Về “cái biểu đạt” và “cái được biểu đạt”

Một phần của tài liệu Biểu tượng hòn vọng phu trong văn hóa việt nam (so sánh với văn hóa trung hoa) (Trang 99 - 104)

CHƯƠNG 3 HÒN VỌNG PHU Ở VIỆT NAM TRONG SO SÁNH VỚI HÒN VỌNG PHU Ở TRUNG QUỐC

3.1. Hòn Vọng Phu ở Trung Quốc

3.1.2. Về “cái biểu đạt” và “cái được biểu đạt”

3.1.2.1. Đặc điểm truyền thuyết Vọng Phu Trung Hoa

Trong truyền thuyết dân gian Trung Hoa, đề tài Vọng Phu có thể xem là có lịch sử lâu đời và sức truyền bá rộng, thường có liên hệ với một danh lam thắng cảnh cụ thể. Nơi đó nổi danh nhờ truyền thuyết Vọng Phu, và truyền thuyết Vọng Phu nhờ đó lại được lưu giữ trong chính vật truyền tải ấy. Mọi cốt truyện đều dựa vào hai motif chính là “vợ chồng chia ly” và “trông chồng đến hóa đá”, kết cục mang màu sắc bi kịch ấy đã góp phần đưa những người phụ nữ với tấm lòng chung thủy trong tình yêu đến cảnh giới cao nhất, trở thành một hình tượng bất diệt về tình yêu.

Văn học dân gian là nghệ thuật ngôn từ, là sáng tác tập thể của nhân dân vì thế nó tồn tại trong trí nhớ của nhân dân, mang tính lưu truyền đời này sang đời khác thông qua kênh truyền miệng, và cũng vì thế nên câu chuyện luôn biến hóa với các mức độ khác nhau phản ánh đặc trưng đời sống của từng khu vực.

Xuất phát từ trung tâm huyện Vũ Xương được ghi chép trong Liệt dị truyện, truyền thuyết đá Vọng Phu được lưu truyền khắp về các hướng, phổ biến nhất vẫn là lưu vực sông Trường Giang. Trên toàn bộ hệ thống đông nam của dòng sông đổ ra biển, hầu như địa phương nào cũng tồn tại một truyền thuyết đá Vọng Phu. Tuy nhiên theo thời gian, dù vẫn dựa trên các motif chủ yếu “vợ chồng chia ly” và “trông chồng đến hóa đá”, nhưng thực tế đã tồn tại rất nhiều dị bản khác nhau.

Truyền thuyết Vọng phu Trung Hoa lấy hình mẫu từ nàng Nữ Kiêu, nàng trông chồng đến hóa đá, sau đó từ đá lại sinh Khải. Người hóa thành đá, đá lại hóa sinh ra người là một motif hóa thân phổ biến trong thần thoại thời kỳ xã hội nguyên thủy ở Trung Quốc. Đá trong xã hội nguyên thủy được xem là vật tổ của người dân thời Hạ (khoảng thế kỷ XXI-XVI TCN), theo họ, đá có một mối quan hệ tương thông, liên huyết đối với con người. Đá đã từng là vật

tổ, theo đà phát triển của xã hội, vật tổ này dần tiêu vong, nhưng tư duy người và đá hóa thân lẫn nhau vẫn tồn tại trong tư duy của dân tộc, trở thành một vô thức tập thể và được kế thừa bởi nhiều thế hệ, từ đó tạo ra một cổ mẫu tâm lý cho truyền thuyết Vọng Phu Trung Hoa.

“Thế lớn trong thiên hạ, cứ tan lâu rồi lại hợp, hợp lâu rồi lại tan…”14. Câu trích này trong Tam Quốc diễn nghĩa đã thể hiện hình ảnh đất nước Trung Quốc trong suốt chiều dài lịch sử là những lần thống nhất rồi tan rã, tan ra rồi lại thống nhất. Chính những lần tan hợp ấy ít nhiều đã tạo nên những cảnh ly tán, những cuộc chiến tranh và đương nhiên là đưa truyền thuyết này đến với địa phương khác dưới một màu sắc mới. Bên cạnh nhân vật người chồng đi chinh chiến, còn có các người chồng ra đi vì vai trò khác như người chồng ra đi vì kế sinh nhai, vì cứu giúp dân lành hay cá biệt là vì lý do trở thành thần tiên, v.v… Và dù có chia ly vì bất cứ lý do gì, họ đều để lại sau lưng hình bóng một người phụ nữ, một gia đình với con nhỏ ngày đêm đều trông ngóng chàng trở về.

Hình 3-1 Đá Khải Mẫu ở

Đồ Sơn, An Huy, Trung Quốc

Hình 3-2 Đá Vọng Phu ở Hồng Kông, Trung Quốc

Hình 3-3 Đá Vọng Phu ở Điện Bạch, Quảng Đông, Trung Quốc (Nguồn: http://www.cky8.com

/archives/5011.html)

(Nguồn: www.panoramio.

com/photo/24528827)

(Nguồn: http://photo.poco.cn/

lastphoto.htx&id=1140686&p=0)

3.1.2.2. Hôn nhân và gia đình Trung Quốc truyền thống

Việc đại sự trong đời một người Trung Quốc thường không nhiều, trong đó việc hôn nhân có thể nói là sự việc trọng đại nhất, quyết định đến hạnh phúc của nửa đời người còn lại, không những thế, hôn nhân còn là việc lớn của cả hai họ. Người Trung Quốc xưa khi đến lúc hôn nhân đại sự đều phải trải qua rất nhiều trình tự và quy định khác nhau.

Thực tế xã hội truyền thống Trung Quốc, việc hôn nhân đại sự nhiều lúc không phải là do hai đương sự quyết định mà đa phần là “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, mọi sự đều do cha mẹ quyết định thông qua sự se duyên của bà mai. Cũng do sự định đoạt ấy, nhiều cuộc hôn nhân dù không có tình cảm vẫn phải sống với nhau, bên cạnh đó đời sống vợ chồng phải trải qua dưới nhiều quy tắc nghiêm ngặt, khắt khe. Hôn nhân trong xã hội xưa, mục đích hoàn toàn là nhằm hoàn thành nghĩa vụ Hiếu với cha mẹ. Hôn sự do cha mẹ quyết định thường đều do những nguyện vọng riêng của hai họ, tiếp nữa là sinh con đẻ cái để nối dõi, hoàn thành tâm nguyện của song thân.

Khi đã lập gia đình, trách nhiệm “nối dỗi tông đường” chiếm địa vị rất quan trọng trong một gia đình Trung Quốc. Mục đích của hôn nhân là sinh con đẻ cái nên việc con cái trở thành trung tâm trong đời sống sinh hoạt gia đình là điều hiển nhiên. Người phụ nữ khi đã có con thì mọi hạnh phúc cũng như kỳ vọng của bản thân đều chuyển hết vào đấy. Một người phụ nữ được đánh giá cao trong xã hội là một người “vợ hiền mẹ tốt”, trách nhiệm nuôi dạy con chung quy đều thuộc về người mẹ. Con cái luôn là tất cả với bố mẹ.

Truyền thống Trung Quốc xét về việc ly dị đều dựa trên cơ sở nhận xét của người chồng đối với người vợ, chỉ có chồng mới có quyền ly dị vợ chứ vợ không thể làm ngược lại. Vì thế sau khi chồng chết, người phụ nữ hoặc là sống tiếp đời sống góa phụ, hoặc là tuẫn tiết theo chồng. Người chồng ra đi không trở lại, không rõ sống chết, thì dù họ là hôn nhân không tình yêu hoặc đến với nhau chân thành thì nàng vẫn phải là người đợi chờ, không có lối nào khác.

Thực tế xã hội Trung Quốc là thế, nhưng văn học ngoài việc phản ánh thực tế xã hội cũng lại là nơi để tác giả gửi gắm những nguyện vọng của cá nhân. Văn học dân gian là sáng tác của tập thể, khi sống trong một xã hội với quá nhiều trói buộc lễ nghi, đôi khi hành động dám phá vỡ những quy tắc, hủ tục lại được đông đảo quần chúng ủng hộ và ca tụng, đặc biệt là người phụ nữ.

Khát khao tình yêu tự do và tinh thần trung trinh của nữ giới là đề tài rất phổ biến trong văn học dân gian Trung Quốc; những tiên nữ, thôn nữ, khuê nữ đài các hay thậm chí cả ma nữ đều khao khát tìm được một tình yêu dù phải rơi lệ cũng không hối hận, một tình yêu đậm sâu, sống chết vẫn có nhau.

Trong truyền thuyết Vọng Phu, hai vợ chồng có tình cảm sâu đậm, những dằn vặt trong nội tâm cùng với nỗi nhớ thương day dứt, sự mơ hồ về sự sống chết của chàng càng thôi thúc nàng ngày đêm lên núi ngóng trông tin chồng. Chính sự mơ hồ đó đã tạo nên tâm lý bi thương cùng cực cho người phụ nữ. Hình tượng người con, là tất cả hy vọng của mẹ, cũng hóa đá theo mẹ như nhấn mạnh nỗi đau ly tán, một gia đình hoàn toàn tan vỡ, một nỗi đau lên đến đỉnh điểm.

3.1.2.3. Ý nghĩa của biểu tượng Vọng Phu Trung Hoa

Chia ly là chủ đề quan trọng trong văn học Trung Hoa, cũng là một hiện tượng điển hình thường xuyên xuất hiện trong tiến trình lịch sử của dân tộc này. Thể loại truyền thuyết Vọng Phu là một biểu hiện của chủ đề chia ly trong văn học dân gian, thể hiện truyền thống văn học lãng mạn và tính trừu tượng ẩn dụ trong văn học Trung Hoa. Tình yêu cũng là đề tài vĩnh hằng của nhân loại, phổ biến đông tây kim cổ. Tình cảnh gây cảm động nhất trong thơ văn có lẽ chính là hình ảnh hai vợ chồng mỗi người mỗi nơi, dù cho hoàn cảnh có ác liệt thế nào vẫn quyết không thay lòng đổi dạ, mãi chung thủy, trung trinh là tình yêu cao đẹp nhất được nhiều người ca tụng. Hạt nhân của truyền thuyết Vọng Phu là tình yêu đôi lứa, vì giữ lời thề mà hóa đá là một đề tài phổ biến trong văn học về tình yêu.

Với chủ trương dùng văn học như là con thuyền để chở đạo, những quan niệm đạo đức nhân sinh của Trung Hoa đều được truyền vào trong các tác phẩm văn học. Liệt dị truyện có đề cập đến hai chữ “trinh phụ”, sở dĩ

“trinh” ở đây chính là dùng để chỉ người phụ nữ trong xã hội phong kiến biết giữ tiết hạnh; dù chồng có gặp phải chuyện gì thì người phụ nữ đều phải có trách nhiệm thủ tiết trông chờ, dù chồng có qua đời vẫn quyết không tái giá.

Vì thế mỗi đá Vọng Phu của Trung Quốc đều là một tấm gương sáng đề cao sự hy sinh, đức hạnh của người phụ nữ.

Mặt khác, xét trên góc độ hiện đại, “trinh” cũng chính là một cái khóa đẹp đẽ vô hình ràng buộc những người phụ nữ sống trong xã hội phong kiến.

Trong những giá trị và quan niệm về nữ tính hiện đại Trung Quốc, họ cho rằng phụ nữ xưa đã phụ thuộc tuyệt đối vào người chồng, họ đã mong chờ với một kỳ hạn là vô hạn, đánh mất cả bản thân. Ngày này chờ qua ngày khác, cuối cùng họ cũng được người đời ca tụng là những “trinh tiết liệt nữ”, nhưng đồng thời, họ đã trở thành những hòn đá vô tri. Thư Đình có lẽ là nữ tác giả Trung Quốc đầu tiên đi ngược lại hình ảnh chờ đợi ấy, thay đổi quan niệm vọng phu truyền thống Trung Hoa, thể hiện trong bài thơ Thần nữ phong15:

[…] 但是,心 真能变成石头吗

[…] 与其在悬崖上展览千年 不如在爱人肩头痛哭一晚。

Tạm dịch:

[…] Nhưng, tâm

Liệu thật sự có thể hóa đá

[…] Thay vì đứng khoe mình trên đỉnh núi ngàn năm Chẳng thà một đêm thương khóc trên vai người mình yêu.

15 Thư Đình: 舒婷;《神女峰》(Thần nữ phong). – Liên kết:

http://baike.baidu.com/subview/60242/11121776.htm

Đời sống xã hội truyền thống Trung Quốc cũng là một điều kiện để biểu tượng đá Vọng Phu phát triển. Xã hội Trung Quốc chú trọng mô thức người nam chủ trì việc xã hội còn người nữ chủ việc gia đình. Trong hình thái xã hội ấy, thân phận người phụ nữ phải chịu nhiều ràng buộc trong những gia quy nghiêm khắc, ngày ngày đều thu mình trong gia đình, như chim lồng cá chậu, không thể ngao du sơn thủy hoặc kết giao bạn bè như người chồng của mình. Có thể nói phụ nữ Trung Hoa xưa như tách biệt khỏi xã hội bên ngoài, đến việc tiếp xúc còn khó khăn thì không nói chi đến việc tham gia sản xuất.

Mẫu hình phụ nữ điển hình, là mẫu phụ nữ ký thác mọi ước nguyện bản thân lên gia đình mình, vì thế trông chờ chồng trở về là một lẽ đương nhiên.

Hai con người đến được với nhau đều phải kinh qua bao gian nan thử thách, nay gặp phải cảnh ly biệt thì liệu có chia ly dễ dàng? Biệt ly là một đề tài rất được chú ý trong thơ văn Trung Quốc. Khi so sánh bên cạnh bốn truyền thuyết kinh điển về nỗi đau chia ly của Trung Quốc là “Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài”, “Mạnh Khương nữ”, “Ngưu lang Chức nữ”, “Thanh xà bạch xà”, có lẽ truyền thuyết Vọng Phu mang màu sắc bi thương nhất. Nàng không hóa kiếp thành đôi bướm như Lương Chúc, cũng không đủ mạnh mẽ đến “khóc đổ Trường Thành” như nàng Mạnh Khương, nhưng nàng lại mang một nỗi đau dai dẳng nhất, chỉ biết chờ đợi trong đau khổ, hóa thành hòn đá cô đơn, ngàn năm vẫn trơ trọi với nắng mưa.

Một phần của tài liệu Biểu tượng hòn vọng phu trong văn hóa việt nam (so sánh với văn hóa trung hoa) (Trang 99 - 104)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(164 trang)