CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.2. Khả năng giải mã biểu tượng văn hóa
1.2.1 Biểu tượng văn hóa
E. Cassier đã phát biểu rằng “con người là động vật biểu tượng”, có nghĩa con người là động vật thông qua biểu tượng để sáng tạo ra văn hóa. Các
hoạt động văn hóa của con người như ngôn ngữ, thần thoại, tôn giáo, lịch sử, nghệ thuật, v.v… tất thảy đều do chính bản thân con người thông qua hoạt động biểu trưng để sáng tạo ra.
Biểu trưng chính là con đường để tạo ra biểu tượng, nó là hoạt động nhận thức của con người gán một ý nghĩa với một sự vật cụ thể, nhằm diễn đạt những cảm nhận, tình cảm hoặc thái độ đánh giá nào đó. Ngôn ngữ phản ánh ý nghĩa của sự vật hiện tượng và ý niệm con người, ngôn ngữ biểu đạt ý nghĩa của người nói hoặc người viết đồng thời thể hiện một cấu trúc bên trong hệ thống ngôn ngữ.
Quá trình tri nhận của con người tạo ra một hệ thống khái niệm, ý niệm hoặc biểu tượng tinh thần, nhờ có chúng mà ta có thể giải thích các sự vật hiện tượng trên thế giới. Vì thế, ý nghĩa của một sự vật hoàn toàn phụ thuộc vào những tư tưởng hình thành bên trong mỗi chúng ta, nhưng nó không hình thành từ một khái niệm đơn nhất mà do sự tổng hợp và sắp xếp của toàn bộ hệ thống.
Trên con đường giải thích thế giới này, mỗi người có thể dùng những phương pháp khác nhau để lý giải do những khái niệm khác nhau tồn tại trong mỗi chúng ta. Nhưng để có thể giao tiếp được với nhau, giữa hai người phải cùng chia sẻ chung một hình ảnh khái niệm, tạo lập những quy ước để có cách giải thích thế giới trên những con đường tương tự nhau. Những hình ảnh khái niệm chung ấy cần phải được phiên dịch thành ngôn ngữ để đưa mọi khái niệm và quan điểm trở thành một hệ thống, liên kết với những hình ảnh âm thanh cụ thể. Và từ đây ngôn ngữ trở thành ký hiệu để đại diện cho những khái niệm và hình ảnh âm thanh gắn liền với nó. Hệ thống ký hiệu này cùng với khái niệm trong đầu chúng ta cùng nhau tạo thành một hệ thống ý nghĩa văn hóa, trở thành hệ thống biểu tượng văn hóa chia sẻ chung của cộng đồng.
1.2.1.2. Biểu tượng và ký hiệu
Biểu tượng (symbol) và ký hiệu (sign) trong các ngành khoa học xã hội được sử dụng thường xuyên và cũng thường bị sử dụng nhầm lẫn giữa hai thuật ngữ. Trong giới học thuật phương Tây, do từ “symbol” bao hàm cả hai nghĩa biểu tượng và ký hiệu, đồng thời hai thuật ngữ lại có ý nghĩa gần nhau nên mỗi nhà khoa học lại có cách giải thích khác nhau.
F. de Saussure có sự phân định khá rõ vấn đề này:
Từ biểu tượng đôi lúc được dùng để chỉ ký hiệu ngôn ngữ, hoặc nói một cách chính xác, dùng để chỉ vật mà chúng ta gọi là tín hiệu. Cách sử dụng từ này như thế là khá bất tiện, là vì nguyên tắc đầu tiên của chúng ta. Đặc điểm của biểu tượng là nó không hoàn toàn tùy ý; nó không trống rỗng; giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt của nó có một căn cơ mang tính quan hệ tự nhiên. Biểu tượng của cán cân công lý sẽ không thể tùy tiện thay thế bằng vật khác, chẳng hạn như dùng biểu tượng một chiếc xe ngựa.
[Saussure, F. de 1959 : 68]
Thuật ngữ “biểu tượng” mang tính suy diễn (motivation) sẽ không phù hợp với thuật ngữ “ký hiệu” mang tính võ đoán của ông, do đó ông kiến nghị nên thận trọng khi sử dụng hai thuật ngữ này trong Ký hiệu học, nhưng tiếc là không phải học giả nào cũng theo Saussure. Ngược lại C.S. Peirce lại cho rằng, biểu tượng thiếu tính suy diễn, nguồn phát và nguồn nhận đều cần có những quy ước của xã hội quy định.
Luận văn này không nhằm mục đích phân định rạch ròi cách sử dụng biểu tượng và ký hiệu, cũng không nhằm mục đích tái định nghĩa hai thuật ngữ trên. Ở đây chỉ đưa ra quan niệm về cách sử dụng hai thuật ngữ này, và mục đích của Luận văn này là hướng nghiên cứu thiên về biểu tượng dưới góc độ Văn hóa học, đối tượng nghiên cứu là biểu tượng văn hóa.
Hệ thống ký hiệu muôn hình vạn trạng nhưng chung quy có thể tổng hợp lại thành hai loại chủ yếu là ký hiệu ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Ngôn ngữ vừa thể hiện sự vật cụ thể, vừa thể hiện khái niệm trừu tượng đồng thời đi sâu
vào lĩnh vực tư duy của con người. “Nếu không có ngôn ngữ rõ ràng, chúng ta sẽ không có xã hội hoặc tổ chức của con người” [White, L.A. 1988 : 32].
Ngôn ngữ tạo nên bởi một hế thống ký tự phong phú, biểu đạt trạng thái văn hóa và công năng của một xã hội nhất định. Ký hiệu phi ngôn ngữ được sáng tạo trong quá trình giao tiếp của con người dùng để biểu đạt những hình thái ý thức ngoài ngôn ngữ, chiếm phần nhiều hơn ký hiệu ngôn ngữ trong hệ thống ký hiệu. Biểu tượng, theo quan niệm của chúng tôi, nằm trong phân loại này;
chúng làm tăng giá trị và ý nghĩa cho ký hiệu, thể hiện khả năng mở rộng ý nghĩa được biểu đạt bởi hình thái ý thức.
1.2.1.3. Biểu tượng văn hóa
Biểu tượng trước hết là một ký hiệu, nó chính là một loại ký hiệu đặc thù. Biểu tượng được hình thành bởi những quy ước của một xã hội nhất định, có thể là do tập quán thói quen, hoặc những áp đặt uy quyền, nhưng một khi đã hình thành thì sẽ được mọi người tuân theo và thông qua biểu tượng ký hiệu để tri nhận và giao tiếp.
Để biểu đạt đối tượng, con người có thể từ thực tiễn cuộc sống tạo ra những biểu tượng ký hiệu chưa hề tồn tại thông qua những quy ước, hoặc gán ý nghĩa mới vào những sự vật đã tồn tại trước đó. Một biểu tượng có thể mang một ý nghĩa duy nhất để biểu đạt một sự vật hiện tượng, nhưng sự vật đó có thể đồng thời tạo nên biểu tượng đa nghĩa. Hoặc khi so sánh các biểu tượng với nhau sẽ đưa đến biểu tượng đồng nghĩa hoặc trái nghĩa.
U. Eco phân tích quá trình ký hiệu hóa (hay còn gọi là quá trình biểu trưng) bao gồm ba bước, đó là trong tư duy của chủ thể xác định sự vật có một chức năng nào đó, tiếp đến là phân loại mục đích công năng của sự vật và sau cùng là quá trình đặt tên cho sự vật [Eco, U. 1990 : 26]. Quá trình biểu trưng được quyết định bởi sự giải thích của con người, con người ở đây vừa là con người khái quát đồng thời cũng là con người cụ thể; sự giải thích ở đây do ý kiến chủ quan cá nhân quy định, nhưng đồng thời cũng do hoạt động xã hội –
sáng tạo điều chỉnh. Con người giải thích sự vật bắt đầu từ tri nhận của bản thân, nhưng cuối cùng phương thức giải thích cũng như quá trình biểu trưng vẫn mang tính văn hóa.
Carl Gustav Jung (1875-1961) phân biệt hai loại biểu tượng là biểu tượng tự nhiên và biểu tượng văn hóa. Biểu tượng tự nhiên xuất phát từ trong tiềm thức, đại diện cho những sự biến đổi của những cổ mẫu cơ bản. Biểu tượng văn hóa được dùng để chỉ những chân lý vĩnh cửu, trải qua vô số lần biến đổi cùng với quá trình phát triển trường kỳ của ý thức, do đó chúng trở thành ý niệm của tập thể, tồn tại trong vô thức cộng đồng và được xã hội tiếp nhận.
Một sự vật hiện tượng do con người tạo ra chưa phải là văn hóa khi nó không được ký thác một ý nghĩa, một giá trị nhằm thỏa mãn các nhu cầu. Khi một sự vật được biểu trưng hóa, nó sẽ trở thành biểu tượng, sau đó được xã hội chấp nhận và gán vào nó những giá trị văn hóa để biểu đạt những ý niệm cụ thể nhằm tạo ra giá trị nhân bản, thể hiện các kiểu lựa chọn khác nhau của một tộc người để phân biệt họ với tộc người khác, tạo ra bản sắc riêng; khi đó, biểu tượng đó sẽ trở thành biểu tượng văn hóa. “Biểu tượng được xem là ‘tế bào’ của văn hóa và là hạt nhân ‘di truyền xã hội’ đầu tiên của nhân loại.”
[Nguyễn Văn Hậu 2010].