Chương 1. TỔNG QUAN LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC UBND CẤP HUYỆN
1.3. Tổng quan các công trình, đề tài nghiên cứu liên quan đến đề tài
Công chức, chất lượng công chức là vấn đề được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, là đề tài được hội thảo tại nhiều hội nghị trong nước và quốc tế.
Ở phương diện quốc gia (hay toàn bộ đội ngũ công chức Việt Nam) đã được nhiều tổ chức và cá nhân quan tâm nhiên cứu. Cụ thể một số công trình điển hình như sau:
- Nguyễn Phú Trọng, Trần Xuân Sầm (2003), Luận cứ khoa học cho việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. Các tác giả của công trình nghiên cứu này nghiên cứu lịch sử phát triển của các khái niệm về cán bộ, công chức, viên chức; góp phần lý giải, hệ thống hóa các căn cứ khoa học của việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung. Từ đó đưa ra những kiến nghị về phương hướng, giải pháp nhằm củng cố, phát triển đội ngũ này cả về chất lượng, số lượng và cơ cấu.
- Tác giả Tô Tử Hạ, nguyên Phó trưởng Ban tổ chức – Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) có nhiều công trình nghiên cứu về công chức nhà nước, nhiều tác phẩm được sử dụng như là giáo trình giảng dạy về công chức hành chính nhà nước cho đội ngũ công chức hiện nay.
- Thang Văn Phúc – Nguyễn Minh Phương (2005): Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức. Nxb. Chính trị quốc gia. Trên cơ sở nghiên cứu các quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng Cộng sản Việt Nam về vai trò, vị trí người cán bộ cách mạng, cũng như yêu cầu đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức; tìm hiểu những bài học kinh nghiệm về việc tuyển chọn và sử dụng nhân tài trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, cũng như kinh nghiệm xây dựng nền công vụ chính quy hiện đại của các nước trong khu vực và trên thế giới. Từ đó xác định hệ thống các yêu cầu, tiêu chuẩn của cán bộ, công chức đáp ứng đòi hỏi của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.
1.3.2. Các đề tài nghiên cứu của các cấp liên quan đến đề tài
Trong những năm gần đây đã có nhiều đề tài nghiên cứu của các cấp liên quan đến đội ngũ cán bộ, công chức hành chính nhà nước ở nước ta như:
- Luận văn cao học của tác giả Nguyễn Xuân Bắc về “Phát triển nguồn nhân lực tại UBND huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi” .
Trong luận văn, khi đánh giá về thực trạng chất lượng nguồn nhân lực với những tồn tại hạn chế là chủ yếu do thực tiễn của UBND huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. Về cơ sở lý luận và cơ sở khoa học còn chung chung, chưa cụ thể được các giải pháp một cách đồng bộ nhằm phát triển nguồn nhân lực cho phù hợp trong giai đoạn hiện nay,...
- Luận văn cao học của tác giả Nguyễn Thị Thúy Vân về “Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức nhà nước tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh”.
Theo tác giả chất lượng của đội ngũ công chức, viên chức được xác định trên cơ sở tiêu chí về phẩm chất đạo đức, trình độ năng lực phù hợp với vị trí, chức năng nhiệm vụ của đội ngũ công chức, viên chức về khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tác giả đã tập trung phân tích đánh giá thực trạng chất lượng của từng chức danh công chức, viên chức chỉ ra những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân của các hạn chế. Từ thực trạng đó đưa ra các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Tuy nhiên khi đánh giá chất lượng của đội ngũ công chức, viên chức, tác giả chưa bám sát các nội dung đánh giá, xếp loại công chức, viên chức quy định tại Luật cán bộ, công chức năm 2008, Luật viên chức năm 2010;
các giải pháp chưa nhằm bố trí, sử dụng một cách hợp lý đội ngũ với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị trong giai đoạn hiện nay...
1.3.3. Các công trình, bài viết đã được đăng, công bố trên báo, tạp chí,…
Ngoài ra, một số bài viết, nghiên cứu được đăng trên các Tạp chí Thông tin Chính trị học, Tạp chí Quản lý nhà nước, Tổ chức Nhà nước, Nhà nước pháp luật… như:
- TS. Trần Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước – Bộ Nội vụ: “Phân định cán bộ và công chức - một vấn đề cơ bản để phát triển nguồn nhân lực trong hoạt động công vụ” - Tạp chí Kiểm toán số 6/2011.
- Diệp Văn Sơn: “Xây dựng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho bộ máy hành chính” – Tạp chí phát triển nguồn nhân lực, số 1-2012.
- Phùng Hữu Phú: “Xây dựng đội ngũ cán bộ đồng bộ, có cơ cấu hợp lý, có chất lượng tốt để đáp ứng yêu cầu đổi mới” - 4/2006.
- Bài viết “Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức” của tác giả Trần Thị Nam – Tạp chí Cộng sản 11/2008.
* Từ các công trình, đề tài nghiên cứu… trên có thể rút ra:
- Các nghiên cứu về chất lượng công chức và giải pháp nâng cao chất lượng công chức thường tiếp cận từ nền hành chính nhà nước, dựa trên quan điểm của quản lý hành chính nhà nước hoặc theo cách tiếp cận của Luật hành chính.
- Các giải pháp nâng cao chất lượng thường được xem xét trên góc độ nâng cao chất lượng của từng công chức cụ thể mà không xem xét trên góc độ là một đội ngũ, mối quan hệ phối hợp giữa các thành viên trong tổ chức.
- Các nghiên cứu thường xem xét chất lượng công chức ở một khía cạnh chung, chưa đi sâu phân tích theo từng nhóm công chức.
- Đặc biệt là chưa có nghiên cứu nào có phương pháp phân tích khoa học, giải pháp đồng bộ để bố trí, sử dụng cán bộ phù hợp với vị trí việc làm theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ trong tương lai…
Huyện Lập Thạch mặc dù được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm và có những chính sách ưu tiên về phát triển kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực nhằm đưa huyện phát triển trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa – xã hội của tỉnh. Nhưng do sự thiếu hụt và năng lực còn hạn chế của đội ngũ công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ nên hiệu quả công tác chưa thật cao. Trong những năm qua, việc tổng kết, đánh giá đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức chậm được tiến hành, chưa có các giải pháp đồng bộ, phù hợp với đặc thù đối với đội ngũ công chức, viên chức của huyện.
Ở luận văn này, tác giả nhận thức được vai trò quan trọng đó, để huyện Lập Thạch có cơ hội phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức tác giả chọn đề tài:"Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức
UBND huyện Lập Thạch” tiếp cận từ yêu cầu của quá trình cải cách hành chính đòi hỏi công chức, viên chức phải có những phẩm chất, năng lực gì và đánh giá chất lượng đội ngũ đang ở mức độ nào… Tác giả khảo sát, thống kê, nghiên cứu, phân tích thực trạng những nội dung, tiêu chí cơ bản đến chất lượng đội ngũ công chức, viên chức UBND huyện hiện nay và đưa ra những giải pháp đồng bộ, phù hợp với đặc điểm về kinh tế - xã hội, con người của huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
Đến nay chưa có một đề tài nào nghiên cứu, đưa ra các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức UBND huyện Lập Thạch. Đề tài kế thừa kết quả của các công trình, đề tài nghiên cứu trước, song không trùng lặp.
Kết luận Chương 1
Trong Chương 1, luận văn đã khái quát, đi sâu phân tích, làm rõ những vấn đề sau đây:
- Trên cơ sở các văn bản pháp quy và tiếp cận, nghiên cứu dưới góc độ chuyên ngành, tác giả khái quát những vấn đề lý luận cơ bản về công chức, viên chức nhà nước; công chức, viên chức nhà nước ở địa phương và vai trò công chức, viên chức nhà nước ở địa phương trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, hoạt động nghề nghiệp.
- Nêu lên một số tiêu chí trong đánh giá chất lượng công chức, viên chức và kinh nghiệm một số nước trong việc nâng cao chất lượng công chức, viên chức.
- Chỉ ra nội dung, đặc điểm của cải cách hành chính trong lĩnh vực cán bộ, công chức, viên chức, yêu cầu của cải cách hành chính với đội ngũ công chức trong tình hình mới làm cơ sở giải quyết những vấn đề thực tiễn trong các chương tiếp theo.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC UBND HUYỆN LẬP THẠCH GIAI ĐOẠN 2012-2014