CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.1. Cấu trúc – ký hiệu học
1.1.2. Khởi đầu của Ký hiệu học phương Tây hiện đại
Gần như ở cùng một thời điểm, từ hai bên bờ Đại Tây Dương, hai nhà khoa học được xem như hai nhà sáng lập của Cấu trúc - ký hiệu học hiện đại cùng đưa ra quan điểm về một bộ môn khoa học mới hình thành là “Ký hiệu học”.
Đó chính là C.S. Peirce với thuật ngữ “Semiotics” và F. de Saussure với thuật ngữ “Semiology” với cùng một đích là dùng để chỉ “Khoa học về ký hiệu”2. Với những nhà nghiên cứu Châu Âu (ngoại trừ giới học thuật Anh), thuật ngữ Semiology được sử dụng rộng rãi hơn để tỏ lòng kính trọng với Saussure; còn với những nhà nghiên cứu nói tiếng Anh, họ dùng thuật ngữ Semiotics để tỏ lòng tôn kính với Peirce [Huỳnh Hoa Tân và Trần Hồng Minh 2004 : 10].
Hình 1-1 Charles Sanders Peirce Hình 1-2 Ferdinand de Saussure (Nguồn: vi.wikipedia.org/wiki/
Charles_Sanders_Peirce)
(Nguồn: vi.wikipedia.org/wiki/
Ferdinand_de_Saussure)
2 Ngày nay Học phái Greimassian phân biệt rõ ràng giữa nghiên cứu hệ thống ký hiệu (semiology) và nghiên cứu quá trình hình thành ý niệm (semiotics). [Martin, B. and Ringham, F. 2000 : 116]
1.1.2.1. Phép tam phân của C.S. Peirce
Charles Sanders Peirce (1839–1914) là triết gia, nhà toán học và logic người Mỹ. Ông tiếp cận Cấu trúc – ký hiệu học theo hướng logic và đa ngành, đồng thời ông cũng được xem là người sáng lập Chủ nghĩa thực dụng (Pragmatism). Peirce phủ định sự tồn tại khách quan của thế giới vật chất, đồng thời đưa ra nhận định rằng, sự vật tồn tại là do hiệu quả sự trải nghiệm của con người, mọi tư tưởng và kinh nghiệm của con người đều thông qua ký hiệu để kiểm nghiệm thực tế và đưa ra kết quả cuối cùng.
Peirce đã đề ra ba “phạm trù phổ biến” (Universal Categories) phân chia tồn tại thành ba cấp độ đó là tồn tại thứ nhất (firstness), tồn tại thứ hai (secondness) và tồn tại thứ ba (thirdness). Dựa trên cơ sở đó ông đưa ra ba phép tam phân nổi tiếng (Three trichotomies of Signs) khi áp dụng chúng vào Ký hiệu học để mô tả quá trình hoạt động biểu trưng (được ông gọi là
“semiosis”). Mô thức về ký hiệu của ông được cấu thành từ “sự đại diện”
(representamen), “đối tượng” (object) và “sự biểu thị” (interpretant); trong đó mỗi giai đoạn đều là một ký hiệu.
Qua đó, một ký hiệu dựa trên đặc trưng cơ bản của mình được chia thành ba loại: “ký hiệu tính chất” (qualisign), là trạng thái hoặc hình thức của sự vật; “ký hiệu đơn lẻ” (sinsign), là ký hiệu xuất hiện trên thực tế, cũng là biểu hiện cụ thể bên ngoài của ký hiệu trạng thái; “ký hiệu quy luật” (legisign) là quy tắc, luật lệ, mô thức, đại diện cho mối quan hệ của ký hiệu. Phép tam phân thứ hai của Peirce dựa trên cơ sở mối quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt mà chia ký hiệu thành ba loại, đó là “hình tượng” (icon), “chỉ hiệu” (index) và “biểu tượng” (symbol). Cuối cùng, dựa trên những tính chất khác nhau của ý nghĩa ký hiệu, Peirce phân ký hiệu thành “đề ngữ” (rheme),
“mệnh đề” (dicent) và “luận chứng” (argument). Bằng cách kết hợp ba phép tam phân này, Peirce đã đưa ra 66 phân loại về ký hiệu.
Có thể nói, Ký hiệu học của Peirce không dựa trên cơ sở ngôn ngữ mà dựa vào cơ sở của mệnh đề. Trong tư tưởng Ký hiệu học của Peirce, con người thực hiện hoạt động tri nhận là con người tự nhiên, không phải là con người xã hội, đó là quá trình hoạt động tư duy, nhận thức và giao lưu của con người tự nhiên. Ký hiệu chính là công cụ tư duy của con người, thông qua đó con người có thể sử dụng nó để đạt được mục đích tri nhận.
1.1.2.2. Cấu trúc luận trong ngôn ngữ của F. de Saussure
Công trình Cours de linguistique générale (Giáo trình ngôn ngữ học đại cương)do Charles Bally (1865 – 1947) và Albert Sechehaye (1870 – 1946) biên soạn và phát hành năm 1916 dựa trên những bài giảng của Ferdinand de Saussure (1857 – 1913), một nhà ngôn ngữ người Thụy Sĩ, được xem là người đặt nền móng cho hướng tiếp cận cấu trúc trong Ngôn ngữ học hiện đại.
Saussure đã đưa ra quan niệm về Ký hiệu học chính trong cuốn sách nói trên:
Một ngành khoa học nghiên cứu về sự tồn tại của các ký hiệu trong đời sống xã hội là hoàn toàn phù hợp, khoa học này sẽ là một phần của tâm lý học xã hội và do đó cũng là một phần của tâm lý học nói chung; tôi sẽ gọi nó là ký hiệu học - semiology (trong tiếng Hy Lạp semeion có nghĩa là “ký hiệu”). Ký hiệu học sẽ nghiên cứu về những yếu tố cấu thành của ký hiệu, những quy luật chi phối chúng.
Khi ngành khoa học này chưa ra đời, không một ai có thể nói nó thực sự là cái gì;
nhưng nó có quyền được tồn tại, tại một nơi đã được chọn trước. Ngôn ngữ học cũng chỉ là một phần trong khoa học về ký hiệu học nói chung; những quy luật được khám phá trong ký hiệu học sẽ được ứng dụng vào Ngôn ngữ học, và sau cùng nó sẽ giới hạn rạch ròi tại một khu vực trong tổng thể các lĩnh vực của nhân học.
[dẫn theo Đinh Hồng Hải 2012 : 1]
Khác với C.S. Peirce, F. de Saussure tiếp cận Ký hiệu học thông qua con đường Ngôn ngữ học. Tư tưởng chủ đạo trong Cấu trúc luận ngôn ngữ của ông chính là nguyên lý nhị phân hay cấu trúc nhị nguyên luận, trong đó ông phân biệt giữa ngôn ngữ (langue) và lời nói (parole), đồng thời nhấn mạnh tính đồng đại của ngôn ngữ để phân biệt với tính lịch đại. Ngôn ngữ và lời nói:
“Theo Saussure thuật ngữ thứ hai chỉ ra một ví dụ mang tính kinh nghiệm về
việc sử dụng ngôn ngữ, những vật mà người ta thường hay nói trong các thời gian cụ thể và ở những nơi cụ thể. Ngôn ngữ, ngược lại, lại là một cấu trúc sâu – một hệ thống ký hiệu toàn vẹn làm trụ cột cho lời nói.” [Đỗ Lai Thúy 2006 : 213].
Đặc tính của ký hiệu ngôn ngữ theo Saussure mang tính hai mặt không tách rời, như là mặt của một tờ giấy, là “khái niệm” (concept) và “hình ảnh âm thanh” (sound-image) của ký hiệu. Saussure chọn dùng “Ký hiệu” (sign) để diễn đạt chỉnh thể, dùng thuật ngữ “Cái biểu đạt” (signifer/ le signifiant) để thay thế cho khái niệm và hình ảnh âm thanh được gọi là “Cái được biểu đạt”
(signified/ le signifié) trong ký hiệu ngôn ngữ. Cái biểu đạt mang đặc trưng tuyến tính, khi nhiều cái biểu đạt liên hệ với nhau tạo thành một đơn vị lớn hơn được gọi là ngữ đoạn (syntagmatic), là mối quan hệ theo chiều ngang; khi một ký hiệu ngôn ngữ xuất hiện nhưng chưa có những ký hiệu khác xuất hiện đồng thời sẽ tạo nên tính liên đới (associative), là mối quan hệ theo chiều dọc.
Giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt mang tính tùy ý võ đoán (arbitrariness), nhưng khi mối liên hệ ấy đã trở thành một ký hiệu trong một hệ thống ngôn ngữ, thì ngôn ngữ chính là khái niệm dùng để biểu đạt cho ký hiệu.
Do đó trong một bối cảnh văn hóa nhất định, rất khó có thể tùy ý thay đổi ý nghĩa của mối quan hệ này, tức mối quan hệ do tính quy ước tạo thành, giữ cho từ ngữ mang tính bất biến, tạo cho hệ thống ký hiệu tính khép kín.
Hệ thống ngôn ngữ không mang bản chất bất biến mà thực ra là biến đổi vô định về mặt hình thức. Saussure cũng chú ý đến việc yếu tố thời gian có thể làm thay đổi ngôn ngữ. Tính lịch đại của ngôn ngữ là hướng phát triển và biến hóa của chúng, bao hàm nhiều phương diện có ảnh hưởng khác nhau như văn hóa, hoàn cảnh địa lý, chính trị xã hội, v.v… Tính đồng đại của ngôn ngữ là chỉ trạng thái hiện tồn của chúng, tồn tại dưới dạng một cấu trúc, và đây là phạm trù Saussure tập trung nghiên cứu.
Hình 1-3 Mô hình ký hiệu của C.S.
Peirce
Hình 1-4 Mô hình ký hiệu của F. de Saussure
Ghi chú:
- Semiosis: hoạt động biểu trưng - Interpretant: sự biểu thị - Sign: ký hiệu
- Representamen: sự đại diện - Object: đối tượng
Ghi chú:
- Concept: khái niệm
- Sound-image: hình ảnh âm thanh - Signified: cái được biểu đạt - Signigier: cái biểu đạt - Arbor: cây (tiếng Latin) (Nguồn: http://faculty.georgetown.edu
/irvinem/theory/Semiotics_and_
Communication.html)
(Nguồn: http://thenewdirectionoftime.com /2012/04/14/an-exposition-of-ferdinand -de-saussures-a-course-in-general-linguistics/)
1.1.2.3. Các nhà nghiên cứu cấu trúc luận khác:
Jean Piaget (1896 – 1980), nhà tâm lý người Thụy Sĩ chịu ảnh hưởng từ công trình Scienza Nuova (Khoa học mới) của Giovan Battista Vico (1668- 1744), từng đưa ra định nghĩa về cụm từ “Cấu trúc” trong công trình Le structuralisme (Chủ nghĩa cấu trúc). Ông cho rằng, con người có thể tìm thấy cấu trúc trong một hệ thống các khái niệm cơ bản về tính chỉnh thể (wholeness), tính chuyển đổi (transformation) và tính tự điều tiết (self- regulation). Bản thân sự vật đã mang tính chỉnh thể, không phải do các yếu tố đơn lẻ tập hợp lại mà thành, kết cấu của các bộ phận cũng chịu sự chi phối của chỉnh thể; vì vậy cấu trúc không phải là một tập hợp mà là sự liên hệ lẫn nhau giữa các thành tố trong bộ phận để cấu thành một thể thống nhất. Cấu trúc không đứng yên mà các quy luật chi phối bên trong cấu trúc luôn chuyển động.
Ngôn ngữ với vai trò là cấu trúc cơ bản nhất của con người luôn chuyển đổi các yếu tố cơ bản bên ngoài để trở thành một cấu trúc mới hơn đồng thời vẫn
bảo lưu những đặc tính vốn có trong nó. Tính tự điều tiết giúp cho cả hệ thống tự sản sinh các quy luật nội tại thông qua những lần chuyển đổi, giữ cho cấu trúc ổn định mà không cần nhờ đến các hệ thống khác. Công năng của một từ ngữ đến từ cấu trúc nội tại của nó nằm trong một hệ thống ngôn ngữ thống nhất chứ không phải đến từ cái được biểu đạt mà nó thể hiện.
Ernst Cassier (1874-1945) trong công trình An Essay on Man (Luận về con người) chỉ ra con người ngoài các hệ thống cơ quan cảm thụ (receptor) và hệ thống cơ quan phản ứng lại kích thích (effector) thuộc giới động vật, còn phát hiện một hệ thống thứ ba là hệ thống biểu tượng (symbolic), tồn tại giữa hai hệ thống kể trên. Cassier nhận định con người không chỉ tồn tại trong một vũ trụ vật chất đơn thuần mà là sinh sống trong một thế giới ký hiệu; trong đó tất cả ngôn ngữ, thần thoại, nghệ thuật và tôn giáo đều là bộ phận của thế giới ký hiệu này. Tất cả là những sợi chỉ dệt nên mạng lưới ký hiệu được phát triển, củng cố thông qua sự trải nghiệm của con người; và tất cả các hình thức văn hóa đều là hình thức ký hiệu. Vì thế Cassier đã dùng định nghĩa “Con người là động vật biểu tượng” (animal symbolicum) để mở ra con đường mới trong việc nghiên cứu văn hóa.