CHƯƠNG 5: MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM MỞ RỘNG HOẠT ĐỘNG CHO
5.2 Các nhóm giải pháp khác
5.2.1 Giải pháp về mạng lưới giao dịch
Hoạt động cho vay của ngân hàng luôn đem lại hơn 80% lợi nhuận cho ngân hàng. Trong đó, cho vay khách hàng DNVVN chiếm hơn 70% hoạt động cho vay của ngân hàng. Một trong những biện pháp để ngân hàng phục vụ tốt cho mọi đối tượng khách hàng là mở rộng mạng lưới hoạt động của mình. Hoạt động này giúp ngân hàng bao phủ được thị trường mục tiêu của mình, đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả các nhu cầu của khách hàng.
Hiện tại, ABBANK cũng đã nỗ lực mở rộng mạng lứơi. Tính đến ngày 31/12/2016 ABBANK đã xây dựng được 159 điểm giao dịch trên 33 tỉnh/thành phố.
Mạng lưới tập trung chủ yếu khu vực Hồ Chí Minh và khu vực Bắc Bộ, còn hạn chế khu vực Nam Bộ và miền Trung, Tây Nguyên. Nhìn chung, hệ thống mạng lưới của ABBANK chưa được phân bổ rộng, chưa sâu sát với thị trường, còn rất nhiều tỉnh thành chưa có điểm giao dịch của ABBANK. Do đó, trong thời gian tới, ABBANK phải thực hiện thật tốt công tác nghiên cứu thị trường, xác định khu vực tiềm năng để phát triển mạng lưới, đồng thời chuẩn bị thật tốt nhân sự, công nghệ cũng như cơ sở vật chất để hình thành các điểm giao dịch mới.
5.2.2 Giải pháp về công nghệ thông tin
Nền tảng công nghệ thông tin được xem là yếu tố đòn bẩy để phát triển dịch vụ ngân hàng hịên đại, giảm rủi ro, tăng cường hiệu quả hoạt động. Hiện nay, ABBANK còn nhiều bất cập trong việc truy xuất, theo dõi hồ sơ. Các bộ phận vẫn phải theo dõi thủ công các khỏan vay đến hạn, số tiền lãi, tiền gốc đến hạn. Đối với những khoản vay hạn mức, việc kiểm tra thông tin còn khó khăn hơn vì số liệu khá nhiều. Do đó, cần thiết phải nâng cao năng lực công nghệ thông qua việc đầu tư phát triển công nghệ ngân hàng. Xây dựng hệ thống thông tin nội bộ thông qua mạng nội bộ. Tự động tối đa hóa các hoạt động kinh doanh. Tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, đồng bộ, vững chắc và hiện đại. Qua đó, đẩy mạnh được các dịch vụ ngân hàng thông trên cơ sở úng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Bên cạnh đó, ABBANK cần phát triển hệ thống thông tin ngân hàng, tăng cường trao đổi thông tin với khách hàng qua trang web, thông tin phải được cập nhật liên tục về lãi suất, sản phẩm. Triển khai các đề án cải tạo, nâng cấp các giải pháp an ninh mạng, bảo mật dữ liệu, thông tin khách hàng, đảm bảo an tòan về tài sản và hoạt động của ngân hàng.
5.2.3 Giải pháp về năng lực tài chính
Các DNVVN tuy nhu cầu vốn thấp tuy nhiên các doanh nghiệp này vẫn muốn thiết lập quan hệ với các ngân hàng có thương hiệu mạnh với thực lực tài chính vững chắc. Thực lực tài chính thể hiện qua các con số như vốn tự có, tổng tài sản, lợi nhuận, các chỉ tiêu thanh khỏan, hệ số an tòan và tỷ lệ nợ xấu.
Hiện tại, ABBANK xếp hạng chưa cao về con số lợi nhuận cũng như hiệu quả sử dụng tài sản, vốn. Vì vậy, ABBANK cần phải từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, tăng thu nhập, giảm chi phí, cũng như đảm bảo các yêu cầu của NHNN về khả năng thanh khỏan, đảm bảo an toàn vốn, quản lý chặt chẽ rủi ro tín dụng, giảm tỷ lệ nợ xấu.
Việc củng cố năng lực hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính vững mạnh sẽ giúp ABBANK thu hút được nguồn vốn lớn từ thị trường, là cơ sở để mở rộng hoạt động cho vay nói chung và cho vay DNVVN nói riêng.
5.2.4 Nâng cao biện pháp xử lý nợ quá hạn và nợ xấu
Trong bối cảnh nền kinh tế nhiều biến động gây nhiều bất lợi cho DNVVN dẫn đến số lượng lớn DNVVN phá sản trong thời gian gần đây và một số DN khác đang gặp khó khăn, chủ trương mở rộng cho vay với DNVVN đồng nghĩa với việc ABBANK sẽ phải trong tình thế sẵn sàng đối mặt với rủi ro và nợ quá hạn. Chính vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng tín dụng với đối tượng DN này, ABBANK phải tăng cường giải pháp xử lý nợ quá hạn ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho các khoản cho vay mới, đồng thời chuẩn bị những biện pháp phòng ngừa nợ quá hạn cho những khoản tín dụng cung cấp cho khách hàng DNVVN trong thời gian tới. Hiện đang có một số hướng đi cơ bản cho công tác xử lý nợ tại ABBANK như sau:
Thứ nhất, ABBANK tổ chức quản lý theo dõi các khoản nợ nhằm thực hiện thu hồi nợ thông qua việc xử lý các tài sản đảm bảo khoản nợ, khai thác TSBĐ, tiếp tục theo đuổi các vụ kiện để thu hồi một phần nợ từ thanh lý tài sản của doanh nghiệp phá sản… Tuy nhiên giải pháp này vẫn mất nhiều thời gian và tiền bạc để thu hồi nợ xấu, vẫn phải duy trì một bộ máy, bộ phận riêng để quản lý nợ xấu, cho nên không khả thi.
Thứ hai, là biện pháp thu nợ có chiết khấu. Đây là hình thức giảm giá trị khoản nợ phải trả cho doanh nghiệp, giá trị chiết khấu do ABBANK và doanh nghiệp thoả thuận nhưng theo hướng có lợi cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy khách nợ thanh toán dứt điểm khoản nợ, ABBANK tuy chịu thiệt một chút nhưng cũng sớm thu hồi được một phần vốn và cắt bỏ được khoản nợ này
Thứ ba, bán nợ cho các tổ chức có chức năng mua - bán nợ chuyên nghiệp, khoản nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước, đây là phương án xử lý nợ xấu nhanh nhất giúp ABBANK thu hồi một phần vốn kinh doanh để phục vụ cho các nhu cầu và cơ hội kinh doanh mới, nhằm cải thiện tình hình tài chính.
5.2.5 Về kiểm soát nội bộ
Rủi ro tín dụng là đặc trưng tiêu biểu nhất và dễ xảy ra nhất trong hoạt động ngân hàng. Thực trạng này có liên quan chặt chẽ tới chất lượng kiểm soát nội bộ hoạt động tín dụng. ABBANK đang trên con đường mở rộng cho vay DNVVN, để có thể thực hiện hoạt động mở rộng một cách hiệu quả và đứng vững trên thị trường, hoàn thiện công tác kiểm soát nội bộ là một nhu cầu cấp thiết. Các biện pháp nâng cao công tác kiểm soát nội bộ tại ABBANK bao gồm những nội dung sau: ABBANK hình thành bộ phận kiểm soát nội bộ và giám sát tín dụng độc lập với bộ phận chuyên viên thực hiện nghiệp vụ tín dụng đồng thời hoàn thiện các bộ phận chức năng kiểm tra, kiểm soát nội bộ hiện nay. Hình thành bộ phận kiểm soát nội bộ và giám sát tín dụng độc lập sẽ đảm bảo tính khách quan trong hoạt động kiểm soát và giám sát. Kiểm soát và giám sát tín dụng với mục đích đảm bảo tuân thủ các quy định, quy trình, chính sách tín dụng và cơ cấu dư nợ tín dụng theo quy định của ABBANK.