Nghiên cứu về mối quan hệ giữa sinh trưởng, năng suất của rừng với dạng lập địa

Một phần của tài liệu Điều tra đánh giá các mô hình rừng trồng cung cấp gỗ lớn làm cơ sở lựa chọn loài cây trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh ở các tỉnh trung du miền núi phía bắc tây bắc và trung tâm (Trang 29 - 32)

Viên Ngọc Hùng (1985), Nguyễn Ngọc Lung (1987, 1989) đã khảo sát hàng loạt các hàm sinh trưởng Gompertz (1825), Verhult - Rovertson (1845), Koller (1878), Terazaki (1907), Schumacher (1935), Drakin - Vuebski (1940), Korf (1973), Nagglund (1973),… và dùng hàm Schumacher để biểu diễn sinh trưởng chiều cao bình quân tầng trội lâm phần Thông ba lá Lâm Đồng, từ đó phân chia hàm sinh trưởng theo cấp đất. Trịnh Đức Huy (1988) đã dùng hàm Gompertz để phân chia cấp đất cho rừng Bồ đề, Vũ Nhâm (1988) [14] đã dùng hàm Korf lập cấp đất cho rừng Thông đuôi ngựa...

Nghiên cứu sinh trưởng của cây Mỡ, Lâm Công Định [5] đã đưa ra một số kết luận. Cây tiêu chuẩn 35 tuổi ở vị trí sườn đồi HVN = 19,5m, D1.3 = 30,7m, V = 0,64 m3. Trong điều kiện cơ bản của đất đai và khí hậu, Mỡ sinh trưởng trung bình. Tốc độ sinh trưởng có thể giảm bớt hay tăng lên, nhất là trong thời kỳ tuổi nhỏ. Sự tăng giảm đó lệ thuộc chặt chẽ vào các điều kiện chi phối cụ thể nơi trồng: hướng phơi, thời vụ trồng, sự xâm chiếm của cây hoang dại.

Nghiên cứu sinh trưởng Thông Đuôi Ngựa, Vũ Nhâm [14] đã lập được biểu cấp đất và biểu thể tích 2 nhân tố rừng kinh doanh gỗ mỏ để phục vụ lập biểu sản phẩm.

Nghiên cứu về cây Tếch, tuỳ theo đặc điểm từng vùng mà các loài cây có những phản ứng khác nhau về sức sinh trưởng. Nhìn chung, cây Tếch là cây có nhiều triển vọng. Việc nghiên cứu sinh trưởng, lập biểu sản lượng cho các lâm phần đã được các nhà khoa học nghiên cứu từ những năm 60. Bảo Huy (1995) đã thử nghiệm các mô hình dự đoán sản lượng cho các loài Tếch ở Đắc Lắc đã xây dựng được biểu cấp đất tạm thời, dự đoán được sản lượng rừng.

Vũ Đình Phương (1985) [17], đã nhận thấy tương quan giữa đường kính với tuổi là rất chặt chẽ, hệ số tương quan r ≥ 0,9, đã nghiên cứu cả 2 phương pháp phân chia cấp đất dựa vào quan hệ giữa chiều cao theo tuổi và cấp kính, kết quả cho thấy là trùng khớp nhau khi đánh giá cấp đất cả 2 phương pháp.

Ngoài ra, các nghiên cứu về điều kiện lập địa Trần Khải (2000) đã phân hạng các loại đất thích hợp với những loại cây trồng rừng [10]. Nguyễn Ngọc Bình (1996), đã đưa ra nguyên tắc phân loại đất rừng ở Việt Nam. Đất rừng Việt Nam gồm 2 lớp đất là lớp đất nhiệt đới (6 lớp đất phụ) và lớp đất á nhiệt đới (1 lớp đất phụ), trong các lớp đất phụ chia thành các loại đất và loại đất phụ, trên cơ sở đó lựa chọn loại cây trồng [20].

Hệ thống đánh giá đất lâm nghiệp cũng việc xây dựng cẩm nang đánh giá đất phục vụ trồng rừng ở Việt Nam đã được nhóm tác giả Đỗ Đình Sâm, Ngô Đình Quế, Vũ Tấn Phương (2005) nghiên cứu và hoàn thiện theo các tiêu chí: Đánh giá tiềm năng sản xuất đất lâm nghiệp; phân hạng đất lâm nghiệp;

đánh giá và phân chia lập địa trong lâm nghiệp. Đánh giá và phân chia lập địa dựa theo các thành phần chính là: khí hậu, địa hình, và thổ nhưỡng. Hệ thống phân chia lập địa cho toàn quốc bao gồm 7 cấp: miền lập địa, á miền lập địa, vùng lập địa, tiểu vùng lập địa, dạng đất và dạng lập địa [18], [19].

Khi nghiên cứu xác định tiêu chuẩn phân chia lập địa cho rừng trồng công nghiệp tại một số vùng sinh thái của Việt Nam, Ngô Đình Quế và cộng sự (2001) cũng đã có nhận định là có 4 yếu tố cơ bản chủ đạo ảnh hưởng rõ rệt tới khả năng sinh trưởng của rừng trồng công nghiệp bao gồm: đá mẹ và loại đất; độ dày tầng đất và tỷ lệ đá lẫn; độ dốc; thảm thực bì chỉ thị. Khi nghiên cứu đánh giá đất lâm nghiệp cấp xã để phục vụ trồng rừng, Đỗ Đình Sâm và cộng sự (2005) [19] đã xây dựng được bộ tiêu chí và chỉ tiêu để đánh giá gồm 6 tiêu chí với 24 chỉ tiêu về điều kiện tự nhiên và 5 tiêu chí về điều kiện kinh tế xã hội.

Nguyễn Ngọc Nhị và Nguyễn Văn Khánh (1982) đã phân vùng sinh trưởng cho toàn quốc trên cơ sở đặc trưng khí hậu thuỷ văn, thổ nhưỡng, thực vật với hệ thống phân loại chi tiết với 6 cấp phân vị. Các công trình nghiên cứu sinh trưởng rừng, trong giai đoạn đầu mới chỉ đưa ra những chỉ số trung bình theo các giai đoạn tuổi hay giai đoạn phát triển rừng về chiều cao, đường kính, thể tích,…

Lê Đình Khả và cộng sự (2003) đã tập hợp các nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước về phân loại , phân bố, đặc điểm sinh học, sinh thái, tiềm năng sử dụng và triển vọng gây trồng trên nhiều vùng sinh thái và nhiều dạng lập địa cũng như các kết quả khảo nghiệm ở Nước ta đã đề xuất một số loài Keo có triển vọng tại Việt Nam là: Keo lá tràm, Keo tai tượng, Keo lá liềm,…. Lê Đình Khả (2004) cũng đã đưa ra một số loài cây trồng thích hợp và có triển vọng nhất cho vùng Bắc Trung bộ là Thông Caribeae, Thông nhựa, Keo lai, ... [9].

Một nghiên cứu do trung tâm nghiên cứu tổng hợp nông nghiệp Quốc tế của Úc (ACIAR) tài trợ, được tiến hành bởi Trung tâm nghiên cứu cây nguyên liệu giấy (FRC) và Trường đại học Queensland (UQ) đã đo đạc được hơn 90 loài cây bản địa trong các khu rừng trồng ở 34 địa điểm thuộc vùng Tây Bắc Việt Nam. Mục tiêu của nghiên cứu này là nhằm xác định các kiểu sinh trưởng của các loài cây bản địa phổ biến. Các khu rừng trồng này gồm cả hai loại độc canh và xen canh với nhiều quá trình quản lý khác nhau. Những dữ liệu của nghiên cứu này cho thấy Canarium album, Castanopsis fissa, Castanopsis hystrix, Chukrasia tabularis, Cinamomum cassia, Cinamomum iners, Dracontomelum dupereanum, Endospermun chinensis… được xem là những loài cây tốt nhất để trồng rừng ở vùng Tây Bắc Việt Nam. Các loài cây này có thể chịu được những điều kiện khắc nghiệt ở Tây Bắc, có khả năng tồn tại và sinh trưởng tốt nhất trong điều kiện đấy.

Vũ Đình Hưởng và các cộng sự (2004) cho rằng trên các dạng lập địa khác nhau (các dạng đất khác nhau) tăng trưởng của các mô hình rừng Keo lá tràm là không giống nhau. Việc khai thác, chuẩn bị lập địa và hoạt động chăm sóc rừng non từ khi trồng đến khi khép tán kéo dài và ảnh hưởng chủ yếu đến năng suất của rừng trồng Keo lá tràm tại khu vực Đông Nam bộ [8].

Công trình nghiên cứu của Trần Văn Con (2001) về xác định một số loài cây trồng chính phục vụ trồng rừng sản xuất vùng Bắc Tây Nguyên đã kết luận: đối với mục đích trồng rừng gỗ lớn tại Bắc Tây Nguyên thì cần ưu tiên 10 loài trong đó có Giổi, đối với mục đích trồng rừng nguyên liệu gỗ nhỏ (giấy, dăm,...) thì ưu tiên các loài Bạch đàn Urophylla , Keo lai, Thông caribeae và Thông ba lá,… [3].

Một phần của tài liệu Điều tra đánh giá các mô hình rừng trồng cung cấp gỗ lớn làm cơ sở lựa chọn loài cây trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh ở các tỉnh trung du miền núi phía bắc tây bắc và trung tâm (Trang 29 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)