Chương 3. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC UBND HUYỆN LẬP THẠCH, TỈNH VĨNH PHÚC
3.1. Mục tiêu, quan điểm về việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức nhà nước đáp ứng với yêu cầu cải cách hành chính
3.1.2. Quan điểm về việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức
Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ XVIII huyện Lập thạch năm 2010 chỉ đạo:
“Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn, nâng cao sức chiến đấu của Đảng và hiệu lực quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, đổi mới phương thức hoạt động công tác cán bộ, đánh giá cán bộ để làm rõ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của huyện đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới” .
Qua những phân tích về thực trạng, hạn chế và nguyên nhân về nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức ở trên, UBND huyện Lập Thạch có thể xây dựng cho mình phương hướng phát triển đội ngũ công chức, viên chức trong thời gian tới như sau:
* Về công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức: Tăng cường tuyển dụng và đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức; tổ chức đào tạo công chức, viên chức theo các cấp độ khác nhau về lý luận chính trị, chuyên môn tập trung vào các ngành hành chính công, pháp lý, văn hóa, thống kê, xây dựng, đào tạo bậc sau đại học cho công chức, viên chức.
* Về chất lượng công chức, viên chức: Đội ngũ công chức, viên chức có trình độ chuyên môn cao, phù hợp với yêu cầu hiện tại cũng như trong tương lai của công việc thông qua đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đào tạo lại cho công chức, viên chức UBND huyện.
Cụ thể:
- Quy hoạch cán bộ chính quyền theo từng chức vụ. Kiện toàn, bố trí, sắp xếp lại công chức, viên chức các đơn vị trực thuộc cho phù hợp.
- Đảm bảo đội ngũ công chức, viên chức có trình độ đúng chuyên môn theo quy định và thực hiện tốt văn minh trong tiếp xúc ứng xử của cán với đồng nghiệp và công dân.
- Nâng cao chất lượng các lớp học, khoá học do các cơ quan, ban, ngành tổ chức; tránh việc tổ chức không thực sự tạo hứng thú khi công chức, viên chức tham gia.
- Có chính sách hỗ trợ cho công chức, viên chức có nhu cầu nâng cao trình độ của bản thân một cách hợp lý.
- Quy hoạch cán bộ trẻ, có trình độ để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng đưa vào các vị trí quan trọng khi cần thiết.
* Về bố trí sử dụng cán bộ, công chức:
Thực hiện tổ chức, sắp xếp lại công chức, viên chức nhằm bố trí lao động hợp lý, đảm bảo mức độ phức tạp của công việc phù hợp với trình độ chuyên môn, tập trung sử dụng triệt để nguồn nhân lực tại các đơn vị trực thuộc; hạn chế tối đa việc công việc không phù hợp với chuyên môn hay kiêm nhiệm quá nhiều công việc.
Tích cực, chủ động áp dụng công nghệ thông tin vào công việc. Hiện nay bộ phận văn phòng đã được trang bị hệ thống máy vi tính. Việc sử dụng hệ thống này để quản lý nói chung và quản trị nhân lực nói riêng, sẽ tăng hiệu quả làm việc của cơ quan đáng kể.
3.2. Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức UBND huyện Lập Thạch
Để đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của tiến trình xu thế hội nhập, mở cửa. Để giúp cho người cán bộ công chức có đủ bản lĩnh chính trị và kiến thức nghề nghiệp phục vụ cho đất nước, sau đây tác giả xin mạnh dạn đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức UBND huyện Lập Thạch:
3.2.1. Xác định vị trí việc làm tại UBND huyện gắn với đánh giá lại công chức, viên chức để bố trí, sử dụng cho phù hợp
* Sự cần thiết phải xác định vị trí việc làm:
Vị trí việc làm được xác định là nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ lãnh đạo, quản lý tương ứng. Là căn cứ xác định số người làm việc, cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng lao động để thực hiện tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập.
Xây dựng Đề án xác định vị trí việc làm nhằm xác định thực trạng về tổ chức, mạng lưới, vị trí việc làm trong các cơ quan, đơn vị để có kế hoạch phân bổ, điều chỉnh, bổ sung nguồn nhân lực, bố trí biên chế phù hợp với từng đối tượng gắn với từng vị trí việc làm, tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức, người lao động cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.
Xây dựng đề án vị trí việc làm là cơ hội giúp cho cơ quan quản lý hành chính, đơn vị sự nghiệp rà soát lại tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng. Xác định từng vị trí việc làm gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị giúp cho các cơ quan, đơn vị tránh tình trạng định sẵn nhân sự rồi mới tạo ra công việc và tránh sự chồng chéo khi phân công nhiệm vụ cho từng con người. Nhờ đó khắc phục tình trạng vừa thừa, vừa thiếu nhân lực, giúp cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động xác định được vai trò, trách nhiệm và vị trí của mình, tránh tình trạng đùn đẩy, dựa giẫm, thoái thác công việc. Đồng thời cũng là cơ sở để trả tiền lương, tiền thưởng phù hợp với vị trí công việc đó.
Xác định vị trí việc làm dựa trên quy chế làm việc của từng cơ quan, đơn vị, yêu cầu về năng lực của từng vị trí việc làm và vị trí sẽ đảm nhiệm khi được tuyển dụng. Mỗi vị trí việc làm được mô tả bằng các hoạt động của chính vị trí đó, hoạt động đó được đánh giá bằng mức độ thành thạo trong công việc.
Xác định vị trí việc làm trong cơ quan, đơn vị là một nội dung lớn trong chủ trương của Chính phủ về cải cách nền công vụ. Đây là tiền đề để tiến tới xác định vị
trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, đồng thời cũng là vấn đề lớn trong việc cải cách tiền lương. Tất cả sẽ là bước khởi đầu để chuyển đổi phương pháp quản lý nguồn nhân lực trong bộ máy nhà nước.
Với những nội dung như trên, UBND huyện Lập Thạch cần thực hiện xác định vị trí việc làm nhằm xác định số lượng biên chế cần thiết để các cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn… góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao trách nhiệm và ý thức công vụ. Đồng thời bảo đảm tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch và phù hợp với tình hình hoạt động nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị. Do vậy, việc xác định vị trí việc làm trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp là điều rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
* Nguyên tắc xác định vị trí việc làm:
- Phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Bảo đảm tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch và phù hợp với điều kiện thực tiễn.
- Phải tuân thủ pháp luật về quản lý công chức, viên chức.
- Đối với công chức: Mỗi vị trí việc làm luôn gắn với một chức danh ngạch công chức nhất định. Đối với vị trí việc làm là lãnh đạo, quản lý thì có thêm chức danh lãnh đạo, quản lý.
- Đối với viên chức: Vị trí việc làm phải gắn với chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý tương ứng.
* Trình tự thực hiện, phương pháp xác định vị trí việc làm:
Việc xác định vị trí việc làm trong các cơ quan, đơn vị thuộc UBND huyện Lập Thạch thực hiện theo phương pháp tổng hợp. Xác định vị trí việc làm theo phương pháp tổng hợp được thực hiện trên cơ sở kết hợp giữa việc phân tích tổ chức, phân tích công việc với thống kê, đánh giá thực trạng đội ngũ công chức, viên chức của UBND huyện và được thực hiện theo các bước cơ bản sau:
Bước 1: Thống kê công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị trực thuộc (kể cả các công việc thực hiện chế độ hợp đồng lao động theo các quy định của pháp luật);
Bước 2: Phân nhóm công việc;
Bước 3: Xác định các yếu tố ảnh hưởng;
Bước 4: Thống kê, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ công chức, viên chức hiện có (số lượng, chất lượng, việc sử dụng, bố trí, phân công nhiệm vụ và kết quả thực hiện nhiệm vụ);
Bước 5: Xác định danh mục và phân loại các vị trí việc làm cần có để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị;
Bước 6: Xây dựng bản mô tả công việc của từng vị trí việc làm;
Bước 7: Xây dựng khung năng lực của từng vị trí việc làm;
Bước 8: Xác định ngạch công chức, hạng viên chức tương ứng (chức danh lãnh đạo quản lý nếu có, chức danh nghề nghiệp) với mỗi vị trí việc làm đã được xác định.
* Số lượng vị trí việc làm UBND huyện Lập Thạch: Phụ lục số 01 và 02.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và tiêu chuẩn công chức, viên chức đã được xác định, người làm công tác tổ chức xây dựng cơ cấu chức danh biên chế. Công tác này phải dựa trên chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, xác định khối lượng công việc của từng bộ phận, từng lĩnh vực để xác định số lượng chức danh biên chế, vị trí việc làm để bố trí cho phù hợp.
* Đánh giá lại công chức, viên chức để sử dụng, bố trí cho phù hợp:
Trong quá trình xác định vị trí việc làm cần xây dựng tiêu chuẩn đánh giá công chức, viên chức của UBND huyện. Đánh giá lại công chức, viên chức giúp thực hiện bước thứ 4 trong phương pháp xác định vị trí việc làm đảm bảo chính xác, khoa học hơn. Xác định vị trí việc làm khoa học sẽ loại bỏ những công chức, viên chức còn thiếu một vài tiêu chuẩn nhưng vốn là có đóng góp cho địa phương trong công tác quản lý hoặc những công chức, viên chức thiếu tiêu chuẩn bằng cấp nhưng có kinh nghiệm thực tiễn.
Đánh giá lại công chức, viên chức huyện là đánh giá lại những kiến thức cơ bản, kỹ năng làm việc, trình độ nghiệp vụ, năng lực và thái độ làm việc của công chức, viên chức huyện.
Đây là phương pháp hữu hiệu để đảm bảo chất lượng công chức, viên chức huyện, là biện pháp căn bản để đánh giá chính xác và thúc đẩy công chức, viên chức phát huy tính tích cực và sáng tạo của mình.
Việc đánh giá công chức, viên chức UBND huyện phải tiến hành công khai, có nhiều người tham gia kể cả người được đánh giá.
Việc đánh giá công chức, viên chức phải công bằng, các chuẩn mực đánh giá phải công bằng đối với công chức, viên chức.
Vì việc đánh giá lại chất lượng công chức, viên chức cho ta biết được thực trạng chất lượng công chức, viên chức UBND huyện như thế nào, để từ đó có những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức huyện. Vì vậy việc đánh giá lại phải chính xác, thông qua những tiêu chí định lượng, được cân đo đong đếm chính xác, tránh tuỳ tiện trong đánh giá.
Việc đánh giá lại nên tập trung vào:
Thứ nhất, đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ cả về số lượng, chất lượng và thời gian. Những sai sót, khuyết điểm cần được quan tâm để từ đó có những giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng công chức, viên chức huyện Lập Thạch.
Thứ hai, đánh giá mức độ uy tín của từng cá nhân công chức, viên chức đối với tập thể cơ quan.
Đây là nội dung đánh giá phản ánh tổng hợp kết quả phấn đấu của mỗi cá nhân công chức, viên chức huyện. Mức độ uy tín hay không uy tín được tập thể khẳng định nhìn nhận.
Thứ ba, đánh giá xem công chức, viên chức đó có phù hợp với vị trí công tác, yêu cầu nghề nghiệp đang đảm nhiệm hay không
Ở đây phải xem xét xem kết quả đạt được trong quá trình công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ của mình, đánh giá sự phấn đấu về chuyên môn qua thái độ học hỏi và các bằng cấp có được. Những ưu điểm thiếu sót cần được làm rõ trong trong quá trình đánh giá này, đánh giá tinh thần hoà nhập, trách nhiệm với tập thể xem ở vị trí việc làm đó người công chức, viên chức có phù hợp không, từ đó những hướng cụ thể phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp.
Quá trình đánh giá lại chất lượng công chức, viên chức huyện thì chủ thể đánh giá là tập thể, việc đánh giá nên được thực hiện thông qua các cuộc họp, việc đánh giá phải công khai, thủ trưởng đơn vị có vai trò quan trọng trong việc đánh giá lại chất lượng công chức, viên chức.