Kỹ thuật lâm sinh tạo lập hệ thống các loài cây hỗ trợ ban đầu cho các loài cây trồng chính trong trồng rừng hỗn loài là rất cần thiết. Thiết lập các
biện pháp kỹ thuật này rất nhiều tác giả nghiên cứu như: Matthew (1995) đã nghiên cứu tạo lập mô hình trồng rừng hỗn loài giữa cây trồng chính với cây họ đậu. Kết quả nghiên cứu cho thấy cây họ đậu tác dụng rất tốt cho cây trồng chính [23]. Nghiên cứu về các biện pháp kỹ thuật trồng, làm đất, phối trí cây trồng rừng khác nhau cũng cho sinh trưởng và năng suất trồng rừng khác nhau. Nghiên cứu về mật độ Evans.J (1992) [33], đã bố trí 4 công thức mật độ trồng rừng khác nhau (2985, 1680, 1075, 750cây/ha) cho Bạch đàn (E.deglupta) ở Papua New Guinea sau 5 năm trồng cho thấy đường kính bình quân của các công thức thí nghiệm tăng theo chiều giảm của mật độ, nhưng tổng trữ lượng cây gỗ đứng của rừng vẫn nhỏ hơn các công thức mật độ cao.
Khi nghiên cứu về Thông (P. caribeae) ở Qeensland (Australia) thí nghiệm với 5 công thức mật độ khác nhau (2200, 1680, 1330, 750 cây/ha), sau 9 năm trồng cũng đã thu được kết quả tương tự.
Nghiên cứu về biện pháp kỹ thuật bón phân cho cây trồng nhằm nâng cao năng suất rừng trồng. Tác giả Mello (1976) ở Brazil cho thấy khi bón phân NPK Bạch đàn sinh trưởng nhanh hơn 50% khi không bón phân. Nghiên cứu về công thức bón phân cho Bạch đàn (E. grandis) theo công thức 150g NPK /gốc theo tỷ lệ N:P:K = 3:2:1 ở Nam Phi năm 1985 Schonau kết luận có thể nâng cao chiều cao trung bình của rừng trồng lên 2 lần sau năm thứ nhất.
Bón phân Phosphate cho Thông caribe ở Cu Ba, Herrero và cộng sự (1988) thu được kết quả là nâng cao sản lượng rừng sau 13 năm trồng từ 56 m3/ha lên 69 m3/ha,… Những kết quả nghiên cứu trên cho thấy biện pháp bón phân, thời gian bón phân, loại phân bón ảnh hưởng rất rõ rệt đến năng suất trồng rừng.
Biện pháp kỹ thuật tỉa cành, tỉa thưa cho lâm phần rừng cũng ảnh hưởng rất lớn đến năng suất sinh khối cũng như kinh tế cho rừng trồng. Bên cạnh đó việc phòng trừ sâu bệnh hại cho cây rừng cũng phát huy rất hiệu quả nhằm nâng cao năng suất rừng trồng. Nghiên cứu về bệnh phấn hồng trên cây
mất màu và rỗng ruột ở cây Keo tai tượng (A. mangium) của Lee S.S (1988),… đã giúp cây sinh trưởng tốt hơn và năng suất cây rừng tăng lên.
Bên cạnh rừng trồng thuần loài, các nghiên cứu trồng rừng hỗn loài cũng đã được chú ý nghiên cứu. Trong việc thiết lập rừng hỗn giao, nguyên tắc cảm nhiễm tương hỗ, hay là nhóm sinh thái giữa các loài đặc biệt được các nhà nghiên cứu chú ý. Kolesnitsenko (1977) khi nghiên cứu về vấn đề này đã đề nghị mật độ cây trồng chính trong mô hình rừng hỗn loài không nên ít hơn 50%, các loài cây hoạt hoá không quá 30-40% và các loài cây ức chế không ít hơn 10-20% trong tổng các loài cây của mô hình. Nghiên cứu về đặc điểm sinh thái của các loài cũng là vấn đến rất quan trọng khi xây dựng các mô hình trồng rừng gỗ lớn. Các kết quả nghiên cứu đã chia các loài cây theo nhu cầu ánh sáng của chúng. Kiến thức này rất quan trọng trong việc xác định các giải pháp lâm sinh để điều chỉnh môi trường trồng rừng thích hợp cho từng nhóm loài.
Chuẩn bị đất trồng rừng là khâu công việc tốn nhiều công sức nhưng có ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng rừng trồng. ở các nước tiên tiến như Mỹ, Liên Xô cũ, Đức, Canada, Brazil,… công việc làm đất trồng rừng chủ yếu được thực hiện bằng các loại máy có công suất lớn và hiện đại như Fiat, Komatsu, Bofort, TZ-171, T-130 với thiết bị chuyên dụng như ben ủi, răng rà rễ, cày ngầm, cày rạch. Những năm gần đây, ở Brazil, Công Gô, Inđônêxia đã sử dụng cày ngầm với máy kéo xích Komatsu công suất trên 200 ml để làm đất trồng rừng bạch đàn với độ sâu cày 80 - 90cm, cho năng suất rừng đạt trên 50 m3/ha/năm.
Tỉa thưa là một trong những biện pháp kỹ thuật quan trọng có tác động rõ rệt đến cấu trúc, sinh trưởng, phát triển, sản lượng, chất lượng và cơ cấu sản phẩm rừng trồng. Tổng kết 9 mô hình tỉa thưa với 4 loài cây, E. Assmann (1961) chỉ ra rằng tỉa thưa không thể làm tăng tổng sản lượng gỗ một cách đáng kể, thậm chí tỉa với cường độ lớn còn làm giảm tổng sản lượng gỗ lâm
phần. Tuy nhiên, với lâm phần Vân sam (Picea abies) tỉa thưa mạnh sẽ làm cho tăng trưởng thể tích của cây cá thể tăng lên 15-20% so với lâm phần không tỉa. So sánh sinh trưởng của đường kính cây thuộc lâm phần Tếch 26 tuổi được tỉa thưa với cường độ lớn ở tuổi 14, Iyppu và Chandrasekharan (1961) nhận thấy ở lâm phần tỉa thưa mạnh đường kính cây là 39,9cm trong khi ở lâm phần không tỉa thưa chỉ đạt 29,5cm.
Tỉa thưa có thể làm tăng chất lượng gỗ của một số loài cây lá rộng như Quercus sp, Esche,… nhưng lại có tác động ngược lại đối với loài Pinus silvetris, Larix sp,… Tỉa thưa có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng đường kính cây, làm lượng gỗ giác tăng lên, lượng gỗ lõi giảm đi nên chất lượng gỗ xẻ giảm.
Ảnh hưởng của mật độ đến sự phát triển của tán lá khá rõ nét. Nghiên cứu rừng trồng Pinus patula, Julians Evan (1982) cho thấy ở rừng 19 tuổi chưa qua tỉa thưa chiều dài tán lá bằng 29% tổng chiều dài thân, trong khi cũng ở tuổi này rừng đã tỉa thưa một lần vào tuổi 9, chiều dài tán lá lên tới 40% chiều dài thân cây. Đối với diện tích tán, Hunt (1969) đã so sánh ảnh hưởng của tỉa thưa đến lâm phần Pinus strobus 22 tuổi và kết luận sau 5 năm tính từ thời điểm tỉa thưa, tổng trọng lượng lá cây của lâm phần qua tỉa thưa gấp 3 lần trọng lượng lá cây của lâm phần chưa tỉa thưa.