Ký hiệu học văn hóa

Một phần của tài liệu Biểu tượng hòn vọng phu trong văn hóa việt nam (so sánh với văn hóa trung hoa) (Trang 30 - 35)

CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

1.1. Cấu trúc – ký hiệu học

1.1.4. Ký hiệu học văn hóa

Phương pháp nghiên cứu Ký hiệu học văn hóa hưng thịnh khiến cho các học giả chuyển hướng từ Phân tâm học và Phê bình văn học sang hướng tìm hiểu cấu trúc bề sâu và thế giới ý nghĩa văn hóa tiềm ẩn bên trong sự vật hiện tượng.

Trong đó mang tính đại diện chính là trường phái nghiên cứu xã hội nhân văn Pháp, trường phái này thông thường được chia thành hai học phái “Chủ nghĩa cấu trúc” và “Chủ nghĩa hậu cấu trúc”. Ký hiệu học ban đầu cùng tồn tại với Chủ nghĩa cấu trúc, song đến khoảng thập niên 60 của thế kỷ XX, nó đã vượt lên trước và trở thành bộ phận chủ yếu trong Chủ nghĩa hậu cấu trúc.

1.1.4.1. Roland Barthes

Roland Gérard Barthes (1915-1980) là nhà phê bình văn học, nhà văn hóa chuyên nghiên cứu biểu tượng nổi tiếng trong giới học thuật Pháp thế kỷ XX. Ban đầu ông nghiên cứu biểu tượng theo lối Chủ nghĩa cấu trúc, nhưng giai đoạn sau lại trở thành đại diện tiêu biểu của Chủ nghĩa hậu cấu trúc.

Barthes là người góp công làm sáng tỏ và phát huy mô hình của F. de Saussure. Công trình Éléments de sémiologieđã đưa Cấu trúc ngôn ngữ học và Cấu trúc – ký hiệu văn hóa vào trong cùng một kết cấu lý luận, cung cấp phương pháp lý luận thống nhất cho phân tích ký hiệu. Nếu thế giới chia thành

ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, thế thì Ký hiệu học ngôn ngữ sẽ trở thành cơ sở của mọi loại hệ thống ký hiệu phi ngôn ngữ, vì mọi hiện tượng phi ngôn ngữ đều phải dùng cấu trúc ngôn ngữ để biểu đạt.

Ngoài ra Barthes cũng đưa ra hai khái niệm “nội hàm” (denotation) và

“ngoại diên” (connotation). Nội hàm là ý nghĩa về những gì ngôn ngữ hướng tới, ngoại diên là nghĩa của một các khác so với cái được nói ra. Nội hàm là sự kết hợp giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt của hệ thống ký hiệu thứ nhất và trở thành cái biểu đạt của hệ thống thứ hai; ngoại diên cũng là sự kết hợp đấy nhưng lại trở thành cái được biểu đạt của hệ thống thứ hai. Nội hàm được cấu thành từ một hệ thống đa dạng phức tạp, và ngôn ngữ mặc nhiên trở thành hệ thống thứ nhất trong hệ thống phức tạp này; cái biểu đạt của nội hàm là do ký hiệu của hệ thống ngoại diên cấu thành. Tình huống ngược lại khi ký hiệu của mối quan hệ trở thành cái được biểu đạt của một cái gì đó xa hơn thì hệ thống thứ hai trở thành siêu ngữ (metalanguage).

Công trình S/Z tiêu biểu cho Chủ nghĩa hậu cấu trúc của Barthes, phân tích theo hướng ký hiệu với tác phẩm Sarrasine của Honoré de Balzac (1799- 1850). Qua đó, việc giải thích đối với văn bản không nằm ở việc tìm hiểu ý nghĩa của văn bản, cũng không nằm trong cấu trúc phổ biến của nó mà phải tập trung vào bản thân văn bản và quá trình đọc hiểu. Giải thích mỗi một tầng ý nghĩa sẽ không ngừng triển khai các thành phần được biểu đạt, mỗi tầng ý nghĩa sau đó lại trở thành cái biểu đạt mới; quá trình biểu trưng là sự chuyển biến từ tầng ý nghĩa này đến tầng ý nghĩa khác, cũng như từ ngôn ngữ này đến ngôn ngữ khác; ý nghĩa là những mã ký hiệu chuyển đổi xuất hiện trong quá trình này. Con đường của giải cấu trúc là đi tìm hướng phân tích phù hợp hơn cho những cấu trúc đã được mã hóa không ngừng trong thế giới văn hóa muôn màu này.

1.1.4.2. Trường phái Ký hiệu học Tartu-Moscow

Dựa trên lý thuyết của Mikhail Mikhailovich Bakhtin (1895-1975) về truyền thống nghiên cứu văn hóa từ hình thức, Yuri Mikhailovich Lotman (1922-1993) đã thành lập Trường phái Ký hiệu học Tartu-Moscow, với đối tượng nghiên cứu chủ yếu là Ký hiệu học văn hóa. Cùng với Vyacheslav Vsevolodovich Ivanov (1929-), Vladimir Toporov (1928-2005) và một số học giả khác, họ đã tạo nên khuôn khổ lý thuyết chung cho Ký hiệu học văn hóa.

Trường phái này cho rằng Ký hiệu học và văn hóa có một sự gắn kết chặt chẽ: “Nền tảng văn hoá được tạo thành bởi các cơ chế ký hiệu học gắn chặt, thứ nhất, với sự bảo tồn các ký hiệu và các văn bản, thứ hai, với sự luân chuyển và tái tạo của chúng và, thứ ba, với sự sản sinh các ký hiệu mới và thông tin mới.” [Lã Nguyên, 2013]. Khái niệm “Ký hiệu quyển” (semiosphere) của trường phái này đã nghiên cứu văn hóa từ góc độ của đại chúng, loại bỏ những phiền toái của Chủ nghĩa hình thức.

Văn bản là trung tâm trong hệ thống quan niệm của Ký hiệu học văn hóa, ý nghĩa của các phương pháp phân tích khác nhau tùy thuộc vào sự mô tả và diễn giải văn bản một cách phù hợp. Một phát ngôn khởi nguyên ban đầu được mã hóa bằng một ngôn ngữ thứ hai sẽ biến thành văn bản. Một văn bản đa tầng chứa các hệ thống ký hiệu khác nhau sẽ không đơn thuần là thông tin từ người phát đến người nhận mà còn liên quan đến ngữ cảnh văn hóa xung quanh nó; lúc này, chức năng giao tiếp của ký hiệu hay nói chính xác hơn là của văn bản sẽ trở nên hết sức phức tạp.

1.1.4.3. Micheal Foucault

Micheal Foucault (1926-1984) sử dụng mô thức của cấu trúc ngôn ngữ để tìm hiểu và phân tích kết cấu thống nhất của tri thức, đồng thời áp dụng cấu trúc vào trong nghiên cứu lịch sử. Công trình Les Mots et les choses: Une archéologie des sciences humaines (Từ và vật: Một khảo cổ học về các khoa học nhân văn), là lịch sử của triết học văn hóa thuộc ba giai đoạn Phục Hưng,

Khai sáng và khoảng thế kỷ XIX đến Cấu trúc luận hiện đại. Chủ đề của toàn bộ công trình chủ yếu tập trung vào mối quan hệ của ký hiệu và những đối tượng của nó. Văn hóa và lịch sử của xã hội loài người, cho dù biểu tượng của chúng hỗn loạn đến thế nào thì chúng vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi những chế định của kết cấu nội tại ẩn sâu bên trong. Foucault nhận định tư tưởng, cuộc sống, phương thức sinh tồn thậm chí cả hành vi hằng ngày của con người đều chịu sự chi phối bởi cùng một tổ chức cấu trúc.

Phân tích ký hiệu trong thời đại của Foucault đã trở thành một công cụ giải thích những yếu tố hình thái ý thức đối với các đối tượng văn hóa và tư tưởng. Foucault chú trọng kết hợp văn bản lịch sử phân tích sự áp chế cấu trúc và những biểu hiện hình thái ý thức kết hợp do quyền lực gây nên. Trong một công trình nghiên cứu về tính dục, Histoire de la sexualité (Lịch sử tính dục), Foucault nhận định rằng hiện tượng tính dục chứa đầy những quan hệ quyền lực, thậm chí nó còn phức tạp và vi diệu hơn cả những cấm kỵ, hạn chế, phủ định. Hệ thống biểu hiện của tư tưởng trong văn bản lịch sử được xem như là một hệ thống ký hiệu, thì những quan hệ quyền lực và áp chế phản ánh đằng sau nó chính là những cái được biểu đạt của hệ thống này.

1.1.4.4. Jacques Derrida

Jacques Élie Derrida (1930-2004) là người đề xuất Giải cấu trúc luận (Deconstruction) là một lý thuyết phân tích Ký hiệu học, các tác phẩm của ông được gọi là Hậu cấu trúc luận (Post-structuralism) gắn với Triết học hậu hiện đại. Đi ngược lại với lý thuyết Ký hiệu học của F. de Saussure và những nền tảng cấu trúc của Lévi-Strauss, Derrida bác bỏ quan điểm tập trung chủ yếu trong mối quan hệ giữa cái biểu đạt với cái được biểu đạt, đề cao ưu thế của ngôn ngữ và cấu trúc nhị nguyên luận mang tính ổn định, cố hữu. Derrida đề xướng phải xem xét lại cấu trúc cái biểu đạt chỉ nhằm diễn đạt cho một cái được biểu đạt cụ thể, Hậu cấu trúc luận đi sâu vào phân tích cái biểu đạt là một hệ thống của những mối quan hệ cái biểu đạt – cái được biểu đạt khác, từ đó

phá vỡ cấu trúc, đi sâu vào tìm hiểu ý nghĩa ẩn sâu bên trong cái biểu đạt, đặc biệt là trong văn bản.

Derrida đề ra lý thuyết “trì biệt” (différance, theo cách dịch của Nguyễn Duy Bình), chủ yếu chỉ ra tính cấu trúc trong quá trình hình thành văn bản. Nó cho thấy khoảng cách khác biệt giữa cái được viết ra và cái được nói ra, là sự chuyển dịch của cái biểu đạt được biểu đạt trong từng phần và không bao giờ trọn vẹn, cũng không chạm đến được cái được biểu đạt cuối cùng khi mà bản thân nó không đóng vai trò cái biểu đạt của một cái gì khác.

1.1.4.5. Umberto Eco

Umberto Eco (1932-) một mặt tập trung phân biệt hiện tượng ký hiệu và hiện tượng phi ký hiệu trong hiện tượng tự nhiên và văn hóa, mặt khác ông còn chú ý tổng hợp giữa cấu trúc nhị nguyên của F. de Saussure và phép tam phân của C.S. Peirce. Eco vay mượn khái niệm hàm nghĩa ký hiệu của L.

Hjelmslev, từ đó phát triển lý luận của mình, theo ông, quá trình biểu trưng là một hành vi đơn nhất, ảnh hưởng đơn nhất, trực tiếp liên quan đến đối tượng, sự biểu thị và ký hiệu. Từ đây có thể thấy rõ sự dịch chuyển của Eco từ quan điểm của F. de Saussure đến quan điểm của C.S. Peirce.

Eco dựa vào nguyên tắc hai mặt giữa hướng biểu thị và hướng thông tin của lý thuyết tri nhận ký hiệu học để nghiên cứu Ký hiệu học văn hóa. Ông cho rằng chỉnh thể văn hóa phải được nghiên cứu từ cơ sở hệ thống biểu trưng, ký hiệu được xem là tiềm ẩn trong sự giao tiếp giữa hai người. Cấu trúc và công năng của ký hiệu cùng với quá trình biểu trưng có mối quan hệ mật thiết, nội dung của nó có liên quan trực tiếp với quá trình biểu trưng dựa vào một bối cảnh văn hóa nhất định. Theo quan điểm của Eco, ký hiệu học không chỉ là công cụ phân tích đơn thuần mà đã trở thành một phương thức sản xuất và hình thái thực tiễn xã hội, cũng là phương thức phê phán văn hóa và xã hội.

Nghiên cứu ký hiệu của Eco đề cập nhiều đến mã ký hiệu, mã trong quan niệm của Eco trước hết mang ý nghĩa là hệ thống các quy tắc, đó không

chỉ là quy tắc bên trong hệ thống ký hiệu mà nó còn là các quy tắc của hệ thống hoàn cảnh thông tin quy ước chính hệ thống ký hiệu này. Mã ký hiệu của Eco được xem là một khái niệm mang tính ứng dụng cao, bao gồm các phạm trù cơ bản như cấu trúc nội tại, tạo mã và quá trình giải mã, quá trình biểu trưng, quá trình tạo lập văn bản.

Một phần của tài liệu Biểu tượng hòn vọng phu trong văn hóa việt nam (so sánh với văn hóa trung hoa) (Trang 30 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(164 trang)