Chương 1. TỔNG QUAN LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC UBND CẤP HUYỆN
2.1. Khái quát đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến đội ngũ công chức, viên chức nhà nước
2.1.1. Đặc điểm tự nhiên
Lập Thạch là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Vĩnh Phúc; phía Bắc và Đông bắc có dãy núi Sáng và núi Tam Đảo làm ranh giới tự nhiên với hai tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên, phía tây có Sông Lô bao bọc tiếp giáp với tỉnh Phú Thọ, phía Đông và Đông Nam là sông Phó Đáy ngăn cách địa giới hành chính với hai huyện Tam Dương, Vĩnh Tường. Lập Thạch có tổng diện tích tự nhiên 17.301,22ha, có 20 đơn vị hành chính cơ sở, trong đó có 18 xã, 02 thị trấn với tổng dân số gần 125.000 người. Có các dân tộc anh em: Kinh, Cao Lan, Sán Dìu, Hoa…
cùng sinh sống.
Là huyện có lịch sử lâu đời, có truyền thống cách mạng vẻ vang, hiếu học.
Trong các thế kỷ trước quê hương Lập Thạch đã sản sinh ra nhiều danh nhân nổi tiếng như Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, Hàn lâm học sỹ Triệu Thái, nhà giáo Đỗ Khắc Chung, cùng nhiều tiến sỹ có tên tuổi được lưu trên các bia đá tại Văn miếu – Quốc Tử Giám.
2.1.2. Đặc điểm kinh tế – xã hội
Lập Thạch là huyện thuần nông của Tỉnh Vĩnh Phúc. Ngoài nghề nông ra người dân nơi đây còn có nhiều nghề thủ công truyền thống như nghề mây, đan tre ở Triệu Xá (xã Triệu Đề), nghề làm giát giường ở Hoàng Chung (xã Đồng ích), các sản phẩm như giát giường, thúng, mủng, giổ, giá, được sản xuất từ những vùng này là những sản phẩm có chất lượng, đạt thẩm mỹ cao, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các gia đình. Ngoài ra ở Lập Thạch còn nhiều nghề phụ gia đình như nghề rèn, nghề mộc, thợ nề,… được làm vào lúc công việc đồng áng nhàn rỗi, đem lại nguồn thu nhập phụ cần thiết cho các gia đình.
Hiện nay trên địa bàn huyện có 09 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tập trung ở các lĩnh vực: Chế biến nông sản, thực phẩm xuất khẩu, sản xuất đồ gỗ. Toàn huyện có khoảng 65 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp với 6.500 lao động, doanh thu đạt 629 tỷ đồng.
Huyện Lập Thạch có mạng lưới giao thông dày đặc bao gồm cả đường bộ và đường sông. Về đường bộ: Quốc lộ 2C chạy qua các xã Thái Hòa, Bắc Bình, Hợp Lý, Quang Sơn với tổng chiều dài 15km; Tỉnh lộ: có 06 tuyến chạy qua với chiều dài 78km. Năm 2013, các tuyến đường giao thông huyện lộ và nhất là các tuyến đường trục xã và liên xã được đầu tư xây dựng mạnh. Do đó tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Giao thông đường thủy: Được bao bọc bởi hai con sông Sông Lô và sông Phó Đáy nên việc vận chuyển bằng đường sông diễn ra thuận lợi. Đến nay, toàn huyện có 180 tàu vận tải có trọng tải từ 20 - 450 tấn. So với những năm trước số lượng phương tiện vận tải của huyện không ngừng gia tăng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Như vậy, với những thuận lợi về giao thông, tài nguyên rừng, đặc biệt là chính sách mở cửa của chính quyền, Lập Thạch có khả năng để thu hút các nguồn lực từ bên ngoài để phát triển. Đến nay tập đoàn Prime Group đã tiến hành đầu tư 30 ha để xây dựng nhà máy sản xuất gạch trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó với sự phát triển mạnh của các cơ sở sản xuất kinh doanh và các cơ sở hành chính, sự nghiệp, đảng, đoàn thể, các tổ chức hội cho nên nhu cầu giải quyết các công việc rất lớn, do vậy đòi hỏi về chất lượng công chức quản lý nhà nước của UBND huyện rất cao. Đây cũng là một vấn đề mà các cấp chính quyền rất quan tâm.
Do bị chi phối bởi điều kiện lịch sử, cùng các yếu tố tự nhiên kinh tế xã hội mang tính đặc thù nên ngoài đặc điểm chung của đội ngũ công chức hành chính Việt Nam, công chức hành chính huyện Lập Thạch có những đặc điểm riêng. Sự hình thành và phát triển đội ngũ công chức hành chính của huyện Lập Thạch cũng có những thuận lợi, khó khăn nhất định, so với công chức hành chính nhà nước nói chung, công chức hành chính huyện Lập Thạch có đặc điểm khác biệt chủ yếu sau:
Thứ nhất, trong thực tiễn lịch sử - văn hiến, bề dầy truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước cho thấy người dân Lập Thạch có truyền thống thông minh hiếu học, khắc phục khó khăn trong lao động, dũng cảm kiên cường trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất. Do đó đội ngũ công chức ở đây cũng được kế thừa truyền thống quê hương, bền bỉ, kiên trung, tinh thần quả cảm, biết khắc phục khó khăn…trong công việc và hoạt động công vụ, đây cũng là một nhân tố tích cực trong đặc điểm đội ngũ công chức hành chính của huyện nhà.
Thứ hai, lập Thạch là một trong những huyện của tỉnh Vĩnh Phúc có nguồn thu ngân sách thấp, kinh tế chưa phát triển, 3/4 số chi ngân sách phải dựa vào cân đối ngân sách từ tỉnh, nền kinh tế của huyện còn có những hạn chế yếu kém nhất định, nhịp độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Một số ngành, lĩnh vực chưa tạo được bước đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thu nhập bình quân đầu người tăng chậm, nền kinh tế của huyện so với các huyện trong toàn tỉnh còn có khoảng cách khá xa.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện hàng năm chỉ đạt 15.6%
trong đó: Nông, lâm thủy sản tăng 51.47%, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng tăng 19.47% và dịch vụ tăng 29.06%. GDP bình quân đầu người đạt 26.96 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa còn chậm. Lợi thế so sánh trong từng ngành, từng vùng, từng thành phần kinh tế chưa được phát huy. Các vùng kinh tế trọng điểm phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Cơ cấu lao động chuyển dịch chậm và còn mang tính tự phát và nhỏ lẻ. Do vậy, kinh phí hàng năm dành cho công tác đào tạo bồi dưỡng, cũng như trang bị phương tiện làm việc cho đội ngũ công chức cũng hết sức khó khăn. Điều đó ảnh hưởng tới khả năng và nguồn lực cho công tác nâng cao chất lượng cán bộ công chức của UBND huyện, tác động trực tiếp tới chất lượng công chức của toàn huyện.
Tuy nhiên bên cạnh sự tác động tiêu cực tới chất lượng cán bộ công chức UBND huyện, yếu tố khó khăn trong nguồn lực vật chất cho hoạt động quản lý cũng tạo ra những khía cạnh tích cực về mặt tinh thần trong chất lượng đội ngũ công chức của huyện, có thể nói so với các huyện, thành thị trong tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển khác trên cả nước đội ngũ công chức hành chính ở đây có ưu thế về tinh thần khắc phục khó khăn, biết sử dụng có hiệu quả nguồn lực, cơ sở vật chất hiện có do công chức ở đây đã được tôi rèn trong môi trường làm việc và điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, đây là một trong những đặc điểm của đội ngũ công chức huyện nhà.
Thứ ba, là địa bàn không có nhiều ưu thế trong thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các giao dịch hành chính có yếu tố nước ngoài của huyện cũng không nhiều vì vậy công tác đào tạo vốn ngoại ngữ cho công chức hành chính của huyện không được quan tâm dẫn tới hệ quả trình độ ngoại ngữ công chức do đó cũng không cao, khả năng thích ứng với yếu tố mới trong hội nhập quốc tế của đội ngũ công chức cũng chậm, đây là hạn chế trong công tác cán bộ của huyện giai đoạn phát triển kinh tế trí thức và quốc tế hóa toàn cầu hiện nay.
Thứ tư, về mặt tư duy và tâm lý công chức, do đặc thù của huyện miền núi có cơ cấu kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, vì thế công chức của huyện có một bộ phận không tránh khỏi sức ỳ và tư duy tiểu nông manh mún, dễ rơi vào quan liêu, không nhạy bén với cái mới, không quyết đoán, tinh thần dám chịu trách nhiệm dám nghĩ dám làm trong công việc không cao.