CHƯƠNG 3 HÒN VỌNG PHU Ở VIỆT NAM TRONG SO SÁNH VỚI HÒN VỌNG PHU Ở TRUNG QUỐC
3.2. Những tương đồng và khác biệt giữa hai biểu tượng Hòn Vọng Phu
Truyền thuyết đá Vọng Phu bắt nguồn từ khu vực nam Trung Hoa và bắc Việt Nam, xưa kia là lãnh thổ của cư dân Bách Việt. Trong suốt thời kỳ cổ, trung và cận đại, truyền thuyết đá Vọng Phu vẫn không vượt sang mạn bắc sông Trường Giang, những truyền thuyết vùng đất phía bắc Trung Hoa đều được thêu dệt thêm trong giai đoạn sau này. Biểu tượng Hòn Vọng Phu của Việt Nam tiêu
biểu nhất chính là chuyện nàng Tô Thị, là truyền thyết của vùng đất Lạng Sơn, nơi địa đầu tổ quốc, chung đường biên giới với Quảng Tây, Trung Quốc.
Điều này thể hiện rằng, biểu tượng Vọng Phu khởi nguồn từ những vùng đất mang tính nông nghiệp điển hình khác với du mục phương Bắc, những vùng đất từng là nơi chiến địa khốc liệt, cuộc sống lầm than. Phải từ bối cảnh như thế mới khiến cho người phải ra đi, người phải ở lại trông chờ.
Xét các tình tiết của truyền thuyết Vọng Phu Việt Nam, có thể dễ dàng nhìn thấy rất nhiều điểm tương đồng giữa bối cảnh văn hóa Việt Nam và vùng nam Trung Hoa. Ở Trung Quốc địa phương đầu tiên xuất hiện truyền thuyết Vọng Phu là huyện Tân, Vũ Xương; trong Lĩnh Nam chích quái thì Hòn Vọng Phu cũng ở huyện Vũ Xương, Thuận Hóa. Hai địa danh Vũ Xương nơi đây không phải là một, những dễ khiến người khác liên tưởng đến sự trùng hợp. Tô Văn trong thuyết của Việt Nam cũng được một người Trung Quốc buôn thuốc Bắc nhận nuôi.
Đứng trên góc độ giao lưu văn hóa, có những thành tố là tương tự nhau do sự tương đồng trong văn hóa, từ đó mới cải biến và phát triển thành những tình cảm và ý niệm riêng của mỗi dân tộc. Trong quan niệm về tình yêu, nền tảng hôn nhân gia đình cả hai quốc gia đều có một cái nhìn tương đối về vai trò của người phụ nữ dựa trên những đặc điểm tâm lý, quan điểm đạo đức ảnh hưởng qua lại.
Về lý do ra đi của người chồng, cả hai quốc gia đều có những điểm chung, từ người chồng chiến binh, người chồng ngư dân đến người chồng thương nhân đi làm ăn xa. Đấy là do cả hai xã hội đều trải qua những tiến trình lịch sử giống nhau. Đá Vọng Phu phổ biến ở miền Nam hơn miền Bắc Trung Quốc, có lẽ là do những người từng bị xâm chiếm mới hiểu rõ được bản chất của sự xâm chiếm, hiểu rõ hết được vô vàn đau thương, tang tóc mà chiến tranh mang lại cũng như những hệ quả dai dẳng mà nó để lại cho xã hội.
3.2.2. Motif truyện
Giữa hai cốt truyện truyền thuyết Hòn Vọng Phu của Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng, đặc biệt là trong những motif chủ đạo. Trước tiên, truyền thuyết của cả hai quốc gia đều có hai nhân vật nam nữ chung sống hạnh phúc, sau vì một lý do nào đó phải rời xa quê hương, mất hết liên lạc, nhân vật nữ vì nhớ thương mà ngày ngày ngóng trông đến hóa thành đá.
“Vọng Phu” ở Trung Hoa chỉ là một cách xưng hô theo thói quen, hai nhân vật chính trong truyện không nhất thiết là vợ chồng, có thể họ chỉ dừng lại mức độ một đôi nam nữ yêu nhau. Còn trong những truyền thuyết ở Việt Nam thì đó chắc chắn là hai vợ chồng. Nếu hai người chỉ dừng ở mức độ tình cảm lứa đôi, chưa trở thành vợ chồng thì sẽ chưa có gì là chắc chắn, không có sự ràng buộc nào, chia ly có thể là điều hiển nhiên. Khi đã nên vợ chồng, đặc biệt là sau khi sinh con, khi người con chính là sợi dây ràng buộc hai người, chia ly là một điều vô cùng khó khăn. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều quan niệm hình ảnh gia đình hạnh phúc là phải đầy đủ cha mẹ và con. Có lẽ nhằm nhấn mạnh nỗi đau của sự chia ly, hình ảnh người con không bao giờ tách rời trong các phiên bản truyền thuyết Vọng Phu Việt Nam.
Truyền thuyết Vọng Phu thuộc thể loại bi kịch, cả hai quốc gia đều cho rằng đây là đề tài bi kịch trong hôn nhân, một bi kịch mang tính chất đau thương nhất, nhưng khi xét về bản chất của bi kịch thì cả hai lại đối ngược nhau. Vọng Phu Trung Quốc là bi kịch hình thành từ xã hội, còn bi kịch của Vọng Phu Việt Nam hình thành từ xã hội và số phận nhân vật.
Trung Quốc địa vực rộng lớn, trong bối cảnh xã hội phương tiện liên lạc thô sơ thì nếu có chia xa thì cơ hội gặp lại nhau là rất mong manh, và điều này cũng không phải hiếm trong văn học và đời sống Trung Quốc. Một số truyền thuyết xây dựng hình tượng nhân vật người vợ xinh đẹp và vì thế bị bọn cường hào dùng mọi cách hãm hại người chồng để chiếm đoạt nàng. Khoảng cách giàu nghèo trong xã hội cũng như sự chuyên quyền, hủ bại của những tên quan tham và nhà giàu bất nhân đã làm đảo lộn cuộc sống gia đình họ.
Lãnh thổ Việt Nam trong nhiều thế kỷ chỉ gói gọn trong khu vực Bắc và Bắc Trung Bộ, nếu có loạn lạc thì cơ hội được gặp lại nhau rất cao. Vậy tại sao người chồng lại không trở về mà cũng không hề có bất kỳ thông tin gì? Người chồng không trở về này là do bi kịch của số phận. Hai người là anh em, anh cho rằng đã phạm phải điều loạn luân và sẽ gặp phải những dị nghị của dư luận lẫn những dằn vặt, day dứt từ góc độ lương tâm. Rõ ràng trong trường hợp nếu có cùng vợ đi đến nơi khác sinh sống thì anh cũng không vượt qua được lương tâm của mình. Vì thế người chồng quyết định ra đi mãi mãi để một mình gánh chịu tấn bi kịch do số phận sắp đặt.
Trên quan điểm của những nhà nghiên cứu Trung Quốc, Việt Nam đã tiếp biến thuyết đá Vọng Phu của Trung Quốc. Xét về mặt motif, nếu có tiếp biến thì đó chỉ là tiếp biến những đạo lý luân thường của Nho gia, chữ Trung chữ Hiếu với đất nước nhân dân, hạ thấp giá trị của người phụ nữ, nền giáo dục hà khắc ép buộc con người phải ra đi khi không muốn chịu tủi nhục của loạn luân. Ngoài những tình tiết đó, hầu như tình yêu và trách nhiệm nghĩa vụ đối với gia đình của người phụ nữ đều mang tính phổ quát, không của riêng một dân tộc nào, chỉ là tùy thuộc mức độ cao hay thấp mà thôi.
3.2.3. Sức sống của hai biểu tượng
Truyền thuyết phản ánh thực tế xã hội đương thời, thể hiện những điều dân gian muốn gửi gắm vào các truyện để lưu truyền lại cho đời sau. Thực tế xã hội Việt – Trung có nhiều điểm khác biệt, được thể hiện trong những cốt truyện Vọng Phu và sức sống ở hai quốc gia.
Xã hội truyền thống Trung Quốc xem gia đình là đơn vị cơ bản nhất của xã hội; thân phận, địa vị, danh dự, quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của một con người đều liên hệ đến gia đình hoặc gia tộc của người đó. Một cá nhân tách rời khỏi gia đình thì sẽ không còn tính xã hội, ví như một người “xuất gia” thì sẽ cắt đứt liên hệ với gia đình và không còn vương vấn hồng trần, thoát ly khỏi xã hội. Truyền thống Nho giáo Trung Hoa, gia đình gắn liền với tổ quốc, là một
“quốc gia”. Gia đình và quốc gia quy về một mối, việc công việc tư khó phân định. Chỉ cần việc đó không vì lợi ích cá nhân mà là vì lợi ích tập thể, thì dù việc lớn việc nhỏ thế nào cũng đều mang tính “hợp pháp”. Tuy nhiên văn hóa Trung Hoa lại có đặc trưng là dù “công tư bất phân” nhưng “nội ngoại hữu biệt”, phân biệt rõ ràng giữa chủ và khách. Chính những phân biệt đó mà gây nên những cuộc chiến “giả công tế tư” phi nghĩa, vì thù riêng nhưng núp bóng việc tư để chống lại những tộc người ngoại Hán.
Cấu trúc xã hội ấy đã tạo ra con người Trung Quốc đặt chữ Trung lên hàng đầu, gọi là Trung với nước nhưng thực tế quyền lực nằm trong tay một người quân. Trái lại xã hội Việt Nam chữ Nghĩa được đề cao, Nghĩa là nghĩa với đất nước, nghĩa với đồng bào, với dân tộc, đó chính là tiêu chuẩn đạo đức của xã hội, là lý tưởng sống của đời người. Chính bối cảnh xã hội ấy đã tạo nên những người chồng dù chung hoàn cảnh ra đi nhưng lại mang nỗi niềm khác nhau.
Hòn Vọng Phu hiện diện ở cả hai quốc gia, nhưng phải đến Việt Nam thì đây mới thật sự là môi trường thuận lợi để phát triển. Như một vô thức tập thể, khi gặp ở đâu có những hòn đá lớn mang dáng dấp mẹ bồng con thì lại liên tưởng đến biểu tượng Hòn Vọng Phu. Những truyền thuyết về Vọng Phu ở Trung Hoa cùng với danh thắng gắn liền với thuyết đó đều chỉ có tác dụng là địa điểm du lịch hoặc nơi gặp gỡ của những đôi yêu nhau. Còn ở Việt Nam, biểu tượng Hòn Vọng Phu đã phát triển lên tầm cao mới, không cần vật truyền tải nhưng vẫn có thể bảo toàn ý niệm vọng phu không thay đổi từ bao đời nay; đồng thời biểu tượng còn đi sâu vào các khía cạnh của cuộc sống, là ý chí tư tưởng, nói đúng hơn là biểu tượng tâm hồn cho những người phụ nữ có chồng xa nhà.
Ngày nay ở Trung Quốc đã có tác giả phê phán cách đợi chờ của nàng Vọng Phu, nghi ngờ liệu giá trị đó có còn cần thiết trong thời kỳ hiện đại. Ấy là do tâm thức chờ đợi của họ không như Việt Nam. Biểu tượng Hòn Vọng Phu ở Việt Nam không hề phai nhạt theo thời gian, có lẽ là đất nước đã kinh qua chiến
tranh, hiểu rõ giá trị của hòa bình, những người vợ ngoài mong cầu đoàn viên còn nguyện ước chiến tranh sẽ không tái diễn trên mảnh đất đau thương này.