CHƯƠNG 2: TỔNG QUAN VỀ HOẠT ĐỘNG MỞ RỘNG CHO VAY ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ
2.3 Các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động mở rộng cho vay Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Ngân hàng thương mại
2.3.2 Các nhân tố chủ quan
2.3.2.1 Định hướng phát triển và chính sách tín dụng của ngân hàng
Tùy vào từng giai đoạn của nền kinh tế mà các ngân hàng thương mại sẽ định hướng phát triển cho giai đoạn đó. Định hướng phát triển của ngân hàng thương mại được xem là nhân tố hàng đầu để mở rộng cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu ngân hàng định hướng phát triển đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì ngân hàng sẽ xây dựng những chiến lược cụ thể để thu hút đối tượng khách hàng này như phát triển thêm nhiều sản phẩm đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng; có nhiều chương trình ưu đãi liên quan đến khách hàng; phát triển mạng lưới giao dịch tại những khu vực tập trung nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Căn cứu vào tình hình thực tế và từng giai đoạn cụ thể, các ngân hàng xây dựng định hướng phát triển phù hợp.
Chính sách tín dụng bao gồm các yếu tố giới hạn mức cho vay đối với một khách hàng, kỳ hạn của khoản vay, lãi suất cho vay và mức lệ phí, phương thức cho vay, hướng giải quyết phần khách hàng vay vượt giới hạn, xử lý các khoản vay có vấn đề... tất cả các yếu tố đó có tác dụng trực tiếp và mạnh mẽ đến việc mở rộng cho vay của Ngân hàng. Nếu như tất cả những yếu tố thuộc chính sách tín dụng đúng đắn, hợp lý, linh hoạt, đáp ứng được các nhu cầu đa dạng của khách hàng về vốn thì Ngân hàng đó sẽ thành công trong việc tăng cường hoạt động cho vay, nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng tín dụng. Ngược lại, những yếu tố này bất hợp lý, cứng nhắc, không theo sát tình hình thực tế sẽ dẫn đến khó khăn trong việc tăng cường hoạt động cho vay của mình. Căn cứu vào tình hình thực tế và từng giai đoạn cụ thể, các ngân hàng xây dựng chính sách tín dụng phù hợp.
Khi các doanh nghiệp vay vốn, họ rất quan tâm đến sự ổn định và minh bạch của các chính sách tín dụng của ngân hàng. Sự ổn định, minh bạch của chính sách tín dụng thể hiện ở phương thức áp dụng và cam kết đã đề ra cũng góp phần rất lớn trong việc xây dựng thương hiệu của chính ngân hàng.
2.3.2.2 Quy mô và uy tín của ngân hàng
Quy mô vốn của ngân hàng quyết định mở rộng cho vay, chỉ khi có nguồn vốn mới có thể mở rộng được cho vay. Ngân hàng cho vay bằng nguồn vốn huy động của mình. Mà hoạt động cho vay của Ngân hàng ngày càng được tăng cường, số lượng và chất lượng cho vay càng lớn khi mà nguồn vốn của Ngân hàng phải lớn mạnh. Khi nguồn vốn của Ngân hàng tăng trưởng đều đặn, hợp lý thì Ngân hàng có thêm nhiều tiền cho khách hàng vay, điều đó cũng có nghĩa là hoạt động cho vay của Ngân hàng được tăng cường và mở rộng. Còn nếu lượng vốn ít thì không đủ tiền cho khách hàng vay, Ngân hàng sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư, lợi nhuận của Ngân hàng sẽ không cao và việc tăng cường hoạt động cho vay sẽ bị hạn chế.
Ngoài ra, vốn tự có của NHTM cũng thể hiện sức mạnh về tài chính của ngân hàng đó, vốn tự có càng cao chứng tỏ NH đó càng mạnh. Để quản lý quy mô hoạt động thì các NHTM chỉ được phép huy động một lượng vốn bằng một tỷ lệ nhất định so với vốn tự. Vì vậy mà vốn tự có lớn sẽ là điều kiện để huy động vốn với quy mô lớn. Mặt khác để quản trị rủi ro NHNN đưa ra các giới hạn như giới hạn cho vay đối với một khách hàng (không quá 15% vốn tự có), tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn, tỷ lệ dùng vốn tự có để mua sắm tài sản cố định. Những nhân tố đó trực tiếp hay gián tiếp tác động đến mở rộng cho vay của các NHTM.
Bên cạnh đó, uy tín của Ngân hàng cũng là nhân tố tác động đến mở rộng cho vay. Uy tín thể hiện ở khả năng phân phối dịch vụ đã hứa độc lập và chính xác.
Điều này đòi hỏi sự nhất quán trong việc thực hiện dịch vụ và tôn trọng các cam kết cũng như giữ lời hứa với khách hàng. Nếu ngân hàng thực hiện được điều này thì sẽ tạo được niềm tin của khách hàng đối với ngân hàng. Điều đó sẽ đem đến cho khách hàng sự tin cậy, cảm giác an toàn vì họ tin chắc là họ sẽ được ngân hàng đáp ứng đúng như những gì ngân hàng đã cam kết. Ngân hàng có uy tín sẽ là nhân tố tác động tích cực đến mở rộng cho vay và ngược lại ngân hàng không có uy tín sẽ hạn chế mở rộng cho vay. Một ngân hàng có uy tín, ngân hàng đó có thể huy động đủ vốn để mở rộng cho vay và ngược lại, nếu không có uy tín sẽ không thể mở rộng được huy động vốn để mở rộng cho vay.
2.3.2.3 Mạng lưới hoạt động
Mạng lưới hoạt động rộng là nhân tố tác động tích cực đến mở rộng cho vay.
Mạng lưới rộng sẽ tạo điều kiện mở rộng nguồn huy động vốn, từ đó mà tác động đến cho vay. Mạng lưới rộng sẽ tạo điều kiện cho khách hàng giao dịch với ngân hàng được thuận lợi hơn từ đó mà mở rộng cho vay. Mặt khác mạng lưới hoạt động rộng còn giúp các ngân hàng mở rộng các hoạt động dịch vụ từ đó mà gián tiếp thúc đẩy mở rộng cho vay.
Các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay và nhất là các ngân hàng thương mại đang theo đuổi chiến lược ngân hàng bán lẻ, vì vậy mạng lưới hoạt động là nhân tố qua trọng để mở rộng cho vay. Thông thường các ngân hàng thương mại khi thành lập có trụ sở đóng ở các đô thị lớn sau đó mở các chi nhánh về các địa phương nơi có kinh tế phát triển để mở rộng hoạt động và mở rộng cho vay.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất thiết bị cũng ảnh hưởng đến hoạt động cho vay của Ngân hàng. Nếu cơ sở vật chất thiết bị mà lạc hậu thì các công việc của ngân hàng sẽ được xử lý kém, chậm chạp; các hoạt động của ngân hàng được thực hiện khó khăn. Điều đó làm cho Ngân hàng tụt hậu, kém phát triển, không thu hút được nhiều khách hàng sẽ làm hạn chế hoạt động cho vay. Ngược lại việc trang bị đầy đủ các thiết bị tiến phù hợp với phạm vi và quy mô hoạt động, phục vụ kịp thời các nhu cầu khách hàng với chi phí cả hai bên đều có thể chấp nhận được sẽ giúp Ngân hàng tăng cường khả năng cạnh tranh, thực hiện tốt mục tiêu tăng cường hoạt động cho vay.
2.3.2.4 Sự đa dạng của sản phẩm và các chính sách chăm sóc hỗ trợ khách hàng
Trong nền kinh tế hiện nay, mức độ cạnh tranh giữa các NHTM là rất lớn, để tạo được lợi thế cạnh tranh của riêng mình mỗi NHTM phải nỗ lực trong việc xây dựng danh mục các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, danh mục này phải đa dạng và đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng. Vì vậy, để mở rộng cho vay DNVVN, đòi hỏi các NHTM phải đa dạng hóa sản phẩm cho vay của mình này cũng như xây dựng các chương trình khuyến mãi, ưu đãi cho khách hàng.
2.3.2.5 Nguồn nhân lực:
Quy mô và chất lượng CBCNV của ngân hàng cũng có tác động đến mở rộng cho vay. Muốn mở rộng cho vay phải có nguồn nhân lực tương ứng. Nguồn nhân lực không những có đủ về số lượng mà còn phải đáp ứng về chất lượng. Nếu chất lượng cán bộ tín dụng không đảm bảo sẽ ảnh hưởng xấu tới chất lượng tín dụng từ đó mà tác động đến mở rộng cho vay.
Đối với loại hình DNVVN, nhỏ bé về quy mô, vốn và nguồn nhân lực, khi có nhu cầu phát sinh quan hệ tín dụng và giao dịch tại ngân hàng, thì rất cần những nhân viên ngân hàng có trình độ chuyên môn cao, nhạy bén tinh tế để có thể đánh giá được tình hình hoạt động kinh doanh của mình từ đó hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm cho phù hợp.
Đối với đội ngũ lãnh đạo, yêu cầu phải có năng lực quản lý và quản trị tốt, thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ chuyên viên. Ngoài ra phải thực hiện tiêu chuẩn hoá cán bộ tín dụng và kiên quyết loại bỏ, thuyên chuyển sang bộ phận khác những cán bộ yếu về tư cách đạo đức, trung thực, gây ảnh hưởng đến hình ảnh và lợi ích của ngân hàng
2.3.2.6 Công nghệ thông tin
Các ngân hàng thương mại rất quan tâm đến công nghệ, họ thường đi đầu trong ứng dụng công nghệ nhất là công nghệ tin học. Khi mở rộng cho vay số lượng các giao dịch tăng lên, giá trị các giao dịch tăng lên đòi hỏi phải cải tiến công nghệ quản lý. Ngược lại khi công nghệ quản lý hiện đại sẽ tăng năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm lại từ đó có tác động trở lại với mở rộng cho vay. Ngoài ra, nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến, ngân hàng có thể quản lý thông tin khách hàng một cách dễ dàng, hạn chế được rủi ro hệ thống qua đó tạo được sự khác biệt trong tiện ích dịch vụ nhằm đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Phát triển công nghệ thông tin sẽ thúc đẩy phát triển đa dạng các loại và phương thức trong từng hình thức cấp tín dụng và ngược lại. Đồng thời, thúc đẩy các NHTMCP đầu tư nhiều hơn công nghệ tiên tiến, nâng cao trình độ chuyên môn, tạo dựng được hình ảnh và vị thế riêng.