CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.2. Khả năng giải mã biểu tượng văn hóa
1.2.2 Tính chất của biểu tượng
Vấn đề cốt lõi của Cấu trúc – ký hiệu học chính là hệ thống (system), các thành phần trong đó đều có công năng riêng của mình, cùng liên kết lại tạo thành một chỉnh thể hoàn chỉnh. Một hệ thống trước tiên phải mang tính toàn thể, trong đó các thành phần có thể thay thế cho nhau, vì trạng thái của hệ thống đều là tạm thời. Hệ thống có khả năng tạo ra cấu trúc chính là do cấu trúc bề mặt có thể thay đổi dưới sự điều tiết của cấu trúc bề sâu.
C. Lévi-Strauss dựa trên tính hệ thống đã đưa ra định nghĩa về cấu trúc như sau:
Trước tiên, cấu trúc trưng ra các đặc trưng của một hệ thống. Hệ thống được tạo thành từ nhiều thành phần, bất kỳ sự thay đổi nào cũng có thể dẫn đến sự thay đổi của các thành phần khác.
Thứ hai, đối với mỗi kiểu thức đều có một khả năng sắp xếp một loạt những chuyển đổi sản sinh trong một nhóm kiểu thức của cùng một loại hình.
Thứ ba, những tính chất trên khiến cấu trúc có thể dự đoán được kiểu thức sẽ phản ứng như thế nào nếu một hoặc nhiều thành phần của nó có những thay đổi nhất định.
Cuối cùng, sự hình thành kiểu thức sẽ khiến tất cả những sự vật có thể quan sát được đều trở thành có thể lý giải được.
[Lévi-Strauss, C. 1963 : 279]
Định nghĩa trên, thực tế nhấn mạnh biểu đạt biểu tượng buộc phải dựa vào hệ thống, nếu không thì khó có thể truyền tải và giải thích được.
1.2.2.2. Tính tri nhận
Thế giới khách quan chính là cơ sở của thế giới ký hiệu, phú cho con người khả năng biểu trưng hóa mọi sự vật hiện tượng, phàm sự vật hiện tượng nào được xem là có ý nghĩa đều trở thành ký hiệu. Để tiến hành quá trình biểu trưng hóa, con người trước tiên phải có nhu cầu tri nhận (congnition). Đối tượng của chủ thể tri nhận (con người) chính là khách thể, chủ thể có thể tiếp cận đầy đủ với khách thể nhưng tuyệt nhiên không nên xem khách thể tri nhận là mục đích cuối cùng. Mục đích của tri nhận là quá trình biểu trưng khách thể tồn tại trong bộ não con người, sau đó tạo lập biểu tượng và biểu đạt biểu tượng ra bên ngoài. Cuối cùng, một quá trình biểu trưng hoàn thiện cũng nhằm cung cấp tri thức cho con người, từ đó đi tìm hiểu những ý nghĩa đằng sau sự vật hiện tượng.
Mọi hoạt động tri nhận của con người đều không nằm ngoài biểu tượng, trong đó cái biểu đạt với vai trò là cái truyền tải thông tin của đối tượng trở thành trung gian cơ bản và phổ biến nhất. Giữa biểu đạt và nội dung luôn có mối quan hệ mật thiết và con người từ cái biểu đạt để tìm hiểu về nội dung chính là quá trình tri nhận.
Tri nhận cũng không phải là hành vi mang tính đơn lẻ, đó là một quá trình tích lũy liên tục lâu dài; sự tích lũy của cá nhân trở thành kinh nghiệm, sự tích lũy của tập thể trở thành văn hóa. Tri thức thuộc các hệ thống biểu tượng trong ngôn ngữ, tôn giáo, khoa học, lịch sử, v.v… đều là kết quả quá trình tri nhận của con người. Biểu tượng là công cụ để ghi chú lại lịch sử, lưu lại tất cả kinh nghiệm, tri thức trong đời sống con người truyền lại cho thế hệ sau, tạo nên ký ức cộng đồng.
1.2.2.3. Tính giao tiếp
Giao tiếp (communication) là quá trình sản sinh ra tin tức, truyền dẫn và tiếp thu, từ đó hình thành nên khái niệm của con người. Cả động vật và người đều có giao tiếp, nhưng giao tiếp của động vật là hành vi bản năng, còn giao tiếp của con người là hành vi biểu tượng. Vì thế, con người không thể giao tiếp nếu không có ký hiệu và biểu tượng, hay nói cách khác, con người là động vật giao tiếp bằng ký hiệu.
Con người thông qua giao tiếp khiến cho ý niệm của chúng ta được sản sinh và duy trì; một sự vật hiện tượng trong một hoàn cảnh đặc định, thông qua giao tiếp bằng ký hiệu sẽ duy trì nội dung ý nghĩa đằng sau nó; nhưng có lúc cũng là sự vật hiện tượng đó trong một hoàn cảnh khác khi tiến hành giao tiếp sẽ tạo ra những ý niệm khác nhau. Thông qua giao tiếp, con người sẽ cùng chia sẻ thông tin, mỗi người sẽ truyền đạt thông tin khác nhau, tạo thành những thông tin chung cho cả cộng đồng.
Giao tiếp giúp con người điều tiết những hành vi biểu tượng trong cùng một xã hội, cùng tạo ra những quy ước, luật lệ chung nhằm giữ gìn trật tự ổn
định xã hội. Con người tồn tại trong xã hội có rất nhiều mối quan hệ, tạo thành một mạng lưới xã hội; ngoài việc điều tiết những mối quan hệ trong nội bộ còn phải điều tiết những mối quan hệ ngoài mạng. Nếu một mối quan hệ bị đổ vỡ sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến trật tự của cả mạng lưới, do đó giao tiếp sẽ giúp con người tự điều tiết hành vi biểu tượng chủ động hoặc bị động nhằm giữ cho các mối quan hệ hài hòa.
Giao tiếp cũng mang tính di truyền, mọi hành vi giao tiếp của con người đều nằm trong thế giới biểu tượng, do đó có thể học tập và truyền thừa.
Hoàn cảnh khách quan và truyền thống văn hóa mà người học tập sinh sống cũng như truyền thừa hành vi giao tiếp có mối quan hệ mật thiết, mỗi nền văn hóa muốn hiểu được nhau cũng như để người sau hiểu rõ văn hóa của người đi trước thì phải thông qua quá trình giao tiếp từ biểu đạt đến việc lý giải, cũng chính là quá trình tạo ra mã văn hóa và giải mã văn hóa.
1.2.2.4. Tính đồng đại và lịch đại
Nghiên cứu tính đồng đại là yếu tố thời gian mà F. de Saussure quan tâm, đồng thời các học giả theo Cấu trúc luận cũng ưu tiên sử dụng phân tích đồng đại, vì họ xem những ý nghĩa trong quá khứ của đối tượng nghiên cứu có thể sẽ không còn hữu dụng để lý giải nó ở thời hiện tại. Mỗi một hệ thống đều biến đổi theo thời gian, để nghiên cứu tính đồng đại, phương pháp sử dụng là trong một khoảng thời gian đã định, xem xét mối quan hệ giữa các yếu tố cấu thành hệ thống với nhau và giữa bộ phận với chỉnh thể mà tạm thời không quan tâm đến quá khứ biến đổi của nó. R. Barthes đã đưa một ví dụ như thế về thời trang trong Système de la Mode: “Tính đồng đại của thời trang là mỗi năm đều biến đổi không ngừng, nhưng trong thời gian một năm thì nó tuyệt nhiên ổn định” [Barthes, R. 2000 : 8].