đối ngoại một cách toàn diện kể cả lĩnh vực dịch vụ thu ngoại tệ như: du lịch, xuất khẩu lao động, vận tải, bưu chính – viễn thông, tài chính – tiền tệ, dịch vụ kỹ thuật, tư vấn, thu hút kiều hối… Chủ động và tích cực thâm nhập thị trường quốc tế, chú trọng thị trường các trung tâm kinh tế thế giới, duy trì và mở rộng thị phần trên các thị trường quen thuộc, tranh thủ mọi cơ hội mở thị trường mới.

Mặt khác, phải từng bước hiện đại hóa phương thức kinh doanh phù hợp xu thế mới của thương mại thế giới. Đẩy mạnh hoạt động tiếp thị, xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, bằng nhiều phương tiện và tổ chức thích hợp, kể cả các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia họat động môi giới, khai thác thị trường quốc tế.

Trên cơ sở đó, Đảng ta chủ trương phải chủ động hội nhập kinh tế sâu hơn, đầy đủ hơn với khu vực và thế giới; thực hiện có hiệu quả các cam kết với các nước, các tổ chức quốc tế về thương mại, đầu tư, dịch vụ và các lĩnh vực khác.

Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (4/2006), Đảng ta chủ trương: “Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, phấn đấu đạt trên 1/3 tổng nguồn vốn đầu tư phát triển xã hội trong 5 năm. Mở rộng lĩnh vực, địa bàn và hình thức thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hướng vào những thị trường giàu tiềm năng và các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, hiệu quả nguồn vốn FDI... Từng bước mở rộng đầu tư gián tiếp của nước ngoài và có chính sách hiệu quả hơn để thu hút mạnh kiều hối và phát triển kinh tế - xã hội. Tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế khuyến khích các hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam…” [16, tr. 703].

Từ chủ trương trên, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đã phát huy tính năng động của mình trong hội nhập kinh tế quốc tế. Từng doanh nghiệp tiến hành đổi mới từ tư duy đến phong cách quản lý, đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, phát triển thị trường mới, sản phẩm mới và

thương hiệu mới. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam chủ động liên doanh với các doanh nghiệp nước ngoài, mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài. Điều này, khẳng định việc đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại phù hợp với xu thế phát triển kinh tế đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại tiếp tục được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (1/2011) chỉ rõ: “Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước” [17, tr. 138 – 139] và “Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút mạnh các nguồn vốn quốc tế, thu hút các nhà đầu tư lớn, có công nghệ cao, công nghệ nguồn, mở rộng thị trường xuất khẩu” [17, tr.

139].

Tóm lại, chủ trương phát triển kinh tế đối ngoại mà Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra phù hợp với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; vì vậy, Đảng ta đề ra những chủ trương để đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại; đây là cơ sở để Đảng bộ tỉnh Bình Dương triển khai thực hiện phát triển kinh tế đối ngoại của tỉnh nhà.

Một phần của tài liệu Đảng bộ tỉnh bình dương lãnh đạo phát triển kinh tế đối ngoại (1997 2012) (Trang 38 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)