Quá trình hình thành và phát triển

Một phần của tài liệu Biểu tượng hòn vọng phu trong văn hóa việt nam (so sánh với văn hóa trung hoa) (Trang 93 - 99)

CHƯƠNG 3 HÒN VỌNG PHU Ở VIỆT NAM TRONG SO SÁNH VỚI HÒN VỌNG PHU Ở TRUNG QUỐC

3.1. Hòn Vọng Phu ở Trung Quốc

3.1.1. Quá trình hình thành và phát triển

Đất nước Trung Quốc có rất nhiều cảnh vật gắn liền với truyền thuyết Vọng Phu, như “Vọng Phu thạch” (đá), “Vọng Phu sơn” (núi), “Vọng lang phong” (ngọn), “Vọng Phu đài” (tượng), “Vọng Phu đỉnh” (ngọn), v.v… phân bố rải rác khắp Trung Quốc. Chúng chủ yếu tập trung ở vùng trung và hạ lưu sông Trường Giang và vùng Hoa Nam, Trung Quốc, bao gồm Triết Giang, Giang Tô, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Hồng Kông, Đài Loan, v.v… Sông Trường Giang cùng với hệ thống sông ngòi phụ cận được xem là một kênh truyền bá quan trọng, góp phần đưa truyền thuyết này phổ biến khắp khu vực. Các truyền thuyết về vọng phu tại mỗi khu vực thường có nguồn gốc và mang những motif rất khác nhau.

Dựa trên những ghi chép trong kho tàng văn học dân gian Trung Hoa, có thể thấy ba cốt truyện sau khá tiêu biểu dùng cho việc biểu đạt về nỗi đau chia ly.

Một truyền thuyết kể rằng, có người phụ nữ đứng chờ chồng, ngày qua ngày dấu chân lưu lại trên một hòn đá, sau để tưởng nhớ nhân dân gọi đá đó là đá Vọng Phu. Thuyết thứ hai kể rằng một người phụ nữ có chồng, chồng nàng đã bỏ đi hoặc qua đời, nàng vẫn giữ trong khí tiết với chồng, quyết không tái giá; sau được người đời lập tượng đá để tưởng niệm. Một thuyết nữa mang nội dung là hai vợ chồng vì lý do nào đó mà chia ly, người vợ lên trên núi ngóng trông tin tức người chồng; thời gian trôi qua nhưng vẫn không hay tin về người chồng, do quá đau thương nên cơ thể nàng đã hóa thành đá.

Những truyền thuyết dựa trên ba cốt truyện trên chỉ là những cơ sở cấu thành hoàn chỉnh ban đầu của truyền thuyết Vọng Phu Trung Hoa. Với những giao lưu tiếp nhận và phát triển, vô số tình tiết khác được thêm vào trong các truyền thuyết, một điều khá phổ biến nữa là, không chỉ riêng tộc người Hán mà còn hiện diện trong rất nhiều truyền thuyết của các tộc người khác ở quanh lưu vực sông Trường Giang. Học giả Chung Kính Văn của Trung Quốc từng liệt truyền thuyết này thuộc loại “Truyền thuyết địa phương Trung Quốc” [Chung Kính văn 1985 : 79-83], nhà nghiên cứu Trương Vân đã tiến hành tổng hợp sự lưu truyền của thuyết Vọng Phu xưa và nay ở Trung Quốc, đồng thời phân loại thành tám motif khác nhau11:

A – Vợ chồng chia ly B – Trông chồng đến hóa đá C – Kết duyên

D – Xuất hiện người xấu/ quái vật E – Tìm chồng F – Thân phận thần kỳ của vợ G – Sự giúp đỡ của thần thánh H – Giai thoại sau khi hóa đá

Từ tám motif trên, học giả Trương Vân đã tiến hành tổng hợp sự lưu truyền của thuyết Vọng Phu xưa à nay ở Trung Quốc, đưa ra bảng đại ý nội dung các truyền thuyết Hòn Vọng Phu hiện đại. Trên cơ sở đó, bảng 2 tạm dịch đồng thời tiến hành bổ sung một số truyền thuyết Trương Vân chưa được đề cập đến.

Bảng 2. Motif cấu thành truyền thuyết Vọng Phu hiện đại tại Trung Quốc Tỉnh Địa phương Tên địa danh Motif12

Hồ Bắc

Dương Tân,

Hoàng Thạch Vọng phu thạch A + B + H Hồ

Nam

Trương Gia Giới Vọng lang phong C + D + A + E + G + B Tuy Ninh, Thiệu Dương Vọng phu thạch A + B

Quảng Tây

Hòa Dung, Bắc Lưu Vọng quân đỉnh C + A + B Bãi biển Đấu Mễ,

Lệ Giang, Quế Lâm Vọng phu thạch A + B

11 Tạm dịch dựa trên công trình của Trương Vân [Trương Vân 2007 : 172].

Quảng Đông

Triệu Khánh Vọng phu quy

thạch A + B + H

Ngũ Ấp, Giang Môn Vọng phu thạch C + F + D + B Huyện Điện Bạch,

Mậu Danh Vọng phu thạch C + D + G + A + B

Hà Nguyên Vọng lang hồi D + A + B

Phúc Kiến

Hạ Môn Mỹ nhân sơn D + A + D (lần 2) + B Võ Di Sơn Ngọc nữ phong C + D + A + D + B

Triết Giang

Ôn Lĩnh Thạch phu nhân

phong C + D + A + E + B Khu Bắc Luân, Ninh Ba Thái bà tiều A + B + H

Thiên Mục Sơn,

Lâm An Tân phụ thạch C + D + A + F + B Hải Ninh, Gia Hưng Vọng phu đài

nương tử D + A + B

Ụ núi Ngưỡng Thiên,

Cù Châu Vọng phu thạch D + G + A + B Cảm Phố, Hải Diêm,

Gia Hưng Vọng phu thạch G + A + B

An Huy

Hoàng Sơn Tiên nữ tú hoa

thạch D + C + A + B

Đồ Sơn, Bạng Phụ Khải mẫu thạch A + B Túc Tùng, An Khánh Tiểu cô sơn C + A + D + B Giang

Đan Đồ, Trấn Giang Thạch bà bà F + A + B

Trấn Giang Hiền thê sơn A + B + H

Huệ Sơn, Vô Tích Mỹ nhân sơn C + A + B

Trùng Khánh

Huyện Vu Sơn Nữ quán trinh

thạch D + A + B

Triều Thiên Môn Phu quy thạch A + B Đạo Sư Nham, Vũ Long Vọng phu thạch A + D + B Hồng

Kông Sa Điền Vọng phu thạch C + A + B

Đài Loan

Bán đảo Hằng Xuân,

Đài Nam Vọng phu thạch D + A + B

Thất Mỹ, Bành Hồ Vọng phu thạch A + B Năng Cao Sơn Tháp Lâm thạch C + D + A + B Thanh

Hải Huyện Tuần Hóa Vọng phu thạch A + B

Cát Lâm

Sông Áp Lục,

huyện Trường Bạch Thạch trụ D + G + A + B Hà

Nam

Huyện Diệp,

Bình Đỉnh Sơn Vọng phu thạch G + A + D + B + H Sơn Tây Huyệt Cát, Lâm Phần Vọng phu thạch C + G + D + A + B

Theo cách phân loại motif của Trương Vân, xét thấy hai motif “vợ chồng chia ly” và “trông chồng đến hóa đá” xuất hiện trong hầu hết các truyền thuyết đá Vọng Phu, bao gồm cả trong văn học dân gian và văn học viết của Trung Hoa.

Hai motif này chính là hai motif chủ đạo, tập trung lột tả tính chất bi thương của truyền thuyết, đây có lẽ cũng là hai motif cơ bản tạo nên kết cấu cốt truyện hoàn chỉnh về truyền thuyết đá Vọng Phu ở Trung Hoa.

Đề tài đá Vọng Phu phát triển khá mạnh trong văn học Trung Hoa giai đoạn Đường – Tống. Các thi nhân như Lý Bạch, Lưu Vũ Tích, Vương Kiến, Vương An Thạch, v.v… đều có thi phẩm mang chung nhan đề “Vọng Phu thạch”

trong các thi tập của mình. Ngoài các tập thơ thì truyền thuyết này còn được vận dụng vào trong nhiều tác phẩm thuộc các thể loại văn học khác nhau. Đến giai đoạn Minh – Thanh, các truyền thuyết về Hòn Vọng Phu đã tương đối ổn định, hoàn chỉnh nhưng cũng dần vượt ra ngoài hai motif trên, thêm thắt vào những chi tiết mang vẻ huyền bí và ly kỳ với mục tiêu hấp dẫn người đọc.

Truy ngược dòng lịch sử, vào giai đoạn Ngụy (220-265) – Tấn (265-420), một đoạn văn tự trong tác phẩm Liệt dị truyện của Ngụy Văn Đế Tào Phi (187- 226) đã lần đầu tiên xuất hiện cụm từ “Vọng Phu thạch”, đồng thời đã bao hàm hai motif hoàn chỉnh về truyền thuyết. Đoạn văn tự chép rằng:

武昌[阳]新县北山上有望夫石,状若人立者。传云:昔有贞妇,其夫从役,远赴 国难;妇携幼子饯送此山,立望而形化为石。

[dẫn theo Lý Đạo Hòa 2003: 43]

Tạm dịch:

Trên ngọn núi phía Bắc huyện (Dương) Tân tỉnh Vũ Xương có đá Vọng Phu (Vọng Phu thạch), hình tựa dáng người đang đứng. Truyền thuyết kể rằng: xưa có nàng chinh phụ, chồng đi tòng quân cứu nước; nàng bồng con nhỏ lên trên ngọn núi này đưa tiễn, đứng ngóng trông theo đến khi cơ thể hóa thành đá.

Liệt dị truyện được chú dẫn trong các tác phẩm Tùy thư - Kinh tịch chí của Ngụy Trưng, Thủy kinh chú của Lịch Đạo Nguyên, Thái Bình ngự lãm do Lý Phưởng chủ biên, Dư địa kỷ thắng của Vương Tượng Chi, v.v… chứng minh tính xác thực của tác phẩm. Ngoài Liệt dị truyện, biểu tượng đá Vọng Phu thuộc địa phận Vũ Xương xưa còn được nhắc đến trong khá nhiều tác phẩm đời sau như trong Thần dị truyện của Vương Phù đời Tây Tấn, Sưu thần ký của Can Bảo đời Đông Tấn, trong U minh lục của Lưu Nghĩa Khánh đời Lưu Tống, Dư địa chí của Cố Dã Vương đời Lương, v.v…

Đá Vọng Phu ở địa phận Vũ Xương có thể được xem là xuất hiện sớm nhất, sau giai đoạn Ngụy – Tấn, kể từ giai đoạn Nam Bắc Triều (420-589) trở đi các địa phương khác bắt đầu có những ghi chép về đá Vọng Phu. Nhưng đá Vọng Phu ở Vũ Xương chỉ có thể là kết cấu cốt truyện hoàn chỉnh đầu tiên, làm cơ sở cho các tác phẩm sau này, chứ chưa phải là nguồn gốc của truyền thuyết.

Học giả Trung Quốc là Lý Đạo Hòa trong một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đá Vọng Phu là truyền thuyết dựa trên cổ mẫu của Đồ Sơn thị Nữ Kiêu, vợ vua Hạ Vũ trong huyền thoại Trung Hoa cổ đại. Các tài liệu đời Hán như Ngô Việt xuân thu, Thượng thư, Hoài Nam tử, Liệt nữ truyện, v.v… đều có ghi chép về câu truyện Nữ Kiêu, trong đó thuật lại việc nàng ngóng đợi Hạ Vũ trị thủy trở về, sau cùng “hóa đá”. Sách Thái Bình ngự lãm quyển 51, phần “Địa bộ” thứ 16 có đoạn chép rằng:

《淮南子》曰:禹娶涂山氏化为石,在嵩山下方生 啓,曰,归我子,石破北 方而生啓。13

Tạm dịch:

Sách Hoài Nam tử viết: vua Vũ kết hôn với Đồ Sơn thị, nàng hóa đá, dưới đỉnh Tung Sơn sinh Khải. Vua Vũ từng nói: hãy trả con trai ta, hòn đá nứt ra ở phía bắc và sinh ra Khải.

Tuy nhiên giữa các ghi chép lại có nhiều chi tiết sai biệt, thiếu tính thống nhất khi so sánh với đá Vọng Phu ở Vũ Xương.

Trước cả truyền thuyết Đồ Sơn thị, truyền thuyết về nàng Nữ Hi, mẹ của Hạ Vũ hóa đá được ghi chép rải rác trong thiên “Tu tụ huấn” sách Hoài Nam tử, Thái Bình ngự lãm, “Việt Vương Vô Dư ngoại truyện” trong Ngô Việt xuân thu.

Thời điểm này đã manh nha motif “hóa đá” nhưng lại không thấy miêu tả rõ ràng về chi tiết “trông chồng” hay “vợ chồng chia ly”, và cũng có thể, theo Lý Đạo Hòa, đã có hiện tượng ghi chép kết hợp giữa truyền thuyết Hạ Vũ – Nữ Kiêu và Cổn – Nữ Hi. Ở Nữ Kiêu trọn vẹn các motif “vợ chồng chia ly”, “trông chồng đến hóa đá”, đồng thời Liệt dị truyện cũng ghi chép lại câu chuyện từ “tích xưa”, vì thế việc xem nàng Nữ Kiêu chính là cổ mẫu của truyền thuyết Hòn Vọng Phu là hoàn toàn thuyết phục.

Tổng thuật những điểm trên, có thể thấy truyền thuyết đá Vọng Phu ở Trung Quốc được ghi chép từ khá sớm, bắt đầu từ giai đoạn Ngụy Tấn với kết cấu cốt truyện hoàn chỉnh là truyền thuyết đá Vọng Phu ở địa phận tỉnh Vũ Xương xưa, dựa trên cổ mẫu nàng Nữ Kiêu, sử dụng hai motif chính là “vợ chồng chia ly” và “trông chồng đến hóa đá”. Có thể thấy rõ, vào giai đoạn Nam Bắc Triều, truyền thuyết này đã bắt đầu phổ biến dọc theo vùng trung và hạ lưu dòng Trường Giang. Các tác gia giai đoạn Đường – Tống đã góp phần đưa đá Vọng Phu trở thành biểu tượng mang tính khu vực.

Một phần của tài liệu Biểu tượng hòn vọng phu trong văn hóa việt nam (so sánh với văn hóa trung hoa) (Trang 93 - 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(164 trang)