Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động nhân nuôi động vật hoang dã trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ

Một phần của tài liệu Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp quản lý bảo vệ động vật hoang dã nhân nuôi trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên (Trang 67 - 70)

CHƯƠNG 4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

4.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động nhân nuôi động vật hoang dã trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ

Bất kỳ hoạt động sản xuất nào đều có những tác động ảnh hưởng trực tiếp đến một hoặc toàn bộ các khâu trong toàn bộ quá trình sản xuất. Chăn nuôi động vật hoang dã cũng như các hoạt động chăn nuôi động vật thông thường khác, đều chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau, trong đó nhiều yếu tố tác động mang tính chủ đạo, đóng vai trò quyết định. Việc xác định các yếu tố đó có vai trò quan trọng trong việc đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả nhân nuôi động vật hoang dã nói chung và trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ nói riêng.

Kết quả điều tra tại các cơ sở và hộ nhân nuôi động vật hoang dã cho thấy, có 4 yếu tố chính ảnh hưởng đến hoạt động nhân nuôi động vật hoang dã, bao gồm: Vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ, kỹ thuật nhân nuôi và dịch bệnh được thể hiện ở bảng 4.5.

Bảng 4.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động

nhân nuôi động vật hoang dã trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ

TT Các yếu tố Thuận lợi Bình thường Khó khăn

(%) (%) (%)

1 Vốn đầu tư 10 20 70

2 Thị trường tiêu thụ 15 18,5 76,5

3 Kỹ thuật nhân nuôi 40 35 25

4 Dịch bệnh 30 40 30

4.3.1. Vốn đầu tư

Vốn đầu tư là điều kiện tiên quyết khi quyết định tiến hành nhân nuôi động vật hoang dã. Vốn đầu tư có ý nghĩa quyết định đến việc xây dựng quy mô ban đầu và mở rộng quy mô trong tương lai. Tại thành phố Điện Biên Phủ, phần lớn cơ sở và hộ nhân nuôi sử dụng vốn đầu tư từ 2 nguồn: vốn tự có và vốn vay, trong đó vốn vay chiếm từ 50-55%. Với nguồn vốn vay khá cao như vậy, khi kết quả nuôi không tốt thì hiệu quả chăn nuôi sẽ rất thấp do các cơ sở phải trả thêm nguồn lãi vay định kỳ. Mặt khác, do nguồn vốn ít, nhiều hộ gia đình không dám mở rộng quy mô do lo sợ tính rủi ro trong chăn nuôi động vật hoang dã.

Qua bảng 4.5 cho thấy 70% số hộ chăn nuôi động vật hoang dã gặp khó khăn trong vấn đề về vốn đầu tư. Đây là thực trạng với nhiều cơ sở chăn nuôi động vật hoang dã của các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

4.3.2. Thị trường tiêu thụ

Thị trường tiêu thụ luôn là yếu tố quyết định cuối cùng và quan trọng nhất đến hiệu quả sản xuất kinh doanh nói chung. Trong nhân nuôi động vật hoang dã, thị trường tiêu thụ lại càng trở nên quan trọng hơn do đối tượng kinh doanh là các loài động vật hoang dã, chi phí sản xuất phải liên tục. Do

đó, nếu thị trường bất ổn định thì hiệu quả nhân nuôi chắc chắn sẽ thấp, thậm chí là thua lỗ. Ở Điện Biên Phủ, thị trường tiêu thụ cũng là mối quan tâm hàng đầu của các hộ gia đình và các cơ sở nhân nuôi động vật hoang dã. Xét trên tổng thể các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động nhân nuôi động vật hoang dã thì thị trường tiêu thụ là vấn đề lớn nhất mà các chủ nuôi đề cập đến. Qua bảng 4.5 cho thấy có trên 70% số người được hỏi cho rằng họ gặp khó khăn với vấn đề về thị trường. Thị trường tiêu thụ ở đây chủ yếu là do người dân tự liên hệ, phần lớn phục vụ thị trường trong tỉnh, trong nước. Do đó, thị trường tiêu thụ các sản phẩm hầu như không ổn định, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế của các hộ và cơ sở nhân nuôi.

4.3.3. Kỹ thuật nhân nuôi

Kỹ thuật nhân nuôi là yêu cầu bắt buộc để quá trình nhân nuôi thành công. Kỹ thuật nuôi của hầu hết các hộ chăn nuôi động vật hoang dã tại địa phương được tích lũy thông qua việc học hỏi của các mô hình đã chăn nuôi, qua tài liệu trên mạng internet hoặc tích lũy trực tiếp qua quá trình chăn nuôi.

Hầu hết các hộ chăn nuôi quy mô lớn đều là các hộ chăn nuôi các loài động vật phổ biến đã được nuôi lâu năm tại nhiều địa phương trên cả nước.

Về cơ bản, kỹ thuật của các loài này khá hoàn thiện, cộng với kinh nghiệm thực tế trong quá trình nuôi tại địa phương đã khiến các hộ gặp ít khó khăn trong vấn đề về kỹ thuật. Qua bảng 4.5 cho thấy chỉ có 25% số hộ được hỏi cho rằng gặp khó khăn trong việc hoàn thiện kỹ thuật chăn nuôi; 35% thấy bình thường và 40% là thuận lợi. Các hộ gặp khó khăn về kỹ thuật chủ yếu là các hộ mới tiếp cận với chăn nuôi động vật hoang dã hoặc lựa chọn các loài vật nuôi mới, chưa xây dựng được quy trình kỹ thuật nuôi một cách bài bản.

4.3.4. Dịch bệnh

Dịch bệnh cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả nhân nuôi một cách rõ rệt nhất. Dịch bệnh phát sinh khiến hoạt động chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, số lượng, năng suất và chất lượng sản phẩm bị suy giảm, hiệu quả kinh tế thấp.

Qua bảng 4.5 cho thấy có trên 50% số hộ được hỏi cho biết gặp nhiều khó khăn trong việc phòng và điều trị các loại bệnh cho các loài đang chăn nuôi. Đây là những loại bệnh thường phát sinh phát triển mạnh vào mùa hè, đặc biệt là giai đoạn các địa phương chụi ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như mưa lớn, bão, gió lào. Hầu hết các hộ chăn nuôi không có cán bộ thú y chuyên trách mà do các chủ nuôi tự mày mò, tìm hiểu để chủ động việc phòng bệnh và chữa trị. Tuy nhiên, do đối tượng vật nuôi động vật hoang dã có những đặc điểm khác biệt so với vật nuôi thông thường, tỷ lệ bệnh ít nhưng biểu hiện và cách chữa trị lại phức tạp. Hơn thế nữa, đây là đối tượng vật nuôi không có thuốc đặc trị riêng biệt mà khi xuất hiện bệnh phải sử dụng các loại thuốc dành cho các loài động vật thông thường. Từ đó hiệu quả trong phòng trừ dịch bệnh không cao, chất lượng sản phẩm chăn nuôi thấp. Các hộ được phỏng vấn cho rằng họ không gặp khó khăn đối với dịch bệnh trong chăn nuôi động vật hoang dã tập trung chủ yếu ở nhóm đối tượng chăn nuôi lâu năm, có kinh nghiệm trong việc phòng và trị bệnh; thậm chí một số chủ hộ chăn nuôi đã tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng hoặc có chuyên môn về thú y.

Một phần của tài liệu Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp quản lý bảo vệ động vật hoang dã nhân nuôi trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên (Trang 67 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)