CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ ĐÊ TÀI NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC XÂY DỰNG VÀ SỬ DỤNG BẢN ĐỒ TƯ DUY
1.2. Khái quát về bản đồ tư duy
1.2.2. Đặc điểm cấu trúc của Bản đồ tư duy
Không giống như cách viết thông thường, Bản đồ tư duy không xuất phát từ trái sang phải và từ trên xuống dưới theo kiểu truyền thống. Thay vào đó Bản đồ tư duy được vẽ, viết và đọc theo hướng bắt nguồn từ trung tâm di chuyển ra phía ngoài và sau đó là theo chiều kim đồng hồ. [3].
Bản đồ tư duy có cấu tạo như một cái cây có nhiều nhánh lớn, nhỏ mọc xung quanh. "Cái cây" ở giữa bản đồ là một ý tưởng chính hay hình ảnh trung tâm. Nối với nó là các nhánh lớn thể hiện các vấn đề liên quan với ý tưởng chính. Các nhánh lớn sẽ được phân thành nhiều nhánh nhỏ, rồi nhánh nhỏ hơn, nhánh nhỏ hơn nữa nhằm thể hiện chủ đề ở mức độ sâu hơn. Sự phân nhánh cứ thế tiếp tục và các kiến thức, hình ảnh luôn được nối kết với nhau. Sự liên kết này tạo ra một "bức tranh tổng thể" mô tả
ý tưởng trung tâm một cách đầy đủ và rõ ràng.
Từ đặc điểm trên cho thấy cấu trúc của Bản đồ tư duy gồm các bộ phận sau:
- Từ khóa: nằm ở vị trí trung tâm, từ khóa thể hiện một khái niệm, một chủ đề, một nội dung chính hay một ý tưởng. Từ khóa đôi khi không thể hiện bằng chữ viết mà thể hiện bằng một hình ảnh đặc trưng nhất.
Ví dụ: Từ khóa hình bên
- Nhánh chính: đây là những tiêu đề chính hoặc các chủ đề cấp 1 liên quan trực tiếp đến chủ đề, đến khái niệm, đến nội dung từ khóa.
Ví dụ: Các nhánh chính của từ khóa hình dưới đây
- Nhánh phụ: xuất phát từ các nhánh chính, tiếp tục phát triển đến các tiểu chủ đề cấp 2, cấp 3,... có liên quan đến nhánh chính.
Ví dụ: Các nhánh phụ của nhánh chính 1 hình dưới đây
- Nhánh chi tiết: đây là những nhánh cuối cùng, có nhiệm vụ chứng minh, giải thích hoặc minh họa, làm rõ cho các nhánh phụ. Nhánh chi tiết góp phần tạo nên sự hoàn thiện của bức tranh tổng thể.
Ví dụ: Các nhánh hỗ trợ và chi tiết của nhánh 1 hình dưới đây
1.2.3. Ý nghĩa của Bản đồ tư duy trong dạy học
Bản đồ tư duy là một công cụ vô giá. Đó là một công cụ có giá trị đặc biệt đối với những nhóm đến từ những nền văn hóa, ngôn ngữ và trình độ học vấn khác nhau.
Bằng cách kết hợp từ khóa với hình ảnh, nó đề cập đến sự đa trí tuệ, làm cho những cuộc đối thoại giao thoa văn hóa trở nên dễ dàng hơn. [4]
So với các cách thức ghi chép truyền thống, thì phương pháp bản đồ tư duy có những điểm vượt trội như sau:
- Ý chính sẽ ở trung tâm và được xác định rõ ràng.
- Quan hệ hỗ tương giữa mỗi ý được chỉ ra tường tận. Ý càng quan trọng thì sẽ nằm vị trí càng gần với ý chính.
- Liên hệ giữa các khái niệm then chốt sẽ được tiếp nhận lập tức bằng thị giác.
- Ôn tập và ghi nhớ sẽ hiệu quả và nhanh hơn.
- Thêm thông tin (ý) dễ dàng hơn bằng cách vẽ chèn thêm vào bản đồ.
- Mỗi bản đồ sẽ phân biệt nhau tạo sự dễ dàng cho việc gợi nhớ.
- Các ý mới có thể được đặt vào đúng vị trí trên hình một cách dễ dàng, bất chấp thứ tự của sự trình bày, tạo điều kiện cho việc thay đổi một cách nhanh chóng và linh hoạt cho việc ghi nhớ.
- Có thể tận dụng hỗ trợ của các phần mềm trên máy tính.
- Bản đồ tư duy là phương tiện để học sinh phát huy năng lực trong quá trình học tập.
a. Truyền đạt thông tin
Bản đồ tư duy có chức năng truyền đạt thông tin rất tốt. Nó có thể chuyển tải một lượng thông tin khổng lồ từ một văn bản viết tay hay một lát cắt của văn bản thành một sơ đồ rất đơn giản nhưng có ý nghĩa quan trọng. Thông tin trên Bản đồ tư duy đòi hỏi phải chính xác, ngắn gọn, súc tích, bao hàm toàn bộ nội dung một vấn đề, chúng có mối liên hệ chặt chẽ, không thể tách rời nhau. Thông tin được thể hiện theo từng cấp độ, thứ bậc và có tính minh họa rất tốt. Thông tin trong Bản đồ tư duy được trình bày ở dạng thức cô đọng nhất với sự hỗ trợ của hình ảnh, màu sắc.
Những tác dụng của Bản đồ tư duy trong truyền đạt thông tin giúp người đọc tiếp cận tri thức một cách hứng thú từ đó hướng tới một phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả.
b. Hỗ trợ trí nhớ
Trí nhớ được tạo thành bằng cách liên kết từng mảng thông tin với nhau. Hay nói một cách cụ thể hơn, việc ghi nhớ một thông tin mới chỉ đơn giản là liên kết thông tin đó với một thông tin khác chúng ta đã biết. Bản đồ tư duy đã thể hiện ra bên ngoài cách thức mà não bộ chúng ta hoạt động, đó là liên kết và liên kết. Mọi thông tin tồn tại trong não bộ của con người đều cần có các mối nối liên kết để có thể được tìm thấy và sử dụng. Khi có một thông tin mới được đưa vào, để được lưu trữ và tồn tại, chúng cần kết nối với các thông tin cũ đã tồn tại trước đó. Vì vậy, Bản đồ tư duy hỗ trợ đắc lực cho việc ghi nhớ các kiến thức, đồng thời vận dụng các kiến thức đã học.
c. Phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề
Phát hiện và giải quyết vấn đề là một trong những cách tiếp cận mới trong lĩnh vực dạy học. Mục đích của phát hiện và giải quyết vấn đề không chỉ là việc nắm vững hệ thống tri thức mà còn là con đường, cách thức chiếm lĩnh tri thức, hình thành tính tích cực, sáng tạo cho người học. Với việc lập Bản đồ tư duy giáo viên sẽ giúp sinh viên phát hiện và giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, từ đó chiếm lĩnh tri thức
khoa học, phát triển khả năng tư duy và hình thành thế giới quan học, giúp giáo viên điều chỉnh được hoạt động nhận thức của sinh viên.
Bản đồ tư duy cũng giúp người học có được cái nhìn tổng quát và có thể nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc độ và sự quan trọng của nó. Khi đã có được cái nhìn tổng quan về vấn đề đó, người học sẽ dễ dàng tìm ra được cách thức, phương pháp để giải quyết vấn đề một cách tốt nhất.
d. Hình thành tư duy tổng hợp
Ưu điểm của Bản đồ tư duy là giúp người ta nhìn thấy vấn đề toàn thể hơn, theo một cách nói khác thì Bản đồ tư duy là tư duy hệ thống từ khái quát đến cụ thể hoặc từ chi tiết đến khái quat. Mỗi Bản đồ tư duy đều bắt đầu từ hình ảnh hay từ khóa nằm ở vị trí trung tâm và bao quanh là các nhánh rẽ thể hiện mối quan hệ với vấn đề chính. Vì thế khi nhìn vào Bản đồ tư duy chúng ta nhanh chóng biết đâu là trọng tâm, những ý nào giải thích cho ý trọng tâm đó. Từ đó, cho phép người đọc có được cái nhìn tổng quan về vấn đề đang nghiên cứu.
Xuất phát từ vấn đề trung tâm, người học sẽ biết được mức độ quan trọng của từng nhánh rẽ xung quanh. Các nhánh rẽ này lại được phân thành những nhánh nhỏ hơn nhằm thể hiện kiến thức ở mức độ sâu hơn. Cứ như thế sự phân nhánh được tiếp tục, các kiến thức hay hình ảnh luôn được nối kết với nhau. Chính sự liên kết này sẽ tạo ra "bức tranh tổng thể" mô tả ý tưởng một cách đầy đủ và rõ ràng.
e. Kích thích sự sáng tạo
Bất cứ khi nào chúng ta muốn khuyến khích sự sáng tạo, Bản đồ tư duy sẽ giúp giải phóng cách suy diễn cổ điển theo phương thức ghi chép sự kiện theo dòng, cho phép các ý tưởng mới được hình thành nhanh chóng theo luồng tư duy xuất hiện. Khả năng biến suy nghĩ thành ngôn ngữ và hình ảnh sẽ thúc đẩy những kĩ năng suy nghĩ và tăng cường trí thông minh. Lợi ích của Bản đồ tư duy không chỉ nằm ở tính ứng dụng thực tế của việc ghi lại những ý tưởng mà còn tăng cường tính thông minh, sáng tạo.
Từ trước đến nay, người ta thường cho rằng kiến thức địa lí chỉ cần học thuộc theo từng câu từng chữ trong tài liệu, giáo trình. Đây là một quan điểm hoàn toàn sai lầm. Cũng như các môn khoa học khác, khoa học Địa lí đi vào tìm hiểu và giải thích các mối quan hệ địa lí đa dạng và phức tạp, rất cần tư duy sáng tạo để giải quyết các mối quan hệ này. Bản đồ tư duy là một công cụ, một phương tiện hữu hiệu để phát huy được sự sáng tạo đó. Nhìn vào Bản đồ tư duy, người học dễ dàng nhận biết và giải thích được các mối quan hệ giữa các đối tượng địa lí, nhờ vào cấu trúc đặc biệt của Bản đồ tư duy. Vận dụng Bản đồ tư duy trong dạy học Địa lí sẽ mang lại lợi ích đáng kể về cả mặt phát triển nhận thức, tư duy, óc tưởng tượng và khả năng sáng tạo.
g. Tạo hứng thú học tập
Trong học tập, sự hứng thú là động lực quan trọng để tạo ra sự tích cực trí tuệ, vì vậy, hình thành hứng thú học tập, đó là cơ sở để phát huy tính tích cực của người học.
Một lí do khiến vẽ Bản đồ tư duy trở thành một phương pháp học tốt cho mọi lứa tuổi là vì nó đã làm cho việc học trở nên thú vị hơn và bổ ích hơn. Quá trình vẽ, sử dụng hình ảnh, kí hiệu, màu sắc và việc khuyến khích ghi lại những ý tưởng theo cách đặc biệt là một cơ hội để thư giãn trước việc quá tải thông tin trên giấy hoặc trên màn hình máy tính. Vẽ Bản đồ tư duy là cách tốt nhất để phân loại cảm xúc, suy nghĩ, giảm bớt sự căng thẳng. Nếu sử dụng Bản đồ tư duy thì kiến thức được truyền tải bằng hình ảnh, từ khóa, sự liên kết và cả những yếu tố khác như màu sắc, hình dạng, kích thước
làm cho những điều quan trọng được nổi bật lên chắc chắn rằng sẽ thu hút sự tập trung của học sinh.
h. Tiết kiệm thời gian
Từ trước tới nay với cách ghi chép thông tin bằng các kí tự, đường thẳng, con số thì chúng ta mới chỉ sử dụng nửa bộ não - não trái, mà chưa hề sử dụng kĩ năng nào bên não phải - nơi giúp chúng ta xử lí các thông tin về nhịp điệu, màu sắc, không gian và sự mơ mộng. Cách ghi chép của Bản đồ tư duy không chỉ sử dụng kí tự, con số mà còn sử dụng cả màu sắc, hình ảnh nên đã huy động tối đa khả năng của bộ não. Lập Bản đồ tư duy bằng việc lựa chọn hình ảnh biểu trưng và những từ ngữ quan trọng thể hiện nội dung chính của vấn đề rồi liên kết chúng lại với nhau một cách rõ ràng, hợp lí sẽ giảm lượng thời gian đáng kể. Nhờ vào việc tận dụng những từ khóa và hình ảnh sáng tạo, một khối lượng lớn kiến thức, có thể được ghi chú hết sức cô đọng trong một trang giấy, mà không bỏ sót bất kì một thông tin quan trọng nào. Như vậy, chúng ta đã có thể tiết kiệm được 60 - 80% thời gian học một cách hiệu quả.