Chương 1: ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, LỊCH SỬ, KINH TẾ, VĂN HÓA, XÃ HỘI CỦA TỈNH BÌNH DƯƠNG
2.2. Nhiệm vụ và quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế đối ngoại của Đảng bộ tỉnh Bình Dương từ năm 1997 đến năm 2012
2.2.5. Quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế đối ngoại của Đảng bộ tỉnh Bình Dương trên một số lĩnh vực giáo dục – đào tạo và du lịch quốc tế
Về hợp tác giáo dục – đào tạo
Với chiến lược phát triển giáo dục – đào tạo là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; vì vậy, được Đảng bộ tỉnh Bình Dương quan tâm lãnh đạo phát triển, trong đó chú trọng đến hợp tác giáo dục – đào tạo với nước ngoài.
Giai đoạn (1997 – 2000), để đẩy mạnh hợp tác phát triển giáo dục – đào tạo với nước ngoài, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ VI (12/1997) chỉ rõ:
“khuyến khích các hình thức đào tạo, dạy nghề tại các doanh nghiệp, đào tạo tại chỗ và gửi người lao động ra nước ngoài đào tạo, mở rộng hình thức bổ túc văn hóa để làm cơ sở đào tạo công nhân có tay nghề” [10, tr. 50]; quan điểm này cho thấy Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã chú trọng đào tạo văn hóa nhằm nâng cao trình độ cho công nhân để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Bước sang giai đoạn 2001 – 2005, để tiếp tục đẩy mạnh hợp tác giáo dục – đào tạo và phục vụ cho sản xuất; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần VII (1/2001) nêu rõ: “Tập trung đầu tư, mở rộng năng lực trong những trung tâm dạy nghề hiện nay trở thành trung tâm đào tạo nghề của tỉnh đủ khả năng đào tạo lao động có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu lao động… Khuyến khích các thành phần kinh tế tổ chức đào tạo nghề cho người lao động (lao động có tay nghề tại các doanh nghiệp, đào tạo tại chỗ hoặc gửi lao động ra nước ngoài đào tạo…” [11, tr. 50].
Trong quan điểm này, bên cạnh việc chú trọng đào tạo nghề cho người lao động, Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã chú đến việc gửi lao động ra nước ngoài đào tạo, thể hiện được sự giao lưu, hợp tác lao động với nước ngoài.
Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ VIII(12/2005) nhiệm kỳ 2006 – 2010 nhấn mạnh đến hợp tác giáo dục – đào tạo với các tổ chức, cá nhân và nước ngoài: “đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách phát triển giáo dục của Đảng và Nhà nước ta, góp phần tạo ra sự thống nhất trong xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục và đào tạo; đa dạng hóa trường lớp, các loại hình đào tạo; xây dựng, nhân rộng mô hình trường tư thục chất lượng cao” [12, tr. 107].
Với những quan điểm lãnh đạo đúng đắn, hợp tác giáo dục – đào tạo của tỉnh Bình Dương với nước ngoài đã đạt được nhiều thành tựu trong việc đào tạo lao động có tay nghề, trình độ khoa học – công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế đối ngoại nói riêng, kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương nói chung.
Hiện nay ở tỉnh Bình Dương có một số trường cao đẳng, đại học là kết quả hợp tác giáo dục – đào tạo với nước ngoài, các doanh nghiệp, cá nhân, đây cũng là nơi đào tạo ra những nhân tài cho tỉnh Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung, chúng ta có thể kể đến các trường học sau:
Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Đồng An được thành lập năm 2008, trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chịu sự quản lý theo địa bàn của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương. Chủ đầu tư của Trường đồng thời là chủ đầu tư hai Khu công nghiệp Đồng An I và Đồng An II tại thị xã Thuận An và Thành phố Thủ Dầu Một - Bình Dương. “Trường đã có gần 150 doanh nghiệp trong nước và quốc tế đang hoạt động, với nhân lực 45.000 người, trường được Công ty Hưng Thịnh đầu tư giai đọan I với 550 tỷ đồng vào cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ giảng dạy” [79]. Nhà trường luôn chú trọng xây dựng đội ngũ, đặc biệt là đội ngũ giảng viên, nâng cao tay nghề và nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên thông qua các khóa đào tạo trong nước và nước ngoài (tại Nhật, Hàn Quốc, Singapore,…), cũng như mời các chuyên gia nước ngoài về đào tạo tại trường.
Trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Singapore (tên giao dịch quốc tế: Vietnam – Singapore Vocational College) có tiền thân là Trung tâm Đào tạo Kỹ thuật Việt Nam – Singapore, được thành lập từ năm 1997 theo Dự án hợp tác đào tạo giữa hai Chính phủ Việt Nam và Singapore với sự phân công hợp tác như sau: Chính phủ Việt Nam chịu trách nhiệm về hạ tầng cơ sở, tuyển dụng đội ngũ nhân sự, cung cấp kinh phí hoạt động thường xuyên,… Chính phủ Singapore cung cấp chương trình đào tạo và máy móc thiết bị, tổ chức đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên tại Singapore, cử các chuyên gia có kinh nghiệm cùng quản lý điều hành hoạt động. Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore hỗ trợ các chi phí phục vụ công tác quản lý của các chuyên gia bạn, trang bị văn phòng, bố trí học sinh tốt nghiệp.
Trường Đại học Bình Dương được thành lập năm 1997 theo Quyết định số 791/TTg của Thủ tướng chính phủ ban hành ngày 24 tháng 09 năm 1997. Đại học Bình Dương đã đánh dấu một bước chuyển đổi về cơ chế và phương thức hợp tác quốc tế, lãnh đạo Trường Đại học Bình Dương đã luôn luôn cố gắng, nỗ lực nhằm mở rộng hợp tác sang các nước thuộc châu Á, Tây Âu, châu Mỹ và Australia.
Trường Đại học quốc tế Miền Đông được thành lập năm 2009 do Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) làm chủ đầu tư theo quyết định của Thủ tướng chính phủ số 806/TTg - KGVX. Sứ mệnh của Trường là đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng hiệu quả những yêu cầu cấp thiết về nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại Bình Dương; đồng thời, Trường cũng sẽ là trung tâm nghiên cứu khoa học - ứng dụng và chuyển giao công nghệ, làm động lực phát triển kinh tế xã hội cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Bên cạnh đó, Trường cũng tổ chức các hoạt động giao lưu quốc tế như tổ chức hội thảo quốc tế, trao đổi học thuật cũng như giao lưu sinh viên quốc tế để giúp sinh viên của Trường có điều kiện làm quen và hòa nhập dễ dàng vào môi trường làm việc quốc tế trong tương lai.
Về hợp tác du lịch quốc tế:
Hợp tác du lịch quốc tế cũng là một lĩnh vực của kinh tế đối ngoại; cho nên Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã quan tâm chỉ đạo để phát triển lĩnh vực này.
Bước vào thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ đầu (1997 – 2000), để đẩy mạnh hoạt động du lịch, Nghị quyết Tỉnh Đảng bộ lần thứ VI (12/1997) nêu: “Tận dụng tiềm năng du lịch của tỉnh, tầng bước xây dựng du lịch thành ngành kinh tế quan trọng góp phần vào sự tăng trưởng của tỉnh” [10, tr. 42].
Giai đoạn 2001 – 2005, để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động du lịch quốc tế;
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ VII (1/2001) nêu: “khuyến khích, kêu gọi các thành phần kinh tế trong nước, nước ngoài đầu tư theo quy hoạch du lịch đã được phê duyệt” [11, tr. 46]. Đồng thời, hưởng ứng chương trình du lịch quốc gia “Việt Nam điểm đến của thiên niên kỷ mới” do Bộ văn hóa – Thông tin và Tổng cục Du lịch phát động, Tỉnh ủy Bình Dương đã chỉ đạo xây dựng chương trình phát triển du lịch nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về du lịch. Hàng loạt các dự án du lịch được triển khai trên địa bàn tỉnh và được đưa vào khai thác như: hồ Bình An, suối Lồ Ô, núi Châu Thới, du lịch sinh thái dọc sông Sài Gòn, vườn cây Lái Thiêu, địa đạo Tây – Nam…, nhằm thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài.
Nhằm đẩy mạnh hoạt động du lịch, bước sang giai đoạn 2006 – 2010, Nghị quyết Tỉnh Đảng bộ lần thứ VIII (12/2005) nêu rõ: “tăng cường kêu gọi đầu tư trong nước và nước ngoài nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của tỉnh; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; kết hợp với các dự án đầu tư của các ngành khác để khai thác, nâng cao chất lượng và hiệu quả du lịch” [12, tr. 99].
Để khai thác tối đa các lợi thế và tiềm năng hiện có, nghành du lịch tỉnh Bình Dương cần đề ra định hướng, có kế hoạch cụ thể; các điểm du lịch phải xây dựng thành các quần thể du lịch sinh thái, văn hóa nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế; đồng thời, mở ra các tour du lịch mới tới các làng nghề truyền thống, để tăng sự phong phú, đa dạng cho du lịch tỉnh Bình Dương.
*
* *
Trong 15 năm qua (1997 – 2012), trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta về phát triển kinh tế đối ngoại, Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã vận dụng, sáng tạo những chủ trương, chính sách đó vào hoàn cảnh thực tiễn của địa phương. Tỉnh ủy Bình Dương đã chú trọng lãnh đạo phát triển kinh tế đối ngoại trên một số lĩnh vực trọng tâm mà tỉnh có thế mạnh như xuất, nhập khẩu;
thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; đây là hai lĩnh vực chủ yếu trong lãnh đạo phát triển kinh tế đối ngoại của Đảng bộ tỉnh Bình Dương và đạt được những kết quả vượt bậc. Bên cạnh đó, Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã có quan tâm phát triển các lĩnh vực khác của kinh tế đối ngoại như: hợp tác khoa học – công nghệ, du lịch với nước ngoài; tuy nhiên, chưa mang lại hiệu quả cao.
Chương 3