CHƯƠNG 5: MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM MỞ RỘNG HOẠT ĐỘNG CHO
5.3 Một số kiến nghị
Như vậy, mặc dù thực trạng cho vay DNVVN ở ABBANK đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên còn nhiều hạn chế như đã phân tích ở trên. Để thực hiện những giải pháp nhằm cải thiện vấn đề này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cả bản thân ngân hàng và cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng có liên quan.
5.3.1 Đối với Chính phủ và các Bộ, Ngành liên quan
Thứ nhất, hỗ trợ DNVVN khắc phục khó khăn về tài chính và nâng cao năng lực cạnh tranh trong điều kiện kinh tế hiện nay.
Thành lập các khu công nghiệp tập trung cho DNVVN. Hoạt động tập trung giúp Nhà nước dễ dàng hỗ trợ cho các DNVVN về cơ sở hạ tầng, cập nhật thông tin, phát triển thị trường và giải quyết khó khăn về mặt bằng sản xuất cho DNVVN.
Hỗ trợ khu vực DNVVN tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý, bằng cách:
- Tập trung nguồn lực thành lập Quỹ hỗ trợ DNVVN theo Nghị định 56/
2009/NĐ-CP tạo nguồn vốn đề ủy thác cho các NHTM cho vay đối với các DNVVN
- Khuyến khích phát triển các tổ chức hỗ trợ tài chính bên cạnh các quỹ tín dụng, quỹ hỗ trợ và phát triển các DN thuộc khu vực kinh tế tư nhân ở những nơi có nhu cầu để tạo điều kiện cấp vốn cho các DNVVN
- Tiếp tục thành lập các Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DNVVN
Thứ hai, có chính sách hỗ trợ thành lập và phát triển DNVVN ở một số ngành lợi thế, như các ngành sản xuất hàng tiêu dùng, hàng thay thế nhập khẩu và hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh, các ngành tại đầu vào cho các doanh nghiệp lớn, cũng như trong các lĩnh vực phục vụ đầu ra cho các sản phẩm của doanh nghiệp lớn, các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp nông thôn, bao gồm các sản phẩm thuộc các ngành nghề truyền thống… Đó được xem là những ngành thuận lợi cho DNVVN, vì thế Nhà nước cần định hướng cho doanh nghiệp đi vào hoạt động SXKD trong những lĩnh vực trên nhằm tận dụng tối đa nguồn lực của DNVVN, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thứ ba, hỗ trợ DNVVN nâng cao năng lực quản trị nội bộ. Cần tập trung đào tạo chủ DNVVN – lực lượng quan trọng nhất có vai trò quyết định đến quản trị nội bộ DNVVN.
Trước tiên, cần tuyên truyền tư vấn cho các chủ DNVVN về sự cần thiết của việc trau dồi kiến thức quản trị. Có thể mở nhiều lớp học miễn phí, phát tài liệu và dùng các câu hỏi, bài tập trắc nghiêm, bài học tình huống mà nhóm học viên tự đưa ra và giải quyết. Chương trình học có thể được đưa lớn các phương tiện truyền thông để nhiều người tham gia. Đồng thời, tăng cường tư vấn, hướng dẫn cho đối tượng này xây dựng kế hoạch kinh doanh và dự án vay vốn từ các ngân hàn.
Thứ tư, hỗ trợ DNVVN về vấn đề thông tin. Vấn đề thông tin là một trong những khó khăn lớn đối với DNVVN. Vì thế, Nhà nước cần có chính sách về cung cấp thông tin cho bộ phận doanh nghiệp này. Việc lập các website chuyên về tin tức, sự kiện, thị trường cho các ngành nghề DNVVN, cập nhật các văn bản Luật và văn bản dưới Luật sẽ giúp doanh nghiệp có được hiểu biết tổng quan nhất. Đồng thời các cơ quan chức năng có thể tiến hành đào tạo các khóa về thủ tục đăng kí kinh doanh, hoạt động xuất nhập khẩu, đào tạo công tác quản lí, các quy chế của NHTM… nhằm nâng cao hiểu biết cũng như năng lực của DNVVN.
Thứ năm, phát huy vai trò của các Hiệp hội DNVVN. Các Hiệp hội dành cho DNVVN cần có những biện pháp cụ thể để đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của mình.
Ví dụ: Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (Vinasmea) được thành lập từ năm 2005, với định hướng là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tập hợp, liên kết, hợp tác, hỗ trợ và giúp đỡ các DNVVN Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Hiệp hội giữ vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp với cơ quan chức năng trong mọi mặt hoạt động, đồng thời làm tham mưu, đóng góp ý kiến với các cơ quan nhà nước nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách vì lợi ích đất nước và vì lợi ích của doanh nghiệp...
5.3.2 Đối với ngân hàng nhà nước
Thứ nhất, tiếp tục lộ trình giảm lãi suất một cách tích cực để giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp. Một trong những điều cần thiết nhất cho doanh nghiệp hiện nay là lãi suất giảm càng nhanh càng tốt. Điều này sẽ giúp vực dậy sản xuất, đồng thời tạo ra vòng quay tiền nhanh trong lưu thông. Bên cạnh đó, chỉ số CPI hiện nay đang có xu hướng giảm xuống, đây là cơ sở để NHNN tiếp tục giảm lãi suất.
Thứ hai, hiện đại hoá ngân hàng trên cơ sở tiếp tục đổi mới công nghệ ngân hàng, tạo tiền đề cho các NHTM trong chiến lược huy động và sử dụng vốn. Từng bước quốc tế hoá các hoạt động ngân hàng, hội nhập với cộng đồng tài chính và tiền tệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng trong hoạt động tín dụng và thanh toán quốc tế. Đồng thời, có biện pháp khuyến khích các NHTM tăng tỷ lệ dư nợ tín dụng và thực hiện các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi cho DNVVN.
Thứ ba, NHNN nói riêng cần nâng cao hệ thống thông tin tín dụng. NHNN là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực tiền tệ và đảm bảo an toàn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng. Vì vậy, NHNN phải tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Trung tâm cung cấp thông tin và phòng ngừa rủi ro tín dụng (CIC) nhằm hỗ trợ cho công tác thẩm định của các NHTM, hạn chế rủi ro thông tin trong quá trình tác nghiệp.
Thứ tư, khắc phục khó khăn về TSBĐ giữa ngân hàng và DNVVN. Triển khai mô hình cho vay tín chấp đối với DN siêu nhỏ (dưới 10 lao động) có kế hoạch kinh doanh khả thi và có các tiêu chí định mức tín nhiệm tin cậy với sự hợp tác của các hiệp hội. Mặt khác, NHNN cũng nên khuyến khích các NHTM mở rộng hình thức cho vay thế chấp bằng sản phẩm của các doanh nghiệp.
Tóm tắt chương 5
Từ thực trạng phân tích ở chương 3, chương 4, tác giả đã đưa ra một số giải pháp và kiến nghị như trên nhằm giúp ABBANK mở rộng tín dụng với đối tượng khách hàng DNVVN trên phạm vi hoạt động của mình. Tuy nhiên, để đánh giá tính khả thi của các giải pháp và kiến nghị trên thì cần đến sự xem xét của Ban lãnh đạo ABBANK cùng Chính phủ và các cơ quan bộ ngành nêu trên.
KẾT LUẬN
Như mọi loại hình doanh nghiệp khác, DNVVN đang ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng của mình đối với nền kinh tế thị trường Việt Nam. Tuy nhiên hoạt động sản xuất kinh doanh của DNVVN luôn gặp phải không ít những khó khăn, đặc biệt khó khăn do thiếu vốn. Do đó, việc mở rộng hoạt động cho vay đối với DNVVN là cần thiết, không chỉ giúp cho các doanh nghiệp, cho nền kinh tế phát triển mà còn mang lại lợi nhuận cho ngân hàng.
Do vậy, tất cả nghiên cứu nhằm tìm ra các nhân tố và xem xét mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đó đến hoạt động mở rộng cho vay DNVVN tại ABBANK có ý nghĩa giúp Ban lãnh đạo có cái nhìn sâu hơn về hoạt động mở rộng cho vay KH DNVVN cũng như những giải pháp cụ thể nhằm phát triển hoạt động mở rộng cho vay DNVVN. Trên cơ sở vận dụng tổng hợp các nghiên cứu, những kiến thức học được trong chương trình đào tạo bậc cao học và dựa vào tình hình thực tế tại ABBANK, luận văn đã phân tích 6 nhân tố tác động đến hoạt động mở rộng cho vay là định hướng tín dụng, năng lực tài chính, sản phẩm tín dụng, nhân viên, mạng lưới hoạt động và công nghệ thông tin. Nhưng do mẫu quan khảo sát được thực hiện theo phương pháp thuận tiện đối tượng khảo sát là các kế toán/kế toán trưởng của DNVVN tại địa bàn thành phố Biên Hòa. Điều đó cho thấy ở một khía cạnh nào đó mẫu nghiên cứu chưa thực sự là mẫu đại diện để phản ánh hết hoạt động mở rộng hoạt động mở rộng cho vay DNVNN tại ABBANK. Các nghiên cứu tiếp theo có thể khảo sát mẫu rộng hơn và có thể tìm ra thêm các nhân tố mới hoàn thiện mô hình nghiên cứu hiện tại.
Tác giả đã có nhiều cố gắng trong việc hoàn thành luận văn, tuy nhiên do kiến thức và kinh nghiệm còn hạn chế nên luận văn không thể tránh khỏi những sai lầm, thiểu sót. Do vậy, tác giả rất mong nhận được sự góp ý của quý thầy cô để đề tài được hoàn thiện hơn.