Thực trạng về kỹ thuật, chính sách động vật hoang dãnhân nuôi

Một phần của tài liệu Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp quản lý bảo vệ động vật hoang dã nhân nuôi trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên (Trang 63 - 67)

CHƯƠNG 4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

4.2. Thực trạng về kỹ thuật, chính sách động vật hoang dãnhân nuôi

Kỹ thuật nhân nuôi động vật là một trong những yếu tố then chốt quyết định đến hiệu quả cũng như thành công trong công tác nhân nuôi động vật hoang dã. Khác với các loài động vật thông thường khác đã được thuần hóa và được nhân nuôi lâu năm, động vật hoang dã có những đặc điểm khác biệt khiến việc chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn từ công tác lựa chọn loài vật nuôi, chọn giống, chăm sóc, sinh sản, phòng và trị bệnh. Đây là đối tượng động vật mới, còn nhiều tập tính tự nhiên, khó thích nghi và rất nhạy cảm với môi trường nhân nuôi. Đặc biệt có nhiều loài con người đưa vào nhân nuôi mang tính thử nghiệm theo kiểu “vừa nuôi vừa tích lũy kinh nghiệm”. Mặc dù có những sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây nhưng nghề chăn nuôi động vật hoang dã của Việt Nam vẫn đang đứng trước những khó khăn và thách thức lớn để trở thành một nghề ổn định bởi hầu hết các cơ sở chăn nuôi hình thành theo hướng tự phát, không được hướng dẫn kỹ thuật đầy đủ. Điều này đã dẫn đến năng suất và chất lượng vật nuôi thấp, thị trường không ổn định, hiệu quả mang lại không cao. Những vấn đề còn tồn tại này là thực trạng chung đối với nghề nhân nuôi động vật hoang dã của tỉnh Điện Biên, không ngoại trừ thành phố Điện Biên Phủ.

Trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, các đối tượng vật nuôi tương đối đa dạng, thời gian bắt đầu chăn nuôi khác nhau. Đối với những loài được nhân nuôi lâu năm hoặc nuôi với số lượng cá thể lớn, nhiều hộ tham gia như Hươu sao, Nai, Rắn hổ mang một mắt kính, Nhím thì kỹ thuật chăn nuôi đã tương đối hoàn thiện. Các kỹ thuật về xây dựng chuồng trại, chọn giống, chăm sóc, sinh sản hầu như được hoàn thiện ở mức cao nhất. Khó khăn nhất trong việc hoàn thiện kỹ thuật các này chính là kỹ thuật phòng và trị bệnh.

Các loài động vật hoang dã thường ít bị mắc bệnh hơn các loài động vật thông thường, tuy nhiên khi đã mắc bệnh, việc điều trị sẽ rất khó khăn, phức tạp. Bên cạnh đó, một số địa phương có điều kiện môi trường khắc nghiệt tại là một trong những nguyên nhân khiến các loài động vật hoang dã đang được nhân nuôi ở đây có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn các vùng khác. Hầu hết các hộ và cơ sở nhân nuôi không có cán bộ thú y chuyên trách nên các chủ hộ phải tự tìm hiểu về các loại bệnh và tìm cách điều trị theo kinh nghiệm của bản thân.

Hầu hết các chủ trại nuôi đều phải tự nghiên cứu, tham khảo, tìm hiểu kỹ thuật nuôi dẫn đến hiệu quả nuôi không cao, năng suất, chất lượng không đạt như mong muốn.

Kỹ thuật nuôi là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định hiệu quả của công tác nhân nuôi. Nếu kỹ thuật nuôi được hoàn thiện, chắc chắn hiệu quả công tác chăn nuôi sẽ được nâng cao đáng kể. Từ thực trạng của các hộ và cơ sở nhân nuôi được điều tra, việc phổ biến kỹ thuật nhân nuôi động vật hoang dã là một yêu cầu cấp thiết, quyết định đến sự thành công hay thất bại của việc nhân nuôi động vật hoang dã.

Hiện tại, cơ quan chuyên ngành là Bộ Nông nghiệp và PTNT chưa ban hành, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật nhân nuôi các loài ĐVHD, đặc biệt là các loài được nhân nuôi phổ biến hoặc những loài nguy cấp, quý, hiếm. Đến nay, Bộ mới chỉ ban hành được Quy phạm kỹ thuật nuôi Cá sấu nước ngọt (Tiêu chuẩn ngành số 04TCN 87-2006), quy phạm kỹ thuật nuôi Rắn hổ mang (Tiêu

chuẩn ngành số 04TCN 125-2006) và hướng dẫn quản lý Gấu nuôi thông qua Quy chế quản lý Gấu nuôi (ban hành theo Quyết định số 95/2008/QĐ-BNN ngày 29/9/2008). Đây là một khó khăn, thiệt thòi rất lớn cho các chủ trại nuôi, đặc biệt đối với những trại nuôi quy mô nhỏ lẻ.

4.2.2. Nhu cầu và hình thức phổ biến kỹ thuật nhân nuôi

Kỹ thuật nuôi chưa hoàn thiện là trở ngại để hoạt động chăn nuôi động vật hoang dã mang lại hiệu quả cao. Những rủi ro trong chăn nuôi là không tránh khỏi khiến người dân đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao hiểu biết kỹ thuật chăn nuôi. Toàn bộ các hộ nuôi đều tán thành việc được phổ biến kỹ thuật nuôi các loài động vật hoang dã hiện có dưới nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt với nhóm hộ mới tiếp cận hoạt động chăn nuôi động vật hoang dã trong một hai năm trở lại đây. Từ trước đến nay, kỹ thuật nuôi của các hộ chủ yếu được hình thành thông qua việc tự tìm hiểu trên mạng internet hoặc tham khảo một số cơ sở chăn nuôi đã có. Các nguồn tài liệu có thể dễ dàng được tìm kiếm nhưng lại không mang tính chính thống khiến các hộ chăn nuôi gặp nhiều khó khăn khi áp dụng.

Các hộ nhân nuôi và cơ sở nuôi có nhu cầu phổ biến kỹ thuật một cách hoàn chỉnh từ khâu chuẩn bị, chọn giống, thiết kế, xây dựng chuồng trại, thức ăn, biện pháp chăm sóc, phòng trị bệnh, khai thác sản phẩm và thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, việc đề xuất thêm các loài vật nuôi phù hợp với điều kiện từng địa phương, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao cũng được các hộ nuôi quan tâm.

Hai hình thức phổ biến kỹ thuật được các hộ nuôi đề xuất là tổ chức các lớp tập huấn, hộ trợ tài liệu và tham quan mô hình. Hình thức phổ biến kỹ thuật nuôi thông qua tham gia các lớp tập huấn, hỗ trợ tài liệu được 80% số người được hỏi đề cập đến, trong khi có lần lượt 20% số người được hỏi mong muốn được phổ biến kỹ thuật thông qua thăm quan mô hình.

Kết quả này cho thấy, các hộ và cơ sở nhân nuôi đã nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của kỹ thuật nuôi tới hiệu quả của công tác nhân nuôi, đồng thời cũng đề ra được các hình thức phổ biến kỹ thuật phù hợp. Từ đây, các ngành, các cơ quan quản lý, đặc biệt là các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT cần xây dựng nên những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác nhân nuôi thông qua việc phổ biến kỹ thuật nuôi tới các cơ sở và hộ gia đình trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ.

4.2.3. Thực trạng về chính sách nhân nuôi động vật hoang dã

Nhìn chung, nhà nước luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động nhân nuôi động vật hoang dã. Tại Điện Biên, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng, ban hành hướng dẫn kỹ thuật tạm thời về một số tiêu chí đảm bảo an toàn cho các trại nuôi, cơ sở nuôi ĐVHD hung dữ trên địa bàn tỉnh Điện Biên; đồng thời cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực tiếp đề xuất các chính sách thuận lợi cho hoạt động nhân nuôi. Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm các huyện, thị, thành phố thường xuyên rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhằm tạo thuận lợi trong việc cấp sổ nhân nuôi và cấp mã số trại nuôi đảm bảo các điều kiện theo quy định hiện hành. Mặt khác nhanh chóng giải quyết và tạo mọi điều kiện để các hộ chăn nuôi trong quá trình tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, trong cơ chế, chính sách đối với hoạt động nhân nuôi động vật hoang dã tại Điện Biên vẫn tồn tại một số bất cập, khó khăn như:

Thứ nhất: việc định hướng cho người dân trong nhân nuôi động vật hoang dã vẫn chưa thực sự hiệu quả. Các đối tượng nuôi chủ yếu được người dân tự nghiên cứu, lựa chọn, không có định hướng của các cơ quan chức năng và cơ quan chuyên môn. Điều này đã dẫn đến nhiều đối tượng vật nuôi không phù hợp với điều kiện tự nhiên và thị trường tiêu thụ, hiệu quả thấp. Mặt khác, các cơ quan quản lý cũng chưa có những giải pháp hữu ích nhằm nâng

cao kiến thức về nhân nuôi động vật hoang dã cho người dân, đặc biệt là việc tập huấn, đào tạo về kỹ thuật nuôi. Chính điều này đã khiến hoạt động chăn nuôi trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ không theo những định hướng rõ ràng, hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Nhiều hộ chăn nuôi vẫn chưa định hình được mô hình chăn nuôi, đang loay hoay trong việc lựa chọn loài vật nuôi và kỹ thuật chăn nuôi.

Thứ hai: việc đầu tư nghiên cứu, tìm đầu ra cho các sản phẩm nhân nuôi cũng chưa được quan tâm khiến việc chăn nuôi của một số loài bấp bênh, không ổn định. Thị trường là yếu tố gần như quyết định đến hiệu quả kinh tế của hoạt động chăn nuôi, đặc biệt là các hộ gia đình và cơ sở chăn nuôi sinh trưởng, sinh sản các loài động vật hoang dã. Nhiều cơ sở và hộ gia đình có kết quả chăn nuôi tốt nhưng lại không tìm được đầu ra cho sản phẩm sẽ khiến tâm lý người nuôi bị dao động, từ đó ảnh hưởng xấu đến việc mở rộng quy mô chăn nuôi, thậm chí bỏ nghề để đầu tư cho hoạt động sản xuất khác.

Một phần của tài liệu Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp quản lý bảo vệ động vật hoang dã nhân nuôi trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên (Trang 63 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)