Chương 2 THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CẤP XÃ CỦA HUYỆN ĐOAN HÙNG -TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2012 -
2.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội
Huyện Đoan Hùng có 28 đơn vị hành chính bao gồm 27 xã và 1 thị trấn. Bao gồm: Ca Đình, Chân Mộng, Minh Phú, Minh Tiến, Tiêu Sơn, Vân Đồn, Vụ Quang, Hùng Long, Yên Kiện, Tây Cốc, Phú Thứ, Sóc Đăng, Đại Nghĩa, Hữu Đô, Ngọc Quan, Phúc Lai, Phong Phú, Chí Đám, Bằng Doãn, Minh Lương, Quế Lâm, Phương Trung, Vân Du, Bằng Luận, Hùng Quan, Nghinh Xuyên, Đông Khê và thị trấn Đoan Hùng. Hiện nay trên toàn huyện có 5 xã đặc biệt khó khăn và 6 xã năm trên thôn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Với cơ cấu hành chính như vậy đã tạo cho Đoan Hùng có các đơn vị hành chính xã, thị trấn phát triển không đồng đều.
GDP bình quân đầu người năm 2014 đạt 1.150 USD. Cơ cấu kinh tế của huyện là:
Công nghiệp và xây dựng; Nông lâm, thuỷ sản; Thương mại và dịch vụ. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, huyện đã tập trung mọi nguồn lực khai thác tiềm năng thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội.
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Tiếp tục thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống; tập trung phát triển công nghiệp chế biến, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm thường xuyên cho trên 9.587 lao động.
Riêng cụm công nghiệp Sóc Đăng thu hút đầu tư trên 125 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 6.500 lao động. Cụm công nghiệp Sóc Đăng đã đầu tư 55ha (giai đoạn 1) cơ bản hoàn thành cơ sở hạ tầng, cấp giấy phép đầu tư cho 13 doanh nghiệp trong nước và 12 doanh nghiệp nước ngoài với ngành nghề kinh doanh chủ yếu là chế biến sản xuất gỗ, đũa, cúc áo, và may công nghiệp các loại.
Chương trình khuyến công được chú trọng, đã hỗ trợ đầu tư trồng cói, trang thiết bị dệt chiếu, xây dựng lò gạch kiểu đứng liên tục, thay dần lò gạch thủ công.
Các làng nghề dệt chiếu ở Yên Kiện, Tiêu Sơn; sản xuất chiếu trúc ở Chân Mộng, sản xuất gạch ở Phú Thứ, Đại Nghĩa, tiếp tục phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân.
Quy mô sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ và phân tán, máy móc thiết bị và công nghệ lạc hậu, chất lượng sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh yếu, tạo việc làm cho người lao động chưa nhiều. Cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp chưa đồng bộ; thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gặp khó khăn. Giá trị sản xuất, tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện còn lạc hậu.
Toàn huyện hiện có 2.416 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hoạt động sản xuất ổn định và phát triển.
Sản xuất nông nghiệp: Lãnh đạo phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch; chỉ đạo thực hiện chuyển đổi thành công từ 3 vụ lúa sang 2 vụ/năm; bố trí hợp lý cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chủ động phòng trừ sâu bệnh; đẩy mạnh công tác khuyến nông, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện kiên cố hóa kênh mương nội đồng, có 75% diện tích nước tự chảy, đưa năng suất lúa từ 60 tạ/ha lên 63 tạ/ha; năng suất cây ngô 59 tạ/ha; tổng sản lượng lương thực năm 2012 ước đạt 58.500 tấn. Xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế
biến có nhiều cố gắng, cây mỳ 1.100ha, keo lai 1.000ha; riêng diện tích trồng mía giảm còn 500ha. Các loại cây rau, đậu, trồng hoa, cây cảnh ổn định và phát triển.
Phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, cải tạo vườn tạp; phát triển kinh tế trang trại có bước phát triển và đạt kết quả khá.
Chăn nuôi: Chỉ đạo phát triển đàn gia súc, gia cầm theo hướng chăn nuôi tập trung, nâng cao giá trị sản xuất ngành chăn nuôi. Thực hiện tốt cải tạo đàn gia súc theo hướng nạc hóa đàn heo, sin hóa đàn bò; chủ động phòng chống dịch bệnh không để lây lan trên diện rộng. Tổng đàn gia súc có 135.260 con. Trong đó, bò lai sin chiếm 75%. Đàn gia cầm 578.600 con, góp phần nâng tỷ trọng chăn nuôi chiếm 39,4% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Lâm nghiệp: Thực hiện quy hoạch 3 loại rừng, giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Tổ chức trồng rừng hàng năm đạt kế hoạch, thực hiện tốt các dự án trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chú trọng chăm sóc, bảo vệ, phòng, chống cháy rừng. Bình quân hàng năm trồng 300 ha rừng;
trồng 150.000 cây phân tán. Nâng độ che phủ rừng lên 25%. Khai thác gỗ bình quân hàng năm 4.000m3.
Thương mại, dịch vụ, du lịch: Mạng lưới thương mại, dịch vụ những năm qua phát triển khá, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Các dịch vụ ngân hàng, bưu chính viễn thông, vận tải, đại lý cung cấp, tiêu thụ hàng hóa… tiếp tục phát triển, thu hút nhiều lao động. Một số chợ được quy hoạch xây dựng kiên cố như: thị trấn Đoan Hùng, Chi Đám, Chân Mộng, Tây Cốc, Tiêu Sơn, Nghinh Xuyên… tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa.
Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ du lịch bình quân hàng năm tăng 18,2%. Năm 2012 thực hiện giá trị 452 tỷ đồng, chiếm 34,7% trong cơ cấu kinh tế.
Hiện nay, huyện chưa thực hiện triển khai quy hoạch tổng thể và chi tiết, việc thu hút đầu tư, thương mại, dịch vụ, du lịch còn hạn chế. Chưa tạo được mối quan hệ hợp tác liên doanh giữa các huyện trong tỉnh, giữa doanh nghiệp trong huyện với bên ngoài để tìm kiếm thị trường giải quyết đầu ra cho sản xuất. Việc
nắm bắt và xử lý thông tin thị trường chưa kịp thời đã làm hạn chế kết quả sản xuất kinh doanh.
Văn hóa thông tin: Hoạt động văn hóa tiếp tục phát triển, chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được nâng lên. Năm 2014, có 15 xã, thị trấn đạt chuẩn văn hóa Hiện nay trên địa bàn huyện Đoan Hùng đã có đủ 286/286 thôn có nhà văn hóa thôn, đảm bảo tổ chức tốt các ngày lễ lớn, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội truyền thống, hoạt động vui chơi giải trí có bước phát triển khá, đời sống tinh thần của nhân dân được cải thiện tốt hơn.
Đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp, kịp thời chuyển tải chủ trương nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương đến các tầng lớp nhân dân, góp phần cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Hệ thống Đài truyền thanh huyện và cơ sở được củng cố, chất lượng tin bài, thời lượng phát sóng được nâng lên, có 98% hộ được xem truyền hình và nghe Đài tiếng nói Việt Nam.
Giáo dục và đào tạo: Có bước phát triển khá, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, tốt nghiệp trung học sơ sở, trung học phổ thông và thi vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đạt tỷ lệ cao. Hiện nay, có 100 % giáo viên được chuẩn hóa; 100% xã, thị trấn hoàn thành phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở, cơ sở vật chất được tăng cường, tạo thuận lợi cho con em học tập tốt hơn. Toàn huyện có 46/86 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 53,48%. Trong đó: Mẫu giáo 10/29 trường, tiểu học 20/28 trường, trung học cơ sở 15/29 trường, trung học phổ thông 1/3 trường. Giáo dục hướng nghiệp dạy nghề được chú trọng, công tác phát triển đảng viên mới trong ngành giáo dục được quan tâm, đến nay tỷ lệ đảng viên chiếm 24%.
Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân: Hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, công tác y tế dự phòng, điều trị bệnh theo hướng đông - tây y kết hợp được chú trọng; thành lập phòng y tế, tách Trung tâm y tế huyện thành Bệnh viện Đa khoa và Trung tâm y tế dự phòng. Thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia, chủ động phòng, chống dịch bệnh. Bệnh viện Đa khoa huyện trong quá trình xây dựng nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu khám
chữa bệnh cho nhân dân. Năm 2012, có 100% trạm y tế xã, thị trấn có bác sĩ; hệ thống giường bệnh đảm bảo đủ yêu cầu; trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 16%; có 10 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Công tác an sinh xã hội: Thực hiện tốt các chế độ, chính sách xã hội cho các đối tượng, tổ chức thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ gia đình chính sách đảm bảo kịp thời, đúng chế độ. Đã huy động, tiếp nhận các nguồn vốn xây dựng và trao tặng 450 nhà ở cho các đối tượng chính sách, trong đó có 51 nhà cho cán bộ tiền khởi nghĩa. Quy tập 42 mộ liệt sĩ đưa vào nghĩa trang, thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Các đối tượng chính sách xã hội được quan tâm. Đã phối hợp mở sàn giao dịch giới thiệu việc làm, hàng năm tạo việc làm mới cho trên 3.500 lao động. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, các hoạt động nhân đạo từ thiện. Huy động các nguồn vốn sửa chữa, nâng cấp, xóa nhà tạm cho hộ nghèo và gia đình chính sách, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 12%.
Nhìn chung, tất cả những nỗ lực cố gắng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong thời gian qua đã góp phần nâng cao đời sống, vật chất tinh thần cho nhân dân, bộ mặt toàn huyện có nhiều đổi mới. Các điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội trên địa bàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động tài chính và các khoản thu, chi ngân sách của huyện nói chung và của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện nói riêng.